* Nhà thơ Hữu Thỉnh tái đắc cử chủ tịch Hội Nhà văn VN lần thứ 3
(TTO) - Đại hội Hội Nhà văn VN lần thứ 8 đã chính thức khai mạc sáng 6-8 sau hai ngày họp nội bộ. Ông Trương Tấn Sang - ủy viên Bộ Chính trị, thường trực Ban Bí thư - đã đến chúc mừng các nhà văn và phát biểu tại đại hội.
Ông Trương Tấn Sang - ủy viên Bộ Chính trị, thường trực Ban Bí thư - và các nhà văn tại đại hội - Ảnh: N.Đ.Toán |
Bên lề đại hội * Sức khỏe trên hết. Có hẳn một bàn y tế thường trực được đặt trước cửa ra vào hội trường. Cẩn thận không thừa chút nào, rất nhiều nhà văn quá mệt mỏi vì nóng bức và bầu bán đã thường xuyên ghé vào... đo huyết áp. Ngay trong đại hội, nhà văn Hồ Khải Đại, tuổi trên 80, đã phải vào viện cấp cứu do lên huyết áp và nhà văn Trần Chính Vũ do cố gắng lên thang gác đã bị ngã gãy tay, phải nhập viện. * Xe chở nhà văn có công an dẫn đường. Chưa bao giờ nhà văn VN “danh giá và quan trọng” đến thế. Từ khách sạn nơi các đoàn nhà văn ở đến Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh khá xa, nhưng các đoàn xe đi đều có còi hụ và cảnh sát dẹp đường. Giờ cao điểm, người dân thủ đô đi trên đường đều phải dạt vào lề nhường đường cho xe chở nhà văn. |
Ông Trương Tấn Sang nói: “Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị về văn học nghệ thuật khẳng định: Đảng và Nhà nước khuyến khích mọi tìm tòi, sáng tạo, mọi phong cách và bút pháp; tôn trọng tự do sáng tạo nghệ thuật đi đôi với đề cao trách nhiệm công dân, trách nhiệm xã hội của nhà văn; tạo điều kiện thuận lợi, cần thiết về tinh thần và vật chất cho các nhà văn...
Tuy nhiên, nhân tố quyết định làm nên những tác phẩm để đời vẫn là tài năng, tâm huyết và nỗi lòng đau đáu của các nhà văn đối với cuộc sống, với con người, với nhân dân và Tổ quốc”.
Trong ba ngày làm việc, các nhà văn đã trình bày khoảng 15 trong số hơn 100 tham luận gửi đến đại hội. Nhiều nhà văn tỏ ra băn khoăn, tiếc nuối khi rất nhiều tham luận tâm huyết và có giá trị văn chương cũng như thái độ công dân tích cực đã không được trình bày do có quá nhiều thời gian dành cho việc bầu cử.
Nhà văn Trần Thùy Dương bày tỏ những bức xúc: “Trước khi nói đến việc tôn vinh - văn chương thật sự cũng rất cần điều ấy - phải biết tôn trọng văn chương như chính nó cần được tôn trọng. Sự đòi hỏi bắt đầu từ môi trường cho văn học, bắt đầu từ chính tư duy của xã hội (hay của Nhà nước).
Không thể gò văn chương trong cái gọi là hiện thực đơn thuần. Dù cho hiện thực đó trong sáng tác của nhà văn có khốn khổ hơn, cay đắng hơn thì đó cũng chỉ là sự thẩm thấu và trình bày cuộc sống theo cách của nhà văn. Đó chính là điều khác biệt của mỗi người mà ta phải tôn trọng. Một xã hội còn nhiều thiên kiến, chưa chịu rộng mở, trái tim chưa đủ bao dung thì thật khó tạo được một môi trường tốt cho những tác phẩm tâm huyết ra đời”.
Nhà văn Đặng Minh Liên kêu gọi các đồng nghiệp tiếp tục viết về “những niềm đau”, vì theo ông, nhờ nỗi đau mà người ta lớn dậy. Ông báo động tình trạng vô cảm của nhà văn đang hùa theo xã hội “quên đi mà vui sống”.
Nhà văn Nguyễn Đắc Xuân trong ba phút ngắn ngủi được phép trình bày tại diễn đàn đã kêu gọi có một thái độ cởi mở hơn, mạnh dạn kết nạp các nhà văn tâm huyết với đất nước đang ở nước ngoài.
