Chủ động thích ứng linh hoạt, phục hồi tăng trưởng, đột phá mạnh mẽ phát triển kinh tế- xã hội
QTO - Khép lại năm 2021 với nhiều khó khăn, thách thức do tác động tiêu cực của COVID-19 và hậu quả nặng nề của trận lũ lụt lịch sử cuối năm 2020 để lại, song nhờ sự nỗ lực phấn đấu với quyết tâm cao nhất trong thực hiện “mục tiêu kép”, nền kinh tế của tỉnh tiếp tục phục hồi và phát triển, nhiều chỉ tiêu tăng cao so với năm 2020, trong đó có 6 chỉ tiêu quan trọng đã vượt kế hoạch đề ra. Trước thềm năm mới 2022, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh VÕ VĂN HƯNG dành cho phóng viên Báo Quảng Trị cuộc ...

Chủ động thích ứng linh hoạt, phục hồi tăng trưởng, đột phá mạnh mẽ phát triển kinh tế- xã hội

Khép lại năm 2021 với nhiều khó khăn, thách thức do tác động tiêu cực của COVID-19 và hậu quả nặng nề của trận lũ lụt lịch sử cuối năm 2020 để lại, song nhờ sự nỗ lực phấn đấu với quyết tâm cao nhất trong thực hiện “mục tiêu kép”, nền kinh tế của tỉnh tiếp tục phục hồi và phát triển, nhiều chỉ tiêu tăng cao so với năm 2020, trong đó có 6 chỉ tiêu quan trọng đã vượt kế hoạch đề ra. Trước thềm năm mới 2022, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh VÕ VĂN HƯNG dành cho phóng viên Báo Quảng Trị cuộc gặp gỡ, trao đổi về thành tựu kinh tế - xã hội của tỉnh đạt được trong năm 2021 và những mục tiêu, giải pháp thích ứng linh hoạt với COVID-19, phục hồi tăng trưởng, đột phá mạnh mẽ trong năm tới.

Quyết liệt hoàn thành “mục tiêu kép”

- Thưa đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh! Chào năm mới 2022, bức tranh kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Trị có nhiều điểm sáng, đặc biệt là tổng vốn đầu tư toàn xã hội và thu ngân sách tăng đột biến. Đề nghị đồng chí đánh giá tóm tắt về kết quả thực hiện mục tiêu kinh tế - xã hội đạt được trong năm 2021?

- Năm 2021 là năm đầu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là diễn biến rất phức tạp của COVID-19 và hậu quả nặng nề của trận lũ lịch sử trong năm 2020, nhưng Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân toàn tỉnh đã phát huy tinh thần đoàn kết, vượt qua khó khăn, thử thách, nỗ lực phấn đấu với quyết tâm cao nhất trong thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội, đạt được nhiều kết quả quan trọng. Nổi bật là công tác phòng, chống COVID-19 với quan điểm “bảo vệ sức khỏe, tính mạng của Nhân dân là trên hết, trước hết”, tinh thần “chống dịch như chống giặc” và phương châm “sớm hơn một bước, cao hơn một cấp”, nên tỉnh đã duy trì được “vùng xanh” trong một thời gian tương đối dài, kiểm soát tốt tình hình, không để dịch bệnh bùng phát trên diện rộng. Nền kinh tế của tỉnh tiếp tục phục hồi và phát triển, nhiều chỉ tiêu tăng cao so với năm 2020; có 21/24 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu được thực hiện hoàn thành, trong đó có 6 chỉ tiêu quan trọng vượt kế hoạch đề ra. Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2021 của tỉnh đạt 6,5% so với năm 2020; đứng thứ 3 trong vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, đứng thứ 18 trong cả nước. GRDP bình quân đầu người đạt 57,5 triệu đồng. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn có bước đột phá mạnh mẽ, đã thiết lập cột mốc mới với 5.080 tỉ đồng, đạt 147,3% dự toán địa phương và 177,6% dự toán trung ương. Trong năm, đã có 56 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng vốn đăng ký 69.594,7 tỉ đồng, cao hơn 10 lần so với năm 2020.

Với tất cả sự nỗ lực trong thu hút và triển khai nhiều dự án đầu tư trên địa bàn nên tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2021 ước tính đạt 28.534 tỉ đồng, vượt 29,7% kế hoạch đề ra và tăng 49,9% so với năm 2020. Đây là lần đầu tiên sau rất nhiều năm, tỉnh thực hiện vượt chỉ tiêu kế hoạch về huy động vốn đầu tư toàn xã hội.

