Giáo dục không có chỗ cho sự lừa dối
(QT) - Ngày 11/7/2018, kết quả điểm thi THPT quốc gia năm 2018 chính thức được công bố trên cổng thông tin điện tử Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) các tỉnh, thành phố và trên các cơ quan thông tấn, báo chí. Khi đó, qua rà soát, Ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia thấy có dấu hiệu bất thường về kết quả điểm thi của một số thí sinh tại Hội đồng thi Sở GD&ĐT Hà Giang.

Giáo dục không có chỗ cho sự lừa dối

(QT) - Ngày 11/7/2018, kết quả điểm thi THPT quốc gia năm 2018 chính thức được công bố trên cổng thông tin điện tử Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) các tỉnh, thành phố và trên các cơ quan thông tấn, báo chí. Khi đó, qua rà soát, Ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia thấy có dấu hiệu bất thường về kết quả điểm thi của một số thí sinh tại Hội đồng thi Sở GD&ĐT Hà Giang.

Tuy mới chỉ là nghi vấn nhưng thời điểm đó dư luận đã đặt nhiều câu hỏi về vấn đề này. Nhiều ý kiến khẳng định chắc chắn có bất thường vì số lượng điểm giỏi ở địa phương này cao hơn mặt bằng chung, trong khi điểm trung bình tất cả môn thi lại thấp hơn so với mặt bằng chung cả nước. Ngược lại, một số ý kiến khác lại cho rằng, ở Hà Giang năm nay có 5.500 thí sinh thi THPT quốc gia, có thể một phần trong số này là giỏi thật sự. Hơn nữa, với một quy trình chặt chẽ trong kỳ thi tốt nghiệp THPT như vậy thì đây cũng có thể là kết quả thực chất.

Bán tín, bán nghi là vậy nhưng chung quy lại, mọi người đều chờ đợi kết luận thanh tra của Bộ GD&ĐT. Cho đến ngày 17/7/2018, khi thanh tra Bộ GD&ĐT kết luận có hơn 120 thí sinh được nâng điểm bài thi trắc nghiệm, mức điểm nâng cao nhất là 8,75 điểm trong kỳ thi tốt nghiệp THPT ở Hà Giang, mọi người mới bàng hoàng. Thậm chí, với cả những người trước đây khẳng định kết quả thi cao tại Hà Giang là bất thường cũng không muốn tin đó là sự thật. Bởi lẽ, hành động của ông Vũ Trọng Lương, Phó Phòng Khảo thí và Kiểm định Chất lượng, Sở GD&ĐT Hà Giang, người đã sửa kết quả của hơn 300 bài thi lại hết sức lộ liễu và bất chấp đạo đức của người làm nghề giáo.

Chất lượng giáo dục là vấn đề quan tâm của toàn xã hội. Câu hỏi “thế nào là một nền giáo dục tốt?” lâu nay vẫn được đặt ra và có nhiều cuộc tranh luận về nó. Nhưng có lẽ, câu trả lời đó trước hết phải là một nền giáo dục thực chất được nhiều người đồng tình cao. Không thể có một nền giáo dục tốt khi mà ở đó có những người làm trong ngành lại tiếp tay cho cái xấu để biến đen thành trắng, biến kết quả thực chất thành kết quả ảo. Cũng không thể có một nền giáo dục tốt nếu phụ huynh học sinh không chấp nhận thực tế về năng lực học tập của con để cùng con rèn dũa, phấn đấu mà dùng tiền hoặc mối quan hệ để can thiệp vào kết quả học tập của con. Con đường đó tuy rút ngắn hơn nhiều so với chặng đường dài phấn đấu nhưng cũng là con đường nhanh nhất để hủy hoại tương lai con cái mình. Từ kết quả thi đã được thay đổi đó, một bàn đạp khá thuận lợi để một số học sinh tuy không đủ năng lực vẫn có thể bước vào những trường đại học danh giá. Lẽ đương nhiên, nhiều học sinh có năng lực, con nhà nghèo muốn vào những trường đại học đúng với năng lực, sở trường, lại phù hợp với điều kiện kinh tế gia đình lại dở dang giấc mơ của mình.

