Tân Sở rạng ngời nghĩa khí Cần Vương
(QT) - Thất bại của quân đội triều đình trong trận tấn công quân Pháp ở đồn Mang Cá đêm 4 rạng ngày mồng 5 tháng 7 năm 1885 (22, 23 tháng năm Ất Dậu) dẫn đến sự kiện kinh thành thất thủ, phái chủ chiến đứng đầu là phụ chính đại thần Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường đã quyết định rời bỏ kinh thành đưa vua Hàm Nghi xuất bôn tìm đường cứu nước.  Theo các cứ liệu lịch sử, mờ sáng hôm ấy (5/7/1885), đoàn hộ giá vua Hàm Nghi cùng Tam cung ( bà Từ Dụ, Trang Ỷ, Ngọc Phi là mẹ và hai người vợ yêu của ...

Tân Sở rạng ngời nghĩa khí Cần Vương

(QT) - Thất bại của quân đội triều đình trong trận tấn công quân Pháp ở đồn Mang Cá đêm 4 rạng ngày mồng 5 tháng 7 năm 1885 (22, 23 tháng năm Ất Dậu) dẫn đến sự kiện kinh thành thất thủ, phái chủ chiến đứng đầu là phụ chính đại thần Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường đã quyết định rời bỏ kinh thành đưa vua Hàm Nghi xuất bôn tìm đường cứu nước. Theo các cứ liệu lịch sử, mờ sáng hôm ấy (5/7/1885), đoàn hộ giá vua Hàm Nghi cùng Tam cung ( bà Từ Dụ, Trang Ỷ, Ngọc Phi là mẹ và hai người vợ yêu của Hàm Nghi) rời khỏi Huế đi theo hướng tây – nam theo ngã chùa Thiên Mụ. Do phải tránh sự truy cản của quân Pháp, đoàn xa giá theo thượng đạo đi dần ra phía bắc, qua Trường Thi (làng La Chữ) và dừng chân nghỉ tạm tại Văn Xá đêm hôm đó. Sáng hôm sau (6/7) đoàn người tiếp tục lên đường và đến thành Quảng Trị buổi chiều cùng ngày. Tuần vũ Quảng Trị Trương Quang Đản rước vua cùng Tam cung về nghỉ ở hành cung và sắp xếp quan quân phòng bị. Hai ngày dừng chân ở thành Quảng Trị, trong tâm trạng rối bời và không ít hoang mang, không chịu nổi cuộc sống bôn ba, nhiều người trong Hoàng phái và đoàn tùy tùng có ý định quy trở về Huế. Không để những tư tưởng cầu an, thoái chí trỗi dậy, Tôn Thất Thuyết quyết tâm đưa vua Hàm Nghi lên thành Tân Sở mưu sự nghiệp lớn. Đoàn hộ tống vua Hàm Nghi lúc này chỉ còn khoảng 500 người rời khỏi thành Quảng Trị ngày 9/7/1885 và đến được Tân Sở vào ngày hôm sau.

Bảo kiếm và báu vật của vua Hàm Nghi để lại. Ảnh: TL

Thành Tân Sở được xây dựng từ năm 1883, với mục đích phòng khi kinh thành Huế có sự cố. Chính Nguyễn Văn Tường trong thời kỳ làm tri huyện Cam Lộ đã tìm thấy sự hiểm yếu của căn cứ sơn phòng này và khi được giao nhiệm vụ xây thành Tân Sở, ông đã huy động hàng nghìn binh lính cùng dân phu giúp sức mà xây dựng nên. Theo nhà nguyên cứu Lê Quang Thái, “cả dã sử và chính sử sau này đều khen địa cuộc Tân Sở và cho rằng hai ông Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường là những người sành địa lý, dịch học và binh pháp. Tân Sở có mạch đất thể hiện tính biểu tượng vương quyền: Long Cầu – con rồng có ngà. Điều này cũng giống như đất Thừa Thiên có địa danh Thanh Long và Bạch Hổ”. Theo nhiều người kể lại, khi vua đến Tân Sở, để đánh lạc hướng và tránh tai mắt dòm ngó của kẻ thù, ngài được đưa đến nghỉ ở nhà dân. Lúc đầu là nhà ông Nguyễn Vạn ở xóm Cây