Góp phần giảm thiểu môi trường trong chăn nuôi
(QT) - Huyện Triệu Phong (Quảng Trị) có khoảng 70% dân số ở khu vực nông thôn, sống dựa vào nông nghiệp, thu nhập chủ yếu từ trồng trọt và chăn nuôi. Tuy nhiên sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi lại tạo ra một lượng lớn chất thải, đặc biệt là chất thải của động vật như lợn, bò, gia cầm... gây nguy hại đối với môi trường. Trong những năm qua, mặc dù nhà nước và cộng đồng đã thực hiện nhiều nỗ lực để giúp cải thiện môi trường, nhưng việc ...

Góp phần giảm thiểu môi trường trong chăn nuôi

(QT) - Huyện Triệu Phong (Quảng Trị) có khoảng 70% dân số ở khu vực nông thôn, sống dựa vào nông nghiệp, thu nhập chủ yếu từ trồng trọt và chăn nuôi. Tuy nhiên sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi lại tạo ra một lượng lớn chất thải, đặc biệt là chất thải của động vật như lợn, bò, gia cầm... gây nguy hại đối với môi trường. Trong những năm qua, mặc dù nhà nước và cộng đồng đã thực hiện nhiều nỗ lực để giúp cải thiện môi trường, nhưng việc thiếu công nghệ xử lý thích hợp chất thải động vật và vấn đề kinh phí nên các biện pháp can thiệp vẫn chỉ dừng ở mức thí điểm với quy mô nhỏ với chỉ một vài gia đình được hưởng lợi, khó khăn trong việc nhân rộng mô hình. Với mục tiêu góp phần hướng đến một môi trường bền vững thông qua việc khuyến khích thực hiện các mô hình thân thiện với môi trường tại huyện Triệu Phong, từ cuối năm 2012, Trạm Khuyến nông- Khuyến ngư (KN-KN) huyện đã hợp tác với Chương trình phát triển vùng huyện Triệu Phong thuộc tổ chức Tầm nhìn thế giới hỗ trợ 26 hộ xây dựng hệ thống bể biogas.

