Chuyện ngôi làng có chung một ngày giỗ
(QT) - Thôn Tân Minh (xã Gio Thành, Gio Linh, Quảng Trị) được coi là thôn duy nhất tại Quảng Trị mà 100% hộ gia đình ở đây đều có người thân cùng giỗ chung một ngày. Đó chính là tội ác chiến tranh để lại, cách đây 65 năm giặc Pháp đã thảm sát hơn 130 mạng người vô tội trong thôn. Sau sự kiện ấy, lý do kẻ thù đưa ra chỉ vỏn vẹn hai chữ “Hiểu lầm”... Chuyện xảy ra đã hơn nửa thế kỷ, giờ đây một màu xanh no ấm bao phủ lên ngôi làng nhỏ bé này. Tuy nhiên, bao thế hệ con em trong làng vẫn kể cho ...

Chuyện ngôi làng có chung một ngày giỗ

(QT) - Thôn Tân Minh (xã Gio Thành, Gio Linh, Quảng Trị) được coi là thôn duy nhất tại Quảng Trị mà 100% hộ gia đình ở đây đều có người thân cùng giỗ chung một ngày. Đó chính là tội ác chiến tranh để lại, cách đây 65 năm giặc Pháp đã thảm sát hơn 130 mạng người vô tội trong thôn. Sau sự kiện ấy, lý do kẻ thù đưa ra chỉ vỏn vẹn hai chữ “Hiểu lầm”... Chuyện xảy ra đã hơn nửa thế kỷ, giờ đây một màu xanh no ấm bao phủ lên ngôi làng nhỏ bé này. Tuy nhiên, bao thế hệ con em trong làng vẫn kể cho nhau câu chuyện về cái ngày kinh hoàng khiến 90% người dân trong thôn chết thảm, để đến nay, ngày 15/10 hàng năm được xem là ngày kinh hoàng đối với những người may mắn còn sống và là câu chuyện đau lòng cho lớp trẻ bây giờ. Dẫu biết, chiến tranh là nỗi tang thương, mất mát không của riêng ai, thế nhưng câu chuyện thảm sát Tân Minh được coi là sự kiện đau lòng nhất của bao thế hệ người dân trong làng...

Bia căm thù được xây dựng tại thôn và đã được Nhà nước công nhận là Di tích Lịch sử Văn hóa cấp quốc gia năm 1995

