Nồng say men lá Đá Bàn
(QT) - Được chưng cất từ 9 loại rễ, quả, thân, vỏ, lá cây rừng mà người Pa Kô phải cất công vào tận rừng xanh, núi thẳm tìm kiếm mang về để làm nên thứ rượu men lá nồng say, dịu ngọt nơi cổ họng người uống. Và bất cứ ai khi đặt chân đến bản Đá Bàn (xã Ba Nang, Đakrông, Quảng Trị) chỉ cần được mời uống quá nửa chén rượu men lá là đã thấy lâng lâng... Pỉ Bông bên những xâu men lá treo trên giàn bếp

Nồng say men lá Đá Bàn

(QT) - Được chưng cất từ 9 loại rễ, quả, thân, vỏ, lá cây rừng mà người Pa Kô phải cất công vào tận rừng xanh, núi thẳm tìm kiếm mang về để làm nên thứ rượu men lá nồng say, dịu ngọt nơi cổ họng người uống. Và bất cứ ai khi đặt chân đến bản Đá Bàn (xã Ba Nang, Đakrông, Quảng Trị) chỉ cần được mời uống quá nửa chén rượu men lá là đã thấy lâng lâng...

Pỉ Bông bên những xâu men lá treo trên giàn bếp

Những ngày đầu tháng 6, nắng như đổ lửa, khí trời ngột ngạt, oi bức, dù đã “trú thân” trong căn nhà sàn thoáng đãng để mong hóng chút gió núi nhưng mồ hôi của tôi vẫn cứ túa ra như tắm. Tôi phải tự “làm mát” mình bằng ly nước to được rót ra từ chiếc ấm ám khói đặt ở giữa nhà. Vậy mà bên cạnh tôi, ông Hồ Văn Tường vẫn nhẫn nha với ly rượu men lá. Bắt gặp ánh mắt ngạc nhiên của tôi, ông cười nói: “ Pỉ Bông (vợ ông Tường) vào rừng đến chiếu tối mới về. Cứ nhấp chút rượu sẽ thấy hết mệt mỏi và đỡ bồn chồn vì phải ngồi đợi vợ. Bí quyết làm men lá chỉ có vợ miềng biết chứ miềng không biết. Khi làm men hay nấu rượu, miềng chỉ phụ vợ mấy việc lặt vặt thôi”. Chờ đến quá chiều thì Pỉ Bông từ rừng trở về với a chói đầy lá, thân, dây, vỏ cây rừng nặng trĩu trên vai. Mang a chói xuống khu bếp dùng để nấu rượu sau đó rải đều tất cả những thứ hái được từ rừng về lên tấm bạt sạch trải giữa nền bếp, Pỉ Bông mới lên nhà tiếp chuyện tôi. Pỉ Bông cho biết: “Nghề làm men lá và nấu rượu men lá của người Pa Kô ở bản Đá Bàn có từ lâu đời. Và chính rượu men lá là thức uống không thể thiếu trong các dịp lễ hội như lễ hội Puh Boh (lễ giữ rẫy), lễ hội Aya (hội mùa), lễ hội Ariêu Piing (lễ bốc mả) của người Pa Kô. Riêng miềng thì nghề làm men và nấu rượu men lá được mẹ truyền lại”. Như để tôi hiểu về quá trình làm men lá, Pỉ Bông tận tình giải thích cho tôi từng công đoạn. Theo Pỉ Bông thì muốn làm men lá trước hết phải có nguyên liệu là lá, quả, thân, vỏ của các loại cây rừng như cây tân tiêu, đau cân đau, cà luôi, tà mài (mây đắng), ô mòi, la ngêng, pliêm căn yang, ớt rừng, thuốc lá rừng. Ngày xưa, những loại lá, quả, thân, vỏ cây rừng này chỉ cần ra sau vườn nhà hoặc lên mấy quả đồi quanh bản là có thể hái đầy a chói mang về. Mấy năm trở lại đây, các loại cây rừng là nguyên liệu làm men lá ngày càng khan hiếm. Bây giờ, muốn có đủ nguyên liệu để làm một mẻ men lá, Pỉ Bông phải băng rừng, lội suối vào tận rừng sâu để đào, hái hoặc sang các bản của huyện Sê