Khi “hiệp sĩ” trở thành “nghệ sĩ”...
(QT) - Chưa đến hè nhưng trời đã nóng như đổ lửa. Dưới cái nắng chang chang, anh Phan Văn Chiến mải miết đi dọc tuyến đường sắt, cẩn trọng làm nhiệm vụ. Mỗi khi thấm mệt, anh lại đưa tay lau mồ hôi, khẽ ngâm nga ca khúc mình sáng tác. Bao năm nay, giữa bộn bề công việc, trái tim người cán bộ ngành đường sắt vẫn vẹn nguyên tình yêu âm nhạc. “Hiệp sĩ giao thông” Tôi từng gặp anh Phan Văn Chiến, sinh năm 1969 trong buổi lễ ra mắt mô hình “Đoạn đường ông cháu cùng chăm”. Anh để lại ấn tượng trong ...

Khi “hiệp sĩ” trở thành “nghệ sĩ”...

(QT) - Chưa đến hè nhưng trời đã nóng như đổ lửa. Dưới cái nắng chang chang, anh Phan Văn Chiến mải miết đi dọc tuyến đường sắt, cẩn trọng làm nhiệm vụ. Mỗi khi thấm mệt, anh lại đưa tay lau mồ hôi, khẽ ngâm nga ca khúc mình sáng tác. Bao năm nay, giữa bộn bề công việc, trái tim người cán bộ ngành đường sắt vẫn vẹn nguyên tình yêu âm nhạc. “Hiệp sĩ giao thông” Tôi từng gặp anh Phan Văn Chiến, sinh năm 1969 trong buổi lễ ra mắt mô hình “Đoạn đường ông cháu cùng chăm”. Anh để lại ấn tượng trong tôi với đôi mắt sáng, lối trò chuyện điềm đạm và thái độ làm việc nghiêm túc. Trăn trở với nghề, anh Chiến đã nảy ra sáng kiến vận động ba thế hệ cùng bảo vệ đường sắt. Nhờ thế, người cán bộ tâm huyết đã góp phần giúp tuyến đường sắt Bắc – Nam, đoạn từ km 619 đến 621 đi qua thành phố Đông Hà không còn là “điểm nóng” giao thông. Bẵng một thời gian, trên chuyến tàu về quê, tôi bất chợt nghe tên anh Chiến trong chương trình Total Hiệp sĩ giao thông. Đây là chương trình do Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia, kênh VOV Giao thông, Đài Tiếng nói nhân dân thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Công ty Total Việt Nam thực hiện. Càng vui hơn khi biết, anh được vinh danh là “Hiệp sĩ giao thông” với đóng góp cho bình yên những tuyến đường.