Nhiều người nói may vì vụ việc được phát hiện và xử lý kịp thời, nhưng không ít người lại nghi ngờ việc gian dối này đã diễn ra trong những kỳ thi trước và không chỉ ở một địa phương là Hà Giang. Không ai mong muốn sẽ có một “Hà Giang thứ hai”, nhưng qua vụ việc vừa rồi, Bộ GD&ĐT cũng cần thanh tra diện rộng ở những địa phương có nghi ngờ về kết quả thi tốt nghiệp THPT, từ đó có biện pháp xử lý và đề ra giải pháp khắc phục những kẽ hở để các kỳ thi sau diễn ra minh bạch, thực chất hơn. Thông thường, không chỉ trong kỳ thi tốt nghiệp THPT mà ở tất cả các kỳ thi của các cấp, bậc học khác, ngành GD&ĐT đều có quy trình khá chặt chẽ, từ việc ra đề, coi thi đến việc quản lý giáo viên chấm thi, coi thi. Hơn ai hết, những người trong ngành đều ý thức được tầm quan trọng của các kỳ thi mà làm tròn bổn phận của mình để lựa chọn, đào tạo nên những công dân tốt cho đất nước. Thực tế, những năm qua, các kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức ngày càng tốt hơn, giảm được áp lực cho thí sinh và người dân khi không phải đi lại xa. Các bài thi được tổ chức trắc nghiệm khách quan. Trong quá trình tổ chức các kỳ thi, ngành GD&ĐT đã tăng cường được một lượng lớn cán bộ thanh tra làm công tác thi. Vậy nhưng sai phạm vẫn xảy ra. Điều đó cho thấy tính nghiêm túc, trung thực, độ tin cậy của kết quả thi chỉ đạt được nếu trong mỗi khâu của quá trình tổ chức thi, mỗi cá nhân phải thực hiện nghiêm túc quy chế thi. Qua vụ việc ở Hà Giang, việc lựa chọn cán bộ chấm thi, coi thi cần phải được thẩm định cả về chuyên môn và đạo đức.

Một giảng viên trường đại học quốc gia cho rằng: Công cuộc cải cách giáo dục của chúng ta, nếu muốn thành công, phải đáp ứng được bốn yêu cầu, được tóm tắt bằng bốn chữ “thật” gồm: nhìn thật, nghĩ thật, nói thật và làm thật. Nghĩa là phải có một nền giáo dục thực chất từ cách nhìn, cách nghĩ, cách nói và cách làm. Lâu nay người ta nói nhiều về bệnh giả dối trong giáo dục, ngành GD&ĐT cũng đã triển khai nhiều giải pháp để khắc phục căn bệnh trên nhưng từ những vụ việc gian dối xảy ra thời gian qua cho thấy căn bệnh này không những không được chữa trị mà còn có biểu hiện nặng hơn. Hành vi nâng điểm thi cho thí sinh trong khi chấm thi ở Hà Giang không những vi phạm rất nghiêm trọng quy chế thi mà còn làm mất niềm tin của học sinh và người dân trong cả nước. Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Giang Vũ Văn Sử thừa nhận: “Chúng tôi có trách nhiệm rất lớn với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, với Bộ GD&ĐT và lớn hơn là với nhân dân tỉnh Hà Giang và các em học sinh”.

Trong những bài học mà giáo viên truyền thụ cho học sinh, có bài học về niềm tin. Nhưng trước hết, cần phải xây đắp cho thế hệ trẻ niềm tin vào chính những người đang ngày đêm dạy dỗ mình, để từ đó có niềm tin vào cuộc sống, vào bản thân mà nỗ lực phấn đấu thành người có ích.

Hoài Nam