Đào tạo nghề phải gắn với giải quyết việc làm
Cán bộ Trung tâm Giới thiệu Việc làm Quảng Trị chuẩn bị các điều kiện cần thiết phục vụ cho sàn giao dịch việc làm. Ảnh: N K

Đào tạo nghề phải gắn với giải quyết việc làm

Cán bộ Trung tâm Giới thiệu Việc làm Quảng Trị chuẩn bị các điều kiện cần thiết phục vụ cho sàn giao dịch việc làm. Ảnh: N K

Trong bối cảnh hội nhập toàn diện nền kinh tế như hiện nay thì chất lượng đào tạo và tay nghề của lao động khi tham gia vào các thành phần kinh tế là mối quan tâm hàng đầu. Mặt khác, công cuộc CNH-HĐH đất nước rất cần đến lực lượng lao động có tri thức và làm chủ khoa học công nghệ. Những yêu cầu đó đặt ra một thách thức không nhỏ đối với công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động. Theo thống kê của Sở Lao động-Thương binh & Xã hội từ năm 2001- 2007 toàn tỉnh đã tạo việc làm mới cho 49820 lao động, hỗ trợ tăng thêm thời gian làm việc cho hơn 62720 người. Hai hội chợ việc làm được tổ chức năm 2004 và 2006 đã góp phần quan trọng để phát triển thị trường lao động. Cùng với giải quyết việc làm, tỉnh đã quan tâm đến công tác đào tạo nguồn nhân lực nói chung, đào tạo nghề nói riêng và ban hành nhiều chủ trương, chính sách phù hợp. Từ năm 2001-2007, các cơ sở dạy nghề trên địa bàn đã đào tạo được 30.474 người, trong đó đào tạo hệ dài hạn được 2.372 người. Công tác đào tạo nghề đã từng bước đáp ứng thị trường sử dụng lao động, nhu cầu việc làm của người lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, từng bước nâng cao đội ngũ lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật phục vụ cho phát triển kinh tế -xã hội của địa phương. Tuy nhiên, công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm ở trong tỉnh vẫn còn hạn chế, đặt ra nhiều vấn đề bức xúc cần phải được quan tâm giải quyết. Cho dù tỉnh đã ban hành các chính sách về lao động, việc làm và học nghề nhưng chưa được triển khai thực hiện đầy đủ. Công tác giới thiệu việc làm, dạy học nghề và xuất khẩu lao động bước đầu đã thu được kết quả song việc tổ chức thực hiện vẫn còn nhiều bất cập. Bên cạnh đó, nhận thức về học nghề, việc làm của người lao động còn hạn chế nên số lượng và chất lượng lao động qua đào tạo còn thấp, chưa đáp ứng được thị trường lao động. Hiện nay tỷ lệ lao động đã qua đào tạo nghề mới chỉ đạt 17,36%. Trong khi đó dự tính đến năm 2.010, số thanh niên bước vào độ tuổi lao động có nhu cầu việc làm là 48.940 người, trong đó ở khu vực thành thị là 9.750 người, nông thôn 39.190 người. Một thực tế ở trong tỉnh thời gian qua là công tác đào tạo nghề chưa gắn với giải quyết việc làm nên nhiều lao động sau khi đã được đào tạo nghề vẫn không kiếm được việc làm hoặc phải làm trái nghề. Bình quân trong 10 người dân ở khu vực nông thôn thì có đến 6 người chưa có việc làm ổn định, trong đó có 2-3 người đã cơ bản trang bị cho mình một thứ nghề cho dù là thô sơ như gò hàn, sửa chữa điện tử, điện dân dụng. Thực tế này cần phải được nhìn nhận lại hiệu quả và trách nhiệm của các cơ sở đào tạo nghề. Hai hội chợ việc làm được tổ chức trong những năm vẫn chưa thật sự tạo ra thị trường tuyển dụng lao động đích thực và hiệu quả. Thành công của các hội chợ được nhìn nhận ở góc độ thu hút một số lượng người chủ yếu là thanh thiếu niên tham gia phỏng vấn, chứ trên thực tế số lượng lao động được tuyển dụng vào làm việc tại các doanh nghiệp rất ít. Những đơn vị, doanh nghiệp tham gia hội chợ chưa thực sự mặn mà lắm với công tác tuyển dụng. Đơn vị, doanh nghiệp đến tham gia hội chợ đưa ra những thông số và nội quy tuyển dụng nhưng không chủ động phỏng vấn, chọn lựa và tìm kiếm lao động. Đặc biệt có không ít doanh nghiệp đến với hội chợ việc làm một cách đối phó, nặng về hình thức quảng bá thương hiệu nên chưa thực sự chú tâm đến việc tuyển dụng. Điều này đã tạo ra những dư luận không hay, đôi khi là thiếu thiện cảm của người cần tìm việc đối với các đơn vị, doanh nghiệp, đặc biệt là các đơn vị trong tỉnh. Từ những mặt tồn tại nêu trên, vấn đề đặt ra cần phải đẩy mạnh công tác xã hội hóa việc đào nghề gắn với tạo việc làm, bởi đây là nhu cầu bức xúc cho người lao động. Cần phải hiểu thêm rằng giải quyết việc làm cho người lao động không đơn thuần là hoàn thành công tác đào tạo nghề. Bởi vì có gắn việc đào tạo nghề và giải quyết việc làm thành một chuỗi liên hoàn mới mang lại hiệu quả đích thực. Tạo việc làm ở đây cần phải đặc biệt chú trọng đến nhiều lĩnh vực như xuất khẩu lao động định kỳ, tư vấn giới thiệu việc làm thông qua các sàn giao dịch việc làm. Nếu triển khai tốt các hình thức tuyển dụng lao động ở các doanh nghiệp và liên kết chặt chẽ với các đơn vị xuất khẩu lao động mới hy vọng tạo ra việc làm đích thực cho người lao động. Để làm được điều này, trước hết cần phải tạo ra sự thống nhất cao từ chủ trương đến hành động. Về các chủ trương, giải pháp hiện nay ở trong tỉnh đã cơ bản hoàn thiện, song phía các đơn vị thực hiện cần phải tổ chức triển khai một cách có hiệu quả nhất. Nhưng trước hết phải xem công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm là công việc của cả cộng đồng chứ không riêng của Trung tâm giới thiệu việc làm hay Sở Lao động-Thương binh & Xã hội. Mỗi một người dân phải nhận thức rằng tạo được việc làm ổn định cho bản thân và giúp một người khác có việc làm là giảm bớt một gánh nặng cho một gia đình. Điều này đồng nghĩa với việc góp phần ổn định đời sống kinh tế và xã hội. Bài và ảnh: Tân Nguyên