Từ mùa thu năm ấy…
(QT) - Có những sự kiện lịch sử trọng đại mà dẫu qua muôn vạn thăng trầm thì nó vẫn thắm tươi trong ký ức con người và trong mỗi dòng son sử ký. Và mùa thu năm ấy đã có một sự vận động xã hội tuôn trào vĩ đại như núi lửa, tạo nên một cơn dư chấn kỳ vĩ, đem lại một sự đổi đời có tên là Cách mạng và Quốc khánh.

Từ mùa thu năm ấy…

(QT) - Có những sự kiện lịch sử trọng đại mà dẫu qua muôn vạn thăng trầm thì nó vẫn thắm tươi trong ký ức con người và trong mỗi dòng son sử ký. Và mùa thu năm ấy đã có một sự vận động xã hội tuôn trào vĩ đại như núi lửa, tạo nên một cơn dư chấn kỳ vĩ, đem lại một sự đổi đời có tên là Cách mạng và Quốc khánh.

Trong ký ức của người đã sống ở tuổi đại thọ chín mươi thì ông Nguyễn Văn Đoàn không thể nào quên dù quá khứ đã xa lắc gần ba phần tư thế kỷ về những ngày độc lập đầu tiên của mùa thu năm ấy, năm 1945. Ông kể rằng mình lúc đó là cán bộ tiền khởi nghĩa báo tin cho bà con Cam Lộ: “Nước mình đã được độc lập rồi, dân mình từ nay được tự do, không còn ai đè đầu cưỡi cổ. Tuyên ngôn độc lập đã đọc ngày 2/9 tại thủ đô Hà Nội. Từ đây, dân mình tha hồ làm lụng không còn sợ Tây, Nhật áp bức, bóc lột”.

Ngôi trường THPT mang tên nhà cách mạng Lê Thế Hiếu. Ảnh: Minh Đức

Bà con nghe ông nói ai cũng mừng vô hạn, có người rơi nước mắt. Khóc cũng phải thôi, những giọt lệ hân hoan quá đỗi khi từ thân phân nô lệ, tôi đòi rồi một ngày khi nước nhà độc lập đã tự hào trở thành người làm chủ vận mệnh của mình, làm chủ giang sơn. Bà Trần Thị Truyền ở thôn An Thái Thượng, Cam Thành, Cam Lộ, một phụ nữ tham gia tích cực phong trào Việt Minh của địa phương, nhớ lại: “Vui lắm, nghe tin tổng khởi nghĩa thành công người dân đã reo mừng, rồi nghe tin nước nhà độc lập, dân mình đi trên đất mà chân cứ như bay. Sướng lắm, tự hào lắm. Tui lúc nớ mới hơn mười tuổi nhưng cũng biết và nhất là nghe người lớn nói với nhau: mình hết khổ rồi, mình hết sợ rồi”.

Cao hứng bà lão móm mém còn hò một câu là ao ước của người dân nô lệ thuở ấy: “Bao giờ nước Nam mình độc lập, gạo một hào mười lon”. Thì đúng vậy, mơ ước cháy bỏng ngàn đời của triệu triệu người dân là cơm no áo ấm, được học hành và được tự do. Mà những điều quan trọng và thiết thân ấy, chỉ có Cách mạng Tháng Tám và Tuyên ngôn Độc lập 2/9/1945 mới mang lại cho dân tộc, đồng bào. Sức mạnh chính nghĩa và nhân văn của cuộc cách mạng này và sản phẩm vĩ đại của nó: Tuyên ngôn Độc lập chính là như vậy.

Khu di tích Nhà Tằm Tân Tường, quy tụ những người yêu nước ở Quảng Trị, là cơ sở quyên góp tài chính ủng hộ những trí thức xuất dương tìm đường đánh Pháp. Ảnh: Minh Đức

Bởi gốc rễ của cách mạng, nói như Nguyễn Trãi là: “Đem đại nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo”. Còn nhớ cách đây mấy chục năm, đồng chí Lê Hành, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị, khi nói chuyện với học sinh cấp 3, đã khẳng định rằng: “Sức mạnh của cách mạng là sức mạnh cảm hóa”. Chính nhờ ngọn nguồn này mà sau Tuyên ngôn độc lập, nhiều quan lại phong kiến triều Nguyễn, nhiều nhân sĩ, trí thức, chính kiên và đảng phái khác nhau đều tập trung dưới ngọn cờ yêu nước do Việt Minh lãnh đạo.