- Trong điều kiện COVID-19 diễn biến phức tạp và khó khăn chồng chất trong công tác tái thiết sản xuất sau thiên tai, đâu là nguyên nhân then chốt để tỉnh đạt mức tăng trưởng khá cao, thưa đồng chí?

- Những thành quả đạt được trong năm 2021 thể hiện sự nỗ lực rất lớn của các cấp, ngành tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có sự tích cực, quyết liệt của lãnh đạo tỉnh trong việc thuyết phục, động viên các doanh nghiệp và nhà đầu tư đăng ký kinh doanh, nộp thuế tại tỉnh, góp phần tạo nên sự chuyển biến mạnh mẽ và xung lực mới trong thu ngân sách nhà nước trên địa bàn. Tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, có tính đột phá, đặc biệt là về công tác lập quy hoạch tỉnh; cải thiện môi trường đầu tư - sản xuất - kinh doanh; tháo gỡ khó khăn thực hiện các dự án đầu tư. Cả hệ thống chính trị vào cuộc tích cực, quyết liệt để vận động, thu hút, kêu gọi các dự án đầu tư và làm việc với các nhà đầu tư chiến lược; tranh thủ tối đa sự hỗ trợ của Chính phủ và các bộ, ngành trung ương để xúc tiến, đẩy nhanh tiến độ thực hiện một số dự án quan trọng.

Chính phủ đã đồng ý chủ trương và có sự quan tâm hỗ trợ cụ thể để tỉnh sớm thực hiện mục tiêu trở thành Trung tâm năng lượng của khu vực miền Trung vào năm 2030 với việc nhiều dự án công nghiệp năng lượng tái tạo đã hoàn thành đưa vào vận hành khai thác thương mại với tổng công suất 611 MW và chuẩn bị khởi công Dự án Trung tâm Điện khí LNG Hải Lăng, giai đoạn 1 công suất 1.500MW.

Chủ động thích ứng linh hoạt

- Việc thay đổi phương châm phòng, chống dịch chuyển từ “zero COVID” sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả COVID-19” là bước ngoặt về nhận thức và đúc kết kinh nghiệm để thực hiện tốt hơn “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Đề nghị đồng chí cho biết giải pháp chung sống an toàn với COVID-19 của tỉnh trong thời gian tới?

- Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, toàn tỉnh phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn đạt 6,5% - 7%; GRDP bình quân đầu người đạt 63 - 66 triệu đồng; tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt 4.125,5 tỉ đồng… Đề ra mục tiêu cao để phấn đấu, điều đó cũng đòi hỏi phải đổi mới, sáng tạo trong điều hành kinh tế - xã hội trước thách thức của đại dịch COVID-19. Theo đó, để đạt được các chỉ tiêu đề ra, cần tập trung thực hiện linh hoạt, hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống COVID-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội; chủ động ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu. Quán triệt và thực hiện đúng chủ trương của trung ương về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả COVID-19. Chủ động các phương án, kịch bản theo từng cấp độ dịch. Đẩy nhanh tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19 an toàn, khoa học, hiệu quả để đảm bảo độ bao phủ vắc xin, tiến tới chung sống với COVID-19.

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng làm việc với ông Sergey Turmanov, Tổng Giám đốc Gazprom International và các cán bộ cấp cao đến từ Tập đoàn Gazprom - Ảnh: NGUYỄN ĐỨC TÂN

Lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt và tập trung nguồn lực thực hiện hiệu quả kế hoạch phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Thực hiện các giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, không để đứt gãy chuỗi cung ứng, thích ứng tình hình mới; nâng cao tính chủ động của doanh nghiệp trong tổ chức sản xuất và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng nặng nề bởi COVID-19, hỗ trợ việc làm cho người lao động.

- COVID-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến nhiều quốc gia và nền kinh tế trên thế giới, song đây cũng là dịp để các nước biến khó khăn, thách thức thành cơ hội đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, mở ra kỷ nguyên mới cho nền kinh tế kỹ thuật số. Từ góc nhìn này, đồng chí có thể chia sẻ về tầm nhìn, cơ hội để tỉnh chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư?

