Nỗi lo sống giữa hai đường dây điện 500 kV
(QT) - Hơn 7 năm qua, 12 hộ dân với hơn 60 nhân khẩu ở khu phố 2, phường 4, thành phố Đông Hà (Quảng Trị) sống giữa hai đường dây điện cao thế 500 kV luôn phải đối mặt với nhiều hiểm nguy thường trực, đặc biệt trong mùa mưa bão. Từ năm 1994 -2005 ngành điện đầu tư và đưa vào vận hành 2 đường dây điện 500 kV chạy song song qua các địa phương trong cả nước, trong đó có Quảng Trị. Việc đầu tư 2 đường dây song song khiến một số hộ dân trên địa bàn tỉnh, trong đó ở phường 4, thành phố Đông Hà có 12 ...

Nỗi lo sống giữa hai đường dây điện 500 kV

(QT) - Hơn 7 năm qua, 12 hộ dân với hơn 60 nhân khẩu ở khu phố 2, phường 4, thành phố Đông Hà (Quảng Trị) sống giữa hai đường dây điện cao thế 500 kV luôn phải đối mặt với nhiều hiểm nguy thường trực, đặc biệt trong mùa mưa bão. Từ năm 1994 -2005 ngành điện đầu tư và đưa vào vận hành 2 đường dây điện 500 kV chạy song song qua các địa phương trong cả nước, trong đó có Quảng Trị. Việc đầu tư 2 đường dây song song khiến một số hộ dân trên địa bàn tỉnh, trong đó ở phường 4, thành phố Đông Hà có 12 hộ rơi vào vị trí nằm kẹp giữa hai đường điện ở tình trạng “tiến thoái lưỡng nan” khiến cuộc sống của họ phải đối mặt với nhiều nỗi phiền toái và nguy hiểm. Đồng chí Nguyễn Văn Sỹ, Chủ tịch UBND phường 4, thành phố Đông Hà lý giải về trường hợp của 12 hộ dân nói trên: Trước năm 1994, khi đường dây 500 kV đầu tư xây dựng, ngành điện đã tiến hành bồi thường, di dời các hộ dân nằm trong hành lang an toàn của đường dây và 12 hộ dân nói trên không thuộc trường hợp phải di dời.

