Người đàn ông với tình yêu A chói
(QT) - Không biết từ bao giờ trong ông đã chứa chan niềm đam mê với việc đan A Chói (cái gùi). Tuổi ấu thơ, ngày nào vào lúc sáng sớm cũng được bố mẹ đưa lên nương rẫy mưu sinh, chứng kiến từng giọt mồ hôi đổ xuống trên khuôn mặt của người thân để làm ra hạt lúa, củ khoai, quả bắp, củi đốt... và, ai cũng phấn khởi khi trời chiều trở về nhà cái A chói trĩu nặng lương thực trên lưng.

Người đàn ông với tình yêu A chói

(QT) - Không biết từ bao giờ trong ông đã chứa chan niềm đam mê với việc đan A Chói (cái gùi). Tuổi ấu thơ, ngày nào vào lúc sáng sớm cũng được bố mẹ đưa lên nương rẫy mưu sinh, chứng kiến từng giọt mồ hôi đổ xuống trên khuôn mặt của người thân để làm ra hạt lúa, củ khoai, quả bắp, củi đốt... và, ai cũng phấn khởi khi trời chiều trở về nhà cái A chói trĩu nặng lương thực trên lưng.

Mỗi khi A chói trong nhà dùng lâu bị hỏng ông lại chăm chú nhìn bố chuẩn bị vật liệu, đan lại cái mới. Mỗi công đoạn, cách đan A chói dần thấm vào trong trí nhớ và được ông thực hành trên đôi tay có “hoa” của mình qua mấy chục năm nay. Ông Hồ Văn Quế, sinh năm 1940, người dân tộc Pa Cô, ở khóm 6, thị trấn Khe Sanh tiếp chúng tôi bên căn nhà sàn mới được tu sửa khá khang trang, ông mở đầu câu chuyện với chúng tôi bằng một đoạn trong bài hát “Tiếng đàn Ta - lư” của nhạc sĩ Huy Thục mà ông tâm đắc xưa nay: “Đi chiến trường, gùi trên vai nặng trĩu Đàn Ta lư, em hát tiếng ca vang lừng núi rừng mừng thắng trận quê em”

Đan A chói là niềm say mê của ông Quế

“Trong bài hát “Tiếng đàn Ta - lư”, bác thấy thích nhất là đoạn này đấy cháu ạ, nó bao quát được toàn cảnh của “thắng trận”, sơn nữ, tiếng đàn, núi rừng và .. cả A chói (“gùi trên vai nặng trĩu”) nữa!”. Ông Quế nói với chúng tôi mà trong đôi mắt ông ánh lên niềm vui khôn tả. Cũng đúng thôi, bởi A chói luôn gắn bó với cuộc đời ông.

Quan sát trong quá trình nói chuyện, chúng tôi thấy trên đôi tay ông không lúc nào rời dây mây đang đan dở cái A chói dành tặng vợ nhân dịp ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3. Khi biết tôi cũng là người Pa Cô nhưng lại... không biết đan A chói như thế nào, ông Quế nhiệt tình: “Để đan được A chói đúng theo kiểu truyền thống thì phải rất kì công. Đan liên tục trong vòng từ 3 - 4 ngày mới xong 1 A chói. Vật liệu chủ yếu là tre và mây. Bác phải vào tận xã A Vao (Đakrông) để lấy mây, tre thì ở nhà đã có sẵn...”. Theo ông Quế thì cách đan A chói cơ bản như sau: Chặt tre ra từng đoạn, chẻ lạt, vót tre. Trước hết là đan phần đế. Đế A chói là 4 góc vuông, phần nhiều đan bằng mây. Sàn đế được đan từng lỗ hở vừa phải khoảng 0,5 cm (có tác dụng thoát bụi bặm ra ngoài khi gùi), dùng 2 thanh mây dài khoảng 30-50 cm (tuỳ theo kích cỡ của A chói) đặt chéo nhau dưới sàn đế sao cho cân xứng đủ sức chịu lực khi chứa đồ phía trong thân A chói, dùng sợi mây nhỏ đan thành từng múi chặt 4 đầu của 2 thanh mây, và đan tạo 4 trụ nhỏ chắc chắn dưới sàn đế.

