Nhiều giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục ở Đakrông
QTO - Chất lượng giáo dục trên địa bàn huyện Đakrông thời gian qua đã có nhiều chuyển biến tích cực song nhìn chung vẫn còn không ít khó khăn, hạn chế. Để tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục địa phương, nhiều giải pháp được huyện Đakrông xác định và tích cực triển khai thực hiện.

Nhiều giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục ở Đakrông

Chất lượng giáo dục trên địa bàn huyện Đakrông thời gian qua đã có nhiều chuyển biến tích cực song nhìn chung vẫn còn không ít khó khăn, hạn chế. Để tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục địa phương, nhiều giải pháp được huyện Đakrông xác định và tích cực triển khai thực hiện.

Một tiết học môn Tin học của học sinh Trường Tiểu học số 1- Hướng Hiệp, huyện Đakrông - Ảnh: T.L

Trường Tiểu học thị trấn Krông Klang có quy mô trên 600 học sinh phân bổ ở 24 lớp học, việc kiên cố hóa trường lớp được quan tâm thực hiện tốt, giúp nhà trường triển khai thực hiện có hiệu quả các đề án, kế hoạch, mô hình tổ chức dạy học, đảm bảo cho các em được học 2 buổi/ngày nên chất lượng giáo dục những năm qua được nâng lên đáng kể. Tuy nhiên, theo Hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Krông Klang Hoàng Tuấn Kiệt thì hiện tại, nhà trường vẫn còn gặp một số khó khăn về cơ sở vật chất như thiếu nhà công vụ, nhà hiệu bộ, phòng chức năng… Nằm ở địa bàn vùng khó, đội ngũ cán bộ, giáo viên Trường Mầm non Sơn Ca, xã Mò Ó luôn nỗ lực phấn đấu dạy tốt, học tốt, hoàn thiện các tiêu chí, đặc biệt công tác vận động đưa trẻ tới trường, hoàn thành chuẩn phổ cập cho trẻ 5 tuổi. Toàn trường có 9 lớp học với 170 cháu, từ năm 2010, trường thực hiện bán trú cho trẻ nên tỉ lệ đến lớp của các cháu luôn đạt cao, góp phần tích cực vào việc giảm tỉ lệ trẻ em suy dinh dưỡng tại địa phương. Chia sẻ về những khó khăn của trường, Hiệu trường Trường Mầm non Sơn Ca Lê Thị Thanh Tâm cho biết: “Do trường có 2 điểm lẻ, mỗi điểm trường cách trường trung tâm khoảng 2 km nên việc xây dựng sân chơi cho các cháu còn gặp nhiều khó khăn, các sân chơi ở điểm lẻ chủ yếu là tạm bợ, chưa đáp ứng được nhu cầu vui chơi của trẻ. Một số trang thiết bị, cơ sở phục vụ bán trú cho các cháu hiện tại vẫn còn thiếu, cần được đầu tư để phục vụ tốt cho quá trình học tập của các cháu”.

Về tổng thể, chất lượng giáo dục trên địa bàn huyện Đakrông thời gian qua đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tỉ lệ huy động trẻ các độ tuổi đến trường cơ bản tăng; việc duy trì số lượng được quan tâm chỉ đạo thực hiện; công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia đạt được những kết quả quan trọng; chất lượng phổ cập giáo dục, xóa mù chữ được duy trì vững chắc và từng bước được nâng lên... Bên cạnh những kết quả đạt được, giáo dục và đào tạo trên địa bàn huyện vẫn còn không ít khó khăn. Nhất là công tác rà soát, quy hoạch, sắp xếp lại các điểm trường mặc dù đã được địa phương quan tâm chỉ đạo và triển khai thực hiện tuy nhiên không ít trường vẫn còn nhiều điểm trường, lớp ghép với nhiều trình độ, độ tuổi, có quy mô số nhóm, lớp vượt quá mức tối đa quy định. Từ đó làm ảnh hướng đến chất lượng triển khai thực hiện chương trình giáo dục các cấp, gây lãng phí các nguồn lực đầu tư. Thời gian qua, cơ sở vật chất đã được quan tâm đầu tư nhưng vẫn chưa đáp ứng mức tối thiểu theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Một số đơn vị hiện nay vẫn còn thiếu nhà hiệu bộ, các trường mầm non còn thiếu phòng giáo dục thể chất, giáo dục nghệ thuật; các trường THCS thiếu phòng học bộ môn… Các trường vùng sâu, vùng xa thiếu nhà ở công vụ cho giáo viên, hệ thống nhà vệ sinh, nước sạch chưa đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của đội ngũ giáo viên và học sinh, nhất là các điểm trường lẻ. Cùng với đó, trang thiết bị dạy học chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học và nhu cầu vui chơi của trẻ.