Pôn (tỉnh Savannakhet, Lào) mua về. Các loại lá, quả, thân, vỏ của cây rừng dùng làm men lá sau khi đào, hái về thì rửa thật sạch rồi tiến hành giã nhuyễn đem trộn với nếp đỏ cũng được giã thành bột (nếp đỏ là loại nếp được đồng bào dân tộc Pa Kô ở bản Đá Bàn trồng trên rẫy từ tháng 5 cho đến tháng 11 mới gặt mang về). Tỷ lệ trộn để cho ra một mẻ men lá chất lượng cao là khoảng 1 kg lá, thân, rễ, quả tươi cây rừng trộn với 60 lon nếp đỏ. Khi đã trộn đều hỗn hợp lá, quả, thân, vỏ của cây rừng cùng bột nếp đỏ thì bắt đầu đến công đoạn vo tròn thành từng viên rồi rải lên bạt cho khô. Khoảng 3 ngày sau, khi những viên men lá đã khô cứng lại thì tiếp tục đến công đoạn dùng sợi lạt để xâu men lá thành từng chùm rồi treo lên giàn bếp. Men lá được xem là đạt chất lượng khi dùng tay bẻ một miếng nhỏ cho vào bếp than hồng thì men sẽ bốc cháy và có ngọn lửa màu xanh lam. Men lá của bản Đá Bàn nếu bảo quản tốt ở nơi khô ráo đến cả năm sau vẫn sử dụng được cho việc chưng cất rượu. “Khi đã chuẩn bị xong men lá là đến công đoạn ủ men lá với nếp hoặc gạo đã được nấu chính để chưng cất rượu. Cứ cho 15 viên men lá bóp nhỏ trộn đều với khoảng 60 lon nếp, gạo nấu chính sau đó ủ (khoảng 2 – 3 ngày) cho đến khi ấn bàn tay vào thấy nổi bọt nước lên thì cho thêm nước tinh khiết vào rồi tiếp tục ủ kín trong chum, vại trong vòng 10 ngày (về mùa hè) và 15 ngày (về mùa đông) mới mang ra chưng cất rượu. Nhà miềng mỗi lần chưng cất một nồi rượu lấy được khoảng 4 – 5 lít rượu men lá. Hiện tại, rượu men lá do gia đình miềng làm ra bán với giá từ 70 – 80 nghìn đồng/lít” – Pỉ Bông cho biết thêm. Đang mặn chuyện với vợ chồng Pỉ Bông thì anh Hồ Văn Hòa (bản Đá Bàn, Ba Nang) đến chơi. Nghe chúng tôi đang nói chuyện sôi nổi về nghề nấu rượu men lá, anh Hòa góp chuyện: “Năm 2013, để bảo tồn nghề nấu rượu men lá truyền thống của đồng bào dân tộc Pa Kô, huyện Đakrông thông qua nguồn vốn khuyến công của huyện đã hỗ trợ gần 40 triệu đồng cho 10 hộ đồng bào dân tộc Pa Kô ở bản Đá Bàn để nấu rượu men lá. Với số tiền hỗ trợ đó, 10 hộ đồng bào dân tộc Pa Kô dùng để mua nguyện liệu như vỏ, thân, quả, rễ, lá cây rừng làm men lá và mua nếp đỏ được trồng từ rẫy để chưng cất rượu. Sản phẩm làm ra được huyện Đakrông hỗ trợ kinh phí để quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Từ khi có sự hỗ trợ của huyện, dân bản miềng mừng lắm. Vậy là nghề nấu rượu men lá truyền thống của dân tộc Pa Kô cứ tưởng mai này sẽ thất truyền giờ được khôi phục trở lại”. Đêm ở lại bản Đá Bàn, tôi cùng Hồ Văn Tường nhấp từng chén rượu men lá. Để chiều lòng khách, sau mấy chén đầy rượu men lá thì Hồ Văn Tường bắt đầu cất lên thanh âm làn điệu Terate’k của người Pa Kô. Làn điệu dân ca Pa Kô như vẳng tan vào thinh không của đêm vắng, tôi cũng như thấy mình bồng bềnh trong hương rượu tỏa ngát một góc rừng. Bài, ảnh: HOÀNG TIẾN SỸ