(QT) - Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã được Quốc hội khóa XII thông qua tại kỳ họp thứ 8 ngày 7/11/ 2010 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2011 là bước ngoặt quan trọng trong việc góp phần xây dựng môi trường tiêu dùng lành mạnh và bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người tiêu dùng. Một trong những quyền cơ bản của người tiêu dùng được quy định tại Điều 8 của Luật: “Người tiêu dùng có quyền được bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác khi tham gia giao dịch, sử dụng hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp”. Mặc dù vậy, nhiều người tiêu dùng vẫn chưa nắm rõ luật và không biết cách bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình; việc triển khai thi hành pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thời gian qua vẫn còn bất cập đòi hỏi phải có những giải pháp quyết liệt, đồng bộ hơn nữa để đưa luật vào cuộc sống.
Từ khi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ra đời, công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng từ phía cơ quan nhà nước bước đầu được quan tâm thực hiện. Riêng ở Quảng Trị, từ năm 2011 đến nay, Sở Công thương đã tiến hành cấp 47 giấy phép cơ sở đủ điều kiện sản xuất thực phẩm, 39 giấy phép cơ sở đủ điều kiện kinh doanh thực phẩm. Lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra 1.294 vụ, phát hiện và xử lý 463 vụ, tổng số tiền xử phạt hành chính trên 212 triệu đồng, giá trị hàng hóa tịch thu trên 10,4 tỉ đồng. Tuy nhiên, trên thực tế, việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng xuất hiện nhiều hình thức thương mại, các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ mới, đòi hỏi cần có nhiều giải pháp để bảo vệ và nâng cao vị thế của người tiêu dùng.
Theo Hội tiêu chuẩn và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam, cả nước mới chỉ có 2,5% số người tiêu dùng biết tới luật hay các văn bản pháp luật bảo vệ người tiêu dùng. Điều này cho thấy, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chưa thực sự đi vào cuộc sống. Trong thời điểm hiện nay, việc người tiêu dùng phải đối mặt với tình trạng thực phẩm bẩn hoặc hàng giả, hàng nhái tràn lan không còn là chuyện lạ. Hàng hóa ngày một nhiều, hàng thật hàng giả lẫn lộn khiến người tiêu dùng như sa vào “ma hồn trận”, không yên tâm lựa chọn sản phẩm đã đành, khi mua phải hàng giả, hàng nhái, nhiều người cũng chỉ biết im lặng cho qua. Từ năm 2011 đến nay, Sở Công thương Quảng Trị chỉ tiếp nhận và giải quyết 2 hồ sơ liên quan đến khiếu nại của người tiêu dùng. Con số đó đã nói lên phần nào tâm lý e ngại, né tránh của người tiêu dùng khi quyền lợi của mình bị xâm phạm.
Theo khảo sát của Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Quảng Trị, nguyên nhân của tình trạng trên là do nhiều người có quan niệm giá trị tranh chấp nhỏ (38,56%), thủ tục khiếu nại, khiếu kiện đến cơ quan có thẩm quyền phức tạp (22,05%) hay nghĩ rằng đơn vị kinh doanh sẽ không giải quyết (15,92%). Cũng có người không biết quy định pháp luật có liên quan (11,1%) và không biết đến cơ quan, tổ chức hỗ trợ giải quyết khiếu nại cho người tiêu dùng (10,75%). Những năm qua, Văn phòng tư vấn giải quyết khiếu nại người tiêu dùng Quảng Trị đã tham gia và tư vấn cho người tiêu dùng giải quyết nhiều vụ khiếu nại có giá trị hàng hóa thấp như về chỉ số đồng hồ đo điện nước, mua hàng hóa không đáp ứng chất lượng…
Với các vụ việc hàng hóa có giá trị cao trên 100 triệu đồng gặp khó khăn trong việc giải quyết bằng phương thức thương lượng. Công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đòi hỏi có sự cố gắng từ cơ quan Nhà nước, các tổ chức xã hội, cộng đồng doanh nghiệp và cả bản thân người tiêu dùng. Ngoài việc tăng cường công tác thanh kiểm tra, xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật, cần tuyên truyền để người tiêu dùng nắm được các quyền và nghĩa vụ của mình. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, người tiêu dùng cần có kiến thức trong việc lựa chọn sản phẩm và trong quá trình sử dụng, nếu có khiếu nại hay thắc mắc phải tìm đến cơ quan chức năng có thẩm quyền để giải quyết, không nên im lặng. Đây cũng là một việc làm cần thiết để quyền lợi của người tiêu dùng được đảm bảo. Nếu mỗi cá nhân, người tiêu dùng có trách nhiệm với bản thân mình, có trách nhiệm với xã hội thì công tác bảo vệ người tiêu dùng sẽ hiệu quả hơn.
Thời gian tới, Bộ Công thương sẽ chủ trì xây dựng Đề án Chương trình quốc gia về đẩy mạnh công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng giai đoạn 2016-2020, trong đó nêu rõ những hoạt động trọng tâm, trách nhiệm cụ thể của Bộ Công thương, các tỉnh, thành phố và các cơ quan liên quan đến công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời xử lý các hành vi vi phạm pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Tại buổi lễ công bố Ngày quyền của người tiêu dùng Việt Nam (15/3/2016), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định rằng, để có thể xây dựng một môi trường tiêu dùng bền vững, công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cần có những đột phá và chung tay hành động mạnh mẽ hơn từ phía Chính phủ cũng như toàn hệ thống các cơ quan quản lý Nhà nước, tổ chức xã hội. Thủ tướng cho rằng, phải nâng cao ý thức chấp hành pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của các chủ thể tham gia thị trường, trong đó cần nhận thức được rằng công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng không chỉ là nghĩa vụ mà còn là quyền lợi và trách nhiệm, lợi ích chung của toàn xã hội. Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu cần nghiên cứu và thống nhất mô hình tổ chức, quản lý bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng áp dụng trên phạm vi cả nước, đồng thời cụ thể hóa chính sách, đổi mới cơ chế để có thể hỗ trợ tích cực cho các tổ chức liên quan.
Vì quyền lợi của người tiêu dùng, hãy cùng nhau nỗ lực xây dựng một môi trường tiêu dùng minh bạch, công bằng và lành mạnh.
HOÀI NAM