Vai trò của tiêu chuẩn trong việc thúc đẩy an toàn thực phẩm
(QT) - An toàn thực phẩm luôn là vấn đề quan tâm của ngành chức năng quản lý và toàn xã hội. Vào các dịp gần cuối năm, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) càng được quan tâm bởi đây là thời điểm nhu cầu tiêu dùng tăng cao, trong khi các nguồn cung thực phẩm càng khó kiểm soát hơn do lực lượng chức năng mỏng thì các đối tượng xấu lợi dụng để tiêu thụ thực phẩm mất an toàn. Vì vậy, để hạn chế tình trạng sản xuất, kinh doanh thực phẩm mất ATVS thì ngoài nỗ lực của ngành chức năng, người dân ...

Vai trò của tiêu chuẩn trong việc thúc đẩy an toàn thực phẩm

(QT) - An toàn thực phẩm luôn là vấn đề quan tâm của ngành chức năng quản lý và toàn xã hội. Vào các dịp gần cuối năm, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) càng được quan tâm bởi đây là thời điểm nhu cầu tiêu dùng tăng cao, trong khi các nguồn cung thực phẩm càng khó kiểm soát hơn do lực lượng chức năng mỏng thì các đối tượng xấu lợi dụng để tiêu thụ thực phẩm mất an toàn. Vì vậy, để hạn chế tình trạng sản xuất, kinh doanh thực phẩm mất ATVS thì ngoài nỗ lực của ngành chức năng, người dân không chỉ có kiến thức về thực phẩm an toàn mà còn phải có tinh thần tố giác tội phạm và xử lý nghiêm trường hợp vi phạm.

Quản lý bếp ăn tập thể để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm

Từ trước tới nay, khi mua hàng, người tiêu dùng (NTD) nắm thông tin hàng hóa dựa vào nhãn mác, thương hiệu, uy tín cửa hàng, biết rõ xuất xứ hàng hóa, sản phẩm sản xuất tại đơn vị được chứng nhận hệ thống chất lượng, sản phẩm đã được đánh giá phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hoặc hệ thống quản lý chất lượng của đơn vị độc lập… Về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, có nhiều văn bản quy phạm pháp luật và quy chuẩn kỹ thuật đã được ban hành. Tính đến cuối năm 2016, các bộ, ngành trung ương đã ban hành 585 quy chuẩn Việt Nam. Các quy chuẩn được ban hành đã đề cập đến tất cả các khía cạnh an toàn, do đó khi các sản phẩm và dịch vụ được đánh giá phù hợp với quy chuẩn của bên thứ ba (đánh giá độc lập), NTD có thể tin tưởng rằng sản phẩm an toàn, đáng tin cậy và có chất lượng phù hợp.

Hệ thống tiêu chuẩn liên quan đến ATTP cũng được các cơ sở sản xuất, kinh doanh và dịch vụ quan tâm áp dụng, trong đó có một số tiêu chuẩn đã ban hành như: ISO 9000, ISO 22000, BRC, SQF 1000, SQF 2000 thực phẩm chất lượng và an toàn đáp ứng các tiêu chí ATTP nghiêm ngặt của Hoa Kỳ, TQM, GlobalGAP, EurepGAP, VietGAP, UTZ Certifid, 5S…, trong đó có 3 hệ thống có mối tương thích lẫn nhau từ mức độ thấp đến cao gồm GMP (điều kiện thực hành sản xuất tốt)- HACCP (hệ thống phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn) - ISO 22000 (hệ thống quản lý ATTP đối với các tổ chức trong chuỗi thực phẩm) dùng để áp dụng cho các cơ sở sản xuất, chế biến, dịch vụ có liên quan đến VSATTP đang được các doanh nghiệp áp dụng. NTD cần biết đến những tiêu chuẩn này để làm cơ sở lựa chọn hàng hóa chất lượng.

GMP là điều kiện thực hành sản xuất tốt được xây dựng trên cơ sở các tiêu chuẩn và công nghệ có thể áp dụng được và phản ánh các quy tắc thực hành tốt nhất. GMP nhằm đảm bảo ATTP, dược phẩm cho người sử dụng cũng như phù hợp với các điều khoản chung và cụ thể trong hệ thống pháp luật.

HACCP là hệ thống phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn, là hệ thống các biện pháp nhằm chủ động phòng ngừa toàn diện và hiệu quả trong quá trình sản xuất từ nguyên liệu đến bán thành phẩm rồi thành phẩm, kiểm soát các yếu tố nhà xưởng, trang thiết bị, công nghệ, môi trường, con người tham gia quá trình, đặc biệt phân tích, xác lập tổ chức kiểm soát các điểm trọng yếu dễ phát sinh trong quá trình tránh những rủi ro liên quan đến VSATTP.

