Chia sẻ kết quả khảo sát, đánh giá chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Quảng Trị
(QT) – Hôm nay 13.11.2018, Ban Kinh tế Ngân sách- HĐND tỉnh phối hợp với Trung tâm Phát triển và Hội nhập (CDI) tổ chức hội nghị chia sẻ kết quả khảo sát, đánh giá thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.

Chia sẻ kết quả khảo sát, đánh giá chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Quảng Trị

(QT) – Hôm nay 13.11.2018, Ban Kinh tế Ngân sách- HĐND tỉnh phối hợp với Trung tâm Phát triển và Hội nhập (CDI) tổ chức hội nghị chia sẻ kết quả khảo sát, đánh giá thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.

Nhóm chuyên gia của Trung tâm Phát triển và Hội nhập đã chia sẻ kết quả khảo sát, đánh giá việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Quảng Trị

Tại hội nghị, nhóm chuyên gia của Trung tâm Phát triển và Hội nhập đã chia sẻ kết quả khảo sát, đánh giá việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Toàn tỉnh hiện có 42/117 xã đạt chuẩn nông thôn mới; bình quân đạt 14,25 tiêu chí/xã, không còn xã đạt dưới 5 tiêu chí. Đáng chú ý ở tỉnh Quảng Trị có sự vào cuộc rất tích cực của các cơ quan, ban, ngành, hội, đoàn thể ở các cấp, tạo thành phong trào thi đua rộng khắp thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia và nợ đọng xây dựng cơ bản thực hiện chương trình nông thôn mới thấp, cơ bản năm 2018 xử lý dứt điểm. Tuy nhiên, phong trào nông thôn mới có dấu hiệu chững lại.

Kết quả khảo sát, đánh giá của nhóm chuyên gia đã rà soát các quy định có liên quan, thu thập các ý kiến phản hồi của người dân, xác định khoảng cách giữa chính sách và thực tế triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới. Theo đó, có quá nhiều tiêu chí, nội dung, tiêu chí phụ, gây khó khăn trong giám sát, đánh giá, công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới; một số tiêu chí chưa hướng đến hiệu quả/kết quả thiết thực với người dân, trong khi các địa phương vẫn phải dồn lực để đạt các tiêu chí mang tính bề nổi, hình thức. Một số ý kiến phản hồi phải xem nhu cầu của người dân là gì để xác định tiêu chí cho phù hợp, có tính đến yếu tố đặc thù vùng, miền; mỗi địa phương phải có ưu tiên thực hiện các tiêu chí khác nhau; địa phương nào khó quá thì chưa nên về đích nông thôn mới mà tập trung nguồn lực để giảm nghèo trước…

Từ kết quả khảo sát, đánh giá sự phù hợp các tiêu chí nông thôn mới; sự tham gia, đóng góp của người dân; huy động và sử dụng nguồn lực…, các đại biểu tham dự hội nghị và các chuyên gia đã thảo luận giải pháp chính sách, quá trình thực hiện, phương án đổi mới tiêu chí nông thôn mới trong giai đoạn tới, sửa đổi một số tiêu chí cho phù hợp với thực tế vùng miền/địa bàn theo hướng để mở và phân cấp cho cấp tỉnh quy định cụ thể nhiều hơn, thu gọn đầu mối quản lý cho từng tiêu chí. Đây là cơ sở đề xuất những giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới trong thời gian tới và giai đoạn tiếp theo.

NTH