Tạp bút: Cây mồ côi
(QT) - Không biết từ bao giờ, người dân quê tôi gọi loài cây này là cây mồ côi. Tò mò, tôi đã đi khắp xóm cùng thôn tìm gặp các cụ cao niên đến những người hiểu biết nhất vùng để hỏi nguồn gốc cây mồ côi hay một truyền tích nào đó về cây mồ côi, nhưng tất cả đều lắc đầu. Chỉ có một điểm lạ là cây này thích mọc một mình, cách gần chục mét mới có cây khác, tuyệt nhiên không bao giờ thấy chúng quần tụ cùng nhau. Mỗi cây, một góc, tự mình phát triển, tự mình chống chọi với thiên nhiên, an nhiên và ...

Tạp bút: Cây mồ côi

(QT) - Không biết từ bao giờ, người dân quê tôi gọi loài cây này là cây mồ côi. Tò mò, tôi đã đi khắp xóm cùng thôn tìm gặp các cụ cao niên đến những người hiểu biết nhất vùng để hỏi nguồn gốc cây mồ côi hay một truyền tích nào đó về cây mồ côi, nhưng tất cả đều lắc đầu. Chỉ có một điểm lạ là cây này thích mọc một mình, cách gần chục mét mới có cây khác, tuyệt nhiên không bao giờ thấy chúng quần tụ cùng nhau. Mỗi cây, một góc, tự mình phát triển, tự mình chống chọi với thiên nhiên, an nhiên và tự tại... có lẽ vì vậy nên mọi người đặt cho chúng là cây mồ côi.

Vũ điệu trên dòng sông quê - Ảnh: T.L

Ngày trước, bọn trẻ chúng tôi thấy cây này là tránh xa vì người lớn bảo cây có độc, cũng có thể tại mang tiếng mồ côi, chúng lại mọc quanh các ngôi mộ, im lìm, trầm mặc nên chúng tôi cứ kháo nhau là cây ma, thế là sợ và chẳng bao giờ đụng đến nó, dù trái chín của nó từng chụm mọng ướt mời gọi. Cây mọc ở những triền cát xen lẫn là những cây bụi ở cuối làng, quê tôi gọi là “rú” dùng để làm nghĩa địa của làng. Mỗi dịp lễ, tết muốn vào viếng người thân cũng phải cúi luồn qua bao lớp cây leo, cây bụi mới vào được, nhưng hễ gặp cây mồ côi là mọi người tránh đi đường khác. Bỗng thời gian gần đây, không hiểu sao mấy người ở tận đâu đâu về đào đào, bới bới cây mồ côi, họ lấy cả rễ, lá đem đi, khi mọi người trong làng biết được tác dụng và giá trị của cây mồ côi thì chúng không còn nữa... Gần cuối làng tôi có ngôi nhà cũng buồn như cây mồ côi ấy. Chủ nhân của căn nhà này mồ côi cả cha lẫn mẹ. Cha mẹ của người chồng bị cơn lũ kinh hoàng cuốn trôi ra biển. Người vợ có cha hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, mẹ bị bạo bệnh cũng mất cách đó mấy năm. Hai người có cùng hoàn cảnh gặp nhau, tìm hiểu rồi thương nhau. Lấy nhau được hơn chục năm, ai cũng mừng cho gia đình anh chị, nhà cửa khang trang, mấy đứa con trai gái đủ cả, lại chăm ngoan. Một dịp cuối năm, tôi về thăm quê, nghe tin anh chị bị tai nạn mất, gia cảnh không còn ai, bên ngoại cũng không, bên nội cũng không, chỉ còn một ông chú bị tâm thần lúc nhớ, lúc quên, thế là mấy người họ hàng xúm vào lo hậu sự cho anh chị. Thương lắm hoàn cảnh ba người con của anh chị lại phải chịu cảnh mồ côi, người chị cả mới mười hai tuổi đứng ra lo từng bữa ăn, giấc ngủ của hai đứa em. Hết gạo cũng nhờ bác hàng xóm mang lúa đi xay, em ốm đau khi trái gió, một mình đạp xe lên tận trạm xá xin thuốc, tối về ba chị em ôm nhau, dỗ dành nhau vào giấc ngủ. Thấy hoàn cảnh của các em, tôi lại nhớ đến bóng dáng đơn độc của cây mồ côi và những câu thơ day dứt: “ Ba cháu nhỏ không cha/ Như ba hạt mưa sa/ Lăn lóc ơi! côi cút ”. LÊ NHƯ TÂM