Một nhà cách mạng để lại nhiều dấu ấn trên mặt đất và trong lòng người Quảng Trị, là ông Lê Thế Hiếu (1892-1947). Ông đương nhiên có mặt trong Lịch sử Đảng bộ tỉnh Quảng Trị và còn có mặt ở những cuốn sách đồ sộ như “Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam” dày cả ngàn trang do NXB tổng hợp TP.HCM của hai tác giả Nguyễn Q Thắng và Nguyễn Bá Thế với hai tư cách: nhà cách mạng và nhà thơ. Sau Cách mạng Tháng Tám, ông là một lãnh đạo chủ chốt của tỉnh Quảng Trị, Chủ tịch tỉnh Quảng Trị, hy sinh trên đường đi công tác Chợ Cạn. Hình ảnh ông từ mùa thu năm ấy còn lưu lại trong hồi ức của người cháu ngoại Nguyễn Thị Bích Hà.

Bà kể trong hồi ký của mình: Năm 1945, sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, ông thường ở thị xã Quảng Trị, ít khi ở nhà. Người được gần gũi là cô cháu gái lên 7 tuổi. Ông ở tù quá dài ngày nên rất thiếu thốn tình cảm gia đình. Tôi là đứa cháu ngoại đầu tiên của gia đình nên ông rất đỗi yêu thương. Tối ông bồng lên ngủ bên ông trên giường nệm. Lần đầu tiên tôi biết thành phố có nhà lầu, có giường nệm, có phòng tắm đủ tiện nghi. Ông làm việc trên tỉnh, bà ngoại vẫn ở lại Tường Vân trông coi nhà cửa và làm muối, làm ruộng. Nơi ông làm việc có hai chú gọi là cần vụ và có bếp ăn của cơ quan rất đông người.

Đến bữa, có người đưa cơm đến cho hai ông cháu nhưng ông thường ăn rất muộn. Ông làm việc rất khuya. Sáng ông đến phòng làm việc sớm, việc tôi giúp được ông là bưng khay cau trầu đến cho ông khi ông thích ăn trầu. Ở với ông được ít hôm trên tỉnh thì tôi đòi về với bà. Tôi thích đi đò theo dì về Cửa Việt. Trong thời gian này tôi đã học thuộc lòng bài “Hịch Việt Minh” do ông sáng tác. Mỗi lần về nhà, tôi đều đọc cho ông nghe, ông lại thưởng đi tắm nước ngọt bên khe Am Hà Tây. Có một hôm, trăng mùa thu sáng vằng vặc.

Cả nhà ngồi ngoài sân, ông bảo: “Hà lấy khay trầu bên cạnh bàn thờ cho ông”. Tôi vội vào nhà trên tìm khay trầu. Trên bàn thờ có ánh sáng đong đưa lúc mờ lúc sáng. Tôi sợ ma hét toáng lên, khay trầu đổ tung không còn một miếng. Cả nhà chạy vào, bà ôm tôi vào lòng vì tôi còn run, hoảng hốt. Ai cũng cười và trêu: “Con gái xứ Cùa nhát gan rứa!”. Bà bảo “ánh trăng đó sợ chi”!. Tôi vẫn không hiểu. Sáng hôm sau ông dẫn tôi vào nhà trên và giải thích: “Phía góc nhà trên, ông có đặt một tấm kính to thay cho hai miếng ngói, mục đích lấy ánh sáng vào nhà. Ban ngày có ánh nắng chiếu vào. Còn lúc sáng lúc mờ là vì sau nhà có cây mít, gió đưa cành cây mít che miếng kính thì tối và cành cây mít không che thì sáng... hiểu chưa cô gái Cùa?”.

Từ đó tôi mới biết trên mái nhà ông có tấm kính. Nhân hôm đó ông tặng tôi hai câu thơ vui: “Chàng nhang báo cáo ma rà Sơn Nam có một o Hà nhát hung Chàng nhang báo cáo ma rà Ông Duệ chùi súng, bà Nga nổi khùng” Ông ngoại cho ba tôi khẩu súng hai nòng dùng để tự vệ vì xứ Cùa rất nhiều thú rừng, cọp dữ. Ba tôi lại bắn rất giỏi, ông đã bắn được ba con cọp dữ ở vùng này. Nhưng mẹ tôi không đồng tình, chỉ muốn dùng súng tự vệ thôi, đừng sát sinh. Thời kỳ sau khởi nghĩa ba tôi làm Trưởng ban Tư pháp huyện Cam Lộ.

