(QT) - Nghề bếp là một trong những nghề có thu nhập khá trên thị trường lao động hiện nay. Với những lợi thế về sức khỏe, sự nhanh nhẹn cũng như khả năng tư duy tốt, không ít nam giới đã chọn con đường nấu ăn để khởi nghiệp. Với họ, nấu ăn là một nghệ thuật và người đầu bếp là một nghệ sĩ. Sự cần cù, ham học hỏi cùng niềm đam mê sáng tạo bất tận trong ẩm thực là những yếu tố cần thiết làm nên sự thành công của nghề đầu bếp.
![]() |
Bếp trưởng Thiều Văn Khánh hướng dẫn các đầu bếp chế biến món ăn phù hợp với khẩu vị của thực khách |
Chúng tôi hẹn gặp anh Thiều Văn Khánh (46 tuổi), đầu bếp trưởng của Nhà hàng Hữu Nghị đúng vào lúc anh đang soạn sửa nguyên vật liệu, lên thực đơn để chuẩn bị cho tiệc cưới với hơn 50 mâm cỗ sẽ được tổ chức vào 16 giờ chiều ngày hôm ấy. Tranh thủ giờ nghỉ trưa ít ỏi, anh Khánh chia sẻ với chúng tôi về những kỷ niệm vui buồn của người đàn ông trót yêu nghề nữ công gia chánh: “Quê tôi ở Thanh Hóa. Tôi đến với nghề này âu cũng là một cái duyên. Ngày trước, tôi theo học Khoa Chế biến món ăn của Trường Trung cấp Du lịch Hà Nội cũng chỉ vì nghĩ đơn giản là sau này ra trường sẽ về phụ gia đình mở một quá ăn nhỏ để mưu sinh. Thế nhưng, càng học tôi lại càng thích, càng đam mê và khát khao được trở thành một đầu bếp giỏi. Năm 1995, tôi tốt nghiệp ra trường và xin vào làm tại một nhà hàng nổi tiếng ở Hà Nội với mong muốn sẽ tích lũy được thêm nhiều kinh nghiệm để tiếp tục theo đuổi ước mơ của mình. Đến năm 1998, tôi vào thành phố Đông Hà lập nghiệp và trở thành đầu bếp của Nhà hàng Hữu Nghị. Trải qua một quãng thời gian khá dài gắn bó với nghề đầu bếp, tôi cảm thấy con đường mà mình đã chọn hoàn toàn đúng đắn bởi chỉ cần có tình yêu với nghề, phụ nữ hay đàn ông cũng đều có thể làm tốt công việc bếp núc như nhau”.
Theo quan niệm ngày xưa thì căn bếp là nơi chỉ dành cho phụ nữ. Nhiều bà mẹ còn dạy con trai của mình rằng, cứ giường cao chiếu sạch mà ngồi, tuyệt nhiên không được vào bếp vì như thế sẽ làm mất đi giá trị của người đàn ông. Thế nhưng, trong thời đại ngày nay, những nghề vốn mặc định chỉ dành cho phụ nữ như: trang điểm, may mặc, làm tóc, đầu bếp…đều có sự xuất hiện của phái mạnh. Đặc biệt, những người đàn ông khi tham gia vào những ngành nghề này đa số đều thành công và làm rất tốt công việc của mình.
Cũng theo anh Khánh, nghề đầu bếp là nghề “làm dâu trăm họ” bởi mỗi thực khách sẽ có một khẩu vị riêng, vì vậy để đáp ứng được tất cả các yêu cầu của mọi người thì không phải đầu bếp nào cũng có thể làm được. Muốn thành công thì mỗi đầu bếp cần phải có niềm đam mê, tính sáng tạo, lòng kiên trì và kiến thức chuyên môn vững chắc. Bên cạnh đó sức khỏe tốt, có khả năng làm việc trong môi trường áp lực cao cũng là những điều kiện cần có khi quyết tâm theo đuổi nghề bếp. Đến nay, những món ăn do chính bếp trưởng Thiều Văn Khánh nấu đã dần tạo dựng được thương hiệu cho nhà hàng Hữu Nghị, với những phản hồi tích cực từ thực khách bởi hương vị thơm ngon, mới lạ và đầy sáng tạo như món gà bó xôi, bò sa tế, súp hải sản…
Thích nấu nướng và say mê khám phá ẩm thực vùng miền ngay từ khi còn rất nhỏ, anh Nguyễn Duy Hòa (26 tuổi), bếp phó của Khách sạn Sài Gòn - Đông Hà cũng đã không ngừng nỗ lực để hiện thực hóa giấc mơ trở thành đầu bếp của mình. Anh Hòa chia sẻ: “Tình yêu của tôi dành cho căn bếp nhỏ bắt nguồn từ những món ăn bình dị của mẹ. Mẹ tôi là người gốc Huế, nấu ăn rất ngon. Chính bà là người đã động viên và dẫn dắt tôi chinh phục ước mơ trở thành đầu bếp. Với tôi, nghề này không phải chỉ cần có kỹ thuật, mà nó còn đòi hỏi nghệ thuật sáng tạo. Bởi mỗi ngày người đầu bếp phải cố tạo ra những điều mới lạ hoặc dám thay đổi những khuôn mẫu có sẵn để có thể cho ra đời những món ăn ngon, hấp dẫn phục vụ thực khách của mình”.
Cũng giống như những ngành nghề khác, mỗi người đầu bếp đều tự định hình cho mình một phong cách ẩm thực khác nhau. Với anh Hòa, anh chọn theo đuổi phong cách ẩm thực dân giã, truyền thống. Mong muốn lớn nhất của anh là chế biến những món ăn thuần Việt có hương vị đậm đà, tinh túy để chinh phục những thực khách trong và ngoài nước, đưa ẩm thực truyền thống Việt Nam vươn xa hơn nữa.
Anh Hòa cho biết, làm bếp, tiếp xúc với đồ ăn thường xuyên nhưng anh vẫn thường ở trong tình trạng “rỗng bụng” hoặc ăn quá bữa bởi đến giờ ăn của người bình thường có nghĩa là giờ phục vụ của người đầu bếp. Thế nhưng, chỉ cần nhìn thấy những món ăn mà mình chế biến được thực khách đón nhận và hài lòng thì những vất vả, mỏi mệt ấy dường như cũng tan biến hết. “Thật sự, để nói về nghề đầu bếp, tôi không biết phải bắt đầu từ đâu và bắt đầu như thế nào. Bởi vì, đối với tôi, đầu bếp không chỉ là một nghề để nuôi sống bản thân, mà nó còn là một niềm đam mê bất tận…”, anh Hòa chia sẻ với chúng tôi về tình yêu của mình đối với công việc hiện tại.
Thu Hạ