(QT Xuân) - Năm 2017 là năm ghi nhận sự đột phá của ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Trị khi triển khai xây dựng nhiều mô hình điểm về nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao có quy mô như gạo hữu cơ, rau, dưa trồng trong nhà màng… Thành công bước đầu từ những mô hình điểm là “cú hích” để Quảng Trị tiến tới xây dựng nền sản xuất nông nghiệp bền vững.
![]() |
Mô hình trồng rau công nghệ thủy canh lần đầu tiên triển khai ở Quảng Trị |
Ấn tượng về những mô hình điểm
Theo lời giới thiệu của cán bộ nông nghiệp huyện Vĩnh Linh, chúng tôi tìm về mô hình trồng dưa lưới, dưa lê trong nhà màng của gia đình anh Phan Văn Thọ, ở thôn Thủy Trung, xã Vĩnh Trung. Năm nay thời tiết mưa, rét nhiều khiến việc trồng trọt của nông dân các địa phương gặp nhiều khó khăn, riêng mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng ở đây đã “né” được nhiều bất lợi từ thời tiết.
Trên diện tích 2 sào mà gia đình anh Thọ xây dựng mô hình nhà màng trồng dưa lưới, dưa lê trước đây vốn là đất trồng khoai, sắn thu nhập không quá 10 triệu đồng/vụ nếu gặp thời tiết thuận lợi, còn nếu trời mưa, rét nhiều như năm nay thì không thể sản xuất được. Nhận thấy làm nông nghiệp mà phụ thuộc nhiều vào khí hậu, thời tiết thì không thể vươn lên khá giả nổi, anh Thọ bắt đầu tìm hiểu về các mô hình ứng dụng khoa học- kỹ thuật để thích ứng với biến đổi khí hậu. Đầu năm 2017, nắm bắt chủ trương của huyện về việc xây dựng các mô hình nông nghiệp công nghệ cao nên anh đã “chớp” cơ hội thực hiện xây dựng mô hình nhà màng và hệ thống tưới tự động với tổng kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng ban đầu gần 700 triệu đồng. Mô hình này được huyện hỗ trợ 200 triệu đồng, đồng thời cử cán bộ nông nghiệp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng dưa lưới và dưa lê nhà màng. Theo anh Thọ, trồng dưa trong nhà màng có thể kiểm soát được nhiều yếu tố tác động đến cây trồng nên giảm chi phí đầu tư, công lao động và hạn chế đáng kể sử dụng thuốc BVTV. Ví dụ như đợt mưa, rét kéo dài này không cây gì trồng ngoài trời chống chịu được thì vụ dưa đầu tiên trồng trong nhà màng vẫn thu hoạch được trên 1 tấn sản phẩm, nếu bán theo giá thị trường hiện nay 45 - 50 ngàn đồng/ kg thì cũng thu được từ 45 - 50 triệu đồng. Nếu trời nắng ấm thì 2 sào dưa này cũng thu hoạch được từ 2,5 - 3 tấn. Tính trung bình mỗi năm trồng được 3 vụ thu về vài trăm triệu đồng, lợi nhuận cao hơn chục lần so với trồng khoai, sắn trước đây. Không riêng gì anh Thọ, hiện trên địa bàn huyện Vĩnh Linh đã có 4 mô hình trồng trọt trong nhà màng với tổng diện tích 5.500 m2 , kinh phí đầu tư trên 4,6 tỉ đồng trong đó ngân sách tỉnh và huyện hỗ trợ 1,2 tỷ đồng, còn lại là vốn đối ứng của nông dân.
![]() |
Sản phẩm Gạo hữu cơ Quảng Trị có mặt tại APEC CEO Summit Đà Nẵng 2017 |
Bà Nguyễn Hồng Phương, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh nhấn mạnh: “Do điều kiện đất đai nhỏ hẹp, khí hậu khắc nghiệt, Quảng Trị không thể phát triển các mặt hàng nông sản có số lượng lớn mà cần tăng chất lượng. Tỉnh xác định nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao là hướng đi tất yếu để đưa nông sản vươn ra thị trường đòi hỏi ngày càng cao như hiện nay, qua đó, nâng cao giá trị gia tăng và thu nhập cho người sản xuất, hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững. Năm 2017 là năm đánh dấu việc ứng dụng kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Đầu tiên là mô hình nông nghiệp công nghệ cao của HTX Nguyên Khang (huyện Hải Lăng) với diện tích 2.000 m2 chuyên sản xuất các loại rau và dưa lưới bằng công nghệ thủy canh trong nhà màng. Đến nay, việc ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao vào sản xuất đang được nhân rộng ở một số địa phương như: Vĩnh Linh, Gio Linh, thành phố Đông Hà… bằng các mô hình trồng rau, quả sạch. Mặc dù đây là những mô hình quy mô sản xuất nhỏ lẻ theo hộ gia đình nhưng đó là sự chuyển động tích cực trong tư duy sản xuất canh tác nông nghiệp của nông dân. Thay cho lối canh tác truyền thống, nông dân đã bắt đầu nắm bắt, ứng dụng tiến bộ khoa học- kỹ thuật, đầu tư để tạo ra những sản phẩm đặc trưng, có giá trị kinh tế, đáp ứng nhu cầu thị trường. Thời gian tới, khi Dự án hỗ trợ tỉnh Quảng Trị ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất rau, củ, quả chất lượng cao tại một số địa phương trong tỉnh do Tập đoàn Sumitomo - Nhật Bản hỗ trợ đi vào hoạt động chắc chắn sức lan tỏa sẽ lớn hơn. Từ những mô hình điểm này, ngành nông nghiệp sẽ đánh giá hiệu quả để nhân rộng”.
Thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp
Trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp còn e ngại đầu tư vào nông nghiệp, tỉnh Quảng Trị đã triển khai nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư, kêu gọi các dự án, nguồn lực hợp tác quốc tế vào đầu tư trên lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư thông qua việc quan tâm, tạo cơ chế hợp tác đôi bên cùng có lợi. Có thể nói năm 2017 là năm thành công của tỉnh khi có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.
Trên cơ sở xác định tiềm năng, lợi thế của tỉnh gắn với tái cơ cấu nông nghiệp, tỉnh đã quy hoạch, lựa chọn đối tượng cây trồng, vật nuôi chủ lực để tập trung nguồn lực đầu tư phát triển các vùng sản xuất chuyên canh tập trung; xây dựng cơ chế chính sách đặc thù nhằm hỗ trợ người dân mở rộng sản xuất; tạo điều kiện cho doanh nghiệp, nhà đầu tư tiếp xúc, tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư... Đánh dấu cho sự liên kết chặt chẽ, bài bản đầu tiên trên lĩnh vực nông nghiệp là mô hình liên kết trồng dứa giữa “4 nhà” (UBND tỉnh Quảng Trị, Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao, Học viện Nông nghiệp Việt Nam - hợp tác xã/tổ hợp tác trồng dứa). Chỉ trong thời gian ngắn từ tháng 3 - 6/2017 các địa phương trong tỉnh đã nhanh chóng triển khai chuyển đổi từ đất rừng sản xuất, đất trồng sắn sang trồng dứa với tổng diện tích 108 ha. Nguồn lực huy động thực hiện dự án này gần 17 tỷ đồng trong đó doanh nghiệp cho nông dân ứng trước giống, phân bón gần 6 tỷ đồng, nhà nước hỗ trợ gần 2 tỷ đồng, còn lại là nông dân đối ứng. Đây được xem là mô hình trồng trọt có sự liên kết lớn nhất từ trước đến nay ở Quảng Trị. Hiện nay, cây dứa đang phát triển tốt. Dự kiến tháng 6-7/2018 sẽ cho thu hoạch và nông dân sẽ được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm.
![]() |
Mô hình trồng dưa lê trong nhà màng của nông dân huyện Vĩnh Linh |
Sau khởi động của dự án liên kết trồng dứa, ngành nông nghiệp tỉnh tiếp tục hợp tác với Công ty TNHH Đại Nam - Nhà máy phân bón Ong Biển để sản xuất gần 90 ha lúa theo quy trình công nghệ hữu cơ. Đây là lần đầu tiên có doanh nghiệp hỗ trợ cho nông dân ứng trước 100% phân hữu cơ (8,5 triệu đồng/ha), hỗ trợ một phần chênh lệch giá giống (1,4 triệu đồng/ha), hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật, cam kết đền bù năng suất với mức trung bình 5 tấn lúa tươi/ha, cuối vụ thu mua toàn bộ sản phẩm tại ruộng với giá 7.000 đồng/kg. Và thành quả của dự án hợp tác sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, sạch, bền vững đã giúp tỉnh Quảng Trị xây dựng thành công thương hiệu Gạo hữu cơ Quảng Trị với giá 32.000 đồng/kg, cao hơn nhiều so giá bán một số loại gạo ngoại nhập trên thị trường hiện nay.
Không dừng lại ở lĩnh vực trồng trọt, trên lĩnh vực chăn nuôi cũng có nhiều doanh nghiệp, công ty trên địa bàn được thành lập mới, xúc tiến đầu tư vào nông nghiệp như: Công ty TNHH MTV Tân Triều T&P với dự án “Trang trại chăn nuôi lợn công nghiệp” với vốn đầu tư 42 tỷ đồng; Doanh nghiệp tư nhân Dịch vụ Vận tải Phúc Duy An đầu tư trên 10,8 tỷ đồng cho việc trồng tiêu, trồng cỏ nuôi bò, du lịch sinh thái; Doanh nghiệp tư nhân Thương mại Thảo Vân đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi vốn đầu tư trên 17,3 tỷ đồng...
Việc xuất hiện ngày càng nhiều doanh nghiệp tìm hiểu và đầu tư sản xuất nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao bước đầu khẳng định chủ trương đúng đắn của tỉnh trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Những mối liên kết, hợp tác trong sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị đã giúp nông dân tạo ra những mặt hàng nông sản có thế mạnh và khả năng cạnh tranh vượt trội về năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế. Đây cũng là tiền đề quan trọng để ngành nông nghiệp tỉnh tiếp tục gặt hái thành công hơn nữa trong những vụ mùa tới.
Lâm Thanh