Tiếp theo là đan thân A chói, các múi đan sít lại (có loại được cách tân đan hở hình con thoi hoặc hình tròn đoạn giữa thân). Dùng 4 đoạn tre dài từ 70 cm-1 m (tuỳ kích cỡ) nẹp vào 4 phía thân tạo cho vuông góc, dùng mây đan, nẹp chắc chắn xung quanh thân và ở phía 4 thanh tre. Ở 2/3 A chói từ dưới lên đan 4-5 quai bằng nhau (1-2 quai phụ khi đồ đầy ràng dây lại cho chắc chắn) để đặt dây cùi.

Phần trên cùng (còn gọi là miệng), dùng 2 vòng tre, 1 to, 1 nhỏ uốn tròn rồi dùng dây mây đan thành múi nẹp lại. Dây gùi ngày xưa người ta thường dùng bằng vỏ cây rừng đập dẹp cho mềm, đan lại phơi khô, bây giờ có thể mua ở chợ về, bề ngang khoảng 3-5 cm, dài từ 5-7 m, chia thành 2 phần bằng nhau phía sau lưng A chói, đấu vào các quai đã đan sẵn để gùi.

Trong quá trình đan cần phải có tính sáng tạo, thẩm mỹ nhưng vẫn giữ được bản sắc vốn có của nó. Đan xong hơ A chói trên giàn bếp (càng lâu càng tốt) để tạo độ bền, săn chắc, sắc màu đậm đẹp hơn. “Cơ bản là thế, còn có loại to nhất nữa, gọi là A teh, và có loại nhỏ nhất gọi là A đư (cái oi), tuỳ theo tính chất công việc mà cùi A chói, A teh hay A đư. Lúc nào cháu rãnh đến đây, bác sẽ giúp cháu tập đan A chói, bác rất thích lớp trẻ học đan các vật dụng truyền thống, nhưng... coi bộ hiện nay tìm ra người tâm huyết để truyền nghề thì khó quá cháu nhỉ!”. Ông Quế nói mà trên khuôn mặt ông tỏ vẻ buồn buồn bởi giờ số nghệ nhân đan A chói ở Hướng Hoá chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Ông kể, hồi mới hơn 10 tuổi, thấy bố mình đan A chói ông cũng xin bố được đan. Bố ông bảo “Người đan A chói phải thấy được ý nghĩa sâu xa của loại vật dụng này, bởi để làm nên một cái A chói không chỉ đơn thuần đựng những thứ lặt vặt phục vụ sinh hoạt trong nhà mà còn chứa đựng những thứ cao cả hơn.”. Thấm nhuần lời dạy của cha, mỗi cái A chói được ông Quế đan không chỉ bắt mắt mà còn chứa đựng một tình yêu khó tả đối với ông. Từng trực tiếp tham gia trong kháng chiến chống Mỹ, có lần, đơn vị đóng tại Sê Muội (Lào), nhận thấy đồng đội khó khăn trong việc tiếp lương, tải đạn, ông đã huy động vài anh em vào rừng chặt tre và mây về, hướng dẫn họ chẻ tre, vót tre phụ ông.

Và cứ thế, đêm ngày ông cặm cụi đan từ cái A chói này đến cái A chói khác để đồng đội kịp gùi lương thực, đạn dược và vận chuyển những thứ quan trọng khác từ Việt Nam về đơn vị và ngược lại. Lúc bấy giờ số A chói ông và đồng đội đan phục vụ cho công việc của đơn vị phải trên vài trăm cái. Là thương binh 3/4, vợ ông cũng là thương binh 4/4, cả hai vợ chồng đều được Nhà nước phong tặng Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất. Về nghỉ hưu đã hơn hai chục năm nay, không ngày nào ông để cuộc sống trôi qua một cách vô vị bởi công việc đan A chói là nguồn động lực giúp ông sống yêu đời, yêu người hơn. Bây giờ tuổi đã cao nhưng ông bà vẫn động viên nhau đầu tư trồng hơn 2 ha cà phê, 3,5 ha sắn, trồng rau quả phục vụ sinh hoạt hàng ngày. Ông Quế bảo: “Mình là người lớn tuổi, là đảng viên phải đi đầu trong mọi việc để con cháu noi gương chứ”. Bài và ảnh: KÔ KĂN SƯƠNG