Thầy giáo Nguyễn Xuân Phùng và những vần thơ về nghề dạy học
(QT) - Thầy giáo Nguyễn Xuân Phùng kể rằng từ khi được cắp sách đến trường để học cái chữ, học làm người từ hơn năm mươi năm về trước, cậu bé Nguyễn Xuân Phùng lúc ấy đã hiểu nghề dạy học là một nghề vinh quang, cao quý. Trở thành giáo viên, thầy giáo Nguyễn Xuân Phùng có hơn bốn mươi năm dạy học với kiến thức chuyên môn, kỹ năng sư phạm, hiểu biết xã hội, khả năng nhìn nhận con người và cảm thấy những rung động tinh tế nhất của trái tim con người. Thơ của thầy khơi dậy ngọn lửa trong tâm hồn học sinh của mình, giúp học sinh của mình trở nên những con người hữu ích.
 |
Là giáo viên nên cảm hứng thơ ca của thầy giáo Nguyễn Xuân Phùng có tính xác định về chất, đồng thời có tính hệ thống với những điều có ý nghĩa quan trọng, tiêu biểu trong cuộc sống dạy và học. “ Em cắp sách đến trường/ Giữa tuổi đời- mùa Xuân tươi sáng/ Trang sách mở- tâm hồn tỏa rạng/ Trang cuộc đời- kết trái, đơm hoa/… Em cắp sách đến trường/ Lòng rạo rực niềm vui đất nước/ Thầy cô dắt tay- em vững vàng tiến bước/ Chân trời hồng rộng mở tương lai/ Tổ quốc trao em tất cả- ngày mai ” ( Trang sách mái trường ). Đây là cái nhìn bao quát của người nghệ sĩ đối với một hiện thực cụ thể của cuộc sống mà trong đó ông hiểu rõ đặc điểm tiêu biểu của nó và từ đó tạo ra được những khái quát nghệ thuật. Và khi đưa con đi học, với những tình cảm và ước mong tốt đẹp của mình, thầy giáo Nguyễn Xuân Phùng đã có những vần thơ ấm áp: “ Cha đưa con đến trường/ Giữa ngày vui: Khai giảng/ Cha đưa con đi đón bình minh tỏa rạng/ Khai trí, khai tâm vươn tới tầm cao/ Cha đưa con đến trường/ Vượt qua bao đèo, dốc/ Để trồng người quản gì khó nhọc/ Luôn mong con chăm chỉ học hành/ Cho rừng cây đời mãi mãi tươi xanh ” ( Đưa con đến trường ). Có lòng tin chói lọi và sáng rõ đối với sự nghiệp trồng người, thơ của thầy giáo Nguyễn Xuân Phùng có cuộc sống thật sự với những quá trình dạy và học được lĩnh hội, ghi nhớ, khắc họa: “ Em là cô giáo thị thành/ Hay tin miền núi, rừng xanh thiếu thầy/ Em liền tình nguyện lên đây/ Quây quần hôm sớm bên bầy chim non/ Thương trò như mẹ thương con …” ( Hoa nở đầu non ). Nhận thức hiện thực dạy học ở miền cao, ghi nhớ hiện tượng cô giáo tình nguyện dạy học ở miền núi là cách để thầy giáo Nguyễn Xuân Phùng thể hiện cuộc sống trong hình tượng nghệ thuật. Qua hình tượng nghệ thuật ấy, người đọc nhận thấy thái độ tích cực của người nghệ sĩ đối với người giáo viên và sự nghiệp trồng người. Ở một bài thơ khác, thầy giáo Nguyễn Xuân Phùng mở ra trong sự thụ cảm của người đọc niềm tin về một nghề cao cả: “ Người xưa gánh cực lên non/ Nay cô gánh chữ trèo hòn núi cao/… Sáng, chiều dắt, cõng đàn em/ Leo dốc, lội suối, trèo lèn núi cao/ Đường rừng vất vả, gian lao/ Đông vui trường lớp cô nào quản chi/ Vắt, sên, rắn, rết hiểm nguy/ Trò ngoan, chăm học còn gì vui hơn/ Thắp lên trên các triền non/ Ngọn lửa văn hóa- cội nguồn văn minh/ Cô gánh chữ bằng trái tim/ Trao đàn em nắng bình minh- tình người/ Mến thương cô giáo miền xuôi/ Lên núi trồng người gieo hạt tương lai ” ( Gánh chữ lên non ). Thầy giáo Nguyễn Xuân Phùng sáng tác thơ ca dựa vào việc phản ánh sự thật của cuộc sống để gợi mở trong người đọc nhận thức về cái cao cả của nghề giáo. Vì thế mà thơ của thầy khẳng định tâm niệm: “ Nhà giáo dồn tâm huyết nhiệt tình/ Cống hiến cuộc đời cho học sinh/… Nhà giáo nguyện suốt đời chăm sóc/ Vườn cây đời mãi mãi xanh tươi ” ( Nghĩ về nghề dạy học ). Và đó là điều luôn cổ vũ ông tìm tòi sáng tạo, soi sáng con đường mà ông đã chọn để đến với nghệ thuật ngôn từ, có nhiều tác phẩm in chung trong các tập thơ, văn Một thời để nhớ của Hội Giáo chức huyện Vĩnh Linh; tập thơ, văn Mái ấm trường xưa của Hội Giáo chức thành phố Đông Hà; tập văn, thơ Mái trường lũy thép của huyện Vĩnh Linh và Hội Văn học-Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị đồng thời in riêng các tập thơ Mong đời đẹp hơn (Nhà Xuất bản Văn hóa thông tin, năm 1998), Gieo hạt tương lai (Nhà Xuất bản Thuận Hóa, năm 2006). Bài, ảnh: NGUYỄN BỘI NHIÊN