Mô hình vừa học vừa làm là một trong những hình thức đào tạo phù hợp trong giai đoạn hiện nay
Đồng chí Phan Thị Thanh Minh, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo tỉnh Quảng Trị trả lời phỏng vấn

Mô hình vừa học vừa làm là một trong những hình thức đào tạo phù hợp trong giai đoạn hiện nay

Đồng chí Phan Thị Thanh Minh, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo tỉnh Quảng Trị trả lời phỏng vấn

Phóng viên (P/V): Thưa đồng chí, nhằm không ngừng bổ sung nguồn nhân lực có trình độ học vấn cho địa phương, xây dựng xã hội học tập, những năm qua, trên địa bàn tỉnh đã triển khai các hình thức đào tạo đa dạng với khá nhiều lĩnh vực, đáp ứng nhu cầu học tập, nâng cao trình độ chuyên môn của CB-CNVC và người dân. Tuy nhiên, từ trước đến nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị mới chỉ tổ chức được một lớp cử nhân chuyên ngành Báo chí. Nhân dịp lớp cử nhân tại chức ngành Báo chí khóa 25 tai Quảng Trị bế giảng, đề nghị đồng chí cho biết quá trình hình thành mối liên kết đào tạo và sự cần thiết phải tổ chức lớp cử nhân Báo chí này? Đồng chí Phan Thị Thanh Minh (Đ/c P.T.T.M): Có thể khẳng định rằng, trong suốt các giai đoạn lịch sử đấu tranh cách mạng, nền báo chí cách mạng Việt Nam nói chung và báo chí Quảng Trị nói riêng đã phục vụ đắc lực cho sự nghiệp thống nhất đất nước của Đảng và nhân dân ta. Ngày nay, báo chí cách mạng Việt Nam cũng đang đồng hành cùng toàn Đảng, toàn dân trong sự nghiệp CNH-HĐH quê hương, đất nước vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Cùng với báo giới cả nước, những người làm báo Quảng Trị đã vượt qua khó khăn, gian khổ để làm tốt công tác tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị, kinh tế-xã hội, an ninh- quốc phòng của địa phương. Được sự quan tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh, báo chí Quảng Trị đã không ngừng lớn mạnh và đạt được những thành tích rất đáng tự hào. Hiện nay, Hội Nhà báo Quảng Trị được đánh giá là một trong những Hội địa phương dẫn đầu cả nước về Giải báo chí toàn quốc và chuyên ngành của Trung ương. Tuy vậy, có một thực tế là nhiều người làm báo ở Quảng Trị chưa qua đào tạo chuyên ngành báo chí, mà tốt nghiệp các trường Đại học khác nhau chuyển sang làm báo. Vì thế, để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho những người làm báo ở các cơ quan báo chí, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ tuyên truyền trong giai đoạn mới, đào tạo những người có trình độ chuyên ngành để bổ sung vào đội ngũ những người làm báo, việc tổ chức một lớp Đại học báo chí hệ vừa học vừa làm ở Quảng Trị là vô cùng cần thiết và cấp bách. Được sự đồng ý của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Quảng Trị, sự phối hợp, giúp đỡ nhiệt tình, có trách nhiệm của Khoa Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, sau một thời gian tích cực chuẩn bị, ngày 18/4/2005, Hội Nhà báo Quảng Trị đã ký hợp đồng đào tạo với Học viện Báo chí và Tuyên truyền (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) mở lớp Đại học tại chức ngành Báo chí khóa 25 (2005-2009) tại Quảng Trị. PV: Đồng chí cho biết những kết quả chủ yếu trong công tác đào tạo của lớp đại học tại chức ngành Báo chí khóa 25 tại Quảng Trị. Đ/c P.T.T.M: Theo hợp đồng liên kết đào tạo, khoá học này thực hiện trong 4 năm với 195 đơn vị học trình. Tổng số học viên của lớp là 62 người (có 15 học viên học Đại học bằng 2, thời gian học tập là 2 năm), trong đó, Đài PT-TH Quảng Trị có 8 người, Báo Quảng Trị có 5 người, các Đài truyền thanh huyện, thị xã có 9 người, còn lại ở các cơ quan khác theo học. Vì tất cả vừa mới triển khai nên điều kiện để tổ chức lớp học gặp rất nhiều khó khăn. Cơ sở vật chất trường, lớp phục vụ cho việc đào tạo không có, Hội Nhà báo tỉnh phải hợp đồng thuê mướn của các đơn vị khác. Trong 4 năm đã phải chuyển địa điểm lớp học nhiều lần. Có những nơi, các trang thiết bị phục vụ như âm thanh, ánh sáng không đảm bảo, trong lúc đó, thời tiết, khí hậu ở Quảng Trị lại rất khắc nghiệt (nhất là về mùa hè) nên ảnh hưởng lớn đến việc dạy và học.

