Bài học công nghệ
(SGGP) - Mặc dù bị chỉ trích nhiều, thậm chí có lúc là thậm tệ, nhưng FIFA qua World Cup 2014 cũng đã để lại nhiều dấu ấn đáng kể về công tác tổ chức thi đấu và xứng đáng cho các nền bóng đá đang phát triển trên thế giới học hỏi. Từ trực tiếp trận đấu bằng kỹ thuật 3D, áp dụng công nghệ goal-line, dùng sơn tự hủy trong các tình huống đá phạt, hay mới nhất là luật cooling-break (tạm nghỉ 3 phút để uống nước khi nhiệt độ vượt qua mốc 30°C)... Những biện pháp này ban đầu tưởng chừng sẽ khiến các ...

Bài học công nghệ

(SGGP) - Mặc dù bị chỉ trích nhiều, thậm chí có lúc là thậm tệ, nhưng FIFA qua World Cup 2014 cũng đã để lại nhiều dấu ấn đáng kể về công tác tổ chức thi đấu và xứng đáng cho các nền bóng đá đang phát triển trên thế giới học hỏi. Từ trực tiếp trận đấu bằng kỹ thuật 3D, áp dụng công nghệ goal-line, dùng sơn tự hủy trong các tình huống đá phạt, hay mới nhất là luật cooling-break (tạm nghỉ 3 phút để uống nước khi nhiệt độ vượt qua mốc 30°C)... Những biện pháp này ban đầu tưởng chừng sẽ khiến các trận đấu của World Cup mất đi vẻ đẹp và sự phóng khoáng của nó (bóng đá muốn giữ được tính hấp dẫn có lẽ chẳng nên chuẩn mực hóa luật đi kèm), nhưng rốt cuộc theo đánh giá của nhiều nhà chuyên môn, nó đã góp phần hạn chế tranh cãi trên sân, đồng thời không làm mất đi tính bất ngờ của môn chơi này. Tất cả những biện pháp mà FIFA áp dụng tại Brazil 2014 đã được thử nghiệm ở nhiều giải đấu trước đó, từ giải trẻ thế giới cho đến Copa America và đều cho kết quả khả quan. Cơ bản, kể cả giới chuyên môn lẫn cầu thủ và HLV khi được hỏi đều đồng thuận, vì các biện pháp này đôi lúc sẽ cứu họ khỏi 1 bàn thua mười mươi, hoặc trả lại cho họ bàn thắng nhờ công nghệ goal-line... Ngoại trừ công tác trọng tài là chưa ổn cho lắm (theo đánh giá của đa số HLV cũng như giới chuyên môn), còn lại các giải pháp mà FIFA áp dụng có thể cho là hợp lý. Từ nay (hy vọng thế) sẽ không còn những “bàn thắng ma” kiểu mà Diego Maradona từng thực hiện, vì goal-line là công cụ hỗ trợ đắc lực và phân định chính xác bóng đã bay qua vạch vôi trong khung thành hay chưa. Rõ ràng, nó đỡ tốn kém hơn việc mỗi trận đấu cử thêm 2 ông trọng tài đứng gần khung thành chỉ để xác định trái bóng đã đi hết biên ngang, hoặc đã vào lưới hay vẫn còn nằm bên ngoài. Từ nay, các cầu thủ làm hàng rào trước 1 quả đá phạt không thể ăn gian, không thể lấn tới nhằm hạn chế góc sút của cầu thủ đối phương. Như thế xem ra cũng công bằng. Vậy, những nhà tổ chức bóng đá Việt Nam học được chút gì từ sân chơi World Cup? Nội chuyện FIFA sử dụng giải pháp cooling-break giúp cầu thủ 2 đội giải tỏa sự nóng bức, căng thẳng dưới thời tiết ngột ngạt cũng có thể học được rồi. Nhiều sân cỏ ở Việt Nam, như miền Tây, miền Trung nếu đá tầm khoảng 15 giờ 30 thì nhiệt độ cũng thường ở mức trên 30°C, dư sức áp dụng cooling-break. Có thể trang bị máy quay goal-line đối với V-League thì khó vì nó khá tốn kém, song dùng sơn tự hủy trong đá phạt ở các trận đấu thì không đến mức phải bó tay. Nói chung, những gì mà FIFA đang làm xứng đáng để các nền bóng đá dù là tiên tiến nhất như châu Âu hoặc đang lên như châu Á, châu Mỹ phải học tập. UEFA thì sáng tác theo cách riêng và lâu nay vẫn nổi tiếng là thích đi “ngược kèo” với FIFA. Nhưng vì ở đấy, bóng đá và công nghệ đi kèm rất phát triển, nên họ có lý khi phát triển theo cách riêng và tôn trọng FIFA khi bước vào hệ thống giải đấu mà tổ chức này quản lý. Không biết những bài học từ World Cup 2014 có thấm chút xíu nào vào tư duy của giới chức bóng đá Việt Nam hay không? LÊ QUANG