Xây dựng nông thôn mới bằng tư duy mới, cách làm mới
(QT) - Tỉnh Quảng Trị hiện có 117 xã thuộc phạm vi thực hiện chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2010-2020. Từ năm 2010, tỉnh Quảng Trị tổ chức điều tra, đánh giá hiện trạng nông thôn mới theo Bộ tiêu chí quốc gia. Kết quả cho thấy, toàn tỉnh đạt bình quân 24,4% so với Bộ tiêu chí quốc gia, đa số các xã đạt từ 15-25%; chỉ có 7 xã đạt trên 50%. Số xã đạt dưới 5 tiêu chí là 67/117 xã, chiếm 57,2%. Đối với 8 xã thực hiện thí điểm xây dựng nông thôn mới là Vĩnh Lâm (Vĩnh Linh), Gio Phong (Gio Linh), Triệu Trạch (Triệu Phong), Cam Thủy (Cam Lộ), Mò Ó (Đakrông), Hải Lệ (thị xã Quảng Trị), Hải Thượng (Hải Lăng) và xã Thuận (Hướng Hóa) cho đến nay đã cơ bản hoàn thành được từ 6 đến 9 tiêu chí trong tổng số 19 tiêu chí của Bộ tiêu chí quốc gia.
Có thể khẳng định, đây là chương trình rất lớn và toàn diện lần đầu tiên được thực hiện ở nước ta trên quy mô toàn quốc. Khi hoàn thành sẽ tạo ra ở vùng rộng lớn nông thôn Việt Nam một diện mạo mới, một sức vóc mới, đủ sức đảm đương trọng trách là “hậu phương lớn”, vững chắc và đầy tiềm lực của đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. |
UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo mỗi huyện chọn từ 2-3 xã để chỉ đạo điểm gồm Hải Thọ, Hải Hòa, Hải Tân, Hải Phú, Hải Ba (Hải Lăng); Hướng Phùng, Hướng Tân, A Túc (Hướng Hóa); Cam An, Cam Nghĩa (Cam Lộ); Triệu Phước, Triệu Đông, Triệu Thành, Triệu Thuận, Triệu An (Triệu Phong); Vĩnh Hiền, Vĩnh Thủy (Vĩnh Linh); A Ngo, Hải Phúc (Đakrông) và huyện Gio Linh đang dự kiến chọn 3 xã. Đánh giá chung về hiện trạng nông thôn mới của tỉnh thì hiện nay, các xã mới đạt được chủ yếu nhóm tiêu chí về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định, đội ngũ cán bộ cơ bản được đào tạo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác, các thiết chế văn hóa, chuẩn hóa trường học và trạm y tế, tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch hợp vệ sinh và tỷ lệ người dân dùng điện... Các tiêu chí đạt được này hầu hết đều kế thừa từ hiệu quả mà các chương trình, dự án trước đó mang lại như chương trình quốc gia về xóa đói giảm nghèo và tạo việc làm, chương trình 134, 135... Các tiêu chí về hạ tầng, kinh tế và các hình thức khác đạt thấp. Nguyên nhân chính là do các xã vùng nông thôn của tỉnh có điểm xuất phát thấp, còn gặp khó khăn về nhiều mặt. Để thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đã đưa ra mục tiêu đến năm 2015, tỉnh Quảng Trị có 15% số xã đạt chuẩn NTM theo Bộ tiêu chí quốc gia. Có thể thấy, thời gian qua, công tác triển khai xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh đã được khởi động tích cực. Xác định đây là một yêu cầu rất nặng nề, do đó UBND tỉnh đã sớm kiện toàn Ban chỉ đạo của tỉnh theo hướng dẫn của Trung ương. Ban chỉ đạo đã tổ chức các cuộc họp xây dựng kế hoạch, khảo sát, kiểm tra, chỉ đạo và hướng dẫn các huyện, xã thành lập Ban quản lý cấp xã; tuyên truyền, vận động thực hiện công tác xây dựng quy hoạch, đề án nông thôn mới đảm bảo kế hoạch của Ban chỉ đạo Trung ương. Trong quá trình xây dựng NTM, việc xúc tiến xây dựng hạ tầng là khâu căn bản. Nhờ những thành tựu từ công cuộc đổi mới đất nước, bộ mặt nông thôn Quảng Trị đã có nhiều khởi sắc. Tuy nhiên, yêu cầu đặt ra trong quá trình xây dựng NTM, hạ tầng nông thôn cần phải được xây dựng đồng bộ và hiện đại, đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững, lâu dài. Trước mắt, tỉnh đã phân bổ 2,4 tỷ đồng cho 8 xã thí điểm đầu tư vào các hạng mục ưu tiên gồm: bê tông hóa các trục đường giao thông nội đồng (Cam Thủy, Cam Lộ); đường giao thông nông thôn (Hải Thượng, Hải Lăng); đường vào khu tái định cư (huyện Đakrông)...Ngoài các nguồn vốn đầu tư phát triển do Trung ương hỗ trợ, UBND tỉnh đã chỉ đạo các huyện có xã thí điểm trích trong ngân sách được tỉnh cân đối 1 tỷ đồng/xã (8 xã). Công tác quy hoạch trong quá trình xây dựng NTM được đánh giá là khâu quan trọng. Tuy nhiên, việc quy hoạch lần này là góp phần hiện đại hóa nông thôn, thích ứng với điều kiện sống cũng như cách thức sản xuất mới và hơn ai hết, người dân sở tại hiểu rất rõ địa bàn mà mình đã sinh sống nhiều đời. Do vậy các cơ quan chức năng cần tranh thủ, tham khảo ý kiến của người dân khi tiến hành quy hoạch sao cho có sự hợp lý và phát huy hiệu quả tích cực, tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Đối với 8 xã thí điểm của tỉnh, Sở NN-PTNT giao cho Chi cục Phát triển nông thôn phối hợp với Viện Quy hoạch thiết kế nông nghiệp- Bộ NN-PTNT là đơn vị tư vấn xây dựng quy hoạch cho 8 xã điểm của tỉnh, kế hoạch đến hết quý 3/2011 sẽ hoàn thiện. Ngoài ra, 22 xã thí điểm của các huyện cũng được yêu cầu hoàn thành công tác này trong quý 3/2011. 