Chàng cử nhân lập nghiệp bằng kinh doanh cá cảnh
(QT) - Tốt nghiệp loại khá hệ cao đẳng chính quy về lĩnh vực công nghệ thông tin và được nhận vào làm ở một doanh nghiệp tư nhân, thế nhưng chàng trai trẻ Nguyễn Thành Công (25 tuổi), ở khu phố 8, phường 1, thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị đã từ bỏ tất cả để theo đuổi đam mê kinh doanh cá cảnh. Với Công, cá cảnh không chỉ là thú chơi tao nhã đơn thuần mà còn là một nghề kinh doanh có thu nhập.

Chàng cử nhân lập nghiệp bằng kinh doanh cá cảnh

(QT) - Tốt nghiệp loại khá hệ cao đẳng chính quy về lĩnh vực công nghệ thông tin và được nhận vào làm ở một doanh nghiệp tư nhân, thế nhưng chàng trai trẻ Nguyễn Thành Công (25 tuổi), ở khu phố 8, phường 1, thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị đã từ bỏ tất cả để theo đuổi đam mê kinh doanh cá cảnh. Với Công, cá cảnh không chỉ là thú chơi tao nhã đơn thuần mà còn là một nghề kinh doanh có thu nhập.

Nguyễn Thành Công đang chăm sóc bể thủy sinh cho khách hàng
Cửa hàng kinh doanh cá cảnh của Công nằm ở số 55 Nguyễn Trãi (TP. Đông Hà), được bày trí rất đẹp mắt. Mặc dù khá bận rộn với những loại cá mới nhập về song Công vẫn dành cho chúng tôi một cuộc trò chuyện thú vị. Công cho biết: “Từ lâu cá cảnh được coi là thú chơi tao nhã, người chơi cá cảnh không giới hạn tuổi tác hay điều kiện kinh tế bởi từ “bình dân” cho đến “thượng lưu” đều có thể tham gia. Thú chơi cá cảnh xuất hiện khá lâu ở các thành phố lớn, tuy nhiên ở Quảng Trị thì thú chơi này mới rộ lên vài năm gần đây nhưng không kém phần sôi động”. Nguyễn Thành Công thích nuôi cá cảnh từ lúc chưa tròn 10 tuổi và đến khi bước vào lớp 10, sở thích đó đã trở thành niềm đam mê thực sự. Công bắt đầu mua thêm sách hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, mày mò trên các trang mạng xã hội, diễn đàn cá cảnh để thu thập tài liệu nhằm nâng cao vốn kiến thức về cá cảnh. Tuy mới học THPT nhưng lúc này Công đã là cậu học sinh chơi cá cảnh khá sành. Công rất sành về chăm sóc và đặc tính của nhiều loài cá cảnh trên thế giới chứ không riêng gì ở Việt Nam. Bước chân vào giảng đường, Công vẫn mang theo niềm đam mê ấy. Trong gian trọ chật hẹp, Công vẫn dành riêng cho mình một góc để thỏa chí đam mê. Bước vào năm thứ 2, thấy thị trường cá cảnh ở Huế rẻ và phong phú trong khi đó người chơi cá cảnh ở Đông Hà lại cần nên Công bắt đầu nảy ý kinh doanh. Dành dụm tiền hàng tháng, Công bắt đầu mua cá cảnh giá rẻ đến vừa như: xiêm, chép vàng, trân châu, la hán, thần tiên... mang ra Đông Hà bán lại kiếm lãi. Khách hàng dần quen thuộc với hình ảnh cậu sinh viên bày bán cá cảnh trên đường Hùng Vương (TP. Đông Hà) vào dịp cuối tuần. Chất lượng cá tốt, chủng loại phong phú, giá lại rẻ hơn so với nhiều điểm bán khác nên công việc kinh doanh của Công luôn thuận lợi. Được khách hàng tin cậy, Công bắt đầu mua bán cá cảnh qua điện thoại rồi nhờ người nhà giao tận tay khách hàng. Công việc kinh doanh tưởng chừng để thỏa chí đam mê hóa ra lại thành công hơn mong đợi. Công thu về mỗi tháng 2,5 đến 3 triệu đồng tiền lãi nên tự lo cho bản thân mà không cần gia đình gửi tiền nuôi ăn học. Năm 2013, Nguyễn Thành Công tốt nghiệp ngành Công nghệ thông tin (hệ cao đẳng thuộc Trường Đại học Phú Xuân, TP Huế) và được nhận vào làm ở một công ty TNHH trên địa bàn với mức lương khởi điểm chưa đến 2,5 triệu đồng. Nghĩ đến cảnh làm việc gò bó mà thu nhập lại thấp nên Công quyết định không làm ở đó mà sẽ trở lại với niềm đam mê kinh doanh cá cảnh. Những ngày đầu, ba mẹ Công cũng có phần bất ngờ, lo lắng nhưng thấy con quyết chí, phân tích sâu sắc, hợp lý nên ông bà