(QT)- Cùng với nhiều doanh nghiệp khác trong tỉnh, ngay từ đầu năm 2017, Nhà máy tinh bột sắn Hướng Hóa (Công ty CP Tổng công ty thương mại Quảng Trị) đã đẩy mạnh các hoạt động sản xuất- kinh doanh, hướng đến mục tiêu tiếp tục tìm thị trường đầu ra ổn định để đảm bảo thu mua hết sản lượng sắn nguyên liệu do người dân sản xuất ra với giá cao nhất, góp phần tích cực giúp đồng bào vùng cao xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống.
![]() |
Nhà máy tinh bột sắn Hướng Hóa nâng công suất để đảm bảo tiêu thụ sắn tươi cho nông dân |
Thời gian qua, phong trào trồng sắn nguyên liệu ở các huyện Hướng Hóa, Đakrông phát triển khá mạnh. Từ một cây trồng không đem lại giá trị kinh tế, sắn đã trở thành loại cây mang lại nguồn thu nhập chính cho nhiều hộ gia đình vùng cao với diện tích bình quân mỗi hộ từ 1-5 ha. Từ khi thành lập và đi vào hoạt động năm 2004, Nhà máy tinh bột sắn Hướng Hóa đã hỗ trợ người trồng sắn bằng việc triển khai mạng lưới thu mua đến tận nương rẫy, hỗ trợ tiền vận chuyển, tránh tình trạng thu mua ồ ạt, gây ứ đọng, làm giảm giá trị sắn nguyên liệu của người dân. Bên cạnh đó, nhà máy còn hướng dẫn người dân tiếp cận và áp dụng khoa học, công nghệ mới vào sản xuất; tạo được thương hiệu sản phẩm của Nhà máy chế biến tinh bột sắn Hướng Hóa trên thị trường trong nước và quốc tế. Với việc thu mua sắn củ tươi do nông dân trồng, chế biến thành tinh bột xuất khẩu và các sản phẩm phụ cho chăn nuôi, nhà máy đã góp phần quan trọng cùng Công ty CP Tổng công ty thương mại Quảng Trị nộp ngân sách cho tỉnh, đồng thời giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương và đặc biệt là góp phần nâng cao thu nhập cho đồng bào các xã vùng cao phía Tây Quảng Trị.
Trong năm 2016, đứng trước những khó khăn chung về thị trường tiêu thị nông sản nhưng nhà máy đã chủ động tìm kiếm thị trường tiêu thụ nhằm đảm bảo đầu ra cho sản phẩm, đồng thời đầu tư nâng công suất của dây chuyền thiết bị để thu mua, tiêu thụ hết lượng sắn nguyên liệu cho nông dân trước khi vào vụ trồng mới. Cụ thể, nhà máy đã đầu tư nâng công suất toàn chuyền sản xuất từ 210 tấn/ 24 giờ lên 260 tấn/24 giờ. Đồng thời đầu tư hệ thống xử lý nước thải công suất 3.000 m3/24 giờ, chất lượng nước thải đạt chuẩn B. Nhờ vậy, nhà máy đã tiến hành thu mua được 185.116 tấn sản phẩm sắn tươi cho nông dân với tổng trị giá 265,97 tỷ đồng. Sản lượng sản xuất tinh bột sắn đạt 55.783 tấn, tổng doanh thu của nhà máy đạt 415,93 tỷ đồng.Trước tình hình giá nguyên liệu giảm trong thời gian qua, Nhà máy tinh bột sắn Hướng Hóa đã có những giải pháp cụ thể nhằm tiêu thụ sắn tươi cho nông dân vùng cao như tập trung tìm thị trường đầu ra ổn định để đảm bảo thu mua hết sản lượng do người dân sản xuất ra với giá cao nhất. Tuyên truyền vận động cho người dân về kỹ thuật thâm canh để tăng năng suất, chất lượng. Đầu tư máy móc thiết bị để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm chi phí để cạnh tranh trên thị trường đảm bảo đầu ra ổn định. Áp dụng công nghệ thông tin vào công tác thu mua để chính quyền và người dân nắm bắt thông tin về giá cả, sản lượng thu mua, chi tiết hộ dân đã nhập.
Đặc biệt, trong dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017 vừa qua, cùng với công tác bình ổn giá thị trường của Tổng Công ty, nhà máy đã có những biện pháp sáng tạo giúp nông dân vui xuân đón tết như tham gia bán hàng bình ổn giá, tặng quà cho những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn... Đặc biệt, Nhà máy tinh bột sắn Hướng Hóa đã thực hiện rà soát và hỗ trợ cho những hộ dân chưa nhập sắn có tiền chi tiêu trong dịp tết như đẩy mạnh việc thu mua sắn cho các hộ dân, đối với các hộ chưa nhập sắn kịp, nhà máy đã cho mượn tiền không tính lãi suất, mỗi hộ được mượn từ 5 -10 triệu đồng để mua sắm tết.
Việc Nhà máy tinh bột sắn Hướng Hóa đã giúp thoát nghèo cho nông dân vùng cao Quảng Trị từ nhiều năm nay không còn là vấn đề mới. Song điều mới nhất mà chúng tôi muốn đề cập chính là việc chủ động, sáng tạo của nhà máy trong việc tìm ra những giải pháp phù hợp với từng thời điểm nhất định để hỗ trợ nông dân, tạo thêm niềm tin cho nông dân khi trồng sắn nguyên liệu.
THANH LÊ