Nhà thơ Hữu Thỉnh tái đắc cử chủ tịch Hội Nhà văn VN lần thứ 3 Với 618/666 phiếu bầu của Đại hội Hội Nhà văn VN lần thứ 8, nhà thơ Hữu Thỉnh đã tái đắc cử vào ban chấp hành và lần thứ ba trở thành chủ tịch Hội Nhà văn VN. Nếu tính cả thời gian nhà thơ Hữu Thỉnh thay thế nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm ở giữa nhiệm kỳ khi nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm trở thành bộ trưởng Bộ Văn hóa - thông tin (cũ), nhà thơ Hữu Thỉnh đã là chủ tịch Hội Nhà văn VN trong bốn nhiệm kỳ liên tiếp. Ba phó chủ tịch của Hội Nhà văn VN là Nguyễn Trí Huân (tái đắc cử), Lê Quang Trang và Nguyễn Quang Thiều. Trưởng ban kiểm tra là nhà văn quân đội Khuất Quang Thụy. Một ban chấp hành mới gồm 15 người đã được bầu ra sau đúng một ngày đêm bầu cử căng thẳng, ngoài chủ tịch và các phó chủ tịch còn có các nhà văn: Trung Trung Đỉnh, Khuất Quang Thụy, Nguyễn Thị Thu Huệ, Trần Đức Tiến, Đào Thắng, Võ Thị Xuân Hà, Đình Kính, Vũ Hồng, Nguyễn Hoa, Văn Công Hùng và Phan Trọng Thưởng. Ban chấp hành mới sẽ họp vào tháng 9 để phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên. |
THU HÀ
____________________
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Ảnh: T.H. |
Người trẻ tạo dòng chảy mới cho văn học
Đắc cử với nhiều kỳ vọng của các nhà văn VN về một nhân tố mới, tài năng và nhiệt huyết trong ban chấp hành, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều chia sẻ với Tuổi Trẻ về những dự định của mình trong cương vị mới.
* Thưa ông, là một người đã rất thành công trong việc tổ chức các hoạt động quảng bá văn học VN ra nước ngoài với tư cách cá nhân, từ hôm nay ở cương vị mới, ông có ý định gắn những hoạt động ấy vào trong chương trình hành động của Hội Nhà văn?
- Tất nhiên với tư cách cá nhân, tôi vẫn sẽ tiếp tục những dự án quảng bá văn học VN và giao lưu văn hóa quốc tế từng nhận được sự ủng hộ hết lòng của các mạnh thường quân và giới truyền thông. Nhưng tôi sẽ phát triển thành các sự kiện văn hóa thường niên với sự tham gia trong vai trò chủ đạo của Hội Nhà văn.
Chúng tôi sẽ tiếp tục lựa chọn những gì tinh túy nhất của văn học VN để tổ chức dịch thuật, in ấn và quảng bá, đồng thời tiếp tục tổ chức những cuộc gặp gỡ như Hội thảo văn học Việt - Mỹ vừa rồi để đưa các nhà văn VN hội nhập với văn chương thế giới ngay trên đất nước mình.
* Từng là thủ lĩnh của một trường phái thơ trẻ, rồi nhiều năm phụ trách tờ Văn Nghệ Trẻ của Hội Nhà văn, ông có thấy giật mình khi nghe con số chỉ có 17 hội viên nhà văn dưới 40 tuổi?
- Chúng ta ai cũng sẽ phải đối mặt với tuổi già. Đến một ngày tôi cũng sẽ tóc bạc, răng rụng, lẩm cẩm nói trước quên sau. Tuổi già không có lỗi gì, nhưng để cho tuổi trẻ trôi qua một cách hoài phí thì rõ ràng là một cái tội. Khi biết chính xác con số chỉ 17/922 người dưới 40 tuổi, nghĩa là chỉ khoảng 1,7% thì tôi giật mình lo sợ.
Thật ra với người viết chân chính, việc ở trong hay ngoài hội không ảnh hưởng gì đến sáng tác của họ cả, nhưng nếu hội cởi mở hơn sẽ có khả năng hỗ trợ tốt hơn cho hoạt động sáng tác của anh em viết trẻ. Có thể trong tư duy không có sự chối bỏ tuổi trẻ, nhưng trong cách thể hiện hội đã để cho những người viết trẻ nhận thấy sự thờ ơ, cách biệt giữa hai thế hệ, vì vậy họ cũng không mấy mặn mà với hội.
Giờ đây, muốn người viết trẻ tham gia các hoạt động của hội phải liên tục tạo ra những hoạt động văn học sôi nổi để mời họ nhập cuộc. Và phải chấp nhận cách sống, cách tư duy, cách viết mới mẻ khác biệt của họ. Họ chính là những người tạo dòng hải lưu mới cho văn học. Nếu làm được điều này, đó sẽ là một trong những thành công quan trọng nhất của Hội Nhà văn.
TH.H. thực hiện