Anh Phan Văn Chiến kiếm tra độ an toàn của tuyến đường sắt

Gặp lại ở trạm gác mốc nối ga Đông Hà, trông anh Chiến không thay đổi nhiều. Vẫn đôi mắt sáng, lối trò chuyện điềm đạm. Không giấu được vẻ ái ngại, anh bảo chúng tôi ngồi đợi một lúc, chờ mình hoàn thành nhiệm vụ để “nói chuyện thoải mái hơn”. Thành thông lệ, bắt đầu mỗi ca trực, anh Chiến lại cầm chiếc cờ, đi dọc tuyến đường sắt và cẩn trọng kiểm tra từng thanh ray, con vít. Anh chia sẻ: “Trước đây, đoạn đường sắt từ km 619 đến 621 là điểm nóng về tai nạn giao thông. Không những thế, một số kẻ xấu thường xuyên phá hoại, ném đất đá, buộc tàu dừng để đưa hàng lậu lên, lấy cắp tài sản công. Từ ngày mô hình “Đoạn đường ông cháu cùng chăm” ra đời, thực trạng này được giải quyết đáng kể. Tuy nhiên, cán bộ ngành đường sắt chúng tôi vẫn thường xuyên tuần, kiểm tra để đảm bảo an toàn cho những chuyến tàu”. Không chỉ làm tròn nhiệm vụ, anh Chiến còn dành thời gian để vận động bà con tháo dỡ lều quán, gom rác thải, thu dọn hàng rào xâm phạm hành lang bảo vệ đường sắt... Sự tâm huyết ấy khiến chúng tôi nhớ đến câu nói đùa hóm hỉnh của chị Nguyễn Thị Trà, vợ anh: “Nhiều khi anh ấy yêu đường sắt hơn cả... vợ con”. Nhiệm vụ hoàn thành cũng là lúc chiếc áo của anh Chiến ướt đẫm mồ hôi, anh bảo: “Hôm nào trực, mình cũng đi vài vòng thế này. Nắng, mưa gì cũng làm tròn nhiệm vụ. Tính mạng hàng trăm ngàn hành khách trên chuyến tàu kia một phần phụ thuộc vào mình”. Không để chúng tôi đợi lâu, anh Chiến chia sẻ câu chuyện quá khứ. Anh sinh ra ở miền quê nghèo thuộc huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Gia đình đông con, từ nhỏ, anh Chiến đã đối mặt với cảnh thiếu trước, hụt sau. Tốt nghiệp lớn 12, gia đình lâm vào cảnh túng bấn, chàng trai trẻ đành từ bỏ ước mơ giảng đường, bắt đầu chuỗi ngày bám đồng quê phụ giúp mẹ cha. Năm 1990, niềm vui lớn đến với chàng trai xứ Nghệ khi anh được tạo điều kiện theo học trường Trung cấp Đường sắt. Hiểu rằng đây là cơ hội để cuộc đời mình sang trang, anh Chiến lao vào đèn sách. Sau khi ra trường, anh trở thành cán bộ Công ty Quản lý Đường sắt Bình Trị Thiên, làm việc tại ga Đông Hà. Công việc vất vả, luôn mang áp lực giữ an toàn cho tính mạng hàng trăm ngàn hành khách, vì vậy anh Chiến rất cẩn trọng mỗi khi làm nhiệm vụ. Người cán bộ tận tâm đã đưa ra nhiều ý tưởng hay như “Gác chắn thanh niên”, “Tấm lòng cán bộ ngành đường sắt”... Đặc biệt, trước tình trạng tai nạn giao thông thường xuyên xảy ra trên tuyến đường sắt từ km 619 đến 621, anh Chiến đã “hiến kế” xây dựng mô hình “Đoạn đường ông cháu cùng chăm”. Anh chia sẻ: “Là cán bộ ngành đường sắt, tôi biết đến nhiều phong trào tạo được hiệu ứng mạnh mẽ như “Em yêu đường sắt quê em”, “Thanh thiếu niên bảo vệ đường sắt”... Vì thế, khi tiếp xúc và cảm nhận rõ sự tâm huyết của các cựu chiến binh phường 1 cũng như thầy trò trường Tiểu học Sông Hiếu, tôi nghĩ tại sao không kết hợp sức mạnh của ba thế hệ vào một phong trào? Bác Hồ từng dạy “Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”, chỉ cần đồng lòng thì việc khó đến mấy cũng làm được”. Không chỉ góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông, ý tưởng của anh Chiến đã giúp hạn chế 90% tình trạng ném đất đá lên tàu, lấy cắp vật tư, xâm phạm hành lang an toàn... Về phẩn mình, anh Chiến nhận được nhận rất nhiều bằng khen, giấy khen, đặc biệt được vinh danh là “Hiệp sĩ giao thông”. “Nghệ sĩ” ngành đường sắt

