Lo cho dân bằng cả tấm lòng. Bài 1: Khi dân cần, luôn có mặt
QTO - Nhiệt tình với công việc, uy tín với người dân là những cảm nhận của chúng tôi khi tiếp xúc với những người làm công tác không chuyên trách ở cơ sở. Họ là bí thư chi bộ, trưởng thôn hay trưởng ban công tác mặt trận thôn, tổ dân phố - là những người trực tiếp chuyển tải các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với người dân, huy động sức dân để tạo nên sức mạnh cộng đồng. Trong khó khăn, hoạn nạn, vai trò của những người này lại càng được phát huy.

Lo cho dân bằng cả tấm lòng. Bài 1: Khi dân cần, luôn có mặt

Nhiệt tình với công việc, uy tín với người dân là những cảm nhận của chúng tôi khi tiếp xúc với những người làm công tác không chuyên trách ở cơ sở. Họ là bí thư chi bộ, trưởng thôn hay trưởng ban công tác mặt trận thôn, tổ dân phố - là những người trực tiếp chuyển tải các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với người dân, huy động sức dân để tạo nên sức mạnh cộng đồng. Trong khó khăn, hoạn nạn, vai trò của những người này lại càng được phát huy.

Lực lượng đoàn viên thanh niên và Hội Nông dân xã Vĩnh Hòa giúp người dân thôn Đơn Duệ thu hoạch lúa trong thời gian thôn bị phong tỏa do COVID-19 -Ảnh: H.N​

Là những người được bầu lên bởi sự tín nhiệm của người dân nên trong suy nghĩ của những bí thư chi bộ, trưởng thôn, trưởng ban công tác mặt trận thôn, tổ dân phố luôn xác định phải xứng đáng với sự tin tưởng của người dân. Không nề hà công việc, không quản ngại khó khăn, làm việc không phụ thuộc vào giờ giấc, khi dân cần, họ có mặt; khi dân gặp khó khăn, hoạn nạn, họ sẵn sàng xung phong để mang lại sự bình yên cho người dân.

“Việc gì có lợi cho dân thì gắng sức làm”

Vào tháng 7/2020, nhịp sống của người dân thôn Đơn Duệ, xã Vĩnh Hòa, huyện Vĩnh Linh bỗng chốc bị xáo trộn chỉ sau thông tin có một ca mắc COVID-19 (bệnh nhân 749) là người địa phương. Tâm lý lo lắng, hoảng loạn là điều không thể tránh khỏi đối với người dân. Người thì cuống cuồng đi chợ tích trữ lương thực, người thì đóng cửa ở trong nhà không dám ra ngoài, một số lại có ý định đi “lánh nạn” sang nhà người thân ở địa phương khác. Sau khi nhận được thông tin về bệnh nhân 749, cả hệ thống chính trị xã Vĩnh Hòa vào cuộc, mà mục tiêu trước mắt là phải giúp người dân ổn định tâm lý và tuân thủ nghiêm các biện pháp cách ly. Đội ngũ cán bộ thôn Đơn Duệ được phân công đảm trách những công việc khác nhau.

Bà Nguyễn Thị Sang (59 tuổi), Trưởng Ban công tác mặt trận thôn Đơn Duệ, trước đây từng làm công tác phụ nữ nên việc tuyên truyền được bà bắt đầu từ người phụ nữ trong mỗi gia đình. Những ngày đó, điện thoại của bà hoạt động liên tục giữa hai chiều gọi đi và tiếp nhận thông tin của người dân. Hàng loạt câu hỏi liên quan đến COVID-19 và sự lây lan của nó được bà trả lời thấu đáo. Điều bà kiên trì vận động là người dân phải bình tĩnh làm theo sự chỉ dẫn của ngành y tế; chị em phụ nữ cần nhắc nhở người thân trong gia đình nghiêm túc thực hiện quy trình cách ly, không nên đi chợ tích trữ đồ ăn, cũng không nên ra khỏi địa phương vì như thế, nguy cơ lây lan dịch rất cao. Những số điện thoại cần thiết để người dân tiện liên lạc cũng được bà cung cấp đầy đủ.