Đa, thôn Mai Lộc, xã Cam Chính, sau đó chuyển sang nhà ông Trần Hạnh ở xóm Đôộng (Bảng Sơn, Cam Nghĩa). Với địa thế hiểm trở, lại được sự cưu mang che chở của người dân, nhà vua và đoàn hộ giá mong muốn lưu lại ở Tân Sở lâu dài để dấy binh chống Pháp, khôi phục lại giang sơn. Ngày 13/7/1885, dụ Cần Vương lần thứ nhất được phát đi, với lời lẽ vô cùng thống thiết: “ Từ xưa kế sách chống giặc không ngoài ba điều: đánh, giữ, hòa. Đánh thì chưa có cơ hội, giữ thì khó lường được sức, hòa thì chúng đòi hỏi không biết chán. Đương lúc sự thể muôn vàn khó khăn như vậy, bất đắc dĩ phải dùng quyền. Thái vương dời xa đất Kỳ, Huyền tôn sang chơi đất Thục, người xưa cũng đều đã có làm. Nước ta gần đây ngẫu nhiên gặp nhiều việc. Trẫm tuổi trẻ nối ngôi, không lúc nào không nghĩ đến việc tự cường, tự trị. nhưng bọn tây phái đến càng ngang bức, hiện tình mỗi ngày một quá thêm… Trẫm đức mỏng, gặp biến cố này không thể hết sức giữ được, để đô thành bị hãm, xa giá phải dời xa, tội ở mình trẫm cả, thật xấu hổ vô cùng. Nhưng chỉ có Luân – Thường quan hệ với nhau, bách quan khanh sĩ không kể lớn nhỏ, tất không bỏ xa trẫm: kẻ trí hiến mưu kế, người dũng hiến sức lực, kẻ giàu bỏ của ra giúp quân nhu, đồng bào đồng thạch chẳng từ gian hiểm… Cứu nguy chống đổ, mở chỗ nguy khốn, giúp nơi bức bách đều không tiếc tâm lực, ngõ hầu lòng trời giúp thuận, chuyển loạn thành trị, chuyển nguy thành an, thu lại bờ cõi…” Bài dụ (mà chúng ta thường gọi là Chiếu Cần Vương lần thứ nhất) được phát đi như một lời tuyên bố hùng hồn ý chí quyết tâm đánh Pháp khôi phục giang sơn xã tắc, đồng thời cũng là lời hiệu triệu quân dân phò vua cứu nước. Và từ đây, trên vùng đất có thế “Long cầu”, một “triều đình kháng chiến” đã ra đời và chính danh điều hành công cuộc “cứu nguy chống đổ, thu lại bờ cõi”. Triều đình kháng chiến đó đứng đầu là vua Hàm Nghi, một vị vua trẻ nhưng đầy khí phách và trách nhiệm trước giang sơn và những cận thần trung quân ái quốc như Tôn Thất Thuyết, Trần Xuân Soạn, Lê Trực, Nguyễn Phạm Tuân, Tôn Thất Đạm, Tôn Thất Thiệp… Và theo tiếng gọi Cần Vương, tất cả những người có tâm huyết, thiết tha với nền độc lập dân tộc đều sẵn sàng đứng lên chống Pháp. Án sát Quảng Trị Tôn Thất Nam đưa 200 nghĩa quân vừa mới tuyển mộ lên tăng cường cho Tân Sở, Tổng đốc hưu trí Võ Trọng Bình cũng mộ được một số quan quân tương đối lớn từ Quảng Bình kéo vào, đó là chưa kể hàng trăm dân chúng trong vùng cũng đồng tình đứng dậy. Đó là những sĩ phu yêu nước, những văn quan võ tướng dù đương chức hay đã về hưu cùng đông đảo quần chúng nhân dân, họ đã đứng dậy phất cao ngọn cờ đại nghĩa, tạo nên cao trào chống kẻ thù xâm lược mạnh mẽ nhất từ trước tới nay. Cao trào ấy đã được thể hiện dưới hình thức khởi nghĩa vũ trang do các sĩ phu văn thân cầm đầu. Có thể nói rằng, sau lời hịch Cần Vương, khắp Trung, Nam, Bắc đâu đâu cũng có phong trào dấy nghĩa, cũng có sĩ phu nổi dậy lập căn cứ kháng chiến. Tại Quảng Trị, nghĩa quân của Trương Đình Hội, Nguyễn