Xây dựng bể biogas ở Triệu Phong
Qua đánh giá bước đầu cho thấy những tác động tích cực đến các hộ tham gia cũng như trong cộng đồng. Đơn cử như đã giảm thiểu ô nhiễm môi trường của nhà, bếp và sân vườn cũng như khu vực xung quanh các hộ tham gia, không khí trong sạch hơn; ít ruồi, muỗi hơn, góp phần giảm bệnh hại đối với động vật và con người; bếp sạch hơn; giảm thời gian đun nấu so với dùng củi. Về mặt kinh tế, việc sử dụng biogas đã giảm chi phí nấu nướng khoảng 400 - 600 ngàn đồng mỗi tháng so với sử dụng ga công nghiệp và củi. Chất thải đầu ra từ bể biogas là nguồn phân hữu cơ tốt cho trồng trọt và có thể phục vụ cho nuôi thủy sản. Sử dụng khí ga sinh học từ mô hình biogas cũng góp phần giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính do hạn chế sử dụng củi và các nhiên liệu hóa thạch. Bà Nguyễn Thị Lộc, Trạm trưởng Trạm KN-KN huyện Triệu Phong cho biết: Hiện nay, mô hình khí sinh học – biogas là một giải pháp hữu hiệu để giúp xử lý các chất thải, giảm thiểu mùi hôi khó chịu trong chăn nuôi và các chất gây ô nhiễm môi trường. Trong khi đó, đa số các hộ hiện nay vẫn chăn nuôi xen lẫn khu dân cư, mỗi hộ chỉ cần nuôi khoảng 5 con lợn mà không xây biogas thì rất dễ gây ô nhiễm môi trường. Chính vì thế, nhu cầu xây bể biogas của người dân là rất cao. Trên cơ sở các kết quả đã đạt được, năm 2014, trong khuôn khổ dự án “Phát triển mô hình bảo vệ môi trường tại huyện Triệu Phong”, Chương trình phát triển vùng huyện Triệu Phong tiếp tục hỗ trợ xây dựng 150 bể biogas cho các hộ nghèo và cận nghèo thuộc 4 xã gồm: Triệu Trạch 50 bể, Triệu Tài 40 bể, Triệu Thượng và Triệu Sơn mỗi xã 30 bể. Để thực hiện tốt mô hình, Chương trình phát triển vùng huyện Triệu Phong đã phối hợp chặt chẽ Trạm KN-KN huyện và các xã hưởng lợi tiến hành khảo sát thực trạng các hộ chăn nuôi, tổ chức họp thôn phân bổ mô hình, đồng thời rút kinh nghiệm trong việc xây dựng bể biogas từ những năm trước để triển khai dự án có hiệu quả. Bên cạnh đó, tại các xã hưởng lợi đã lựa chọn từ 1 - 2 đội thợ xây được đào tạo, tập huấn để triển khai xây dựng theo đúng quy trình chuẩn. Bể biogas được xây dựng bằng gạch theo thiết kế của dự án khí sinh học cho ngành chăn nuôi Việt Nam có thể tích 6 m3, với tổng kinh phí xây dựng là 8,8 triệu đồng. Tham gia thực hiện mô hình các hộ nghèo được hỗ trợ 90% kinh phí thực hiện, các hộ cận nghèo được hỗ trợ 80% kinh phí, các hộ không thuộc 2 diện trên được hỗ trợ 70%, còn lại do người dân đóng góp. Ngoài ra, để đảm bảo cho bể biogas có thể vận hành, hộ được chọn tham gia mô hình phải đảm bảo chăn nuôi ít nhất 5 con lợn nái và 10 con lợn thịt nhằm cung cấp lượng chất thải ổn định để bể biogas phát huy tối đa hiệu quả. Anh Lê Thanh Huy ở tại thôn Vân Tường, xã Triệu Trạch cho biết, nguồn thu nhập của gia đình anh chủ yếu là từ chăn nuôi lợn. Tuy nhiên do nuôi theo quy mô hộ gia đình, chuồng nuôi được xây ngay trong vườn nhà nên chất thải từ chăn nuôi lâu nay đã gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe gia đình và bà con làng xóm. Vì vậy anh đã hết sức vui mừng khi được Chương trình phát triển vùng huyện Triệu Phong chọn thực hiện mô hình bể biogas nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe cho người dân, đồng thời tận dụng khí sinh học để làm chất đốt phục vụ sinh hoạt hàng ngày. Gia đình anh nuôi trung bình khoảng 20 con lợn thịt/lứa. Trước đây, phân thải của lợn được ủ theo cách truyền thống nhưng vẫn có mùi khó chịu và nước rửa chuồng trại không có chỗ xử lý phải xả trực tiếp ra môi trường nên gây ảnh hưởng tới gia đình và những hộ xung quanh. Được sự hỗ trợ của Trạm KN-KN huyện và Chương trình phát triển vùng huyện Triệu Phong, anh xây 1 bể biogas có thể tích 6 m3. Từ khi có bể biogas thì chất thải của lợn được anh đưa thẳng xuống bể và chỉ sau 10 ngày đưa vào sử dụng bể biogas đã cho khí ga đủ cho gia đình đun nấu thoải mái. Anh Lê Đình Tuấn, cán bộ chuyên trách của tổ chức Tầm nhìn thế giới tại xã Triệu Trạch cho biết: Xã Triệu Trạch có nhiều hộ chăn nuôi theo hình thức gia trại, chủ yếu trong vườn nhà và nằm ngay trong khu dân cư nên chất thải từ chăn nuôi đã gây ô nhiễm rất lớn đến môi trường. Vì vậy, không chỉ hỗ trợ người dân các xã trong vùng dự án kinh phí xây dựng bể biogas, Chương trình phát triển vùng huyện Triệu Phong còn phối hợp với Trạm KN-KN huyện đào tạo cho các xã đội thợ xây lành nghề. Ngoài ra để sử dụng đúng bể biogas đúng quy trình kỹ thuật, các hộ hưởng lợi đều được tập huấn cách sử dụng, vận hành, bảo dưỡng công trình và các thiết bị như bếp, đèn... Anh Tuấn nói: “Bên cạnh việc bảo vệ môi trường, làm biogas tính ra rất kinh tế vì tiết kiệm được một khoản không nhỏ cho chất đốt trong điều kiện giá ga đang ở mức cao như hiện nay. Ngoài ra, còn tận dụng được chất thải từ hầm biogas làm phân bón sạch, an toàn”. Bài, ảnh: THỤC QUYÊN