Chất lượng giáo dục trên địa bàn tuy có chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn thấp so với mặt bằng chung toàn tỉnh và có sự chênh lệch khoảng cách khá lớn giữa vùng thuận lợi và vùng sâu, vùng xa. Tỉ lệ học sinh chưa hoàn thành chương trình lớp học, cấp học; tỉ lệ trẻ em suy dinh dưỡng các thể vẫn còn cao. Tình trạng học sinh nghỉ học dài ngày và bỏ học vẫn còn diễn ra và có xu hướng tăng, chưa có giải pháp để khắc phục hiệu quả, nhất là đối với học sinh THCS và THPT. Tỉ lệ học sinh tham gia học nghề phổ thông có chiều hướng giảm dần. Việc triển khai dạy học tiếng Anh theo Đề án 2020 còn nhiều bất cập do các cơ sở giáo dục tiểu học phải thực hiện ở nhiều điểm trường và cơ sở vật chất chưa đáp ứng…

Để tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn, nhiều giải pháp được huyện Đakrông xác định và tích cực triển khai. Đó là tăng cường công tác tuyên truyền, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển giáo dục và đào tạo. Tiếp tục rà soát, quy hoạch, sắp xếp lại các trường theo hướng khoa học, hợp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh đến trường; đảm bảo các điều kiện để triển khai thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông mới và nâng cao chất lượng giáo dục các cấp học. Bên cạnh đó, huyện cũng chú trọng nâng cao tỉ lệ huy động và chất lượng phổ cập giáo dục, xóa mù chữ; đẩy mạnh định hướng nghề nghiệp và phân luồng học sinh sau THCS… Việc nâng cao chất lượng giáo dục ở các cấp học cũng được địa phương quan tâm thực hiện bằng nhiều giải pháp như đổi mới mạnh mẽ phương pháp, hình thức tổ chức dạy học; đổi mới hình thức kiểm tra, đánh giá theo hướng tiếp cận phát triển phẩm chất, năng lực của người học. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học. Đẩy mạnh công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh. Tập trung rà soát đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên các cấp để thực hiện tuyển dụng, sắp xếp bảo đảm quy định về định mức số lượng từng vị trí việc làm. Tiếp tục chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho đội ngũ giáo viên có hoàn cảnh khó khăn…

Huyện cũng tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học và quy hoạch, phát triển quỹ đất cho các trường học. Công tác xã hội hóa giáo dục được đẩy mạnh thực hiện, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tham gia đầu tư, phát triển giáo dục, đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống trường ngoài công lập trên địa bàn. Thực hiện tốt công tác định hướng nghề nghiệp và đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Đa dạng hóa các hình thức tư vấn hướng nghiệp, đưa nội dung giáo dục khởi nghiệp vào giảng dạy nhằm giúp học sinh nhận thức đúng đắn về khởi nghiệp, khơi dậy tinh thần tự tạo việc làm, tự thân lập nghiệp trong lựa chọn nghề nghiệp, đồng thời cung cấp những kiến thức và kỹ năng cần để khởi nghiệp.

Thanh Lê