Giữ gìn tinh hoa núi rừng
(QT) - Chưa bao giờ hội trường Hội Văn học- Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị vui tươi và rực rỡ sắc màu đến vậy. Từ miền núi rừng phía tây, các nghệ nhân người Vân Kiều, Pa Kô hội tụ về đây, cùng nắm tay thể hiện quyết tâm gìn giữ “nét thuần hậu phong thủy” dân tộc mình. Khắc khoải giữ nghề Cứ mỗi buổi chiều tà, nghệ nhân Mai Hoa Sen (sinh năm 1943, trú tại xã Tà Rụt, huyện Đakrông) lại tỉ mỉ lau chùi từng nhạc cụ trong bộ sưu tập nhạc cụ dân tộc của gia đình mình. Mỗi chiếc đàn ta lư, sáo tirel, khèn bè... đều in dấu trong lòng nghệ nhân luống tuổi với nhiều kỷ niệm. Ở miền núi rừng phía tây tỉnh Quảng Trị, Mai Hoa Sen là nghệ nhân hiếm hoi thuộc và có thể sáng tác lời cho nhiều làn điệu dân ca của người Pa Kô. Thành quả ấy kết tinh từ tháng ngày ông miệt mài đến các bản làng xa xôi sưu tầm, nghiên cứu âm nhạc dân tộc. Sống hơn nửa đời người, điều làm nghệ nhân Mai Hoa Sen trăn trở nhất là lớp trẻ không còn mặn mà với những nét văn hóa truyền thống. “Cánh cửa nhà mình luôn rộng mở đón chào các bạn trẻ say mê âm nhạc dân tộc. Thế nhưng, không nhiều người đặt chân qua cánh cửa ấy”- Nghệ nhân Mai Hoa Sen thoáng buồn tâm sự.
 |
Các nghệ nhân khóm 6, thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa biểu diễn chào mừng đại hội thành lập Phân hội Văn học- Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam tỉnh Quảng Trị |
Tà Rụt- mảnh đất nghệ nhân Mai Hoa Sen sinh sống lâu nay được ví là chiếc nôi của âm nhạc dân tộc. Đối với người dân nơi đây, âm nhạc cũng giống như cơm ăn, nước uống. Trên mảnh đất này, đến đâu cũng có thể nghe tiếng đàn, tiếng hát. Thế nhưng, đó là câu chuyện trước đây. Sự đổi thay của bản làng vô hình trung đã làm ảnh hưởng đến nhiều giá trị văn hóa truyền thống. Trong đó, âm nhạc của người Vân Kiều, Pa Kô đang đứng trước nguy cơ bị mai một. Hiện nay, các nghệ nhân như Vỗ Kiều, Kăn Giêng, Mai Hoa Sen... đều đã ở độ tuổi “xưa nay hiếm”. Trong khi đó, những thanh niên trẻ lại không mấy mặn mà với âm nhạc dân tộc. Các em quen với tiếng nhạc trẻ xập xình, thích hát karaoke và mê mẩn với các loại nhạc cụ hiện đại. Sự mai một văn hóa dân tộc thể hiện rõ hơn ở nhiều vùng quê của huyện Hướng Hóa và Đakrông. Tại một số bản làng, việc thành lập đội văn hóa, văn nghệ chuyên hát các làn điệu dân ca, sử dụng nhạc cụ truyền thống hết sức khó khăn. Không được lưu truyền, các làn điệu dân ca của người Vân Kiều, Pa Kô cứ thế mất dần. Bên cạnh đó, số người có khả năng chế tác và sử dụng nhạc cụ dân tộc chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. Sự “lãng quên” âm nhạc dân tộc đi liền với việc đánh mất nhiều nét văn hóa truyền thống khác như: nghề dệt thổ cẩm, nấu rượu cần, đan lát... và ngay cả tiếng nói và chữ viết. Trăn trở trước thực tế ấy, những nghệ nhân miền sơn cước đã và đang âm thầm chung sức bảo tồn văn hóa dân tộc, sưu tầm, ghi chép lại những làn điệu dân ca; vận động con cháu học cách làm nhạc cụ; tổ chức các lớp dạy nghề tại gia đình; xây dựng đội nghệ nhân... Ông Kray Sức, nguyên cán bộ văn hóa xã Tà Rụt chia sẻ: “Chúng tôi luôn tâm niệm, văn hóa còn thì người Vân Kiều, Pa Kô còn. Văn hóa mất thì người Vân Kiều, Pa Kô cũng mất. Thế nên, ai cũng nhiệt huyết với công việc. Chỉ lo tuổi tác và sức khỏe ngăn bước thôi”. Chung tay giữ nét đẹp dân tộc Đến giờ, ông Hồ Chư không thể nhớ mình đã bao nhiêu lần ngược từ thành phố Đông Hà lên Hướng Hóa và Đakrông vận động các nghệ nhân tham gia Phân hội Văn học và Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam tỉnh Quảng Trị. Là người con của chốn núi rừng, tình yêu văn hóa dân tộc luôn vẹn nguyên trong lòng ông Chư. Chứng kiến cảnh thanh niên xếp nhạc cụ lên gác bếp, không thông thuộc làn điệu dân ca, nỗi phiền muộn trĩu