109 xã còn lại, UBND tỉnh đã phân bổ vốn và giao cho UBND các xã làm chủ đầu tư. Riêng 2 huyện Hướng Hóa và Đakrông, UBND huyện làm chủ đầu tư thực hiện quy hoạch xây dựng NTM, theo kế hoạch, sẽ hoàn thành vào quý 1/2012. Từ năm 2010-2011, tỉnh đã tập trung lồng ghép các nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ cho các xã thí điểm của tỉnh gồm: công tác quy hoạch (200 triệu/xã); hỗ trợ phát triển sản xuất (70 triệu/xã); giao thông nông thôn (300 triệu/ xã); vốn đầu tư phát triển cân đối từ ngân sách cấp cho huyện 8 xã điểm là 8 tỷ đồng. UBND tỉnh cũng chỉ đạo ưu tiên các chương trình MTQG, dự án hiện có trên địa bàn tập trung cho các xã điểm. Trên cơ sở nguồn kinh phí do trung ương phân bổ, UBND tỉnh đã bố trí kinh phí quy hoạch cho 117 xã của tỉnh (100%), bình quân 110 triệu đồng/xã. Đến nay, chương trình MTQG xây dựng NTM đã trở thành phong trào được cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, nhất là người dân nông thôn đồng tình, ủng hộ, tham gia tích cực. Tuy nhiên, chương trình vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, nhất là việc nhận thức về chương trình xây dựng NTM ở cấp cơ sở (xã, thôn, bản) còn chưa rõ ràng, thiếu thông tin. Cơ chế huy động nội lực, ưu tiên lồng ghép nguồn vốn của các chương trình mục tiêu trên địa bàn nằm trong quá trình triển khai quy hoạch NTM còn lúng túng. Việc định hướng quy hoạch, lộ trình quy hoạch xây dựng NTM phù hợp với thực tế từng địa phương đang là một thách thức lớn, đặc biệt là tiêu chí chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp tiến đến giảm cơ cấu lao động trong nông nghiệp, tăng thu nhập cho nông dân là không hề dễ dàng, đòi hỏi phải có thời gian lâu dài và tập trung đầu tư nguồn lực lớn, đồng bộ, từ nhiều phía. Để tổ chức thực hiện chương trình xây dựng NTM, trước hết là phải coi trọng công tác quy hoạch xây dựng nông thôn mới, bao gồm: quy hoạch sử dụng đất; quy hoạch bố trí dân cư; quy hoạch phát triển kinh tế- xã hội và quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn. Các loại quy hoạch này phải đi trước một bước nhằm tạo tiền đề cho việc xây dựng các chương trình, kế hoạch và dự án đầu tư phát triển sản xuất và xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn đúng hướng, có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả và bền vững. Về nguồn vốn, cần đa dạng hoá các nguồn vốn huy động, đặc biệt là tập trung huy động tối đa nguồn lực của địa phương cùng với tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương, các Tổ chức quốc tế và các doanh nghiệp trong và ngoài nước, khai thác các tiềm năng, lợi thế, trong đó, khơi dậy nguồn lực trong dân cũng đóng vai trò quan trọng. Tăng cường công tác đào tạo nguồn nhân lực, đào tạo nghề cho nông dân, coi đây là nhân tố quan trọng để nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phân công lại lao động nông thôn theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn phải đa dạng, ai có khả năng và nhu cầu phát triển nghề gì cần được quan tâm đào tạo nâng cao tay nghề về lĩnh vực đó, tạo điều kiện cho họ chuyên tâm vào nghề, giỏi về nghề, sống được bằng nghề. Tiếp tục củng cố nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các tổ chức kinh tế trong nông thôn, nhất là kinh tế hợp tác và HTX, phát triển kinh tế trang trại, gia trại nhằm tăng nhanh sản phẩm hàng hoá, làm tốt dịch vụ đầu vào và đầu ra cho nông dân yên tâm phát triển sản xuất có hiệu quả... Theo tinh thần Nghị quyết 26-NQ/TƯ của Trung ương (khóa X), phải xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội hiện đại; gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ, đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn ổn định, giàu bản sắc văn hoá dân tộc; dân trí được nâng cao, môi trường sinh thái được bảo vệ; hệ thống chính trị ở nông thôn dưới sự lãnh đạo của Đảng được tăng cường. Xây dựng giai cấp nông dân, củng cố liên minh công nhân - nông dân - trí thức vững mạnh, tạo nền tảng kinh tế - xã hội và chính trị vững chắc cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Có thể khẳng định, đây là chương trình rất lớn và toàn diện lần đầu tiên được thực hiện ở nước ta trên quy mô toàn quốc. Khi hoàn thành sẽ tạo ra ở vùng rộng lớn nông thôn Việt Nam một diện mạo mới, một sức vóc mới, đủ sức đảm đương trọng trách là “hậu phương lớn”, vững chắc và đầy tiềm lực của đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Do vậy, quá trình triển khai xây dựng NTM hôm nay phải bằng tư duy mới, cách làm mới để đạt được hiệu quả thiết thực trong từng chương trình, từng phần việc, trong từng bước vững chắc. ĐÀO TÂM THANH