Ngày 15/10/1947, giặc Pháp đã gây ra vụ thảm sát kinh hoàng tại thôn Tân Minh khiến hơn 130/173 người dân trong thôn lúc bấy giờ thiệt mạng oan uổng, trong đó có 6 phụ nữ mang thai và 45 trẻ em, cả 48 hộ trong thôn đều có người chết, trong đó có nhiều gia đình không còn một ai sống sót. Số người may mắn còn sống đến nay chưa đến chục người, phần lớn đều đã già yếu, may mắn còn hai cụ Nguyễn Quang Dư (79 tuổi) và Nguyễn Quang Bồng (86 tuổi) hiện vẫn khỏe mạnh để tham gia tế lễ giỗ hàng năm cho làng. Theo chỉ dẫn của người dân, tôi đến tìm gặp hai nhân chứng sống hiếm hoi này. Cụ Nguyễn Quang Dư trầm ngâm kể lại: “Nếu nói một cách đầy đủ hơn, thì vào thời khắc định mệnh đó, giặc Pháp đã cướp đi 150 mạng người ở cả 3 thôn: Tân Minh, Nhĩ Trung, Lại An. Trong đó, số người chết ở Tân Minh nhiều hơn cả. Nguyên nhân của sự việc là vào 14/10/1947, trong một đợt truy quét lực lượng du kích, khi đến ngang địa phận thôn Lại An, chúng bị mất dấu. Sáng hôm sau, lính Pháp huy động thêm lực lượng tổ chức cuộc càn quét bất ngờ vào Tân Minh. Chúng cầm súng máy bắn giết tất cả những ai gặp được. Vì bị tấn công bất ngờ nên ít ai chạy thoát. Bố mẹ tôi lúc đó đi làm sớm, bọn giặc tràn vào nhà xả súng vào mấy anh chị em tôi khi đang ngủ. Tôi vì quá sợ, lại bị một viên đạn sợt qua mặt, máu me bê bết mà ngất đi, chúng tưởng chết rồi nên mới bỏ đi. Đến tối hôm đó, sau khi chỉ điểm của bọn chúng tới giải thích là nhầm lẫn, thì lũ giặc thẳng thừng bỏ đi sau khi gây ra một nỗi đau quá lớn. Số còn sống độ 30 người, phải chạy lên ngọn đồi nhỏ sau làng, định cư ở đó gần 1 tuần rồi mới dám quay về an táng xác người thân vì sợ hãi...”. Cụ Nguyễn Quang Bồng kể thêm: “Thời kỳ chống giặc, bất cứ một ngôi làng nào ở đây đều có dấu chân bộ đội đến hoạt động. Tôi lúc đó thuộc hàng thanh niên, bị bọn chúng bắt về tra khảo dã man nhưng cũng chẳng khai thác được gì. Khi được trả về thì người thân đã không còn. Nén đau thương, những người sống sót đành phải đem xác người thân lên vùng cao chôn cất tập thể ở một nơi bí mật để tránh bọn giặc quay lại. Đến ngày hòa bình, thì nhiều người có điều kiện đem hài cốt người thân của mình về chôn cất. Riêng khu vực năm xưa cả làng chạy lên lánh giặc, chúng tôi vẫn luôn dặn dò con cháu cố gắng lưu giữ và bảo vệ, xem đây như là di tích của làng...” Hòa bình lập lại, hòa chung vào công cuộc phát triển của đất nước, thôn Tân Minh bắt tay xây dựng cuộc sống mới. Để nhắc nhở con cháu về sự kiện ai oán này, được sự giúp đỡ của Nhà nước, một tấm Bia căm thù đã được dựng lên ngay giữa trung tâm của làng. Và cứ đến ngày 18/10 hàng năm, cả làng cùng tổ chức Đại lễ Cầu siêu cho những nạn nhân vô tội đã mất trong cuộc thảm sát oan nghiệt đó, và vào ngày này, không nhà nào trong thôn Tân Minh lại không có lễ giỗ tưởng niệm người thân đã mất. Những người như cụ Dư, cụ Bồng đến nay đã bước qua cái tuổi “xưa nay hiếm”. Dù là những người may mắn, có con cháu đề huề nhưng ký ức về những tháng ngày tang thương đó vẫn ám ảnh suốt chứng ấy năm. Duy chỉ có một điều mà các cụ vẫn còn đang âm thầm chờ đợi đã hơn nửa thế kỷ, đó là lời xin lỗi từ phía người Pháp về hành động vô nhân đạo đã gây ra tại vùng quê này. Đó không chỉ là nghĩa vụ với những người đang sống mà còn là trách nhiệm với hơn 130 mạng người đã chết oan uổng. Ở cái tuổi gần đất xa trời, sự chờ đợi ấy đến nay vẫn “bặt vô âm tín”, trở thành nỗi đau âm ỉ... Chúng ta đã biết đến sự kiện thảm sát Mỹ Lai (làng Sơn Mỹ, huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi). Vào 16/3/1968, cũng vì nghi ngờ làng Sơn Mỹ chưa chấp quân giải phóng, quân đội Hoa Kỳ đã vô cớ xả súng, bắn giết gần 200 đàn ông, phụ nữ, trẻ em dù họ không mang vũ khí. Sau này, chính những người lính Hoa Kỳ lúc đó đã xác nhận rõ chỉ có 3 - 4 người trong số đó là quân giải phóng. Nhà báo Seymour Hersh, người phát hiện và kịp ghi lại một tình huống bé gái chạy trốn trong cuộc thảm sát đó đã đạt giải thưởng Pulitzer về tường thuật quốc tế năm 1970. Và vụ thảm sát kinh hoàng ấy đã được cả thế giới biết đến. Hòa bình lập lại, những cựu quân nhân Mỹ năm xưa đã không ít lần tìm về tạ lỗi với những người còn sống. Đồng thời, xây dựng một trung tâm tư liệu về sự kiện: Khu chứng tích Sơn Mỹ, 1 trường học và 1 trung tâm văn hóa... như một sự hối cải. Còn với thôn Tân Minh, khi những nhân chứng sống đang ngày càng ít dần đi thì dấu tích duy nhất vẫn chỉ là tấm bia do người dân tự xây dựng nên. Và lời xin lỗi đang ngày càng trở nên quá xa vời... Bài, ảnh: NGUYỄN TIẾN NHẤT