cũng tạo điều kiện cho con. Ban đầu Công dựng tạm quầy bán cá cảnh nhỏ bên đường gần nhà với số vốn vỏn vẹn không quá 10 triệu đồng, nhưng sau 1 năm kinh doanh, Công đã lãi được gần 50 triệu đồng. Tháng 10/2014, với số tiền tích cóp được sau một thời gian dài bán cá cảnh, anh đã quyết định thuê mặt bằng để mở quầy kinh doanh mang tên “Cá cảnh Thành Công”. Từ lúc mở quán, Công dành thêm thời gian nghiên cứu kiến thức về đặc điểm của từng loại cá cảnh. Sau đó trực tiếp đến các trung tâm kinh doanh cá cảnh lớn ở Hà Nội, Khánh Hòa, TP. Hồ Chí Minh để học hỏi kinh nghiệm và đặt hàng thường xuyên... Bước vào kinh doanh một thời gian ngắn, Công nhận ra nhu cầu của người chơi ngày càng lớn và càng “sành điệu” nên liền nhập về các giống cá mới có giá trị cao như: cá rồng (gồm huyết long, quá bối, ngân long), la hán, sam, hổ, dĩa, chép koi, cá mập, cá sấu, tai tượng... khiến người chơi cá cảnh đến với cửa hàng của Công tăng rất mạnh, nhiều người còn liên tục gọi đặt hàng. Thấy công việc thuận lợi nên anh mạnh dạn mở thêm dịch vụ cung ứng bể cá cảnh thủy sinh, nhận thiết kế, lắp đặt bể kính nuôi cá, đồng thời cung cấp các loại máy móc phụ kiện, thức ăn, thuốc chữa bệnh, đặc biệt là nhận chăm sóc, vệ sinh bể cá cảnh định kỳ cho người chơi. Các dịch vụ đó của Công đã khiến người chơi thêm tự tin, yên tâm khi giao dịch tại đây. Công cho biết thêm, chơi cá cảnh không chỉ đòi hỏi đam mê mà còn cần thêm vốn kinh nghiệm về nó. Với các loại cá ít tiền thì chỉ cần chăm sóc qua loa nó vẫn sống bình thường nhưng với loài cá rồng quý hiếm như: Quá bối, huyết long được mệnh danh là “vua cá cảnh” rất kén người chơi. Quy trình chăm sóc nó rất kỹ lưỡng, từ sục khí đến đo độ PH của nước, đèn sưởi ấm mùa đông, cho ăn cũng mất khá nhiều thời gian và nếu không cẩn thận thì mấy chục triệu đồng có thể mất đi trong tích tắc. Quy trình chọn một con cá rồng đẹp cũng đòi hỏi nhiều yếu tố và phụ thuộc vào túi tiền người chơi. Nếu dư giả thì chọn quá bối, kim long, huyết long (tầm 5 đến hàng chục triệu/ con) còn ít tiền thì chọn ngân long (dưới 5 triệu/con) và con cá rồng đẹp phải hội tụ đầy đủ các yếu tố như: màu sắc phải tươi, dáng bơi chậm mà uy nghi, mắt không xệ xuống, râu phải dài, môi khít, mang không quăn queo, đuôi và vây phải căng xòe. Mọi người còn nể phục Công ở cách sáng tạo trong việc kết hợp chơi cá phù hợp với phong thủy như: Tam tài (gồm: cá rồng, cá hổ và sam); long hổ hội (gồm cá rồng và thái hổ); tứ quý (gồm: cá rồng, kỳ lân, quy, phi phụng)... Anh Trần Đức Thắng (42 tuổi, trú tại phường 1, TP. Đông Hà), người chơi cá cảnh khá lâu năm đã dành cho Công nhiều lời khen ngợi. “Cậu Công tuy nhỏ tuổi nhưng kiến thức về chăm sóc, chữa bệnh, thiết kế bể nuôi, kết hợp cá cảnh với phong thủy khiến những người chơi như tôi phải học hỏi nhiều điều”. Hiện nay, ngoài việc bán cá cảnh, Công còn nhận chăm sóc bể cá định kỳ hàng tháng cho nhiều gia đình với mức thù lao khá cao. Trung bình mỗi tháng, trừ mọi khoản chi phí Nguyễn Thành Công cũng có thu nhập từ 8 đến 10 triệu đồng tiền lãi. Thời gian gần đây, nhu cầu chơi cá cảnh ở Quảng Trị không ngừng được mở rộng nên Công dự định trong thời gian tới sẽ tiếp tục mở rộng việc kinh doanh nhằm tạo lập một thương hiệu cho riêng mình, đồng thời mở rộng địa bàn kinh doanh ra các huyện, thị trong tỉnh. Thậm chí, Công còn dự định sẽ nhập các loại cá cảnh biển về bán để đa dạng thêm nguồn hàng phục vụ người chơi. Với sự tự tin, đam mê, dám nghĩ dám làm và chọn hướng đi đúng đắn, chàng trai trẻ Nguyễn Thành Công đã bước đầu tạo lập được sự nghiệp kinh doanh vững chắc cho riêng mình. Bài, ảnh: PHÚ HẢI