Anh Phan Văn Chiến nâng niu những đứa con tinh thần của mình

Dẫu môi trường làm việc khá căng thẳng cộng với đó là hoàn cảnh gia đình còn khó khăn nhưng niềm đam mê âm nhạc luôn sục sôi trong tim anh Phan Văn Chiến. Không dừng lại ở nghe và yêu thích các bài hát, sự đam mê của anh đã vút lên, trở thành giai điệu, ca từ mang “thương hiệu” riêng. Đến nay, “gia tài nghệ thuật” của anh Chiến đã có một số bài hát như: “Diễn Châu quê mẹ của tôi”, “Trường em hôm nay”, “Nông thôn mới”... Anh chia sẻ: “Tôi lớn lên cùng câu hò Ví dặm. Khi đi làm, gắn bó với công việc vất vả, chính âm nhạc là món ăn tinh thần quý giá cho tôi. Tại sao mình không thử dùng âm nhạc để viết nên những gì bản thân cảm nhận? – Tôi nghĩ vậy và bắt đầu sáng tác”. Tự nhận mình là “người ngoại đạo” trong ngành “công nghiệp âm nhạc”, anh Chiến có cách “sáng tác” nhạc khá độc đáo. Hàng ngày, anh lắng nghe âm thanh rộn rã của cuộc sống, lấy đó làm chất liệu, rồi bản thân ngâm nga thành giai điệu. Sau đó, người cán bộ ngành đường sắt mới bắt đầu “chắp bút” viết lời. Cũng bởi viết bằng cảm xúc nên ca khúc anh sáng tác có khi mất hơn 2 tháng trời, lúc thì chỉ ra đời sau vài tiếng đồng hồ... Trong thời điểm không khí xây dựng nông thôn mới tràn lan trên mọi miền quê, anh Phan Văn Chiến đã thai nghén và cho ra đời “đứa con tinh thần” về đề tài này. Bài hát “Nông thôn mới” được sáng tác trong dịp anh về thăm quê mẹ. Xúc cảm của một người con tha hương, ngày trở lại thấy quê nhà đổi mới đã thôi thúc anh sáng tác bài hát. Với ca từ tươi vui, nhạc phẩm rất dễ đi vào lòng người và để lại một dấu ấn đẹp: “Nông thôn mới ngày nay/ Cả đất nước chung tay/ Ta cùng nhau xây dựng/ Một quê hương tươi đẹp/ Một đồng lúa trĩu bông... Nông thôn mới ngày nay nghe tiếng máy hòa vang/ Đàn em thơ đến trường/ Nụ cười qua trang vở/ Trên con đường rộng mở...”. Nói về sáng tác của mình, anh Chiến chia sẻ: “Bài hát là tất cả tâm huyết, tình yêu của tôi. Sắp tới, tôi dự định sáng tác thêm một bài hát nữa xoay quanh đề tài xây dựng nông thôn mới, nội dung sẽ đi sâu vào tuyên truyền về 19 tiêu chí được Trung ương quy định”. Hiện tại, vợ anh Chiến vẫn chưa có việc làm ổn định, trong khi đó bốn người con của anh đang ở tuổi ăn học. Khó khăn chất chồng, hàng ngày, vợ chồng và các con của anh phải xắn tay áo đúc từng viên bờ lô để bán cho khách hàng có nhu cầu. Dẫu vậy, anh Chiến vẫn tiết kiệm chi tiêu để thuê thầy cô giáo dạy nhạc viết ký âm cho sáng tác của mình và mời các giọng hát hay để thể hiện ca khúc. Số tiền chi phí cho mỗi bài hát là khá lớn. Đó là lý do khiến vợ anh đôi khi cũng “trách khéo” chồng. Thế nhưng, dần cảm nhận rõ niềm đam mê cháy bỏng trong huyết quản anh, chị vui vẻ ủng hộ. Đến thăm gia đình anh Chiến, không khó để bắt gặp hình ảnh người cán bộ ngành đường sắt mặc áo phông, quần cộc đúc từng viên bờ lô. Bao giờ cũng vậy, khi làm việc, anh luôn ngâm nga những bài hát do mình sáng tác. Cứ thế, mọi mệt nhọc, buồn phiền dường như tan biến. Nụ cười lại thường trực trên môi anh Chiến. Anh tâm sự: “Lâu nay, người ta thường cho rằng những cán bộ như tôi chỉ biết đến nhiệm vụ bảo vệ sự an toàn cho từng chuyến tàu. Thế nhưng, chúng tôi đều có trái tim với nhiều đam mê. Riêng tôi, đó là niềm đam mê âm nhạc. Nếu ai bảo có các giới hạn, quy tắc cho sự đam mê. Tôi sẽ chứng minh điều ngược lại”. Bài, ảnh: TRƯƠNG QUANG HIỆP