Nhưng khi vỡ mặt trận, ba tôi được điều về làm Bí thư kiêm Chủ tịch xã Cam Lộc (Cam Chính và Cam Nghĩa bây giờ). Lúc này chiến khu tập trung nhiều bộ đội, cán bộ cơ quan. Ba tôi bận rộn nhiều việc lắm, ít khi có nhà. Cuối năm 1945, ông bà tôi cưới vợ cho cậu tôi là Lê Thế Tế, cùng mợ là Trần Thị Ôn (người Thành Hội, xã Triệu Vân). Lễ cưới cậu tôi để lại cho tôi một kỷ niệm khó quên. Hôm đó trời lạnh mà không mưa, ông tôi trong bộ đồ sang trọng, mặc áo khoác dạ màu xanh đậm dài tận gối, đội mũ phớt. Bà cho tôi mặc áo len trắng. Ông ra sân và vẫy gọi tôi: “Hà mau lên nào!”.

Ông lên ngựa, cậu Toản (cháu bà tôi người Hà Tây) bồng tôi lên ngồi vào lòng ông rồi cậu dắt ngựa đi bộ lững thững, ung dung. Ngồi với ông trên lưng con ngựa màu trắng rất đẹp, lại có cậu Toản đi bên cạnh, tôi rất bình tâm không sợ gì hết. Tôi nói: “Con ngựa này đi chậm như con bò, hình như nó không chạy được”. Ông tôi bảo: “Đi chậm để còn chờ bà con”. Nhà cách mạng Lê Thế Hiếu đã sống một đời người xứng đáng và tận hiến cho Tổ quốc, nhân dân. Ngày nay, nếu về làng Tường Vân, Triệu An, Triệu Phong sẽ nghe nhiều người nhắc đến tên ông.

Ông đã đi xa nhưng vẫn còn sống mãi giữa lòng dân quê. Hay nếu lên Cam Lộ, cạnh con đường 9 sẽ thấy di tích Nhà Tằm Tân Tường (Cam Thành, Cam Lộ) ghi dấu những tháng ngày gầy dựng phong trào cách mạng từ trong đêm trường nô lệ của chiến sĩ Lê Thế Hiếu. Lịch sử quê hương vẫn gắn bó với tên tuổi của những người hy sinh vì dân vì nước. Đường phố Đông Hà có tên Lê Thế Hiếu, ba trường học cấp 1,2, 3 vùng Cùa (Cam Lộ) đều mang tên ông. Ngay trong khuôn viên, phía trước sân trường THPT Lê Thế Hiếu vẫn có tấm bia trang trọng ghi nhớ công lao và sự nghiệp của ông.

Trong những ngày lễ, những buổi sáng chào cờ, thầy trò vẫn luôn nhớ đến ông, hương khói chưa hề nguội lạnh. Và không chỉ nhớ đến ông, thầy trò và người dân địa phương còn học tập tinh thần yêu nước chống ngoại xâm bất khuất của một con người trung hiếu thời hiện đại bằng những việc làm cụ thể. Mới đây, vào dịp kỷ niệm 14/3/1988 tưởng nhớ 64 chiến sĩ đảo Gạc Ma (Trường Sa) đã anh dũng hy sinh khi Trung Quốc xâm lược, thầy trò Trường THPT Lê Thế Hiếu đã long trọng tổ chức buổi giao lưu mời các cựu binh Gạc Ma từ Hà Tĩnh như anh Lê Hữu Thảo và anh Trần Thiên Phụng ở Đông Hà đến nói chuyện với giáo viên, học sinh và phụ huynh.

Một buổi gặp gỡ rất xúc động và ý nghĩa khi truyền lửa cho thế hệ trẻ hôm nay về tình yêu Tổ quốc. Tôi đã nhìn thấy những gương mặt thành kính, xúc động khi nhắc lại quá khứ từ thầy giáo hiệu trưởng Thái Quốc Khánh tuổi ngoại ngũ tuần cho đến các em học sinh mới thôi quàng khăn đỏ. Lịch sử thoạt nghe rộng lớn, xa xôi bỗng trở nên gần gụi, thân thương qua cuộc gặp này. Từ cụ Lê Thế Hiếu cho đến những người lính Gạc Ma, dù còn hay mất và thầy trò đã có sự kết nối bằng hành trang tinh thần yêu nước, chống ngoại xâm đến cùng để bảo vệ non nước Việt Nam. Phải chăng đó chính là hào khí, là sức mạnh tinh thần lớn lao của Cách mạng Tháng Tám và bản Tuyên ngôn Độc lập bất hủ đã truyền lại cho đời sau, cho chính lớp trẻ hôm nay. Lịch sử quê hương đất nước vẫn chảy mãi trong huyết quản của những người dân Việt.

Phạm Xuân Dũng