(QT) - Năm nay thiên tai xảy ra liên tiếp đã gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp của Quảng Trị. Để duy trì và phát huy những kết quả đạt được, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành Nông nghiệp - PTNT và các địa phương triển khai đồng bộ nhiều biện pháp nên nhìn chung sản xuất nông nghiệp năm 2009 vẫn giữ được ổn định, trong đó một số lĩnh vực có bước phát triển đáng kể. Có thể nói chưa có năm nào thiên tai lại dồn dập trên địa bàn tỉnh như năm nay. Từ đầu vụ Đông Xuân xảy ra rét đậm, rét hại kéo dài, tiếp đến vụ Hè Thu áp thấp nhiệt đới gây mưa lớn làm ngập úng trên diện rộng một diện tích lớn lúa, hoa màu và nuôi trồng thủy sản. Đặc biệt, cơn bão số 9 kèm theo mưa lũ lớn gây thiệt hại nặng nề, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống của nhân dân. Nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của tỉnh và các địa phương khẩn trương khắc phục hậu quả, triển khai công tác cứu trợ nên đã kịp thời ổn định đời sống nhân dân, khôi phục sản xuất. Nhìn vào bảng thống kê cho thấy diện tích gieo trồng cây lương thực, cây rau đậu các loại và cây công nghiệp ngắn ngày đều tăng so với năm 2008. Sản lượng lương thực có hạt đạt 22,05 vạn tấn, bằng 98,9% kế hoạch. Diện tích trồng mới cây công nghiệp dài ngày thực hiện 933,7 ha, đạt 84,9% kế hoạch. Ngoài sản lượng hồ tiêu tăng khá (12,8%) thì sản lượng cao su và cà phê đều giảm so với năm 2008. Về chăn nuôi, tổng đàn trâu, bò giảm, trong lúc đó tổng đàn lợn và gia cầm tăng khá so với năm 2008. Diện tích trồng mới rừng tập trung đạt 4.884 ha, vượt 8,5% kế hoạch; trồng mới trên 1,9 triệu cây phân tán. Lâm nghiệp phát triển khá ổn định và phát huy hiệu quả về kinh tế. Diện tích nuôi trồng thủy sản thực hiện trên 2.602 ha, tăng 3,3% so với năm 2008; sản lượng đánh bắt thủy hải sản đạt 24.500 tấn, đạt 106,5% kế hoạch. Một số công trình thủy lợi được nâng cấp, xây dựng đã chủ động được nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp. Các chương trình, dự án phát triển nông nghiệp, nông thôn được triển khai thực hiện có hiệu quả. Năm 2010, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đề ra: Tổng sản phẩm trong tỉnh (GDP) tăng 11-12%, trong đó nông - lâm - ngư nghiệp tăng 3-3,5%. Để tiếp tục thực hiện Chương trình hành động số 72- CTHĐ/TU của Tỉnh ủy về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, nhiệm vụ đặt ra là ổn định diện tích lúa nước hiện có, mở rộng diện tích ở những nơi có điều kiện của khu vực miền núi. Tập trung thâm canh, sử dụng giống mới có năng suất, chất lượng cao và khả năng kháng bệnh. Mở rộng diện tích lúa chất lượng cao, diện tích trồng lạc; phổ biến các giống ngô mới có năng suất cao, tăng diện tích trồng sắn, cây công nghiệp dài ngày. Tập trung khôi phục và phát triển chăn nuôi; thực hiện đề án về tổ chức mạng lưới thú y cơ sở; phát triển một số giống cây trồng, vật nuôi và giống thủy sản chủ lực. Đẩy mạnh trồng rừng kinh tế, tăng cường bảo vệ rừng, giao đất, khoán rừng, khuyến khích phát triển các trang trại rừng. Khai thác hải sản xa bờ hiệu quả và nâng cao giá trị hải sản khai thác; mở rộng diện tích nuôi thuỷ sản theo quy hoạch và chú trọng đầu tư thâm canh tăng năng suất. Để xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa, đem lại hiệu quả bền vững, trong điều kiện ngày càng chịu ảnh hưởng nhiều hơn sự bất lợi của thời tiết, các địa phương cần tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn; chú trọng phát triển ngành nghề ở nông thôn, các dịch vụ khuyến nông, khuyến lâm, thuỷ nông, thú y, tiêu thụ nông sản...Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất; chỉ đạo sản xuất đảm bảo lịch thời vụ. Ưu tiên bố trí vốn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đê kè bờ biển, bờ sông nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu. Sử dụng có hiệu quả các nguồn nước để tưới, tiêu chủ động phục vụ sản xuất; thực hiện các biện pháp chống hạn, ngăn mặn, kiểm tra và tu bổ các công trình thuỷ lợi trước lũ đảm bảo vận hành an toàn. Thực hiện các chính sách hỗ trợ đối với nông dân và ngư dân theo chủ trương của Chính phủ. Về lâu dài, định hướng kinh tế nông – lâm - ngư nghiệp đến năm 2015 của tỉnh xác định phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, hiện đại, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao. Do đó phải đẩy mạnh đầu tư thâm canh chiều sâu; tăng diện tích trồng lúa chất lượng cao, diện tích cây công nghiệp, tiếp tục trồng mới rừng tập trung và cây phân tán, tăng sản lượng khai thác thủy sản. Cùng với các giải pháp trên là tập trung xây dựng nông thôn mới theo bộ tiêu chí quốc gia; đa dạng hóa các loại hình kinh tế, phát triển các loại hình doanh nghiệp ở nông thôn; nhân rộng các mô hình kinh tế trang trại, gia trại; phát triển ngành nghề, dịch vụ ở nông thôn; đào tạo nghề và tạo việc làm cho một bộ phận lao động nông thôn chuyển sang các lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ; hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng cho các xã bãi ngang, các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số. Trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, kinh tế nông - lâm - ngư phát triển có tác động rất lớn trong đảm bảo an ninh lương thực, hướng tới sản xuất hàng hóa để tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho một bộ phận lớn dân cư. Trong điều kiện đặc thù sản xuất phụ thuộc vào các yếu tố khách quan của khí hậu, thời tiết, để có một nền nông nghiệp phát triển có hiệu quả cao, cần thực hiện hàng loạt giải pháp đồng bộ, phù hợp để tạo điều kiện cho nông nghiệp, nông thôn Quảng Trị phát triển mạnh mẽ theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, góp phần xóa nghèo bền vững, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển theo định hướng, mục tiêu đã đề ra. Phương Minh