“Bông hoa nhỏ” nuôi khát vọng lớn
(QT) - Từ Anh quốc xa xôi, đạo diễn Paul Zetter lặn lội đến ngôi làng nhỏ ở xã Cam An, huyện Cam Lộ tìm gặp Lê Thị Hoa. Trước đó, nhiếp ảnh gia nổi tiếng Jan Banning cũng đã ghi lại nhiều khoảnh khắc đẹp về cô gái này. Yêu quý Hoa, Paul, Jan và nhiều vị khách gần xa gọi cô bằng cái tên trìu mến “Bông hoa nhỏ”. “Hoa” của xã Đoàn làm phim người Anh đến thăm Hoa. Nắm đôi bàn tay bé xíu, mũm mĩm của cô, đạo diễn Paul Zetter ví nó như bông hoa nhỏ. Khoảnh khắc lần đầu gặp Hoa, Paul trầm trồ: “Cô ...

“Bông hoa nhỏ” nuôi khát vọng lớn

(QT) - Từ Anh quốc xa xôi, đạo diễn Paul Zetter lặn lội đến ngôi làng nhỏ ở xã Cam An, huyện Cam Lộ tìm gặp Lê Thị Hoa. Trước đó, nhiếp ảnh gia nổi tiếng Jan Banning cũng đã ghi lại nhiều khoảnh khắc đẹp về cô gái này. Yêu quý Hoa, Paul, Jan và nhiều vị khách gần xa gọi cô bằng cái tên trìu mến “Bông hoa nhỏ”. “Hoa” của xã Đoàn làm phim người Anh đến thăm Hoa. Nắm đôi bàn tay bé xíu, mũm mĩm của cô, đạo diễn Paul Zetter ví nó như bông hoa nhỏ. Khoảnh khắc lần đầu gặp Hoa, Paul trầm trồ: “Cô ấy thật xinh xắn và… khác biệt”. Sau vài phút trò chuyện, vị đạo diễn người Anh “đính chính” lời mình: “Đúng hơn là cô ấy đặc biệt. Tôi đã gặp một số người khuyết tật giống Hoa nhưng chưa thấy ai đẹp như cô ấy”.

Tổ ấm của Hoa

Hoa lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo ở thôn Kim Đâu 2, xã Cam An, huyện Cam Lộ. Sau khi sinh hai người con trai khỏe mạnh, bố mẹ Hoa mong có cô con gái để thu vén việc cửa nhà. Hy vọng sụp đổ sau ngày bà Dư Thị Yến lâm bồn. Chị Lê Thị Hoài Nhơn ra đời, nhỏ tựa… cái chai, chân và tay gần như không có. Bi kịch lặp lại lần hai khi bà Yến hạ sinh Hoa với khiếm khuyết thân thể giống chị mình. Nhớ lại thời điểm nghe bác sĩ báo tin con nhiễm chất độc da cam, ông Lê Hữu Đông chia sẻ: “Vợ chồng tôi đưa hai cháu đi viện về khi trời chập choạng tối. Tôi buột miệng nói, tiền đồ con mình chắc cũng mờ mịt thế này. Nghe thế, vợ tôi thở dài bảo, mình phải cố gắng thôi”. Theo ngày tháng, Hoa và chị gái lớn lên. Gương mặt hai người đổi thay nhưng vóc dáng, chân tay cứ ngắn ngủn như trò đùa số phận. Chị Hoài Nhơn buồn phiền về điều đó, ngại tiếp xúc với mọi người. Riêng Hoa chẳng bao giờ nghĩ mình là người khuyết tật. Cô hòa vào lũ trẻ đồng trang lứa, đi tìm bạn khắp làng trên, xóm dưới. 6 tuổi, thấy chúng bạn đến trường, Hoa cũng rất muốn đi học nhưng đành chôn chặt mong ước đó vì đã có lần vô tình nghe bố mẹ nhắc đến chuyện này, rồi nói với nhau: “Cơm chẳng đủ ăn, làm sao nuôi nổi con đến trường”. Ở nhà, Hoa làm quen với mọi công việc. Hàng xóm đến chơi, ai cũng trầm trồ khi thấy cô quét nhà, chùi rửa bát chén, chăm sóc đàn gà... như người bình thường. Hoa kể: “Trước đây, đến việc bưng bát cơm đối với em còn khó. Không biết bao nhiêu ly chén trên tay em rơi xuống nền và vỡ tan tành rồi. Em phải tập bưng đồ nhựa, sau đó cho thêm các vật nặng vào…”. Đặc biệt, trong thời gian này, Hoa giấu bố mẹ, nhờ bạn làm thầy dạy chữ. Cô học mỗi người một ít cho đến khi thuộc nằm lòng mặt chữ, con số. Một hôm, thấy bố mẹ chạy sang nhà hàng xóm nhờ biên hộ lá thư, Hoa ngăn lại, bảo cứ đọc cho con viết. Thấy Hoa hí hoáy cầm bút, rồi viết nên chữ nên hàng, bố mẹ Hoa há hốc ngạc nhiên, hai hàng nước mắt đua nhau chảy.