12 hộ dân ở phường 4, Đông Hà đang ở giữa hai đường dây 500 kV

Năm 2004, đường dây cao thế thứ hai tiếp tục được xây dựng và chạy song song khiến những hộ dân kể trên rơi vào vị trí nằm kẹp giữa hai đường dây và lại một lần nữa không thuộc trường hợp phải bồi thường, di dời. Việc không nằm trong hành lang an toàn của 2 đường dây cao thế đồng nghĩa với việc người dân yên tâm tiếp tục ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, sau khi đường dây thứ hai được đưa vào vận hành, cuộc sống của 12 hộ dân liên tục bị đảo lộn và các mối nguy hiểm từ điện cao thế luôn hiện hữu. Ông Đào Văn Ngát, 51 tuổi, ở khu phố 2, phường 4 là một trong số 12 hộ dân hiện sống dưới hai đường điện cao thế cho biết: Năm 1976, ông theo cha lên vùng gò đồi ở phường 4 để khai hoang và định cư. Năm 1986, ông Ngát lập gia đình, ra riêng và ổn định cuộc sống cho đến ngày đường dây cao thế thứ hai đưa vào vận hành. Ông Ngát kể về những ảnh hưởng của hai đường dây cao thế mà gia đình ông và các gia đình khác phải đối mặt đó là tình trạng nhiễu điện, đặc biệt vào mùa mưa. “Khi trời mưa, cảm nhận về tình trạng nhiễu điện rất rõ như dùng bút thử điện chấm lên mái tôn nhà, đèn báo điện trong bút phát sáng, hoặc dùng dây điện nối vào mái tôn cắm vào bóng đèn thì bóng đèn phát sáng. Khi đi ngoài trời lúc mưa dưới đường điện dùng ô che mưa thì cảm nhận được nguồn điện gây giật nhẹ. Ngoài ra, tiếng ồn phát ra từ hai đường dây như một chiếc máy nổ gầm gừ trên mái nhà chúng tôi. Còn muốn xem được ti vi, bất kể trời mưa hay nắng, ăng ten phải lắp trong nhà ti vi mới có tín hiệu”- ông Ngát mô tả. Ngoài việc bị ảnh hưởng do nhiễu điện, các hộ dân kể trên đều bị ràng buộc với những điều kiện khắt khe của ngành điện như nhà cửa không được cơi nới, nâng cao, cây cối xung quanh nhà dùng để che chắn mưa gió đều phải chặt sát gốc. Trước những kiến nghị của người dân về tình trạng nhiễu điện, ngành điện đã tiến hành khảo sát, đo đạc. Tuy nhiên theo ông Ngát thì ngành điện không thông báo cho người dân biết bằng văn bản kết quả khảo sát mà chỉ tiến hành lắp đặt dây tiếp đất nhưng tình trạng nhiễu điện vẫn không cải thiện. Đặc biệt, bắt đầu xuất hiện các trường hợp mắc các bệnh như tâm thần, động kinh, ù tai. Để “sống chung” với điện, những hộ dân tiến hành dùng ván gỗ thưng che dưới mái tôn nhà một cách tạm bợ để tránh nguồn điện bị nhiễu, gây ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng. Đồng chí Nguyễn Văn Sỹ, Chủ tịch UBND phường 4 cho biết: Để đảm bảo an toàn cho các hộ dân sống giữa hai đường dây cao thế, UBND phường đã nhiều lần kiến nghị với các ngành chức năng, tuy nhiên đến nay việc di dời các hộ dân ra khỏi khu vực này vẫn chưa được thực hiện vì nhiều lý do khác nhau. Ngày 9/6/2006 Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công thương) đã có văn bản số 3221 trả lời ngành điện về việc hỗ trợ di dời nhà ở, công trình các hộ dân nằm kẹp giữa hai đường dây 500 kV. Theo nội dung công văn đối với nhà ở, công trình của tổ chức, cá nhân tuy đã nằm ngoài hành lang an toàn đường dây 500 kV nhưng nếu cường độ điện trường trong nhà lớn hơn 1kV/m; ngoài nhà lớn hơn 5kV/m thì chủ đầu tư công trình lưới điện phải bồi thường di dời các hộ dân này ra ngoài khu vực bị ảnh hưởng. Đối với các trường hợp công trình nhà ở, công trình nằm giữa 2 đường dây cao thế nhưng đã ngoài hành lang an toàn lưới điện, cường độ điện trường nhỏ hơn giới hạn thì không được hưởng chế độ bồi thường di dời mà chỉ được hưởng chế độ hỗ trợ di dời. Việc hỗ trợ di dời trên nguyên tắc tự nguyện, các hộ dân phải làm đơn thông qua chính quyền cấp xã chứng nhận. Chính quyền địa phương tạo điều kiện và hỗ trợ về đất đai tái định cư, chủ công trình lưới điện cao áp chịu trách nhiệm hỗ trợ kinh phí di dời... Trên cơ sở đó, UBND tỉnh Quảng Trị đã có văn bản số 3026 gửi các địa phương trong tỉnh có 2 đường dây 500 kV hướng dẫn việc di dời các hộ dân nằm giữa 2 đường dây cao thế. Tuy nhiên, từ đó đến nay việc di dời 12 hộ dân này vẫn chưa được thực hiện. Nguyên nhân là các hộ dân kể trên không đồng ý với phương án hỗ trợ di dời với lý do ngành điện chưa trả lời chính thức bằng văn bản cho người dân về mức độ nhiễu điện ở khu vực này. Chính vì vậy người dân địa phương kiến nghị ngành điện cần tiến hành một cuộc khảo sát, đo đạc nghiêm túc, có sự giám sát của các cơ quan chức năng và người dân địa phương để có kết luận chính thức. Nếu cường độ điện trường lớn hơn giới hạn cho phép thì cần phải tiến hành đền bù, di dời theo đúng quy định, trường hợp cường độ điện trường nhỏ hơn giới hạn quy định thì tiến hành phương án hỗ trợ di dời. Chính vì vậy việc tiến hành đo đạc cần sớm được tiến hành và nếu một trong hai trường hợp xảy ra đó là kết quả đo đạc cường độ điện trường nhỏ hơn giới hạn quy định thì việc hỗ trợ di dời cần tính đến mức hỗ trợ phải đảm bảo việc di dời, tái định cư, ổn định cuộc sống. Bởi theo đồng chí Nguyễn Văn Sỹ thì đa số các hộ dân kể trên đều thuộc diện khó khăn, không có việc làm ổn định. Trong khi chờ đợi phản hồi từ các cơ quan chức năng thì hơn 60 nhân khẩu của 12 hộ dân vẫn thấp thỏm lo âu với những mối hiểm nguy, nhất là mỗi khi mùa mưa bão về. Bài, ảnh: LÊ MINH