(QT) - Nghỉ hưu đã 5 năm nhưng cô Nguyễn Thị Nhị Hà ở số nhà 14 Đinh Công Tráng, phường 1, TP Đông Hà vẫn luôn là chỗ dựa tin cậy của các phụ huynh và học sinh đam mê học môn Toán khối lớp 4 và 5. Hơn ba mươi sáu năm dạy học của mình, cô đã truyền cảm hứng học Toán cho rất nhiều học sinh thêm vững vàng, đam mê học giỏi môn Toán.
![]() |
Một lớp học Toán của cô Nhị Hà |
Từ sợ học toán đến đam mê
Anh Nguyễn Chiến Thắng, người bạn học với tôi kể rằng con gái anh học lớp 3 nhưng cháu rất ngại môn Toán. Vợ chồng anh đều là kỹ sư, học các môn tự nhiên rất giỏi mà loay hoay, kèm cặp mãi vẫn không thuyết phục được con gái mình thích học môn Toán. Đang bó tay, tình cờ được một người bạn giới thiệu, anh tìm đến cô Nhị Hà nhờ cô giúp đỡ bằng cách cho cháu được học toán với cô bắt đầu vào năm học lớp 4. Chỉ một tuần sau với hai buổi học, con của anh rất háo hức đợi đến buổi thứ ba, thứ tư để được học Toán với cô. Sau hai tháng thì cháu thay đổi quá nhanh, học giỏi và đam mê môn Toán. Chia sẻ về việc học hành của con gái, anh Thắng mừng ra mặt, nhưng khiêm tốn nói chưa tính đến kết quả học tập của cháu như thế nào, song điều quan trọng cô Nhị Hà khơi dậy được niềm yêu thích đến lớp, niềm đam mê học Toán cho cháu suốt từ hôm đầu tiên ấy cho đến nay. Trên đây chỉ là một trong rất nhiều câu chuyện của người dân thành phố Đông Hà khi đi tìm thầy dạy Toán tiểu học cho con mình và may mắn gặp được cô Nhị Hà. Họ luôn nhắn nhủ với nhau muốn con thích học Toán phải đến cô Nhị Hà.
Trong vai một phụ huynh đi tìm thầy dạy Toán lớp 4 cho con, tôi hẹn gặp cô Nhị Hà tại nhà riêng của cô. Cô cho biết hàng năm chỉ tuyển hai lớp học sinh 4 và 5 vào đầu năm học, mỗi lớp cũng chỉ dưới 25 em để dạy cho tốt. Trong gian phòng khách ấm áp, cô khiêm tốn chia sẻ chuyện nghề đầy nhiệt huyết của mình. Tốt nghiệp trường Trung học Sư phạm Quảng Trị hơn 36 năm về trước với tấm bằng đỏ và từ đó cho đến khi nghỉ hưu cô được cấp trên phân công chỉ dạy học ở thành phố Đông Hà bởi vì cô dạy Toán rất giỏi. Đặc điểm nổi bật nhất trong cách dạy Toán của cô không chỉ bồi dưỡng học sinh giỏi Toán, mà tìm kiếm, phát hiện những học sinh sợ học Toán để động viên, chia sẻ cho các cháu tự tin rồi bắt đầu dạy Toán cho các cháu học. Cô dạy giỏi nên nhiều lúc các trường cô đã qua công tác cũng bối rối vì phụ huynh có con em lên lớp 4 là tập trung xin chuyển lớp, vào học cho bằng được lớp của cô. Do tầm quan trọng và kiến thức nền tảng của môn Toán các lớp 4 và 5 nên xưa nay các trường cũng chỉ phân công cô dạy Toán cho hai khối lớp này mà thôi.
Cô luôn yêu thích việc đứng lớp, tiếp xúc trực tiếp với học sinh, khơi dậy, dìu dắt học sinh đam mê học Toán. Nhìn các em tiến bộ từng ngày là hạnh phúc lớn nhất của cô. Cô nói nếu trực tiếp giảng dạy thì một năm mình có ít nhất khoảng vài chục học sinh được hưởng lợi từ môn Toán nên nhiều lần được quy hoạch làm cán bộ quản lý nhưng cô đều từ chối để xin được đứng lớp dạy học.
![]() |
Tranh thủ giờ ra chơi, các học sinh hỏi thêm cô cách giải bài toán khó |
Là giáo viên dạy Toán rất giỏi nhưng sau mỗi tiết dạy cô Nhị Hà đều kiểm tra lại phương pháp giảng dạy của mình bằng cách ghi chú cẩn thận từng phép Toán mà cô đã truyền đạt cho các em vào quyển sổ để so sánh với nhiều phương pháp truyền đạt khác làm sao cho học sinh dễ hiểu bài nhất. Cô nói mỗi khi đánh giá năng lực học sinh qua việc lĩnh hội kiến thức cũng là lúc tự đánh giá lại mình. Học sinh khuyết kiến thức phần nào thì cô phải xem lại phương pháp giảng dạy của mình đã thật phù hợp và dễ hiểu hay chưa để kịp thời bổ sung. Cách dạy của cô là luôn rút kinh nghiệm sau các tiết học để cho phương pháp dạy Toán của riêng cô ngày càng hoàn chỉnh hơn. Vì vậy, trong mỗi tiết dạy cô luôn phân bổ bài giảng phù hợp với 3 đối tượng học sinh trung bình, khá và giỏi để các em luôn thấy bài học vừa sức với mình mà thêm hứng thú học tập, chứ không nhàm chán.