Tự Như, Hoàng Văn Phúc, Ngô Văn Nghệ hoạt động khắp nơi, tiến quân đánh chiếm thành Quảng Trị, ngăn chặn bước tiến của quân Pháp, bảo vệ vua, bảo vệ triều đình kháng chiến. Phong trào Cần Vương mỗi địa phương biểu hiện ở mỗi sắc thái khác nhau. Ở Bình Định, dưới sự lãnh đạo của Phạm Toản, Mai Xuân Thưởng, phong trào chống Pháp xâm lược đã kết hợp chặt chẽ với chống triều đình bù nhìn Đồng Khánh. Một trong những sĩ phu hưởng ứng chiếu Cần Vương tích cực nhất phải kể đến Phan Đình Phùng ở Hà Tĩnh. Ông đỗ Đình nguyên tiến sĩ năm Đinh Sửu (1877) đời vua Tự Đức, được bổ làm quan đến chức Ngự sử. Ngày 21/3/1883 khi Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường phế truất vua Dục Đức, đưa người em vua Tự Đức là Hạng Quốc Công lên làm vua, lấy niên hiệu là Hiệp Hòa, liền bị Đình nguyên Phan Đình Phùng phản đối và cho rằng “tự quân (vua Dục Đức) chưa có tội gì mà làm sự phế lập như thế, sao phải đạo”. Lập tức ông bị phụ chính đại thần Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường cách chức đuổi về quê. Khi chiếu Cần Vương được ban ra, Phan Đình Phùng đã dẹp bỏ thù hận cá nhân, đặt lòng trung nghĩa với vua với nước lên trên hết, lặn lội vào Tân Sở để nhận chiếu. Trước mặt vua Hàm Nghi, Phan Đình Phùng đã quỳ xuống mà thề rằng: “Nguyện hết sức Cần Vương cứu nước, chết cũng không từ”. Do nhận thấy những bất lợi của căn cứ Tân Sở, chỉ sau hơn 10 ngày lưu lại tại đây, Tôn Thất Thuyết quyết định đưa vua Hàm Nghi ra phía Bắc. Tuy nhiên trên đường đi quân do thám cho biết quân Pháp đang bủa vây đón lõng chờ bắt vua và đoàn hộ giá tại nhiều nơi, Tôn Thất Thuyết đưa vua quay lại Tân Sở để tìm đường vượt qua Mai Lĩnh, đèo Lao Bảo, sang Lào để về căn cứ Sơn phòng Hà Tĩnh. Cuộc bôn tẩu của nhà vua và đoàn tùy tùng đã phải đối mặt với muôn vàn khó khăn gian khổ, nhưng với ý chí kiên cường và niềm tin sâu sắc vào con đường cứu dân, cứu nước mà mình đã lựa chọn, vua tôi đã can đảm vượt qua, đã khắc vào lịch sử dân tộc những trang bi tráng. Thành Tân Sở - Kinh đô kháng chiến chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn. Sau khi chiếm được thành, để trả thù, quân Pháp cho đốt phá và triệt hạ toàn bộ. Chúng cho nổ các kho thuốc súng, phả bỏ nhà cửa và các hào lũy, một số súng đạn được gom lại đem về thành Cam Lộ. Để trả thù, quân Pháp đã giết hại hàng trăm người dân các làng xung quanh thành như Mai Đàn, Bảng Sơn, Mai Lộc vì chúng cho rằng đã giúp đỡ quân kháng chiến chống lại Pháp. Theo thời gian và những tàn phá của con người, Tân Sở giờ đây chỉ còn là phế tích. Bước đi trên mảnh đất thiêng đã đi vào lịch sử, ta nghe như trong gió xôn xao tiếng voi gầm, ngựa hý và tiếng những đoàn quân rầm rập bước đi dưới lá cờ đại nghĩa Cần Vương. Sự sống của Tân Sở không dài nhưng sức sống của Tân Sở và hịch Cần Vương vẫn còn vang vọng mãi, nó đã làm rạng rỡ thêm truyền thống chống ngoại xâm, giữ vững nền độc lập dân tộc mà cha ông đã để lại cho cháu con hôm nay và cho cả mai sau. HOÀNG ĐỨC