- Đợt bùng phát COVID-19 ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước năm 2021 đã làm chuyển biến về nhận thức từ các cấp, các ngành đến người dân và doanh nghiệp trong ứng dụng công nghệ thông tin để chuyển đổi số, duy trì cuộc sống bình thường mới khi phương thức giao dịch truyền thống, trực tiếp trước đây không thể áp dụng. Đối với tỉnh Quảng Trị, bên cạnh những tác động tiêu cực của COVID-19, đợt giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 tại thành phố Đông Hà và một số địa bàn để phòng, chống dịch bệnh trong năm 2021 đã giúp cho ngành giáo dục làm quen với khái niệm dạy - học trực tuyến, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản trị nhà trường và đánh giá sự tham gia, mức độ tương tác giữa nhà trường với học sinh, phụ huynh. Trong lĩnh vực y tế, COVID-19 cho thấy sự quan tâm của người dân về chuyển đổi số tăng cao; nhiều người đã chủ động cài đặt các ứng dụng để khai báo, phát hiện tiếp xúc gần với người nghi nhiễm COVID-19, góp phần lan tỏa chuyển đổi số toàn xã hội. Về thương mại, nhiều hộ kinh doanh cũng đã thích ứng nhanh khi ứng dụng thương mại điện tử vào bán hàng. Phương thức giao dịch điện tử như internet banking, mobile banking, ví điện tử và hầu như không dùng tiền mặt do sự xuất hiện của COVID-19 đã trở thành thói quen của nhiều người. Các doanh nghiệp cũng đã tính đến câu chuyện tái thiết các phương thức sản xuất kinh doanh, tái cơ cấu doanh nghiệp, thay đổi cách thức quản trị mới để chung sống an toàn với dịch bệnh…

Có thể khẳng định, cốt lõi của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là chuyển đổi số và COVID-19 theo một cách nào đó thúc đẩy quá trình chuyển đổi số diễn ra nhanh chóng, tạo đà phát triển kinh tế số và xã hội số.

Đột phá mạnh mẽ để phát triển

- Để nâng cao chất lượng tăng trưởng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, trong thời gian tới cần ưu tiên vào lĩnh vực gì, thưa đồng chí?

- Để nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, cần đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; thực hành tiết kiệm, nuôi dưỡng và phát triển nguồn thu ngân sách. Tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp và nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả. Đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án năng lượng, dự án công nghiệp để sớm đưa vào hoạt động. Cơ cấu lại, phục hồi và phát triển một số ngành, lĩnh vực quan trọng và doanh nghiệp đang bị tác động trực tiếp bởi COVID-19 như: Thương mại, dịch vụ, vận tải, du lịch. Triển khai kế hoạch phục hồi hoạt động du lịch Quảng Trị, hỗ trợ phù hợp các doanh nghiệp du lịch...

Tập trung thực hiện Kế hoạch chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Hỗ trợ ứng dụng, nhân rộng các kết quả khoa học và công nghệ. Thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ hướng tới kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn…

- Năm 2021 là năm nỗ lực kêu gọi đầu tư cao của tỉnh, nhưng hiện thực hóa các dự án đầu tư, nhất là các dự án đầu tư vào Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị chậm triển khai. Đồng chí cho biết giải pháp đột phá để sớm hiện thực hóa các dự án động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh?

- Để đẩy mạnh thu hút đầu tư và đẩy nhanh tiến độ hiện thực hóa các dự án đầu tư trên địa bàn, thời gian qua, lãnh đạo tỉnh đã có nhiều đổi mới, sáng tạo huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư của nền kinh tế.

Thời gian tới, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện các quy hoạch, hoàn thành Quy hoạch tỉnh Quảng Trị thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; công khai minh bạch các quy hoạch cũng như xử lý nghiêm cán bộ các sở, ngành, địa phương chậm trễ, đùn qua đẩy lại trong giải quyết thủ tục hành chính làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư. Thành lập tổ công tác rà soát, xử lý, thu hồi các dự án chậm tiến độ gây thất thoát, lãng phí tài nguyên. Nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn đầu tư công; lấy đầu tư công kích hoạt đầu tư xã hội, nhất là phương thức đối tác công tư. Thúc đẩy đầu tư ngoài nhà nước gắn với tháo gỡ khó khăn, ách tắc trong đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Triển khai có hiệu quả Chương trình xúc tiến đầu tư năm 2022; xây dựng cơ sở dữ liệu về quản lý cấp phép đầu tư và chứng nhận đầu tư trên địa bàn tỉnh.

Tập trung phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là về giao thông, năng lượng, hạ tầng số. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án động lực, có tính kết nối, lan tỏa và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đặc biệt, tập trung chỉ đạo và nguồn lực đầu tư để hiện thực hóa các dự án trọng điểm được lựa chọn khánh thành và khởi công chào mừng 50 năm Ngày giải phóng tỉnh Quảng Trị 1/5 (1972 - 2022). Thực hiện đồng bộ các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), phấn đấu năm 2022 tăng 3 bậc so với năm 2021. Định kỳ tổ chức hội nghị đối thoại với doanh nghiệp. Triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh đến năm 2025.

- Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

Nguyễn Thanh Hải (thực hiện)