Khi được hỏi bí quyết để giúp học sinh yêu thích môn Toán, cô Nhị Hà sôi nổi chia sẻ, cô luôn dùng phương pháp trực quan sinh động, đơn giản là quy ngôn ngữ toán học về với ngôn ngữ cuộc sống thường ngày của học sinh. Cô luôn mô phỏng các bài dạy của mình bằng cách lấy ví dụ từ những thực tế trong cuộc sống xung quanh học sinh đưa vào bài giảng. Khi dạy bài “phân số” cô dùng hình ảnh cắt một chiếc bánh chưng ngày Tết thành nhiều phần bằng nhau; dạy bài “phân số bằng nhau” từ ví dụ hai cây mía bằng nhau được mẹ chặt ra thành các khúc …Với các ví dụ trực quan như vậy, học sinh của cô có thể cảm thấy như tự mình “sờ nắn” được các phân số và không có khó khăn gì để tiếp tục các bài học cao hơn khi đã nắm được bản chất cơ bản của vấn đề. “Học toán với cô Nhị Hà dễ hiểu và vui lắm”, mấy cậu bé nhỏ nhắn với ánh mắt tự tin nói với tôi như thế.
Một điều quan trọng nữa là cô Nhị Hà luôn nắm bắt được tâm lý học sinh, luôn động viên đúng chỗ, khuyến khích các em khi cần thiết, giúp các em nhận ra mình có sự giỏi giang và khác biệt với các bạn xung quanh, để từ đó tự tin mà học tập vươn lên.
Giỏi toán với công thức “4 t”
Với học sinh sợ môn Toán thì cô gieo vào lòng các em niềm tin yêu học Toán ngày càng tiến bộ hơn. Còn với học sinh có tố chất học Toán thì được cô trực tiếp phát hiện, bồi dưỡng để các em vững vàng dự thi học sinh giỏi toán cấp thành phố, tỉnh. Những năm chưa về hưu, cô Nhị Hà luôn được chọn để bồi dưỡng đội thi chọn học sinh giỏi Tiểu học cấp thành phố và cấp tỉnh. Tại trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc, nơi cô công tác 10 năm trước khi về hưu, đội học sinh giỏi của trường năm nào cũng đoạt giải Nhất về môn Toán trong các kỳ thi chọn. Để có được kết quả đó, hằng ngày cô tự bồi dưỡng kiến thức môn toán Tiểu học cho bản thân mình để bắt kịp với tiến bộ của môn học. Trên bàn làm việc của cô luôn có những quyển sách giải Toán hay từ thời Liên Xô cũ đã úa vàng từng trang viết để tham khảo. Nhằm có sách hay dạy học trò, cô nhờ bạn bè mua từ nước ngoài về hay tự mò mẫm, tìm kiếm tại các quầy sách cũ ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, các thư viện quốc gia. Rồi cô luôn học hỏi thêm kiến thức từ đồng nghiệp, từ nguồn internet; cũng như tự học hỏi tìm ra phương pháp truyền đạt sao cho đơn giản, dễ dàng nhất để phù hợp với trình độ học sinh.
![]() |
Cô Nhị Hà nói chuyện về cách giảng bài toán hai phân số bằng nhau để học sinh dễ hiểu |
Nhiều đồng nghiệp quý trọng và thừa nhận cô Nhị Hà rất tài tình trong việc phát hiện tố chất của học sinh để chọn đội bồi dưỡng học sinh giỏi. Cô tiết lộ để có được học sinh giỏi phải tuân thủ theo tiêu chuẩn “4T”. Đó là: thầy giỏi, trò có tố chất, tài liệu hay và thời gian đủ để bồi dưỡng, truyền đạt kiến thức, kỹ năng làm bài. Học sinh của cô đam mê môn Toán đến nỗi tranh thủ cả giờ giữa tiết học, ngủ trưa bán trú ở trường tìm gặp cô trao đổi các bài toán khó, nhờ cô giải đáp những vướng mắc cho mình. Nhiều thế hệ học sinh giỏi Toán được cô Nhị Hà phát hiện bồi dưỡng từ cái gốc ban đầu bây giờ đã thành danh, tung bay khắp thế giới. Trong số đó có hai em Phan Ánh Tiên và Phan Anh Tiến con của ông Phan Văn Sinh ở khu phố 6, phường 1 là những học sinh được cô Nhị Hà đào tạo. Ánh Tiên sau khi tốt nghiệp đại học theo diện học bổng ở Mỹ, giờ em đang học thạc sĩ ở Úc, còn Anh Tiến đã là giảng viên đại học. Ông Phan Văn Sinh nói rằng không biết nói gì hơn ngoài hai chữ cảm ơn cô Nhị Hà. Nhờ cô mà con ông có cái gốc học Toán và được như ngày hôm nay.
Tiếng thơm đồn xa, bây giờ cô đã nghỉ hưu nhưng hằng ngày luôn nhận được quá nhiều lời đề nghị kèm cặp cho các cháu từ phụ huynh có con cái đang độ tuổi học tiểu học. Từ chối mãi cũng không đành, cô phải tổ chức các lớp học theo nhu cầu của phụ huynh. Cô rất vất vả trong việc bố trí thời gian, sĩ số hợp lý cho các lớp học để đảm bảo khoa học trong việc truyền đạt, kiểm tra, theo dõi sự tiến bộ của các em.
Suốt cuộc đời dạy học, những lần được cấp trên khen thưởng, công nhận giáo viên dạy giỏi các cấp cô không sao nhớ hết. Gia tài mà cô để lại cho xã hội là hàng ngàn học sinh từ sợ sệt đến tự tin học môn Toán, hàng ngàn học sinh giỏi đam mê môn Toán học để góp phần cho sự nghiệp phát triển quê hương, đất nước. Với một người luôn sống thanh bạch như cô Nhị Hà, đó là niềm vui lớn nhất cũng là hạnh phúc viên mãn.
Trần Tú Linh