(QT) - Bệnh dại là một trong những căn bệnh nguy hiểm, khó chữa, làm nhiều người chết, ảnh hưởng đến sức khoẻ cộng đồng, tác động tiêu cực đến xã hội và nền kinh tế. Những người bị chó dại cắn nếu không được tiêm phòng, chữa trị kịp thời thì nguy cơ tử vong rất cao. Mùa hè là một trong những thời điểm nguy cơ bệnh dại phát triển mạnh.
Trong những năm qua bệnh dại đã cướp đi sinh mạng của nhiều người. Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy giai đoạn 2011- 2016 trung bình mỗi năm có 92 ca tử vong và khoảng 400.000 người bị chó cắn đi điều trị dự phòng, thiệt hại ước tính khoảng 800 tỉ đồng. Trong năm 2017 có 74 người chết do bệnh dại, xảy ra tại 34 tỉnh, thành phố, tập trung tại các tỉnh miền Bắc, miền Trung và Tây Nguyên cùng với một số tỉnh ở miền Nam. Trong 3 tháng đầu năm 2018 cả nước xảy ra 16 trường hợp tử vong do bệnh dại. Ở tỉnh Quảng Trị theo báo cáo của ngành chức năng trung bình hằng năm có 1.200-1.500 người bị chó cắn buộc phải điều trị dự phòng. Trong những năm 2013, 2014, 2016 có 3 trường hợp tử vong do chó dại cắn tại xã Mò Ó, huyện Đakrông; xã Thuận và xã Tân Hợp thuộc huyện Hướng Hoá. Cả 3 trường hợp trên đều không được tiêm vắc xin phòng dại khi bị chó cắn và đàn chó trên địa bàn cũng không được tiêm vắc xin phòng bệnh. Thực tế hiện nay cho thấy công tác phòng chống bệnh dại vẫn còn không ít khó khăn. Công tác quản lý chó nuôi bị buông lỏng, việc thống kê các hộ có nuôi chó và số lượng chó nuôi tại địa bàn cấp xã chưa đảm bảo chính xác. Đặc biệt hiện tượng chó nuôi thả rông, không đeo rọ mõm và dễ cắn người nơi công cộng diễn ra phổ biến. Dù các ngành liên quan đã có nhiều nỗ lực song công tác tiêm phòng dại cho đàn chó nuôi thực hiện chưa triệt để, tỷ lệ tiêm phòng vắc xin cho đàn chó đạt thấp, chưa tới 50%, một số nơi chỉ đạt 10%...
Trước những nguy cơ do bệnh dại gây ra, ngày 6/7/2017 Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 31- CT/TTg “Về tăng cường các biện pháp cấp bách phòng chống bệnh dại”. Tiếp đó Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có công điện khẩn ngày 10/4/2018 gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố về tăng cường các biện pháp chủ động phòng chống bệnh dại năm 2018 và phát động tháng cao điểm phòng chống bệnh dại bắt đầu từ ngày 15/4 đến hết tháng 5/2018 với nội dung trọng tâm là quản lý đàn chó nuôi và tiêm phòng triệt để vắc xin dại cho đàn chó. Yêu cầu phải tổ chức, quản lý đàn chó nuôi theo quy định. Các địa phương tổ chức rà soát, thống kê chính xác số hộ nuôi chó ở từng khu dân cư và số chó nuôi trong từng hộ gia đình để quản lý, đồng thời hỗ trợ cho công tác tổ chức tiêm phòng triệt để vắc xin dại cho đàn chó nuôi. Yêu cầu các hộ nuôi chó cam kết thực hiện nghiêm túc việc khai báo, đăng ký chó nuôi, chấp hành việc nuôi giữ chó trong khuôn viên gia đình, thực hiện việc xích, nhốt, rọ mõ cho chó nuôi theo đúng quy định để ngăn ngừa, giảm thiểu nguy cơ chó nhà bị chó dại tấn công. Tổ chức tiêm phòng triệt để vắc xin dại cho đàn chó (kể cả mèo) đảm bảo đạt tỉ lệ tiêm phòng theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Thường xuyên tổ chức tiêm phòng bổ sung vắc xin dại để duy trì tỉ lệ miễn dịch quần thể, ngăn ngừa bệnh dại phát sinh và lây lan trên đàn chó nuôi. Tổ chức tuyên truyền sâu rộng trong cộng đồng dân cư, các cơ quan, đơn vị, trường học về tính chất nguy hiểm của bệnh dại, các dấu hiệu nhận biết động vật mắc bệnh dại; biện pháp phòng chống bệnh dại hiệu quả và các quy định của pháp luật về phòng, chống bệnh dại. Tuyên truyền nâng cao trách nhiệm của người nuôi chó với cộng đồng và “Cộng đồng chung tay phòng chống bệnh dại”; khuyến khích cộng đồng dân cư tham gia giám sát, phát hiện và thông báo cho chính quyền cơ sở, cơ quan thú y và y tế về các trường hợp chó, mèo, động vật nghi mắc bệnh dại để kịp thời xử lý. Vận động, hướng dẫn người bị chó cắn, mèo cào đến ngay cơ sở y tế để được hướng dẫn xử lý vết thương, điều trị kịp thời. Bên cạnh đó tăng cường áp dụng các chế tài xử lý vi phạm quy định về nuôi chó, về tiêm phòng vắc xin dại được quy định tại Nghị định số 90/2017 của Chính phủ, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Thực hiện các văn bản chỉ đạo của cấp trên, ngày 28/3/2018, UBND tỉnh có văn bản số 1121; tiếp đó ngày 20/4/2018, UBND tỉnh ban hành văn bản số 1554 gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND các huyện, thị xã, thành phố về tiếp tục tăng cường, chủ động phòng chống bệnh dại. Trong văn bản đó UBND tỉnh cũng yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức phát động tháng cao điểm phòng chống bệnh dại bắt đầu từ ngày 25/4 đến hết tháng 5/2018 với nội dung trọng tâm là quản lý đàn chó nuôi và tiêm phòng triệt để vắc xin dại cho đàn chó. Tăng cường công tác tuyên truyền sâu rộng trong cộng đồng dân cư, các cơ quan, đơn vị, trường học về tính chất nguy hiểm của bệnh dại, các dấu hiệu nhận biết động vật bị bệnh dại; biện pháp phòng chống bệnh dại hiệu quả và các quy định của pháp luật về phòng chống bệnh dại...
PA