Trong vai trò trưởng thôn, những ngày đó ông Nguyễn Phú Trường (51 tuổi) cũng phải căng mình cùng địa phương phòng, chống dịch. Là trưởng thôn nên ông nắm rõ hoàn cảnh từng hộ gia đình trong thôn, vì thế khi thôn Đơn Duệ thực hiện lệnh phong tỏa, ông đã báo cáo lên xã về những trường hợp khó khăn để có phương án hỗ trợ. Trong đó có trường hợp vợ chồng ông Nguyễn Xuân Thạc (trên 70 tuổi) là hộ nghèo, không sống cùng con cái nên ông Trường phải đến tận nhà động viên, hỗ trợ lương thực giúp họ trong những ngày phong tỏa. Sau khi lập danh sách các đối tượng F1, ông cùng với chính quyền địa phương vận động các đối tượng này nghiêm túc thực hiện quy trình cách ly theo khuyến cáo của ngành y tế, đồng thời làm công tác tư tưởng để họ không có tâm lý mặc cảm. Ban đầu, có người trong thôn chủ quan đi sang làng khác ăn giỗ, ngay lập tức ông nắm tình hình và báo địa phương xử phạt hành chính để làm gương cho người khác.

Ông Trường cho biết: “Sau khi những lo lắng, hoảng loạn ban đầu tạm thời lắng xuống, người dân Đơn Duệ lại lo đến việc thu hoạch lúa và sinh kế trong những ngày cách ly vì đa số người dân trong thôn đều kinh doanh dịch vụ nhỏ lẻ. Chúng tôi phải nắm bắt tình hình để báo với xã, huyện tìm cách hỗ trợ bà con tháo gỡ khó khăn”. Địa phương đã huy động lực lượng đoàn viên, hội nông dân ra đồng thu hoạch 50 ha lúa rồi chở về tận nhà cho các hộ dân. Thời điểm đó, người dân trong tỉnh đã hỗ trợ lương thực cho người dân thôn Đơn Duệ, được tập kết ở chốt kiểm dịch. Nhiệm vụ của ông Trường và cán bộ thôn là phải phân chia nguồn lương thực được hỗ trợ đó cho người dân. Nhiều đêm liền, ông cùng cán bộ thôn phải thức thâu đêm để phân chia thành từng suất, sáng dậy sớm để mang đến từng nhà dân. Những ngày đó, thôn Đơn Duệ “nội bất xuất, ngoại bất nhập” nhưng ông Trường thì không thể ngồi yên ở nhà tránh dịch, biết nguy cơ lây nhiễm cao hơn người khác nhưng vượt qua nỗi sợ hãi, ông Trường cùng nhiều cán bộ thôn đã trang bị đầy đủ các biện pháp bảo vệ để hoàn thành nhiệm vụ. Ông Nguyễn Phú Trường chia sẻ: Với chúng tôi, việc gì có lợi cho dân thì gắng sức làm, không tính toán thiệt hơn. May rằng khó khăn rồi cũng qua, bệnh nhân COVID-19 ở Đơn Duệ chỉ dừng lại ở con số 1. Điều khiến chúng tôi thấy vui mừng là sau cơn hoạn nạn, người dân thôn Đơn Duệ càng thêm tin tưởng vào Đảng, Nhà nước và đội ngũ cán bộ cơ sở.

Người dân thôn Gia Giã, xã Hướng Hiệp, huyện Đakrông khắc phục hậu quả do cơn bão số 9 gây ra -Ảnh: H.N​

Hơn một tháng kể từ khi cơn bão số 9 gây thiệt hại nặng nề trên địa bàn thôn Gia Giã, xã Hướng Hiệp, huyện Đakrông nhưng đến nay mọi hoạt động khắc phục hậu quả thiên tai vẫn đang được triển khai nơi đây. Thời điểm chúng tôi có mặt, người dân đang khơi thông mương thủy lợi chảy qua thôn Gia Giã. Thật khó tin dưới lớp đất đá mà người dân đang đào đó là một con mương nước chảy suốt 4 mùa hay cả một bãi đất trống phía trước - nơi từng là đồng ruộng- giờ chỉ ngổn ngang đá và cát. Mới thấy những ngày phía trước với bà con đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây thật là gian nan.

