Ban Pháp chế- HĐND tỉnh Quảng Trị làm việc với Tòa án nhân dân tỉnh
(QT) - Hôm qua 25/11/2013, Ban Pháp chế- HĐND tỉnh Quảng Trị làm việc với lãnh đạo Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh. Tham dự có các đồng chí: Lê Bá Nguyên, UVTVTU, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Văn Cầu, Trưởng Ban Pháp chế- HĐND tỉnh và các thành viên Ban Pháp chế; đại diện UBMTTQVN tỉnh...
 |
Đồng chí Lê Bá Nguyên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Trị phát biểu tại buổi làm việc với TAND tỉnh |
Theo báo cáo của lãnh đạo TAND tỉnh, trong năm 2013 toàn ngành đã thụ lý 2.063 vụ, việc; đã giải quyết được 2.020 vụ, việc, đạt tỉ lệ 98%. Về án hình sự, toàn ngành giải quyết 483/487 vụ, với 815/820 bị cáo, đạt tỉ lệ 99%, án thụ lý tăng 19 vụ so với năm 2012; qua xét xử đã tuyên phạt tù có thời hạn 611 bị cáo, tù chung thân 1 bị cáo; còn lại các hình phạt khác. Về án dân sự, Tòa án 2 cấp đã giải quyết 516/534 vụ, việc; giảm 38 vụ so với năm trước, tỉ lệ giải quyết đạt 97%; nổi lên là các vụ việc tranh chấp hợp đồng vay tài sản, hợp đồng dịch vụ gia công, chuyển nhượng quyền sử dụng đất…Án hôn nhân gia đình, giải quyết 855/867 vụ, việc, tăng 84 vụ so với năm 2012, đạt 99%; đã hòa giải thành 222 vụ, đạt 26%. Án kinh doanh thương mại, giải quyết 112/120 vụ việc, đạt tỉ lệ 93%, giảm 43 vụ so với năm trước. Bên cạnh đó ngành Tòa án tỉnh cũng tập trung xét xử các vụ án lao động, án hành chính đạt tỉ lệ cao. Trước yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm, lãnh đạo Tòa án tỉnh đã chỉ đạo Tòa án 2 cấp phối hợp chặt chẽ từ giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử; tổ chức nhiều phiên tòa xét xử lưu động, có tác dụng giáo dục phòng ngừa tội phạm. Chất lượng xét xử án hình sự đảm bảo đúng người, đúng tội, hình phạt áp dụng cơ bản đúng đắn, nghiêm khắc. Chất lượng xét xử các loại án dân sự, hôn nhân và gia đình đảm bảo thực hiện đúng pháp luật, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho các bên có liên quan. Trong năm, ngành Tòa án tỉnh cũng tiến hành rà soát 1.791 bản án, quyết định có hiệu lực của Tòa án 2 cấp; kiểm tra 1.355 hồ sơ các loại án và 323 hồ sơ thi hành án của 9/9 Tòa án cấp huyện. Hoạt động giám đốc án, kiểm tra tiến hành thường xuyên, hàng quý, ra thông báo bằng văn bản kịp thời để các thẩm phán, thư ký rút kinh nghiệm khắc phục sai sót. Ngành cũng tiếp tục thực hiện chiến lược cải cách tư pháp, nâng cao chất lượng xét xử theo hướng dẫn mở rộng tranh tụng, tạo điều kiện cho đương sự, bị cáo bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình. Tuy vậy quá trình hoạt động vẫn còn những hạn chế, tồn tại cần khắc phục, đó là: Nhận thức của một số thẩm phán về áp dụng pháp luật trong một số trường hợp cụ thể chưa thống nhất; chưa thực sự hết trách nhiệm trong nghiên cứu, giải quyết án; án bị hủy, cải sửa ở một số đơn vị, thẩm phán còn cao... Các thành viên Ban Pháp chế đề nghị lãnh đạo ngành Tòa án tỉnh làm rõ một số vấn đề: Việc tạo điều kiện để luật sư, bào chữa viên tham gia các phiên tòa, kết quả đạt được như thế nào; vì sao án lao động, hành chính tăng cao; bao nhiêu vụ án phải hủy, chỉnh sửa; các vụ án về tai nạn giao thông ở Hải Lăng được điều tra, giải quyết như thế nào; một số vụ án kinh tế, hình sự đang được dư luận quan tâm... Phát biểu tại buổi làm việc, các đồng chí: Lê Bá Nguyên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Văn Cầu, Trưởng Ban Pháp chế- HĐND tỉnh đã ghi nhận những nỗ lực, cố gắng của cán bộ ngành Tòa án tỉnh trong thực hiện việc thụ lý, xét xử các loại án đạt tỉ lệ cao, không có án quá hạn luật định, tăng cường xét xử lưu động, tạo được hiệu ứng xã hội về răn đe, giáo dục pháp luật, ngăn ngừa tội phạm. Nhiều phán quyết của Tòa án được nhân dân đồng tình. Ngành cũng đã chú trọng tăng cường cơ sở vật chất, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ được giao. Các đồng chí lãnh đạo HĐND tỉnh và Ban Pháp chế cũng lưu ý: Cần khắc phục tính chủ quan, không nên tuyệt đối hóa một điều luật nào khi xét xử, tạo điều kiện để luật sư, trợ giúp pháp lý tham gia vào các phiên tòa, bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của bị can, bị cáo; đảm bảo phiên tòa diễn ra công bằng, dân chủ theo đúng tinh thần cải cách tư pháp… Tin ảnh: NB