Hoa (phía tay trái) và chị Hoài Nhơn chăm sóc con gái

Cứ thế, Hoa khiến bố mẹ, anh chị trong nhà và mọi người xung quanh đi từ ngạc nhiên này đến bất ngờ khác. Với sự thông minh, nhanh nhẹn vốn có, cô còn giúp chị gái hòa nhập với mọi người; “tư vấn” cho bố mẹ hướng làm kinh tế; trở thành “chuyên gia tâm lý” cho bạn bè...Ông Nguyễn Văn Sáu, Chủ tịch Hội Người khuyết tật xã Cam An, chia sẻ: “Ông cha ta nói không sai, có tật thì có tài. Cháu Hoa tuy không khỏe mạnh nhưng rất nhanh nhẹn, tháo vát, gần gũi với mọi người. Chúng tôi thường bảo cháu là hoa hậu thân thiện của xã đấy”. Xây tổ ấm, kết tình thân Gặp Hoa trong ngôi nhà sạch tinh tươm, cô và chồng đang chơi đùa với đứa con 4 tháng tuổi. Không giấu hết niềm vui, Hoa nói: “Đây là hai món quà thượng đế ban tặng em đấy”. Nếu nói về hạnh phúc, giờ đây, Hoa gần như đã có đủ: một ngôi nhà, có chồng và một đứa con kháu khỉnh cùng việc làm và rất nhiều điều để hy vọng. Năm 2000, được sự giúp đỡ của bà con, Hoa và chị Hoài Nhơn xây dựng nhà riêng. Thời điểm ấy, tuy mới 15 tuổi nhưng Hoa đã suy nghĩ khá chín chắn: “Bố mẹ em đã già rồi, chỉ có thể tựa vào nhau mà sống thôi. Nếu cứ phải lo cho em và chị Nhơn, chắc ông bà không đủ sức, rồi đâm ra áy náy, muộn phiền. Cách tốt nhất là hai chị em nên sống tự lập”. Với Hoa, ngôi nhà nhỏ chính là minh chứng tấm lòng của mọi người dành cho chị em mình. Hôm thợ đặt nhát cuốc đào móng, bà con và người dân trong thôn đến thăm rất đông. Người dấm dúi vào tay Hoa ít tiền, người tặng tấm tôn, hàng gạch… Cứ thế, ngôi nhà được xây dựng tuy nhỏ nhưng khá vững chắc, sạch đẹp.

Hoa đón tiếp khách hàng với nụ cười thường trực trên môi

Có nhà rồi, Hoa tiếp tục nghĩ đến kế sinh nhai. Biết mình và chị gái không đủ sức bươn bả ruộng nương, Hoa nảy ra ý tưởng mở quán tạp hóa. Buổi đầu, cô chỉ bỏ tiền đóng tủ, mua vài bao thuốc lá, gói kẹo để bán. Sau đó, Hoa xin các chủ đại lý ký nợ hàng, rồi trả dần. Cô chủ quán hay cười nhanh chóng thu hút khách. Hễ cần gì, bà con trong thôn cũng tìm đến nhà Hoa. Thậm chí, có những người ở xa cũng bỏ công đạp xe ghé quán để “ủng hộ”. Lấy chỗ này, đắp chỗ nọ, giờ đây, quán tạp hóa của Hoa khá đầy đủ các mặt hàng. Tận dụng mái hiên, Hoa còn đặt thêm mấy bộ bàn bán cà phê, giải khát. Trong chuỗi ngày làm “cô chủ”, Hoa dành thời gian rảnh rỗi để tự học. Cô bắt đầu với chiếc máy vi tính và văn bản word. Nhờ sự kiên trì đáng nể, đôi tay ngắn ngủn nhanh chóng trở nên “thân thiết” với bàn phím. Cũng từ đây, Hoa lập facebook, tài khoản skype để làm quen với bạn bè khắp nơi. Đặc biệt, cô trở thành chỗ dựa tinh thần của nhiều bạn trẻ đồng cảnh ngộ. Xuất phát từ thực tế bản thân, Hoa đưa ra ý tưởng liên kết người khuyết tật trên facebook để giúp đỡ nhau làm ăn bằng những khoản vay nhỏ, dưới 2 triệu đồng. Nhờ thế, cô và bạn bè đã dìu nhau vượt qua khá nhiều chướng ngại trong cuộc sống. Càng hòa mình vào mọi người, Hoa càng trưởng thành hơn. Cách đây không lâu, cô gặp anh Bùi Văn Lai, một thanh niên chất phác ở làng bên. Buổi đầu, Hoa rất ấn tượng với chàng trai cao trên 1,7m, khá kiệm lời. Thế nhưng, hiểu sự chênh lệch giữa hai người, Hoa chỉ muốn duy trì tình bạn. Ít ai ngờ, chính anh Lai lại rung động trước vẻ đẹp tâm hồn của Hoa. Anh vui vẻ cho biết: “Tôi cũng chẳng hiểu vì sao mình yêu Hoa. Chỉ đơn giản là gặp, nhớ nhung và muốn gặp mặt hoài”. Kết quả tình yêu đẹp của anh chị là cô con gái kháu khỉnh, khỏe mạnh - Bùi Lê Như Ý. Cháu lớn lên bằng dòng sữa mẹ, trong tình yêu thương vô bờ của đôi vợ chồng trẻ. Ngoài gia đình nhỏ, giờ đây Hoa đang chăm sóc chị gái và bố mẹ. Tuy cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng niềm tin luôn rạo rực trong cô. Trò chuyện với mọi người, Hoa không ngần ngại bày tỏ mong muốn trở thành bà chủ một trang trại. Cô chia sẻ: “Nhà em có đất rồi, chỉ cần vốn để xây dựng chuồng trại, mua cây trồng, vật nuôi nữa thôi. Vợ chồng em sẽ chăm chỉ lao động, tiết kiệm để thực hiện ước mơ”. Dừng lại ít phút, nhẹ nhàng đón con từ chồng, Hoa nói tiếp: “Chặng đường phía trước còn dài nhưng em tin mình sẽ làm được. Bên em có rất nhiều người thân yêu mà”. Bài, ảnh: TRƯƠNG QUANG HIỆP