Nhưng “còn người là may rồi, không có cán bộ, không có trưởng thôn thì chắc người cũng bị cuốn theo nước”, chị Hồ Thị Thao tranh thủ phút nghỉ tay, nói với chúng tôi. Trưởng thôn, nhìn theo hướng chị chỉ, là một thanh niên có dáng người dong dỏng, đang cùng nhiều người dựng lại bờ rào cho một hộ dân. Không vội đi ngay, vì chúng tôi muốn nghe người dân kể về trưởng thôn của mình qua lối nói mộc mạc của họ. Lần này, chị Hồ Thị Nga tiếp lời: “Trưởng thôn Hồ Văn Vinh năm nay 37 tuổi, còn trẻ nhưng thương dân, lo cho dân. Cái đợt lũ đó, nước tràn qua ruộng, nước tràn vô nhà, khiếp lắm. Nhà trưởng thôn nước cũng ngập lên hết nửa nhà nhưng cứ bỏ rứa, đi đến nhà thấp đưa dân lên nhà cao, rồi đưa dân đến nhà cộng đồng trú bão. Có trưởng thôn, dân bản yên tâm nhiều”. “Nhờ đội xung kích nữa chứ, trưởng thôn cũng là đội trưởng mà”, một người dân tiếp lời.

Qua lời kể của người dân, chúng tôi còn được biết thêm trong đợt mưa lũ vừa qua, có 239 hộ dân trong thôn bị cô lập, trong đó có 50 hộ dân Đội 8 bị cô lập hoàn toàn do cầu tràn Tiên Hiên bị nước lũ cuốn trôi. Để cứu đói cho bà con trong những ngày bị cô lập đó, Đội xung kích thôn Gia Giã do trưởng thôn Hồ Văn Vinh làm đội trưởng đã phối hợp với chính quyền địa phương tìm ra phương án dùng dây thừng băng suối vận chuyển lương thực cho bà con. Đây là công việc nguy hiểm vì dòng chảy thời điểm đó rất xiết, chỉ sơ sẩy một chút là nguy hiểm đến tính mạng nhưng ai cũng quyết tâm vì lo dân bản thiếu ăn, thiếu mặc trong điều kiện cuộc sống trước đó vốn đã gặp nhiều khó khăn.

Nhưng khi nói về công việc của mình, đọng lại trong trưởng thôn Hồ Văn Vinh chỉ là những trăn trở về bộn bề khó khăn trước mắt, nhất là khôi phục các hoạt động sản xuất cho bà con. “Vụ đông xuân của người dân trong thôn bắt đầu vào tháng 11 âm lịch nhưng hiện tại, hệ thống thủy lợi hư hỏng nặng nề, 6 ha ruộng nước bị vùi lấp, 1 ha ruộng bị lũ cuốn trôi; công trình nước tự chảy không còn hoạt động được sau lũ. Với chừng đó thiệt hại, nếu chỉ dựa vào sức dân để khôi phục là điều không thể. Rất mong huyện hỗ trợ máy móc cơ giới để giúp dân nạo vét ruộng đồng”, anh Vinh chia sẻ.

Được dân tin và tin dân

Năm nay 52 tuổi nhưng ông Ngô Hữu Quốc, thôn Cao Xá, xã Trung Hải, huyện Gio Linh có thâm niên 12 năm làm trưởng thôn. Nhiều nhiệm kỳ liền, ông đều được người dân bầu với số phiếu cao. Nhiệm kỳ đầu tiên làm trưởng thôn, ông Quốc mới ngoài 30 tuổi, chưa có kinh nghiệm nên khi nhận nhiệm vụ, ông rất lo. Trong những đêm nằm vắt tay lên trán suy nghĩ phải làm việc gì để tạo dựng niềm tin với người dân trong thôn, ông đã nảy ra ý tưởng là xây dựng cổng chào thôn. Nhưng vốn đâu ra? Xã hội hóa để huy động sức dân. Nhưng cuộc sống của người dân trong thôn còn nhiều khó khăn, huy động tại chỗ liệu có hiệu quả? Vậy thì phải huy động sự đóng góp của con em thôn Cao Xá ở xa quê. Hỏi, rồi tự trả lời đã giúp ông có một hướng đi tương đối mạo hiểm nhưng lại mang đến kết quả tốt đẹp.

Hồi đó, con em thôn Cao Xá vào sinh sống, lao động ở các tỉnh phía Nam khá đông. Điện thoại di động chưa có nên ông Quốc không ngồi tại quê nhà để liên lạc được, vì thế ông in thật nhiều thư ngỏ rồi bắt xe vào TP. Hồ Chí Minh, từ đó ông mượn xe máy đi 4 tỉnh thành phía Nam ròng rã gần cả tháng trời. Đến đâu, ông cũng nhờ khâu nối để tìm người có uy tín trong cộng đồng dân cư thôn Cao Xá ở địa phương đó nhờ chuyển tải thông tin. Kết quả là ông đã huy động được 22 triệu đồng. Lúc bấy giờ, ông vừa khấp khởi mừng, vừa không yên tâm khi cầm trong tay số tiền lớn mà phải di chuyển một quãng đường dài. Để chắc chắn, ông gấp tiền thật gọn rồi nhét vào tất chân để mang về quê.

