Tổng kết công tác tài nguyên và môi trường
QTO - Hôm nay 31/12, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022.  Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tham dự. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng dự hội nghị tại điểm cầu Quảng Trị.

Tổng kết công tác tài nguyên và môi trường

Hôm nay 31/12, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tham dự. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng dự hội nghị tại điểm cầu Quảng Trị.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng tham dự tại điểm cầu Quảng Trị - Ảnh: T.N

Năm 2021, ngành TN&MT cả nước đạt được những chỉ tiêu cơ bản, đóng góp trực tiếp, quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô. Trong đó, đã tháo gỡ vướng mắc thể chế để phát huy nguồn lực tài nguyên trong phát triển kinh tế - xã hội, nút thắt về quỹ đất đai được giải quyết, bình ổn thị trường vật liệu xây dựng, bảo vệ nguồn nước, phòng chống hạn hán; nguồn thu ngân sách đất đai đạt gần 15,2% ngân sách nội địa, nguồn thu từ khoáng sản đạt 4.589 tỉ đồng, thu tài nguyên nước đạt khoảng 5.900 tỉ đồng.

Cải cách thủ tục hành chính tiếp tục được thúc đẩy với 95% số thủ tục hành chính được trả kết quả đúng hạn; 61/63 tỉnh, thành phố thực hiện liên thông thủ tục đất đai với các tổ chức tín dụng trong thanh toán nghĩa vụ tài chính giúp cắt giảm thời gian chi phí tuân thủ thủ tục cho người dân, doanh nghiệp...

Cũng trong năm 2021, qua khảo sát của các tổ chức độc lập, chỉ số hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với thủ tục đất đai và môi trường tăng 4,14% so với năm trước, tỉ lệ doanh nghiệp phản ánh sự phiền hà trong thủ tục hành chính giảm 7%; tỉ lệ người dân quan ngại về môi trường giảm từ 8,85% năm 2019 xuống còn 4,03%; số lượng đơn thư, khiếu kiện giảm 28%...

Năm 2022, ngành TN&MT đặt ra mục tiêu chủ yếu: Hoàn thành việc lập và phê duyệt các quy hoạch quốc gia, các quy hoạch ngành; kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh giai đoạn 2021-2025, quy hoạch sử dụng đất cấp huyện thời kỳ 2021-2030. Đơn giản hóa 10-15% thủ tục hành chính và chi phí tuân thủ thủ tục trong lĩnh vực TN&MT; 90-100% dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ và được tích hợp với Cổng Dịch vụ công quốc gia; 63/63 tỉnh thành phố kết nối liên thông thủ tục thanh toán nghĩa vụ tài chính với cơ quan thuế, tổ chức tín dụng...

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đánh giá cao kết quả đạt được của ngành TN&MT trong năm 2021, toàn ngành đã tập trung giải quyết hiệu quả các vướng mắc, điểm nghẽn để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển; tổng kết đánh giá, hoàn thiện thể chế, phù hợp với yêu cầu phát triển của đất nước giai đoạn mới.

Thời gian tới, Phó Thủ tướng Chính phủ đề nghị ngành TN&MT tập trung thực hiện các nội dung chủ yếu: Tiếp tục quan tâm chỉ đạo cụ thể bảo đảm hoàn thành Đề án tổng kết Nghị quyết 19 về đổi mới chính sách pháp luật về đất đai trình Bộ Chính trị xem xét; xây dựng Đề án sửa đổi luật đất đai trình Quốc hội trong năm 2022.

Tổ chức thực hiện quy hoạch sử dụng đất quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, tầm tình 2030; kế hoạch sử dụng đất 2021 - 2025. Trong đó, Bộ TN&MT triển khai các chỉ tiêu cụ thể cho các địa phương, tạo điều kiện tối đa cho các địa phương phát triển kinh tế - xã hội. Rà soát, phân nhóm các dự án vi phạm pháp luật về đất đai xử lý nghiêm minh, tránh để kéo dài, gây lãng phí lớn về nguồn lực.

Đẩy mạnh công tác điều tra, đánh giá trữ lượng khoáng sản, nhất là khoáng sản chiến lược trên biển, đất liền. Bộ TN&MT cần triển khai sớm hoàn thành quy hoạch không gian biển vùng bờ giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050.

Tổ chức hiệu quả Luật Bảo vệ môi trường, kiểm soát xả thải, xử lý nghiêm minh, đúng quy định pháp luật các cơ sở gây ô nhiễm. Nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo các loại hình thiên tai nhằm giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản.

Đặc biệt, quyết tâm phấn đấu, thực hiện theo cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26) với mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, đặc biệt là mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

Tiến Nhất