Vững vàng trong lũ dữ
(QT) - Cả miền Trung, Tây Nguyên đang đối mặt với một trận “thiên tai kép’’ chưa từng có trong lịch sử. Bão số 9 đang "hoành hành"các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi thì hơn 5 giờ sau một trận lũ lớn đã ập về nhấn chìm các tỉnh, thành trong khu vực gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Trong đó Quảng Trị là một trong những “cái rốn’’ của trận lũ hung dữ này. 5 giờ sáng ngày 30/9/2009, Bí thư Huyện uỷ Triệu Phong Nguyễn Hữu Dũng đã cấp tốc dẫn một “cánh quân” lao thẳng về vùng lũ xung yếu nhất nằm ven sông Thạch Hãn gồm các xã Triệu Thành, Triệu Ái, Triệu Giang…Anh Nguyễn Hữu Dũng cho biết suốt cả đêm 29/9 lãnh đạo huyện đứng ngồi không yên bởi có hàng trăm cuộc điện thoại của người dân ở vùng ngập lũ gọi về xin được ứng cứu. Giữa đêm hôm khuya khoắt, mưa gió bão bùng, huyện đã chỉ đạo bà con cứ “neo chặt’’ trong nhà, leo lên nơi cao để trú ẩn chờ lực lượng về ứng cứu. Khi trời mờ sáng, lúc thuyền máy định vị được phương hướng mới xuất bến lên đường cứu hộ. Lúc chúng tôi đến, anh Dũng người ướt nhem nhưng lại thở phào nhẹ nhõm bởi đã cùng lực lượng cứu hộ đưa được 15 hộ dân ở thôn Trung Kiên xã Triệu Thành về sơ tán an toàn tại trung tâm huyện. Ngay lúc đó huyện đã kịp thời đưa phương tiện và y bác sĩ đến tận bến đò để hỗ trợ cho một số người dân đã đuối sức do phải chống chọi suốt đêm với lũ.
 |
Đồng bằng Triệu Phong ngập chìm trong lũ |
Ngồi ở văn phòng UBND huyện Triệu Phong, chúng tôi nghe hàng chục cuộc điện đàm của người dân ở các địa bàn trong huyện cần ứng cứu. Thuyền máy, canô đã túc trực và sẵn sàng nhận lệnh lên đường đến các điểm người dân đang mắc kẹt trong lũ. Cả huyện Triệu Phong đã ngập chìm trong biển nước, nơi nào cũng cần đến sự ứng cứu. Toàn huyện có 16.520 hộ bị ngập, trong đó trên 5000 hộ bị ngập sâu từ 4-5 m. Nhiều xã như Triệu Giang, Triệu Thành, Triệu Hoà, Triệu Vân đã bị cô lập hoàn toàn do nước lũ dâng cao. Chúng tôi theo các đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ Lê Hữu Phúc và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Hữu Thăng lên thuyền máy vượt đỉnh lũ trong gió mưa mù mịt về các xã ven sông như Triệu Thành, Triệu Thượng. Nước ở sông Thạch Hãn dâng cao và chảy xiết, hàng trăm ngôi nhà của các thôn làng như Trung Đơn, Trung Kiên, An Mô…đang ngập chìm trong biển nước.