ATTP liên quan tới sự hiện diện các mối nguy hại trong thực phẩm tại các nơi tiêu dùng. Mối nguy hại về ATTP có thể xảy ra tại bất kỳ giai đoạn nào trong chuỗi thực phẩm nên nhất thiết phải có sự kiểm soát thích hợp trong toàn bộ chuỗi thực phẩm. Do đó, ATTP được đảm bảo thông qua các nỗ lực tổng hợp của tất cả các bên tham gia trong chuỗi thực phẩm, bao gồm: Sản xuất, sơ chế, bảo quản, vận chuyển, phân phối, bán lẻ. Tiêu chuẩn ISO 22000 là tiêu chuẩn ATTP quốc tế được Việt Nam chính thức thừa nhận là tiêu chuẩn quốc gia TCVN 22000: 2007. Một doanh nghiệp trong chuỗi cung cấp thực phẩm áp dụng và đạt được chứng chỉ ISO 22000 được nhìn nhận là một đơn vị có hệ thống quản lý tốt ATVSTP và đảm bảo cung cấp các sản phẩm thực phẩm an toàn, chất lượng cho NTD. Doanh nghiệp áp dụng tiêu chuẩn ISO 22000 sẽ cải thiện hoạt động tổng thể, giảm tối đa các nguy cơ ngộ độc, tăng cường uy tín, sự tin cậy, hài lòng của nhà phân phối và khách hàng.

Tiêu chuẩn VietGAP là những nguyên tắc, tuần tự, thủ tục hướng dẫn tổ chức, cá nhân sản xuất, thu hoạch, xử lý sau thu hoạch nhằm đảm bảo an toàn, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo phúc lợi xã hội, sức khỏe người sản xuất và NTD, đồng thời bảo vệ môi trường và truy nguyên nguồn gốc sản xuất.

Trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, về chính sách xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1439/QĐ-UBND ngày 20/7/2011 quy định về thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới, ứng dụng tiến bộ KH&CN, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ và xác lập quyền sở hữu công nghệ trên địa bàn. Tuy nhiên, do tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, trình độ sản xuất thấp còn khá phổ biến, chưa tạo cơ hội cho NTD lựa chọn được các sản phẩm an toàn có nguồn gốc và được chứng nhận, chưa có chính sách khuyến khích thúc đẩy việc tiêu thụ sản phẩm an toàn. Vì thế, ngành nông nghiệp cần nghiên cứu mô hình sản phẩm hữu cơ chứng nhận theo hệ thống đảm bảo cùng tham gia PGS đã áp dụng thành công ở nhiều nơi là hệ thống đảm bảo chất lượng mang tính địa phương cung cấp chứng nhận cho các nhà sản xuất, nhà bán lẻ, chế biến và NTD sự đảm bảo tin cậy về sản phẩm được sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ. PGS giúp tạo nên sự kết nối trực tiếp giữa người mua và người bán dựa trên sự tham gia tích cực của các bên liên quan như người sản xuất, NTD, nhà bán lẻ trong việc: lựa chọn và xác định các tiêu chuẩn làm công cụ để đánh giá sự tuân thủ; phát triển và áp dụng các thủ tục thẩm tra và xử lý vi phạm; đánh giá và ra quyết định công nhận.

Hiện nay, việc xây dựng và áp dụng VietGAP được thuận lợi hơn cho các hộ sản xuất nhỏ như gộp các hộ hoặc chọn để thực hiện GAP. Chi phí ít tốn kém (mỗi hộ 1,5 triệu đồng). Do đó, đưa các trang trại chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, trồng trọt vào xây dựng và áp dụng VietGAP là giải pháp tối ưu để quản lý hàng hóa nông sản không rõ nguồn gốc bán tại các chợ truyền thống. Đối với các bếp ăn tập thể có quy mô trên 500 người ăn nên xây dựng và áp dụng hệ thống TCVN ISO 22000:2007, ISO 22000:2005.

Đối với bếp ăn tập thể có quy mô dưới 500 người ăn nên xây dựng và áp dụng hệ thống phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn (HACCP). Các cơ sở sản xuất nước mắm, sản xuất thủy sản dạng mắm, chợ cá, nước uống đóng chai phải đánh giá sự phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật và xây dựng hệ thống quản lý chất lượng HACCP. Nên ứng dụng công nghệ sinh học trong chế biến thực phẩm và trong sản xuất nông nghiệp; tiếp tục phát huy quản lý tổng hợp IPM, đi đôi với việc hỗ trợ xây dựng quầy thực phẩm sạch và tổ chức hệ thống cửa hàng bán rau an toàn và thông tin, tuyên truyền cho người tiêu dùng lựa chọn điểm mua thực phẩm sạch đáng tin cậy và có thể truy xuất nguồn gốc. Đồng thời, xây dựng các chuỗi liên kết từ người nông dân, người thu mua đến hệ thống cung ứng; xây dựng mô hình xã hội hóa hoạt động giám sát VSATTP tại các chợ, xã, phường, thị trấn.

Võ Thái Hòa