QĐND - Vượt qua những trở ngại của quá khứ, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có cuộc thảo luận thẳng thắn trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh Nga-Nhật Bản diễn ra thủ đô Moscow ngày 22-1 vừa qua.
3 giờ hội đàm kín, trong đó có một giờ để thảo luận về hiệp ước hòa bình, cho thấy quyết tâm chính trị lớn của hai nhà lãnh đạo nhằm đạt được một hiệp ước lịch sử. Tuy nhiên, nhiệm vụ này không hề dễ dàng khi còn tồn tại nhiều bất đồng liên quan tới tranh chấp lãnh thổ, một vấn đề gai góc nhất trong quan hệ hai nước.
Hơn 70 năm qua, kể từ khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, dù Moscow và Tokyo luôn tìm cách tiến tới ký hiệp ước hòa bình song tiến trình này luôn gặp trở ngại liên quan tới tranh chấp chủ quyền đối với các quần đảo mà Nga gọi là Nam Kuril còn Nhật Bản gọi là Vùng lãnh thổ phương Bắc. Nga cho rằng, vấn đề quần đảo Nam Kuril, bao gồm bốn đảo Iturup, Kunashir, Shikotan và Habomai trong biển Okhotsk, thuộc chủ quyền của mình là không cần phải bàn cãi, đồng thời Moscow tiếp tục thúc đẩy việc ký kết hiệp định hòa bình thời hậu chiến. Trong khi đó, Tokyo lại khẳng định rằng, tranh chấp lãnh thổ cần phải được giải quyết trước khi ký hiệp ước hòa bình. Lập trường khác biệt trên đã khiến cả Nga và Nhật Bản không thể đạt được hiệp ước hòa bình dù Chiến tranh thế giới lần thứ hai đã lùi xa hơn 70 năm.
Tổng thống Vladimir Putin và Thủ tướng Shinzo Abe đã tổ chức một số cuộc họp nhằm giải quyết tranh chấp trên các đảo. Ảnh: AP
Kể từ khi lên cầm quyền, Tổng thống Vladimir Putin và Thủ tướng Shinzo Abe đều nhận thức rõ rằng, trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới có nhiều biến động, việc ký kết hiệp ước hòa bình sẽ giúp đẩy nhanh hợp tác kinh tế giữa hai nước. Với Tokyo, giải quyết bất đồng với Nga sẽ giúp Nhật Bản cải thiện quan hệ với một trong những đối tác cung cấp nhiên liệu lớn nhất cho nước này. Trong khi đó, Nga cũng tìm thêm được một tiếng nói có trọng lượng trong việc kêu gọi quốc tế dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt mà nước này đang đối mặt. Ngoài ra, việc thắt chặt quan hệ giữa hai nước sẽ tạo ra sức mạnh mới, đối phó với sự cạnh tranh và ảnh hưởng của các cường quốc khác trong khu vực.
Xuất phát từ nhận thức trên, trong cuộc gặp ở Singapore hồi tháng 11-2018, Tổng thống Vladimir Putin và Thủ tướng Shinzo Abe nhất trí đẩy nhanh tiến trình đàm phán dựa trên Tuyên bố chung năm 1956, theo đó nhóm đảo Shikotan và Habomai sẽ được Liên Xô chuyển giao cho Nhật Bản sau khi ký kết hiệp ước hòa bình sau chiến tranh. Sau đó, tại thủ đô Buenos Aires (Argentina), hai nhà lãnh đạo tuyên bố thành lập cơ cấu đàm phán mới đặt dưới sự điều hành của ngoại trưởng hai nước. Việc Tổng thống Vladimir Putin và Thủ tướng Shinzo Abe duy trì tiếp xúc tần suất cao được coi dấu hiệu thuận lợi cho tiến trình đàm phán hiệp ước hòa bình song phương. Điều này thể hiện sự quan tâm và quyết tâm của cả hai nhà lãnh đạo đối với việc hoàn tất văn kiện có thể đặt nền móng cho quan hệ hai nước trong tương lai này.
Thiện chí đã có nhưng không bên nào có hành động nhượng bộ cần thiết khiến hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Vladimir Putin và Thủ tướng Shinzo Abe tại Moscow ngày 22-1 khép lại mà không đạt được kết quả như mong muốn. Điểm tích cực hiếm hoi mà hai nhà lãnh đạo đã làm được là nhất trí tiếp tục thảo luận vấn đề này trong thời gian tới. Bên cạnh đó, hai bên nhất trí đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực an ninh-quốc phòng, thương mại và đầu tư, coi đây là một trong những hướng để tiến tới giải quyết tranh chấp lãnh thổ. Tổng thống Nga đã đề xuất mục tiêu rõ ràng, đó là tăng thương mại song phương tối thiểu 50%, tương đương 30 tỷ USD trong những năm tới.
Song, ai cũng hiểu, với Nhật Bản và Nga, mọi nẻo đường đều dẫn về tranh chấp chủ quyền quần đảo Nam Kuril/Vùng lãnh thổ phương Bắc. Nếu hai nước tiếp tục không thay đổi lập trường, mọi cuộc đàm phán chắc chắn sẽ không mang lại kết quả cụ thể. Thậm chí, ngay cả khi Nga đồng ý với đề xuất của Thủ tướng Shinzo Abe trao lại cho Tokyo hai trong số 4 đảo thuộc quần đảo đang tranh chấp, điều đó cũng mở ra lộ trình cực kỳ khó khăn cho cả hai nước do thiếu vắng sự ủng hộ của người dân. Nhiều người dân vẫn từ chối đề xuất “đổi đảo lấy hòa bình” mà Thủ tướng Shinzo Abe đưa ra. Do vậy, tranh chấp lãnh thổ liên quan đến nhóm đảo Nam Kuril/Vùng lãnh thổ phương Bắc khó có thể giải quyết trong một sớm một chiều.
Điều đó cũng đồng nghĩa là hiệp định hòa bình Nga-Nhật vẫn còn xa vời.
Gỡ bỏ hòn đá cản đường quan hệ Nga-Nhật hay tiếp tục duy trì tình trạng hiện nay sẽ là bài toán học búa đối với hai nhà lãnh đạo Vladimir Putin và Shinzo Abe. Có điều chắc chắn rằng, hòa bình chỉ đến khi các bên có thiện chí và lợi ích được bảo đảm về lâu dài.
LINH OANH