Mở đường lên đỉnh Ka Niêng
(QT) - Ngọn núi Ka Niêng thuộc bản Đá Bàn (xã Ba Nang, huyện Đakrông, Quảng Trị) có độ cao gần nghìn mét so với mực nước biển. Những khoảnh đất màu mỡ hai bên sườn núi chưa được khai hoang đã “kích thích” ý tưởng táo bạo tự bỏ tiền để mở con đường lên núi của 3 anh em người dân tộc Vân Kiều ... Khi hay tin 3 anh em ruột Hồ Văn Trung (40 tuổi), Hồ Văn Hòa (31 tuổi) và Hồ Văn Hinh (27 tuổi) cùng hợp sức chẻ đá mở đường lên núi Ka Niêng khai hoang đất làm kinh tế, chúng tôi quyết định tìm về xã ...

Mở đường lên đỉnh Ka Niêng

(QT) - Ngọn núi Ka Niêng thuộc bản Đá Bàn (xã Ba Nang, huyện Đakrông, Quảng Trị) có độ cao gần nghìn mét so với mực nước biển. Những khoảnh đất màu mỡ hai bên sườn núi chưa được khai hoang đã “kích thích” ý tưởng táo bạo tự bỏ tiền để mở con đường lên núi của 3 anh em người dân tộc Vân Kiều ... Khi hay tin 3 anh em ruột Hồ Văn Trung (40 tuổi), Hồ Văn Hòa (31 tuổi) và Hồ Văn Hinh (27 tuổi) cùng hợp sức chẻ đá mở đường lên núi Ka Niêng khai hoang đất làm kinh tế, chúng tôi quyết định tìm về xã Ba Nang. Từ tuyến đường QL 14, rẽ vào chừng 10 km là đến trung tâm xã Ba Nang. Vừa đặt chân đến trụ sở UBND xã Ba Nang, chúng tôi đã được anh Nguyễn Minh Hải, cán bộ văn phòng UBND xã cảnh báo “đường đi lên bản Đá Bàn rất khó, muốn đi phải đi tiếp con đường quốc phòng dẫn theo hướng vào Đồn Biên phòng Sa Trầm, ai không có sức và sợ nguy hiểm thì có thể ở lại”. Không chút do dự, chúng tôi quyết định lên đường.

Chăm sóc cây sắn trồng ở núi Ka Niêng

Theo chân anh Hải cùng với một cán bộ kế toán xã Ba Nang, chúng tôi ngược dốc để đến bản Đá Bàn. Chỉ có vài trăm mét từ trụ sở UBND xã là đường bê tông, phần còn lại chừng trên 7 km nữa chúng tôi phải đánh vật với con đường sỏi đá xen lẫn với bùn lầy. “Mùa nắng mới có thể lên được nhưng cũng trầy trật, chứ mùa mưa là không thể nào đi được. Lúc ấy, bản Đá Bàn thực sự bị chia cắt hoàn toàn”, anh Hải nói như thanh minh với chúng tôi sau vài chục mét ngược dốc. Sau gần 1 giờ đồng hồ chinh phục quãng đường gian khó, chúng tôi cũng đặt chân đến được chân núi Ka Niêng nằm ở cuối bản Đá Bàn khi mặt trời vừa đứng bóng. Từ dưới chân núi, một con đường đất đỏ hiện ra, xuyên qua nhấp nhô đá dẫn lên ngọn núi Ka Niêng. Đó chính là con đường của 3 anh em người dân tộc Vân Kiều là Hồ Văn Trung, Hồ Văn Hòa, Hồ Văn Hinh tự bỏ tiền túi và công sức ra khai mở. “Ba Nang là xã giáp biên giới, địa hình đồi núi phức tạp, đời sống của người dân nơi đây từ bao đời nay vẫn chủ yếu dựa vào nương rẫy là chính. Cũng chính vì quanh quẩn với tập tục canh tác lạc hậu, bó hẹp và mang tính tự cung, tự cấp nên đời sống dân bản nơi này rất khó khăn. Chuyện mở đường của anh em Hồ Văn Trung có thể được xem như một “kỳ tích” ở vùng này. Vì đó chính là ý thức tự thân vươn lên khẳng định khát khao làm giàu táo bạo. Đối với đồng bào dân tộc nơi đây thì đó là điều lạ lẫm, chưa ai dám làm. Và hiệu quả kinh tế do anh em Trung mang lại đã khiến bà con dân bản thay đổi suy nghĩ tích cực trong cách làm giàu, giảm đi phần nào sự trông chờ, ỷ lại vốn vẫn tồn tại lâu nay”, anh Hải nói thêm. Từ dưới chân đỉnh núi Ka Niêng, chúng tôi men theo con đường đất đỏ lên núi thăm anh em Trung. Chạy xe chừng ba mươi phút, đã hiện ra trước mắt chúng tôi là màu xanh của cây sắn và rừng keo tai tượng mọc lên từ những khoảnh đất màu mỡ bên sườn núi. May mắn cho chúng tôi là đã gặp được cả ba anh em Hồ Văn Trung khi các anh đang tranh thủ bơm thuốc trừ cỏ cho cây sắn. “Sao trời nắng chang chang thế này mà các anh vẫn chưa nghỉ”, tôi hỏi. Anh Trung vặn lại nắp chiếc bình phun thuốc vội giải thích: “Nắng thế này thì cỏ mới chết hết chứ mưa phun thuốc cỏ chết ít lắm. Với lại, anh em mình trồng diện tích lớn thế này nên phải tranh thủ phun thuốc thật nhanh mới kịp”. Chúng tôi ngồi nán lại dưới gốc cây chờ anh em Trung làm xong việc.