nặng trong lòng ông. Sau bao đêm trằn trọc, ông Hồ Chư nghĩ: “Nếu không kết nối những người có tâm huyết với văn học, nghệ thuật dân tộc lại thì văn hóa người Vân Kiều, Pa Kô trước sau gì cũng mất. Đã đến lúc phải hành động”. Ý tưởng thành lập Phân hội Văn học và Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam tỉnh Quảng Trị của ông Hồ Chư nhanh chóng nhận được sự ủng hộ. Nhiều nghệ nhân, người có tâm huyết với văn hóa dân tộc nắm tay ông, tỏ rõ sự vui mừng. Ông Chư chia sẻ: “Khi tôi đến gặp, có người xúc động đến rơi nước mắt. Họ đã dành nhiều thời gian và công sức để gieo tình yêu văn hóa dân tộc vào lòng các bạn trẻ. Thế nhưng, không ít lần các nghệ nhân cảm thấy mình đơn độc và lực bất tòng tâm. Nay, họ vững tin hơn vì biết sẽ có nhiều người đồng hành cùng mình”. Hay như lần ông Hồ Chư gặp bà Hồ Thị Hồng, nguyên Chủ tịch UBND huyện Đakrông, người cán bộ hưu trí không chờ được ngỏ lời mời mà khẳng khái nói ngay: “Tim còn đập, tôi còn cùng anh em giữ gìn văn hóa dân tộc. Tôi sẽ tham gia Phân hội” . Ngày đại hội thành lập Phân hội Văn học và Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam tỉnh có sự hiện diện đông đủ thành viên tâm huyết, nghệ nhân người Vân Kiều, Pa Kô. Những bộ trang phục thổ cẩm đẹp, các loại nhạc cụ dân tộc độc đáo... khiến không khí thêm đậm chất lễ hội vùng cao. Ngay đầu buổi lễ, những tiết mục văn nghệ với thanh âm khèn, sáo và làn điệu dân ca đã vang lên rộn rã. Nghệ nhân Hồ Văn Hồi, đội trưởng đội nghệ nhân khóm 6, thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa cho biết: “Anh em mình đã tập luyện suốt mấy ngày nay để “chào sân” bằng màn biểu diễn ấn tượng nhất. Đối với chúng tôi, thành công hôm nay báo hiệu những tín hiệu vui trên con đường bảo tồn văn học, nghệ thuật dân tộc Vân Kiều, Pa Kô sau này”. Phân hội Văn học và Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam tỉnh không chỉ bao gồm các nghệ nhân, mà còn có sự góp mặt của những đồng chí lãnh đạo huyện Hướng Hóa và Đakrông. Bà Hồ Thị Kim Cúc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Đakrông chia sẻ: “Thời gian qua, chúng tôi đã triển khai nhiều hoạt động nhằm kêu gọi người dân giữ nét thuần hậu văn hóa dân tộc mình như thành lập đội nghệ nhân, tổ chức các lễ hội, thi hát ru... Tham gia Phân hội, tôi tự nhận thấy mình cần hành động nhiều hơn nữa để cùng mọi người giữ gìn văn hóa dân tộc”. Ngay trong khuôn khổ buổi lễ ra mắt, Ban chấp hành Phân hội Hội Văn học và Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam tỉnh đã thảo luận, xây dựng phương hướng hoạt động trong năm 2013 và những năm kế tiếp. Với vai trò, vị trí của mình, Phân hội Văn học và Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam tỉnh sẽ tổ chức các hoạt động cụ thể như: khảo sát, thống kê các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của người Vân Kiều, Pa Kô; soạn thảo các chuyên đề về giữ gìn văn hóa dân tộc; thống kê những công trình, đầu sách, bài viết giới thiệu văn hóa, văn học, nghệ thuật của hai dân tộc thiểu số; thành lập hai chi hội tại thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa và thị trấn Krông Klang, huyện Đakrông... Đặc biệt, Ban Chấp hành Phân hội Văn học và Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam tỉnh nêu cao nhiệm vụ phát hiện, theo dõi và bồi dưỡng các hạt nhân có năng khiếu, thực sự tâm huyết để kết nạp vào phân hội. Em Hồ Thị Hà, thành viên trẻ nhất của Phân hội chia sẻ: “Là một người trẻ, sống ở miền xuôi thời gian dài nhưng em luôn trân trọng những nét văn hóa của dân tộc mình. Em mong ngày càng có nhiều bạn trẻ tham gia Phân hội, bước tiếp chặng đường của những nghệ nhân tâm huyết, để một ngày không xa lời ca, tiếng hát của người Vân Kiều, Pa Kô lại âm vang khắp núi rừng”. Bài, ảnh: QUANG HIỆP