Sâu bệnh hại rừng - một thách thức lớn đối với công tác phát triển rừng
Trong những năm gần đây, diện tích rừng trồng ở Quảng Trị tăng lên nhanh chóng. Khi trồng rừng mở ra trên quy mô lớn thì vấn đề sâu bệnh ngày càng trở nên đa dạng và phức tạp. Thêm vào đó, Quảng Trị lại nằm trong khu vực khí hậu nhiệt đới gió mùa đặc trưng, nhiệt độ và độ ẩm không khí cao là điều kiện thuận lợi cho sinh vật hại rừng phát sinh, phát triển. Đó thực sự là một thách thức lớn.

Sâu bệnh hại rừng - một thách thức lớn đối với công tác phát triển rừng

Trong những năm gần đây, diện tích rừng trồng ở Quảng Trị tăng lên nhanh chóng. Khi trồng rừng mở ra trên quy mô lớn thì vấn đề sâu bệnh ngày càng trở nên đa dạng và phức tạp. Thêm vào đó, Quảng Trị lại nằm trong khu vực khí hậu nhiệt đới gió mùa đặc trưng, nhiệt độ và độ ẩm không khí cao là điều kiện thuận lợi cho sinh vật hại rừng phát sinh, phát triển. Đó thực sự là một thách thức lớn.

Vườn cây cao su ở Vĩnh Linh - Ảnh: H.C
Sâu hại đã làm thiệt hại đáng kể cho rừng trồng ở nhiều địa bàn như Lâm trường Bến Hải, Lâm trường Đường 9, Lâm trường Triệu Hải, huyện Hướng Hoá, huyện Vĩnh Linh. Điển hình như đợt dịch sâu róm thông lớn nhất từ trước đến nay xảy ra trong 2 năm liên tục 2005 và 2006, trên 6.000 ha rừng thông ở huyện Vĩnh Linh, Cam Lộ bị nhiễm sâu róm gây thiệt hại rất nghiêm trọng. Đặc biệt năm 2007 và 2008 xuất hiện 3 đợt dịch của 2 loài sâu ăn lá lần đầu tiên xuất hiện tại Quảng Trị hại rừng keo gây hại trên 3.000 ha. Để tiến hành dập dịch, bên cạnh các biện pháp thủ công, biện pháp hoá học, Chi cục Kiểm lâm đã triển khai thực hiện một số đề tài, nghiên cứu thư nghiệm nhằm đưa ra biện pháp phòng trừ hiệu quả. Năm 2000 - 2001, chúng tôi tham gia thực hiện dự án: “ Điều tra, đánh giá sinh vật gây hại rừng trồng, đề ra giải pháp phòng trừ ” của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Sau 2 năm thực hiện, dự án đã thu được một số kết quả quan trọng bước đầu: Điều tra thống kê các loại sinh vật gây hại các loài cây trồng rừng chính như: thông, bạch đàn, keo, phi lao, muồng đen. Đề xuất các giải pháp quản lý và phòng trừ. Xây dựng danh mục những loài sinh vật gây hại rừng trồng chính của địa phương… Riêng với sâu róm thông, năm 2007, chúng tôi đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu ứng dụng các chế phẩm sinh học trong phòng trừ sâu róm thông tại Lâm trường Bến Hả, tỉnh Quảng Trị”. Dựa trên quan điểm quản lý vật gây hại tổng hợp (IPM) để khống chế quần thể loài sâu hại.

Đề tài đã tiến hành nghiên cứu các chế phẩm sinh học diệt trừ sâu róm thông của Việt Nam và Trung Quốc. Đề tài đưa ra được một số biện pháp phòng trừ nhằm phát triển bền vững khu vực rừng thông nhựa tại Công ty lâm nghiệp Bến Hải. Xác định ba loại thuốc trừ sâu từ chế phẩm sinh học là Boverin, Bai Chong Cha (thuốc trừ sâu thực vật sản xuất từ nguyên liệu cây thuốc lá và khổ sâm chai) và Bitadin (thuốc sinh học được chế hỗn hợp giữa 2 loài vi sinh vật là vi khuẩn Bacillus thuringiensis và virus NPV) có thể phòng trừ có hiệu quả tại khu vực nghiên cứu và có thể áp dụng cho nhiều vùng khác. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn những vấn đề mới nảy sinh và tồn tại cần có những nghiên cứu chuyên sâu: Thứ nhất, những loài sâu xuât hiện gần đây không có trong danh mục những loài sinh vật gây hại rừng trồng chính của địa phương nên chưa có những tài liệu điều tra, đánh giá đầy đủ. Vì vậy công tác dập dịch, dự tính, dự báo gặp nhiều khó khăn. Thứ hai, hiện nay vẫn chưa tìm hiểu được nguyên nhân của một số diễn biến bất thường dịch sâu róm thông trong thời gian gần đây (hiện tượng tái nhiễm sâu ngay sau khi đã diệt trừ, mật độ sâu cao, nhiều thế hệ liên tục kể cả thời điểm nắng hạn nhất). Thứ ba, nguồn cung cấp các chế phẩm sinh học còn hạn chế, chất lượng còn nhiều vấn đề do thời hạn sử dụng chế phẩm rất ngắn. Bên cạnh đó phương tiện, máy móc phục vụ công tác phòng trừ chưa có, ảnh hưởng lớn đến công tác dập dịch. Để nâng cao hiệu quả công tác theo dõi, dự tính, dự báo và phòng trừ sinh vật gây hại rừng, thời gian tới, theo chúng tôi cần: Nghiên cứu sâu hơn về điều kiện phát sinh, phát triển và phát dịch của các loài sâu nguy hiểm như sâu róm thông, sâu ăn lá keo, sâu đục nõn thông... để đề ra biện pháp phòng trừ hiệu quả, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra.

Đầu tư sản xuất các chế phẩm sinh học tại chỗ để hạ giá thành sản phẩm và chủ động trong công tác phòng trừ. Các cơ quan nghiên cứu cần xây dựng các mô hình trình diễn áp dụng hệ thống phòng trừ tổng hợp, chuyển giao kỹ thuật đến tận cơ sở và chủ rừng. Cần có các biện pháp quản lý tốt về công tác giống cây trồng rừng. Chú trọng công tác dự tính dự báo, áp dụng các biện pháp kỹ thuật lâm sinh nhằm hạn chế sâu bệnh. Phòng trừ sinh vật gây hại rừng là một vấn đề rất cấp bách trong giai đoạn hiện nay khi mà diện tích rừng trồng đang phát triển nhanh chóng. Đó thực sự là một thách thức lớn. Đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, tăng cường đầu tư cho công tác này là hết sức cần thiết. Vì vậy rất mong các cơ quan nghiên cứu, cơ quan chuyên môn quan tâm, hỗ trợ giúp địa phương trong công tác phòng trừ sinh vật hại rừng trên. Ngô Kim Thái - Hồ Thị Như Trang