Nuôi tôm cộng đồng- hạn chế rủi ro, tăng thêm lợi ích
(QT) - Nuôi tôm vụ hè thu năm 2011 được đánh giá là thắng lợi nhất từ trước tới nay, nhiều hộ nuôi trúng đậm đã thu về hàng trăm triệu đồng chỉ sau 3 tháng. Nhưng bên cạnh niềm vui của nhiều hộ nuôi tôm thắng lợi lớn còn không ít hộ trắng tay vì thua lỗ đậm lâm vào cảnh nợ nần. Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và PTNT, nuôi tôm vụ hè thu năm nay, toàn tỉnh có khoảng 70% số hộ có lãi, 10% số hộ hoà vốn và khoảng 20% số hộ bị lỗ. Qua thực tế từ sự được, mất trong nuôi tôm cho thấy những địa ...

Nuôi tôm cộng đồng- hạn chế rủi ro, tăng thêm lợi ích

(QT) - Nuôi tôm vụ hè thu năm 2011 được đánh giá là thắng lợi nhất từ trước tới nay, nhiều hộ nuôi trúng đậm đã thu về hàng trăm triệu đồng chỉ sau 3 tháng. Nhưng bên cạnh niềm vui của nhiều hộ nuôi tôm thắng lợi lớn còn không ít hộ trắng tay vì thua lỗ đậm lâm vào cảnh nợ nần. Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và PTNT, nuôi tôm vụ hè thu năm nay, toàn tỉnh có khoảng 70% số hộ có lãi, 10% số hộ hoà vốn và khoảng 20% số hộ bị lỗ. Qua thực tế từ sự được, mất trong nuôi tôm cho thấy những địa phương thực hiện tốt nuôi tôm theo cộng đồng đã hạn chế được nhiều rủi ro và đem lại hiệu quả cao. Đây thực sự là hướng phát triển bền vững trong nuôi tôm để khai thác hết tiềm năng, lợi thế của tỉnh Quảng Trị về nuôi trồng thuỷ sản. Từ mô hình cộng đồng nuôi tôm tự phát Cách đây gần 10 năm, khi phong trào nuôi tôm toàn tỉnh chưa phát triển mạnh như hiện nay thì 15 hộ dân ở xã Vĩnh Lâm, Vĩnh Linh đã mạnh dạn đầu tư nuôi 5,8 ha tôm sú. Do mới bắt tay vào nuôi tôm sú nên các hộ nuôi tôm ở Vĩnh Lâm lúc bấy giờ mạnh ai nấy làm, hệ thống ao nuôi và kênh dẫn nước thải, nước cấp ai thuận đâu làm đó, không theo một quy hoạch nào cả. Kênh dẫn nước thoát của ao này có lúc bị rò rỉ nước chảy vào kênh cấp nước ao kia nên thường xuyên làm lây lan mầm bệnh từ ao này sang ao khác. Với việc sản xuất tự phát đó cộng với trình độ kỹ thuật về nuôi tôm của nông dân lúc bấy giờ còn thấp nên nhiều hộ nuôi tôm ở Vĩnh Lâm sản xuất thất bại nhiều hơn thắng lợi.

Thu hoạch tôm sú ở Đông Giang, Đông Hà.

Trong khi nhiều hộ dân liên tục nhiều vụ nuôi tôm thất bát thì hộ anh Hoàng Kim Bốn ở thôn Quảng Xá rất ít khi bị thua lỗ. Trăn trở trước cảnh thua lỗ của người nuôi tôm trong thôn, trong xã, anh Bốn đã tìm hiểu, nghiên cứu tất cả các ao nuôi tôm ở xã, anh nhận thấy rõ nguyên nhân thất bại từ đầu tư xây dựng hệ thống ao nuôi, kênh dẫn nước chưa khoa học, lỗ hổng trong kiến thức nuôi tôm của nhiều hộ dân nên anh đã tự đứng ra thành lập một tổ nuôi tôm để hỗ trợ cho nhau trong sản xuất. Tổ nuôi tôm do anh Bốn thành lập vào năm 2002, đã vận động được toàn bộ 15 hộ nuôi trong xã tham gia. Bằng sự nhiệt tình, chịu khó, anh đã dần đưa bà con nuôi tôm về một mối. Mặc dù được thành lập tự phát từ nhu cầu bức xúc trong sản xuất nhưng tổ nuôi tôm này cũng đã xây dựng được các nội quy rất nghiêm ngặt buộc các thành viên trong tổ phải tuân theo mà đến nay các nội quy đó vẫn còn nguyên giá trị như nội quy về công tác bảo vệ an ninh trật tự tại khu vực nuôi tôm, nội quy hỗ trợ kỹ thuật nuôi tôm, phòng chống dịch bệnh cho tôm, hỗ trợ kinh phí khi có một hoặc nhiều ao nuôi của thành viên bị dịch bệnh… Lúc bấy giờ, anh