Anh Hồ Văn Hòa phun thuốc trừ cỏ ở rẫy sắn trên núi Ka Niêng

Trong lúc anh Trung ở lại trò chuyện với chúng tôi thì anh Hòa, anh Hinh tranh thủ chạy xe máy xách theo can nhựa đi lấy nước dưới suối. “Ở đây vẫn chưa có ống dẫn nước lên nên hàng ngày anh em mình phải lấy nước dưới suối để phun thuốc và tắm rửa”, anh Trung nói. Rót nước mời khách, anh Trung bắt đầu kể câu chuyện làm giàu của mình. Cách đây không lâu, anh em Trung cũng như bao trai bản khác, cứ hết mùa lúa rẫy là tụm nhau lại uống rượu và nói chuyện phiếm. Ngày nào cũng uống rượu, thỉnh thoảng lại mang bẫy vào rừng bẫy thú kiếm mồi nhậu. Thời gian cứ thế trôi đi trong những cơn say vô nghĩa. Rồi, khi được chính quyền vận động, cùng với ý thức về trách nhiệm với bản thân, gia đình dần lớn lên thì Trung bắt đầu suy nghĩ phải tự thay đổi bản thân. “Phải quyết tâm làm giàu thôi, chứ thấy vợ con nó khổ quá, nghĩ lại mình sống thế này là không được. Mình nghĩ ngay đến ngọn núi Ka Niêng này. Hồi trước tụi mình hay lên đây đặt bẫy thú, thấy đất đai rộng lớn, màu mỡ nhưng không có đường lên nên cũng không mấy để ý. Nhưng khi nghĩ đến chuyện làm kinh tế, mình chọn nó liền”, anh Trung mở chuyện. Thế là đầu năm 2008, sau khi xin được đất khai hoang, anh Trung vận động thêm các anh em của mình cùng hợp sức khai phá núi Ka Niêng. Cả ngọn núi Ka Niêng có diện tích rộng hơn 100 ha. “Ngày ấy, nhiều dân bản thấy anh em mình ngày ngày lên núi từ sáng sớm, đến tối mịt mới về nhà đã cho là sự lạ bởi họ chưa bao giờ thấy anh em mình làm việc quần quật như thế. Nhưng mình tự nhủ với anh em và bản thân rằng, có chí thú làm ăn mới đổi đời được chứ mãi ăn chơi thì khổ dài dài”, anh Trung kể lại. Ba anh em Trung chia nhau từng khoảnh đất để khai phá. Những khoảnh đất đầy cỏ dại, rắn rít, bom đạn đã lần lượt bị khuất phục trước lòng quyết tâm của anh em Trung. Những bãi đất bằng phẳng, màu mỡ dần hiện ra dưới đôi bàn tay chai sần của họ. Và mùa sau, cây sắn đã bén rễ vươn lên xanh tốt trên ngọn núi Ka Niêng. Những vụ sắn đầu tiên, anh em Trung đã thắng lớn với diện tích trên 50 ha sắn. “Khoảng 3 vụ sắn đầu, anh em mình thắng lợi vì vừa được mùa vừa được giá. Sắn trồng ở vùng núi này củ nào cũng to như “con lợn con”, thu hoạch toàn bộ được gần 200 tấn, cho lãi bình quân khoảng 150 triệu đồng/vụ. Nhưng việc vận chuyển sắn thu hoạch xuống núi rất vất vả vì phải thuê người gùi cõng do không có đường. Anh em mình nghĩ ngay đến việc phải mở ngay một con đường lên núi”, anh em Hồ Văn Hòa, Hồ Văn Hinh vừa xách nước trở về ngồi vào góp chuyện. Đầu năm 2012, ba anh em Trung góp được khoảng 50 triệu đồng thuê xe múc, xe ủi xẻ núi mở đường. Sau khi được san ủi thô, anh em Trung lại cùng nhau góp sức “gọt đẽo” lại con đường cho nhẵn hơn. Đoạn đường từ chân núi lên đến nơi anh em Trung canh tác dài gần 1km đã được “thông xe” sau hàng tháng trời “thi công”. Từ chỗ gùi cõng mọi thứ lên núi thì giờ xe máy, xe ba cầu có thể lên tận nơi sản xuất một cách dễ dàng. Không chỉ phục vụ việc đi lại cho bản thân, anh em Trung còn cho dân bản có rẫy xung quanh đi chung con đường này miễn phí để canh tác. “Hiện anh em mình đã trồng sắn phủ kín trên 50 ha, và trồng vành đai rừng keo tai tượng bao quanh sườn núi. Sắp tới bọn mình sẽ tiếp tục khai phá thêm chừng 50 ha nữa để trồng rừng và cao su. Bây giờ đã có đường vào rồi, cái khó khăn nhất đã qua nên chỉ cần cố gắng chịu khó bám núi là có thể vài năm tới nữa anh em mình sẽ giàu hơn”, anh em Trung tự tin nói. Nói về anh em Hồ Văn Trung, ông Hồ Văn My, Chủ tịch UBND xã Ba Nang nhận xét: “Địa bàn xã chúng tôi vốn còn nhiều khó khăn, nhất là về cơ sở hạ tầng, đường giao thông và đặc biệt là ý thức tự vươn lên của bà con vẫn còn hạn chế nên việc phát triển kinh tế đã bị kìm hãm. Vì vậy, việc làm táo bạo của anh em Hồ Văn Trung ở bản Đá Bàn là rất đáng nêu gương, phải được xem là hạt nhân trẻ trong làm ăn ở miền núi, nhất là vào thời điểm toàn dân ra sức thi đua phát triển kinh tế và xây dựng nông thôn mới hiện nay”. Bài, ảnh: LÊ ĐỨC VIỆT