Khi nghe ông thông báo kết quả về số tiền quyên góp được, người dân Cao Xá rất vui mừng, mỗi hộ dân đóng góp thêm 30 ngàn đồng để xây dựng cổng chào. Dấu ấn trong nhiệm kỳ trưởng thôn đầu tiên giờ vẫn để lại nhiều kỷ niệm xen lẫn tự hào trong ông. Đó cũng là động lực để sau này ông Quốc đảm đương tốt nhiệm vụ của mình trong nhiều nhiệm kỳ sau. “Thật trùng hợp là nhà tôi sau này chuyển ra ở gần cổng chào của thôn, công trình ghi dấu ấn tuổi trẻ của tôi, nên với tôi hết sức ý nghĩa”, ông Quốc chia sẻ. Đây cũng là một trong những chiếc cổng chào đầu tiên được xây dựng trên địa bàn huyện Gio Linh thời điểm đó.

Với Trưởng Ban công tác mặt trận thôn Tân Kỳ, xã Gio Quang, huyện Gio Linh Hoàng Đình Sơn thì gần dân, tin dân luôn là phương châm được ông phát huy trong quá trình đảm đương những vị trí khác nhau ở thôn. Một kỷ niệm luôn nhắc ông nhớ điều đó là khi còn làm trưởng thôn Kỳ Trúc (thời kỳ chưa sáp nhập với thôn Kỳ Lâm thành thôn Tân Kỳ), có lần huy động dân làm đường bê tông thôn với phương châm Nhà nước và Nhân dân cùng làm, ban đầu ông rất lo lắng. Ông sợ cuộc sống của nhiều người dân trong thôn còn khó khăn, rồi ít nhiều người còn nghi ngờ về tính đúng đắn của chủ trương nên sự đồng thuận sẽ không cao. Vậy nhưng khi ra họp dân, ai cũng ủng hộ trước những việc làm mang lại lợi ích thiết thực cho cuộc sống của chính họ.

Sau việc đó, ông Sơn luôn tâm niệm rằng, người dân nơi đâu cũng vậy, đều có trách nhiệm trong việc xây dựng quê hương. Quan trọng là người cán bộ phải biết phát huy được sức mạnh đoàn kết trong dân, phải có niềm tin vào dân. Xây dựng được lòng tin và chỗ đứng vững chắc trong lòng dân, theo ông Sơn, điều cần trước tiên là phải được dân tín nhiệm. Để được sự tín nhiệm đó, người cán bộ phải dốc sức lo cho dân, đặt lợi ích của người dân lên hàng đầu. Sau sáp nhập thôn, ở vị trí trưởng ban mặt trận, ông luôn phối hợp với trưởng thôn để làm tốt công tác ổn định tư tưởng cho người dân. “Làm sao để ranh giới giữa người thôn này, thôn kia dần xóa đi trong tư tưởng của người dân không phải chuyện một sớm, một chiều. Vì thế, tôi phải tuyên truyền từ người thân trong gia đình, đến bà con, họ hàng để người dân hiểu về chủ trương đúng đắn của Đảng. Tôi trước đây là trưởng thôn Kỳ Trúc, sau khi sáp nhập thôn mới thì việc to việc nhỏ gì người dân thôn Kỳ Lâm mời mình đều phải có mặt để tạo sự thân mật, gần gũi”, ông chia sẻ.

Nhận xét về đội ngũ cán bộ không chuyên trách ở địa phương, ông Bùi Đức Khánh, Bí thư Đảng ủy xã Trung Hải, huyện Gio Linh, cho biết: Đây là những người có năng lực, biết vận động, quy tụ và tập hợp lực lượng; có phẩm chất đạo đức, lối sống lành mạnh, có trách nhiệm trong công việc, được người dân tin tưởng, tín nhiệm cao”. Còn ông Phan Xuân Liệu, Bí thư Đảng ủy xã Hướng Hiệp thì cho rằng: Đóng góp của đội ngũ cán bộ không chuyên trách ở các thôn bản đã và đang mang lại sự đoàn kết cộng đồng, củng cố thêm niềm tin của người dân với Đảng, Nhà nước và chính quyền cơ sở.

(Còn nữa)

Phan Hoài Hương - Lâm Thanh

Bài 2: Để cán bộ thôn, tổ dân phố yên tâm cống hiến