Bốn được bầu làm tổ trưởng, chịu trách nhiệm phụ trách về kỹ thuật nuôi cho cả tổ. Anh Hoàng Kim Bốn cho biết: Sau khi thành lập tổ nuôi tôm đã có sự phối hợp, hỗ trợ cho nhau rất tốt giữa các hộ trong tất cả các khâu nuôi tôm, nhất là các hộ đã cùng nhau xử lý đồng bộ hệ thống nước cấp, nước thải vào hồ tôm, giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi tôm, cùng nhau bảo vệ khu vực nuôi nên tỷ lệ hộ nuôi tôm thắng lợi đã tăng cao. Từ hiệu ích ban đầu của tổ nuôi tôm tự phát, đến năm 2005, UBND xã Vĩnh Lâm, quyết định thành lập tổ nuôi tôm cộng đồng và tập trung chỉ đạo thực hiện một cách bài bản hơn. Sở Nông nghiệp và PTNT lúc bấy giờ cũng đã đến tìm hiểu và chỉ đạo cần nhân rộng phát triển mô hình nuôi tôm này. Mô hình tổ nuôi tôm ở xã Vĩnh Lâm trở thành mô hình sản xuất điển hình nhanh chóng được các địa phương trong huyện, trong tỉnh tới học tập và nhân rộng. Đến nay, các tổ nuôi tôm cộng đồng ở các địa phương trong tỉnh đã hoạt động có tổ chức, góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả nuôi tôm. Đến tổ nuôi tôm cộng đồng có tổ chức Những ngày cuối tháng 9/2011, nông dân đã thu hoạch các ao cuối cùng của vụ nuôi tôm thứ 2 trong năm. Nhiều hộ khẩn trương xử lý ao hồ để thả nuôi vụ 3. Hiện nay, phong trào nuôi tôm trên địa bàn tỉnh phát triển khá mạnh, trong đó tăng nhanh nhất là diện tích tôm thẻ chân trắng khoảng 600 ha, tôm sú 90 ha. Phần lớn các hộ đều thả nuôi từ 2 - 3 vụ/năm, năng suất bình quân tôm thẻ chân trắng đạt 8 - 9 tấn/ha/ vụ, tôm sú đạt 4- 5 tấn/ha. Các xã nuôi tôm đạt hiệu quả cao như Vĩnh Lâm, Vĩnh Thành (Vĩnh Linh), Trung Hải (Gio Linh), Hải An (Hải Lăng), Triệu Vân, Triệu Lăng (Triệu Phong)... Tỷ lệ lãi trong nuôi tôm thẻ chân trắng năm nay đạt khá cao từ 65- 90%. Từ kết quả nuôi tôm cho thấy, việc nuôi tôm khép kín từ chọn con giống, phòng ngừa dịch bệnh đến bảo vệ môi trường đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nuôi. Để thực hiện đồng bộ việc nuôi tôm khép kín này, nhiều vùng nuôi đã thành lập tổ nuôi tôm cộng đồng có sự chỉ đạo của chính quyền địa phương và ngành chủ quản. Nhiều HTX nuôi trồng thuỷ sản cũng đã được thành lập đưa việc nuôi tôm phát triển có quy hoạch, kế hoạch và được kiểm soát chặt chẽ. Đến nay, toàn tỉnh đã phát triển được hàng chục tổ nuôi tôm cộng đồng và HTX nuôi trồng thuỷ sản. Trước tình trạng nguồn nước ngày càng ô nhiễm, việc nuôi tôm riêng lẻ theo từng hộ rất khó kiểm soát việc xử lý môi trường. Mặt khác, nếu không có sự hỗ trợ của tổ nuôi tôm cộng đồng, các hộ sản xuất riêng lẻ khó tiếp cận được với nguồn giống chất lượng. Phát triển nuôi tôm có tổ chức, nông dân được lợi rất lớn về đầu tư cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, nguồn con giống, thức ăn, thị trường đầu ra cho sản phẩm, họ có điều kiện hơn để thực hiện đồng bộ các giải pháp hợp lý nên đạt hiệu quả cao hơn và rủi ro ít hơn, đó là tính bền vững trong thâm canh nuôi tôm. Ông Lê Bá Tân, Chủ nhiệm HTX Kinh doanh dịch vụ nuôi trồng thuỷ hải sản Hải An, Hải Lăng cho biết: Khi tham gia vào tổ nuôi tôm cộng đồng, các hộ nuôi thống nhất thả giống cùng một thời gian, cùng một loại con giống và cùng thực hiện đồng bộ các giải pháp kỹ thuật như vệ sinh ao hồ, xử lý môi trường nước. Các hộ nuôi trong tổ chung sức nhau đầu tư