Tính đến 19 giờ ngày 01/10/2009,tình hình mưa lũ vẫn diễn ra trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Tuy mực nước ở các sông ngừng dâng cao nhưng nước ở các sông như Thạch Hãn, Đakrông vẫn dưới mức báo động 3. Một số xã của Triệu Phong như Triệu Thành, Triệu Long, Triệu Giang, Triệu Hoà, Triệu Thượng vẫn đang bị nước cô lập, các xã Ba Lòng, Hải Phúc, Pa Tầng, Pa Nang, A Vao (Đakrông) hiện vẫn chưa tiếp cận được do nước lũ ngập và giao thông bị cắt đứt. Các địa phương còn lại nước đang rút chậm nên khó khăn cho công tác cứu trợ, cứu nạn. Trước tình hình đó UBND tỉnh đã triển khai cứu trợ 113.000 gói mì tôm, chuẩn bị 10.000 tấn gạo để kịp thời cứu đói cho người dân. |
Việc di dời dân đang diễn ra với quyết tâm hoàn thành trong sáng 30/9 là một áp lực lớn đối với lực lượng cứu hộ ở Triệu Phong, bởi thuyền máy không thể len lõi vào tận từng hộ dân do vướng cây và đường dây điện. Vì vậy phải dùng đến xuồng nhỏ “tăngbo’’ dân từ nhà ra thuyền lớn. Khó khăn là thế nhưng với quyết tâm không được “bỏ dân’’ theo như lời đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ đã “hạ lệnh’’ nên việc ứng cứu đưa dân ra khỏi vùng nguy hiểm ở Triệu Phong đã cơ bản hoàn thành. Trên tuyến Quốc lộ 1A, đoạn từ Ái Tử đến Mỹ Chánh có đến 5 điểm nước ngập sâu từ 0,5 đến 1,5 m. Vì vậy, muốn vào thị xã Quảng Trị hoặc Hải Lăng tất cả phải di chuyển bằng thuyền máy. Người dân cả thị xã Quảng Trị đã bàng hoàng và khâm phục lẫn nuối tiếc khi nghe tin thiếu tá Lê Văn Phượng bị hy sinh khi cùng lực lượng địa phương tham gia ứng cứu dân ngập lũ. Chúng tôi phải vượt qua một đoạn đường hết sức cam go bởi đúng vào thời điểm mực nước ở cao trình công trình thuỷ lợi Nam Thạch Hãn đạt 23 m so với mực nước biển. Nước đã vượt cao trình ở thượng lưu và tràn qua kênh cuồn cuộn chảy về xuôi xé toang một đoạn dài 40 m của tuyến kênh N1. Phải nhờ đến tay lái cừ khôi biết cách luồn lách sóng dữ của ông Hoán lái thuyền mới đưa chúng tôi cập bến địa phận Hải Lăng. Thông tin đầu tiên nhận được ở vùng “rốn lũ’’ của tỉnh Quảng Trị là toàn huyện có 2 người chết, 11584 ngôi nhà bị ngập, trong đó hơn 5000 nhà bị ngập từ 1-2 m, 205 ngôi nhà bị sập và xiêu vẹo, tốc mái. Đặc biệt có gần 10 “càng’’ đang bị cô lập hoàn toàn do mực nước dâng cao. Huyện đã tăng cường phương tiện và lực lượng để di dời 1977 hộ với 7110 khẩu đến nơi trú tránh an toàn ở vùng bị ngập sâu như Hải Thiện, Hải Hoà, Hải Quế, Hải Dương. Bí thư Đảng xã Hải Hoà Võ Quốc Dũng cho biết công tác di dời dân gặp khó khăn bởi thiếu phương tiện. Hầu hết thuyền ở địa phương nhỏ nên không dám đưa vào sử dụng sợ không an toàn. Quán triệt phương châm “4 tại chỗ’’ nên chính quyền địa phương đã chủ động kêu gọi bà con cố gắng bám trụ vào nhà cao tầng, chuẩn bị đầy đủ lương thực, thực phẩm để chờ nước rút. Tuy nhiên vấn đề quan tâm nhất hiện nay chính là nguồn nước uống đã bị ô nhiễm nặng là tác nhân gây ra dịch bệnh sau khi lũ. Từ vùng núi cao Hướng Hoá, Đakrông, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Quân Chính cho biết về tình hình mưa lũ. Do nước ở sông suối dâng cao và quá nhanh nên cả thị trấn Lao Bảo nước ngập sâu từ 1-3m. Riêng ở Khu KTTMĐB Lao Bảo ngày 30/9 có hơn 60 người bị cô lập trong biển nước, khoảng 30 hộ dân sống dọc sông SêPôn trên địa phận Tân Thành, Tân Long cần được di dời khẩn cấp. Toàn huyện hiện có 3117 ngôi nhà bị ngập. Đặc biệt là vùng Lìa bị cô lập hoàn toàn do tuyến giao thông huyết mạch đang bị nước lũ cắt đứt. Huyện đã kêu gọi các lực lượng cứu hộ của tỉnh tăng cường lên Hướng Hoá, Đakrông để giúp các địa phương di dời dân ra khỏi vùng lũ quét, vùng tiềm ẩn nguy cơ sạt lở đất để tránh thiệt hại về người.
