(QT) - Cùng với việc đầu tư phát triển các loại cây dược liệu như cà gai leo, nghệ vàng, chè vằng, huyện Cam Lộ đã triển khai thí điểm dự án trồng các loại cây dược liệu mới có giá trị kinh tế cao như ngưu tất, sinh địa và cây trạch tả. Lần đầu tiên được trồng trên những diện tích đất ruộng trũng, cây trạch tả đang mở ra cho người dân xã Cam Thủy, huyện Cam Lộ hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp.
![]() |
Mô hình cây trạch tả phát triển tốt tại thôn Nhật Lệ, xã Cam Thủy, huyện Cam Lộ |
Gia đình chị Nguyễn Thị Lẫm ở thôn Nhật Lệ, xã Cam Thủy, huyện Cam Lộ là một trong 7 hộ dân tham gia dự án trồng thử nghiệm một số cây dược liệu trên địa bàn huyện Cam Lộ do Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với UBND huyện triển khai. Tại địa bàn thôn Nhật Lệ, 7 hộ dân tham gia trồng thử nghiệm cây trạch tả, một loại cây dược liệu cho giá trị kinh tế cao trên quy mô 1 ha, trong đó hộ của chị Lẫm có 4 sào. Được hướng dẫn về kỹ thuật gieo ươm, quy trình chăm sóc, chị Lẫm rất tin tưởng với mô hình này. Chị cho biết: “Trước đây trên bốn sào đất này gia đình tôi làm lúa truyền thống, năng suất khoảng 3 tạ/sào. Trồng lúa cũng vất vả mà lợi nhuận chẳng đáng bao nhiêu. Khi huyện, xã có chủ trương vận động người dân tham gia trồng cây dược liệu, gia đình tôi quyết định chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng cây trạch tả, hi vọng giá trị kinh tế mang lại sẽ cao hơn”.
Trên diện tích 1 ha thử nghiệm, sau hai tháng gieo ươm giống cây như mạ nền, tháng 1/2018 các hộ dân thực hiện khâu làm đất rồi đem cây trạch tả non ra cấy. Theo hướng dẫn kỹ thuật, cây có tán lá dày nên khoảng cách cấy thưa, mỗi cây phải cách nhau ít nhất 50 cm. Trong chăm sóc, trạch tả ít gặp sâu bệnh nên việc quan trọng nhất là điều tiết nước. Vì trạch tả là cây ưa nước nên phải chú ý thường xuyên bơm nước vào ruộng để giữ đủ độ ẩm cho cây. Thông thường đối với loại cây này, thời gian từ khi ươm giống đến khi thu hoạch từ 4 -5 tháng. Đến nay, qua gần hai tháng, cây trạch tả đã phát triển tốt. Anh Lê Hải Hưng, cán bộ Phòng Kinh tế- Hạ tầng huyện Cam Lộ, trực tiếp phụ trách dự án trồng cây trạch tả trên địa bàn xã Cam Thủy cho biết: “Đối với dự án trồng cây trạch tả cũng như một số cây dược liệu khác, Sở Khoa học và Công nghệ hỗ trợ về giống, phân bón vô cơ, cử cán bộ hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc cho các hộ tham gia. Theo dự kiến, sản lượng cây trạch tả mang lại khoảng từ 3 - 3,5 tấn củ khô/ ha, với giá thị trường hiện nay là 40.000 đồng/kg củ khô thì tính kinh tế của cây dược liệu mang lại là rất khả quan. Điều quan trọng là với dự án này, người dân yên tâm về đầu ra của sản phẩm bởi huyện đã ký kết biên bản ghi nhớ với Công ty cổ phần dược liệu Việt Nam để thu mua sản phẩm”.
Được biết, trạch tả là một loại dược liệu quý với nhiều tác dụng dược lý, là thành phần quan trọng trong nhiều bài thuốc cổ truyền chữa một số bệnh như lợi tiểu, chống đông máu, hạ đường huyết, hỗ trợ điều trị bệnh gút. Ước tính lợi nhuận từ 1 sào trạch tả cho giá trị kinh tế cao gấp khoảng 3 lần so với trồng lúa. Nếu tìm được nguồn bao tiêu sản phẩm, với hiệu quả thực tế cao, việc nhân rộng diện tích cây trạch tả tại địa phương sẽ góp phần quan trọng tăng giá trị kinh tế trên đơn vị diện tích cho người nông dân.
Ngoài trạch tả, các mô hình thí điểm đối với hai loại dược liệu khác là ngưu tất, sinh địa hiện đang thực hiện tại trang trại ông Nguyễn Đức Đạm, ở thôn Cam Vũ, xã Cam Thủy cũng hứa hẹn cho hiệu quả kinh tế cao. Đối với trồng cây sinh địa, áp dụng phương pháp trồng phủ bạt, giữ ẩm để chống cỏ mọc, cây ngưu tất thì áp dụng phương pháo gieo sạ do đó mật độ cỏ ít. Đây cũng là hai loại cây dược liệu có giá thành khá cao với giá thu mua ngưu tất khoảng 60.000 đồng/kg khô và sinh địa khoảng 40.000 đồng/kg khô. Đối với các mô hình thí điểm các loại cây dược liệu mới này, sau khi thu hoạch, huyện Cam Lộ và Sở Khoa học và Công nghệ sẽ có đánh giá cụ thể để có thể nhân rộng trên địa bàn, đặc biệt áp dụng chuyển đổi một số diện tích đất trồng lúa và hoa màu kém chất lượng sang trồng cây dược liệu có giá trị kinh tế khả quan.
Thực tế cho thấy, trồng cây dược liệu mang lại hiệu quả cao hơn nhiều cây trồng khác trên cùng diện tích đất. Đến nay, toàn huyện Cam Lộ có khoảng 24 ha cây dược liệu các loại. Với những chính sách hỗ trợ tích cực như người dân tham gia trồng cây dược liệu sẽ được địa phương tạo điều kiện vay vốn hỗ trợ lãi suất theo Quyết định số 21/2015/ QĐ-UBND về quy định thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất, vốn vay phát triển sản xuất, kinh doanh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2015 -2020, khi triển khai nhân rộng mô hình trồng các loại cây dược liệu mới này trên địa bàn huyện, người dân sẽ có thêm nhiều cơ hội phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho gia đình.
Thanh Trúc