cả về cơ sở vật chất và kỹ thuật như chung kinh phí để hợp đồng kỹ sư nuôi trồng thuỷ sản hướng dẫn kỹ thuật, xử lý dịch bệnh và cùng nhau dập dịch nên hạn chế được dịch bệnh xảy ra và nâng cao hiệu quả sản xuất. Toàn HTX có 54 nhóm hộ nuôi tôm, phần lớn các hộ nuôi đều có lãi, bình quân lãi 150- 300 triệu đồng/ha, chỉ có khoảng 10% hộ nuôi bị lỗ nhưng mức lỗ không nhiều. Các tổ nuôi tôm cộng đồng đều đã xây dựng những quy định cụ thể về phát triển và bảo vệ sản xuất tại khu vực nuôi tôm. Tình đoàn kết giữa các thành viên trong tổ được nâng cao và xuất hiện nhiều cách làm hay trong việc tương trợ lẫn nhau trong sản xuất. Trong trường hợp dịch bệnh xảy ra thì kịp thời thông tin cho nhau để có biện pháp xử lý đúng quy trình hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật; đồng thời, các thành viên trong tổ cùng góp kinh phí để hỗ trợ dập dịch cho hộ có tôm bị bệnh. Tuỳ theo mức độ bị bệnh nặng hay nhẹ mà mức đóng góp này nhiều hay ít nhưng điều ghi nhận ở đây là sự chung sức này đã sớm tạo thành sức mạnh đẩy lùi được các loại dịch bệnh xảy ra đối với tôm. Ở xã Vĩnh Lâm vào vụ nuôi tôm đầu năm nay, có 4 hộ tôm bị bệnh, các thành viên trong tổ nuôi tôm cộng đồng đã nhanh chóng đóng góp 120.000 đồng/sào nuôi để tập trung xử lý dịch bệnh. Nhờ vậy, dịch bệnh tôm không lây lan, 4 hộ nuôi đó đã sớm vượt qua khó khăn và thu đạt kết quả sản xuất tốt. Đánh giá về lợi ích khi tham gia tổ nuôi tôm cộng đồng, anh Nguyễn Văn Huân, Trưởng phòng nuôi trồng thuỷ sản, Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: Khi đã tham gia vào tổ nuôi tôm cộng đồng, các thành viên được tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật nuôi tôm, hội thảo đầu bờ, tham quan các mô hình sản xuất tôm đạt hiệu quả cao, xử lý môi trường tốt… Tham gia tổ nuôi tôm cộng đồng, ý thức trách nhiệm bảo vệ môi trường của hộ nuôi cũng được nâng cao bởi họ thường xuyên được trao đổi cung thông tin về thời tiết, mùa vụ, giá cả thị trường, tình hình dịch bệnh và kinh nghiệm phòng, trị bệnh; phòng, chống thiên tai và bảo vệ tài sản… Việc thành lập các tổ nuôi tôm cộng đồng còn đạt được mục đích xây dựng thương hiệu vùng nuôi sạch, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan chức năng kiểm tra, cấp chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, thuận lợi trong việc bảo vệ thương hiệu chất lượng sản phẩm cho cộng đồng, nâng cao uy tín sản phẩm, góp phần cùng nhau tạo sức mạnh trong việc bán sản phẩm mang tính cạnh tranh cao trên thị trường. Mối quan hệ giúp đỡ lẫn nhau trong sản xuất được xiết chặt, tình làng nghĩa xóm được gắn bó hơn nhờ họ biết tương trợ nhau trong sản xuất, từ đó cũng góp phần làm ổn định tình hình an ninh trật tự ở các vùng nuôi tôm trên cát ven biển. Do hiệu quả to lớn từ việc liên kết trong sản xuất đưa lại nên trong thời gian tới, các địa phương trong tỉnh sẽ tiếp tục thành lập thêm các tổ nuôi tôm cộng đồng. Chính quyền địa phương và ngành chủ quản tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các hộ nuôi tôm tham gia thành lập các tổ nuôi tôm theo hình thức quản lý cộng đồng. Ngay chính bản thân những hộ nuôi tôm riêng lẻ cũng thấy rõ lợi ích từ việc cộng đồng nuôi tôm mà quyết tâm tập hợp sức để tương trợ nhau trong sản xuất mới đạt hiệu quả cao. Bài, ảnh: HÀ VÂN AN