Ngổn ngang trên đất Thành Cổ
Bài 4: Nhiều nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm môi trường trên địa bàn

Ngổn ngang trên đất Thành Cổ

Bài 4: Nhiều nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm môi trường trên địa bàn

Nghị quyết của Bộ Chính trị về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước nêu rõ: "Bảo vệ môi trường là một trong những vấn đề sống còn của nhân loại; là nhân tố bảo đảm sức khoẻ và chất lượng cuộc sống của nhân dân; góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế-xã hội, ổn định chính trị, an ninh quốc gia và thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta". Thời gian qua, các cấp, ngành và chính quyền địa phương ở thị xã Quảng Trị đã có nhiều giải pháp tích cực để ngăn chặn, hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường xảy ra trên các địa bàn dân cư, nhất là các cụm dân cư trong khu vực đô thị. Người dân cũng đã ý thức được vấn đề ô nhiễm môi trường có ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sức khoẻ của con người nên đã đặt nhiệm vụ bảo vệ môi trường ngang tầm với các nhiệm vụ khác có liên quan đến đời sống dân sinh. Tuy vậy, tình trạng ô nhiễm môi trường do nhiều nguyên nhân khác nhau ở thị xã vẫn còn xảy ra, trong đó nguyên nhân đầu tiên là do công tác quản lý, bảo vệ môi trường trên địa bàn chưa được quan tâm đúng mức.

Rác vứt bừa bãi bên đường về Ba Bến, thuộc địa bàn khu phố 7, phường 2, thị xã Quảng Trị
Theo báo cáo của Công ty Cổ phần công trình môi trường đô thị Quảng Trị, đến nay trên địa bàn có 15 trường học, 57 cơ quan, đơn vị và 2137/3945 hộ gia đình hợp đồng đăng ký thu gom rác thải, chiếm 51,2%. Công ty đã tổ chức quét rác hàng ngày trên 3 trục đường chính: Quang Trung, Trần Hưng Đạo, Lê Duẩn và 10 cặp xe kéo trực tiếp đi thu gom rác ở các hộ gia đình, cơ quan, đơn vị. Hiện Công ty chỉ mới thu gom xử lý được 2/3 phần rác thải ra môi trường trên địa bàn (khoảng 40 m3/ngày, đêm). Nghị quyết của HĐND thị xã đề ra mục tiêu phấn đấu trong năm 2008 có trên 70% số hộ hợp đồng thu gom rác thải, nhưng xem ra khó thực hiện được vì giá thu gom rác thải cao, nhận thức của một bộ phận người dân về vệ sinh môi trường chưa cao, chính quyền địa phương chưa quan tâm đúng mức... Vậy số rác thải của các hộ gia đình còn lại được xử lý như thế nào? Một chị công nhân thu gom rác thải ở thị xã Quảng Trị cho biết: Ngoài một số hộ gia đình có vườn rộng, tự tiêu huỷ rác thải bằng cách tự đốt, nhưng cũng chỉ xử lý được trong mùa hè, số rác thải mà một số người dân không đăng ký thu gom vứt ra những nơi công cộng, lòng, lề đường, công nhân thu gom rác phát hiện được sẽ thu gom, số còn lại vứt bừa bãi ra những nơi khác không thể thu gom được nên gây ô nhiễm môi trường là chuyện đương nhiên. Theo chị, nếu có phát hiện được người dân thiếu ý thức vứt rác bừa bãi cũng không thể xử phạt vì chưa được cho phép. Ngoài ra, trên địa bàn thị xã còn có nhiều hộ gia đình chăn nuôi lợn không có hầm, hố xử lý, để phân chảy tràn lan làm ô nhiễm cả khu dân cư. Về vấn đề này, nhiều người dân đã kiến nghị nhưng ở một số khu phố, số hộ nuôi lợn gây ô nhiễm môi trường vẫn chưa được xử lý.