 |
Công tác cứu hộ, cứu nạn được triển khai tích cực |
Tại địa bàn huyện Đakrông, tuyến đường 14 đi các xã Tà Rụt, A Ngo, La Lay bị hư hỏng nặng ở nhiều đoạn, Đặc biệt lũ đã cuốn trôi 2 cầu, đoạn Đakrông-Tà Rụt có 5 đoạn bị sạt lở, 7 đoạn bị ngập sâu gây ách tắc giao thông. Để khẩn trương khai thông tuyến đường, Đoạn quản lý đường bộ 2 đã kịp thời đưa phương tiện và nhân lực đến các điểm sạt lở để khai thông tuyến đường. Đối với huyện Đakrông một địa bàn nguy hiểm nhất chính là vùng Ba Lòng. Vốn là địa bàn nằm dọc sông Đakrông chảy về thị xã Quảng Trị, địa hình bị chia cắt nên giao thông cách trở. Đặc biệt là khi lũ lụt xảy ra, nước sông dâng cao, tràn Ba Lòng không phát huy hiệu quả nên đã chia cắt hai xã Ba Lòng và Hải Phúc. Suốt mấy ngày lũ lụt xảy ra, mọi phương tiện hầu như không đến được “ốc đảo’’ này nên không thể triển khai tiếp tế, ứng cứu. Vì vậy huyện đã chỉ đạo chính quyền địa phương quán triệt phương châm “4 tại chỗ’. Được biết trong những ngày này địa phương đã huy động toàn bộ hàng hoá, nhu yếu phẩm ở các cơ sở bán lẻ nhưng cũng chỉ cung ứng đủ một vài ngày, do đó nếu mưa lũ kéo dài thì người dân ở 2 xã này sẽ lâm vào cảnh thiếu đói. Vì vậy nhiệm vụ cấp bách nhất mà huyện Đakrông phải gấp rút triển khai chính là tìm mọi phương cách để ứng cứu lương thực, thực phẩm cho vùng chiến khu Ba Lòng đang bị chia cắt.
Lũ vẫn tiếp tục dâng cao trên các con sông. Gio Linh là địa bàn nằm giữa sông Hiếu và sông Hiền Lương nên phải hứng chịu sự tàn phá nặng nề không thua kém gì các nơi khác. Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Huy Hùng phải huy động hàng chục chiếc thuyền máy để len lõi vào từng ngõ ngách thôn làng để tổ chức sơ tán dân. Đã sau 1 ngày lũ ập về nhấn chìm hơn 1000 ngôi nhà nhưng thật may cho gần 500 hộ dân ở thị trấn Cửa Việt là nơi sống gần cửa biển nếu không kịp di dời tránh bão từ chiều 29/9 trước khi trận lũ ập về trong đêm sẽ gây ra nguy hại khôn lường về tính mạng. Ngay giữa lúc cơn lũ đang hoành hành, không hề quản ngại hiểm nguy, các đồng chí lãnh đạo tỉnh cùng với lực lượng vũ trang và các sở, ban ngành đã khẩn trương về với cơ sở. Với quyết tâm bám vào dân, cùng nhân dân chống chọi với thiên tai nên ở bất kỳ điểm xung yếu nào đều có sự chỉ đạo, điều hành sát sao của lãnh đạo tỉnh. Các lực lượng công an, quân đội đã huy động hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ về bám sát địa bàn để giúp dân chống lũ. Mục tiêu hàng đầu lúc này là phải bảo toàn tính mạng và lo đầy đủ lương thực, thực phẩm cho dân trong những ngày mưa bão. Vì vậy, khi nước lũ đang dâng cao nhưng các đoàn của tỉnh, huyện đã vượt hiểm nguy để về tận từng hộ dân ứng cứu từng thùng mì tôm, từng chai nước uống…Chia sẻ với người dân vùng thiên tai những khó khăn đang gặp phải chính là nguồn động viên lớn giúp người dân vững vàng trước thử thách gian nguy. Bài và ảnh: Hồ Nguyên Kha- Minh Đức