Sinh viên lớp Báo chí tại chức khóa 25 thực tập trình bày báo tại Báo Quảng Trị. Ảnh: PV
Kinh phí đào tạo của thầy và trò phải tự chủ hoàn toàn. Mức học phí quy định từ đầu khoá đến các năm sau do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, giá cả tăng, nhưng không tăng học phí nên rất khó khăn trong việc chi tiêu. Các học viên vừa học vừa làm. Có những kỳ học do yêu cầu đặc thù của công việc, một số học viên không đảm bảo về mặt chuyên cần, cũng đã ít nhiều ảnh hưởng đến việc học tập của lớp. Tuy vậy, Thường trực Hội Nhà báo tỉnh Quảng Trị đã khắc phục mọi khó khăn, tổ chức và quản lý tốt lớp học, tạo điều kiện thuận lợi cho cac giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền khi vào giảng dạy ở Quảng Trị. Đặc biệt, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã có sự quan tâm ưu ái đối với lớp báo chí tại chức khóa 25 tại Quảng Trị. Các giảng viên không quản ngại đường xa, khí hậu khắc nghiệt, đã đem hết nhiệt tình và trách nhiệm để giảng dạy...Với kinh nghiệm dày dặn, kiến thức sâu rộng, các thầy cô giáo đã truyền thụ cho học viên những kiến thức tinh giản, vững chắc nhất, phù hợp với đặc thù của một lớp vừa học vừa làm, bằng phương pháp học đi đôi với hành, lý luận gắn liền với thực tiễn. Các thầy cô giáo đã để lại những ấn tượng sâu sắc đối với lớp Báo chí khóa 25 Quảng Trị. Về phía các học viên, phát huy truyền thống của một vùng đất hiếu học, đa số các học viên đã khắc phục khó khăn, đảm bảo đi học chuyên cần, nghiêm túc trong giờ học ở lớp cũng như thực hành, làm bài tập ngoài giờ, chấp hành tốt các nội dung quy chế của lớp học do Hội Nhà báo tỉnh đề ra. Hội Nhà báo tỉnh và lớp cử nhân Báo chí khóa 25 Quảng Trị đã xây dựng được mối quan hệ tốt đẹp với các giảng viên Khoa Báo chí và Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Sau 4 năm đào tạo, các học viên đã được trang bị những kiến thức cơ bản và cần thiết về nghề báo, các kỹ năng làm báo và phương pháp luận trong việc phân tích, mổ xẻ, đánh giá các vấn đề trong cuộc sống. Kết quả thi tốt nghiệp cuối khoá, 100% học viên đỗ tốt nghiệp. Trong đó khá giỏi 41/62 người, chiếm tỷ lệ 68%; trung bình khá 21/62 người, chiếm tỷ lệ 32%, không có học viên xếp loại trung bình. Theo đánh giá của Ban Đào tạo tại chức, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, đây là lớp đại học tại chức đạt kết quả cao nhất trong cả nước. PV: Qua việc phối hợp tổ chức lớp Báo chí tại chức khóa 25, đồng chí có thể rút ra những kinh nghiệm gì? Đ/c P.T.T.M: Từ lớp Báo chí tại chức khóa 25 tại Quảng Trị, có thể khẳng định, mô hình vừa học vừa làm là một hình thức đào tạo phù hợp trong bối cảnh hiện nay, nhất là đối với các địa phương vùng sâu, vùng xa. Sự nhiệt tình năng động của lãnh đạo Hội Nhà báo các tỉnh, thành phố, sự phối hợp chặt chẽ giữa Học viện Báo chí và Tuyên truyền với Hội Nhà báo các tỉnh, thành phố là yếu tố quan trọng quyết định chất lượng đào tạo của lớp học. Sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, của các cơ quan báo chí là điều kiện tiên quyết để Hội Nhà báo hoạt động, mở các lớp bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ ngắn hạn và dài hạn cho hội viên, nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng làm báo cho đội ngũ những người làm báo tỉnh nhà. Đến nay, khoá học đã hoàn thành. Quảng Trị có thêm 62 cử nhân báo chí chuyên ngành. Một số học viên đã trở về các cơ quan báo chí tiếp tục làm việc với vốn kiến thức đã được trang bị, chắc chắn kết quả và hiệu quả công tác sẽ được nâng lên. Một số người sẽ bổ sung vào đội ngũ những người làm báo tỉnh nhà. Số còn lại có thể không trở thành nhà báo mà hoạt động ở các lĩnh vực khác nhưng những kiến thức đã được học, những phương pháp luận đã được trang bị sẽ giúp anh chị em rất nhiều trong công tác. P/V: Xin cảm ơn đồng chí. PV (thực hiện)