Đường Trần Phú (đoạn cắt đường Nguyễn Trãi) đang là đường đất đỏ, hai bên nhiều bờ bụi là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường
Rác thải vứt bừa bãi ra môi trường trên các tuyến đường ở thị xã Quảng Trị còn quá nhiều, nhất là trên vỉa hè đoạn Quốc lộ 9 (phía trước Công an thị xã), đường Lê Hồng Phong (đoạn giáp đường Ngô Thì Nhậm), đường Ngô Quyền (đoạn giáp chợ thị xã Quảng Trị), đường Hai Bà Trưng (đoạn giáp đường Phan Chu Trinh), đường Phan Chu Trinh (phía trước Bệnh viện Triệu Hải)...Ông Nguyễn Xuân Tăng, cán bộ Văn Phòng UBND phường 2, cho biết, trên địa bàn có một bãi rác vô chủ nằm bên trái tuyến đường về Ba Bến, thuộc khu phố 7, phường 2 (đoạn sát kênh Nam Thạch Hãn) gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Phường và khu phố 7 đã nhiều lần triển khai lực lượng thu gom nhưng sau đó người dân lại đưa rác đến tập kết tại vị trí này. Hiện khu phố vẫn chưa có giải pháp gì để xoá bãi rác vô chủ. Tìm hiểu chúng tôi được biết, bên trái tuyến đường Phan Thành Chung, thuộc địa bàn phường 1 (đoạn trước Trường tiểu học Nguyễn Du) còn có thêm một bãi rác vô chủ khác nữa. Rác thải không được thu gom gặp trời mưa lớn sẽ trôi dạt xuống các tuyến kênh, mương, đường ống thoát nước chảy về tấp vào bên bờ sông, các hồ nước dọc đường Nguyễn Trãi giáp kênh Nam Thạch Hãn, đường Trần Phú đoạn cắt đường Nguyễn Trãi, đường Ngô Thì Nhậm, các khu dân cư thuộc vùng thấp trũng như: khu phố 6, 7, phường 2 đã gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn. Các hồ nước xung quanh Thành Cổ và hồ nước tự nhiên trên địa bàn khi mưa đến nước đưa rác thải về tấp đầy quanh hồ. Sau khi nước rút, số rác thải còn mắc lại cùng với nguồn nước bẩn đã gây ô nhiễm môi trường đối với cộng đồng dân cư sống xung quanh hồ. Bà Võ Thị Hoa Mai, Phó Chủ tịch UBND thị xã Quảng Trị đã đưa ra giải pháp để tăng số hộ đăng ký thu gom rác thải, xoá bãi rác vô chủ trên địa bàn bằng việc đưa vào các chỉ tiêu thi đua của hộ gia đình, khu phố văn hoá...Theo bà, có như vậy mới xây dựng được thị xã sạch, đẹp và sớm trở thành đơn vị điển hình văn hoá. Ghé vào nhà chị Thu, ở đường Phan Chu Trinh để tìm hiểu về sự ô nhiễm môi trường từ các hồ nước phía trước Bệnh viện Triệu Hải gây nên. Nhận ra chúng tôi là người quen, chị Thu không ngần ngại nói: Vào những ngày nắng nóng, từ hồ bốc lên một mùi hôi rất khó chịu, nhất là vào buổi trưa và buổi tối, khi trời lặng gió. Nhưng điều mà chị lo lắng nhất là vào lúc trời chập choạng tối, muỗi ở nhà chị rất nhiều, các cháu nhỏ không tự xua đuổi được nên bị đốt liên tục. Một số gia đình sống quanh các hồ nước trên địa bàn thị xã Quảng Trị cũng đã nói với tôi về tình trạng môi trường xuống cấp nghiêm trọng ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. Tìm hiểu về ô nhiễm môi trường do bãi rác ở khu phố 1, phường 1 gây ra đối với đời sống và sinh hoạt của người dân trên địa bàn, chúng tôi được một số người dân ở khu phố 1 và 2A, phường 1, thị xã Quảng Trị cho biết: Những năm qua, chính quyền và các ngành liên quan ở thị xã đã triển khai nhiều biện pháp tích cực nhằm hạn chế sự ô nhiễm môi trường do bãi rác gây ra đối với đời sống và sinh hoạt của người dân trên địa bàn. Song trong quá trình đô thị hoá, lượng rác thải sinh hoạt cũng như rác thải xây dựng, sản xuất trên địa bàn thị xã ngày càng nhiều, trong khi đó bãi rác này mặt bằng quá chật hẹp lại ở gần khu dân cư, trường học và các công trình công cộng nên việc xử lý tại bãi rác chỉ mới thực hiện bằng phương pháp thủ công, thô sơ đã không tiêu huỷ hết được lượng rác có trước đây. Đến nay, bãi rác đã đóng cửa để xử lý bên trong nên cũng đỡ gây ô nhiễm môi trường cho khu vực xung quanh. Điều mà nhiều người dân lo lắng nhất hiện nay, là nguồn nước uống cung cấp cho thị xã được bơm lên từ hồ nước Tích Tường bị ảnh hưởng do nước từ bãi rác rò rỉ, thấm xuống sẽ gây tác hại lớn đối với sức khoẻ của nhân dân trên địa bàn. Người dân ở đây đã nhiều lần kiến nghị về việc di dời bãi rác nhưng chưa được các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương giải quyết. Khi được hỏi về bãi rác trên địa bàn khu phố 1, phường 1 được xử lý như thế nào, ông Nguyễn Trí Tuân, Phó Chủ tịch UBND thị xã Quảng Trị cho hay: Trước tình hình ô nhiễm của bãi rác, UBND thị xã đã có văn bản kiến nghị với tỉnh và các ngành liên quan xem xét giải quyết để sớm giúp thị xã có nơi đổ rác mới. Tỉnh đã quan tâm đầu tư trên 1 tỷ đồng phục vụ "đóng cửa bãi rác" để xử lý bên trong bãi rác như: san lấp, phân loại, đốt, chế phẩm...nhưng cũng chỉ kéo dài khoảng từ 1-2 năm do bãi rác đã quá tải. Hiện nay, tỉnh đã có quy hoạch bãi rác chung cho các huyện, thị xã trong khu vực. Chắc chắn khi đó ô nhiễm môi trường từ bãi rác sẽ không còn nữa. Ô nhiễm môi trường trên địa bàn thị xã Quảng Trị còn có nguyên nhân do cơ sở hạ tầng trên địa bàn còn quá nhiều bất cập như: Hệ thống giao thông chưa đồng bộ (còn 30% tuyến đường vào khu dân cư chưa được bê tông hoá); các trục đường mới mở ở các khu quy hoạch hầu hết là đường đất đỏ mùa mưa xe các loại chạy qua lại làm đường bị xói lở, bùn đất nhão nhoẹt, còn mùa nắng nóng gió thổi bụi bặm bay mù mịt gây ô nhiễm môi trường xung quanh. Người dân trên địa bàn thị xã Quảng Trị đang mong chờ phương án xử lý ô nhiễm môi trường do các nguyên nhân trên gây ra đối với đời sống và sinh hoạt của người dân, ngăn chặn sự bùng phát dịch bệnh trong một số khu dân cư từ phía các cơ quan chức năng của thị xã Quảng Trị và tỉnh. (Còn nữa) Bài và ảnh: NGUYỄN VĂN HAI Kỳ sau: Để thị xã Quảng Trị sớm trở thành đơn vị điển hình văn hoá