Thực hiện chiến lược quốc gia bình đẳng giới ở Vĩnh Linh
(QT) - Nhằm nâng cao nhận thức về bình đẳng giới (BĐG) và giới trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân trên địa bàn toàn huyện, ngay sau khi Luật BĐG có hiệu lực, Huyện ủy Vĩnh Linh (Quảng Trị) đã đưa nội dung BĐG vào nghị quyết, UBND huyện kiện toàn Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ (VSTBCPN) huyện và đưa nội dung công tác BĐG vào kế hoạch hoạt động hàng năm nhằm chỉ đạo các ban, ngành và đoàn thể ở Vĩnh Linh tổ chức hội nghị tập huấn, hội thảo, hội thi về Luật BĐG và các bộ luật liên quan như Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Luật Hôn nhân gia đình… đồng thời ban hành kế hoạch hành động về BĐG giai đoạn 2011- 2015 của huyện, trong đó chú trọng lồng ghép các chỉ tiêu, mục tiêu BĐG vào kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội trên địa bàn. Qua 5 năm thực hiện, vấn đề giới, giới tính, BĐG trên địa bàn huyện Vĩnh Linh đã có những chuyển biến tích cực. Những suy nghĩ mang tính cố hữu của mọi người trong phân biệt vai trò, trách nhiệm và quyền lợi ở công việc gia đình cũng như xã hội giữa nam và nữ dần thay đổi. Khoảng cách giới được cải thiện đáng kể, nữ giới được tạo nhiều điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của gia đình, cộng đồng và được hưởng thụ về thành quả của sự phát triển.
 |
Phụ nữ Vĩnh Thủy tham gia xây dựng nông thôn mới - Ảnh: THANH TRÚC |
Có được kết quả đó, cấp ủy, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể huyện Vĩnh Linh đã tổ chức nhiều biện pháp thúc đẩy BĐG như: xây dựng chính sách hỗ trợ nữ cán bộ, công chức, viên chức trên lĩnh vực chính trị, giáo dục đào tạo nâng cao trình độ về mọi mặt; thực hiện quyền bình đẳng của phụ nữ trong lĩnh vực lao động việc làm, nâng cao vị thế và cải thiện đời sống, sức khỏe; tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong bộ máy lãnh đạo và năng lực hoạt động của các ban VSTBCPN. Từ đó làm chuyển biến nhận thức của cộng đồng, xã hội về vai trò, vị thế của phụ nữ. Một trong những biểu hiện cụ thể là tỉ lệ phụ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý tăng đáng kể. Số lượng cán bộ nữ công chức, viên chức toàn huyện có 929/1.704 người, chiếm 54,5%; tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy nhiệm kỳ 2010 - 2015 ở huyện có 6/41 người; cấp xã, thị trấn có 87/482 người; năm 2012 toàn huyện kết nạp 202 đảng viên, trong đó có 102 đảng viên nữ; có 98,2% cán bộ nữ công chức, viên chức có trình độ chuyên môn từ sơ cấp trở lên. Riêng các phòng, ban cấp huyện có 32 nữ cán bộ, công chức, viên chức, trong đó có 4 người trình độ trên đại học, 21 người trình độ đại học. Bên cạnh thực hiện tốt các quy định của nhà nước về chính sách tuyển dụng, bố trí cán bộ với chế độ tiền lương, bảo hiểm xã hội, an toàn lao động đối với cán bộ, công chức, viên chức nữ, huyện Vĩnh Linh còn động viên, khuyến khích, tạo điều kiện về thời gian, công việc để cán bộ, công chức, viên chức nữ tham gia đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chuyên môn nghiệp vụ. Đặc biệt, từ ngày 1/6/2012, UBND huyện ban hành Quyết định 1517/2012/QĐ-UBND về chế độ hỗ trợ kinh phí đào tạo từ ngân sách huyện cho cán bộ công chức, viên chức. Theo đó, cán bộ, công chức, viên chức nữ khi đi học ngoài chế độ hỗ trợ chung còn được hỗ trợ 0,1 lần mức lương tối thiểu/người/tháng; riêng với những cán bộ, công chức, viên chức nữ đi học có con nhỏ dưới 24 tháng tuổi còn được hỗ trợ thêm 0,1 lần mức lương tối thiểu/ người/tháng. Nhờ những chính sách quan tâm về giới nên đời sống của phụ nữ trên địa bàn huyện Vĩnh Linh được cải thiện cả về vật chất lẫn tinh thần. Tiếng nói, tâm tư nguyện vọng của phụ nữ được quan tâm, coi trọng và giải quyết. Toàn huyện hiện có 55% nữ giới trong độ tuổi lao động ở nông thôn được đào tạo nghề, 70% nữ dân tộc thiểu số được hỗ trợ đào tạo nghề theo chính sách của nhà nước, 75% phụ nữ nghèo nông thôn được vay vốn ưu đãi từ các chương trình chính sách giải quyết việc làm và xóa đói giảm nghèo. Bình quân hàng năm có từ 1.200 - 1.500 lượt phụ nữ vay vốn phát triển sản xuất với tổng dư nợ gần 30 tỷ đồng. Bên cạnh đó, hệ thống mạng lưới y tế từ huyện đến cơ sở ngày càng được nâng cấp, đảm bảo điều kiện về cơ sở vật chất cũng như nguồn nhân lực trong việc chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, nhất là vùng sâu vùng xa nên phụ nữ ngày càng có điều kiện tiếp nhận và hưởng thụ các dịch vụ y tế cơ bản. Ngoài công việc gia đình, phụ nữ Vĩnh Linh còn tham gia tích cực vào các hoạt động của các đoàn thể, thôn, xóm, đóng góp ý kiến xây dựng làng văn hóa, gia đình văn hóa, đồng thời tự tin đưa ra những quyết định để thay đổi cuộc sống gia đình và bản thân. Theo đồng chí Nguyễn Thị Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban VSTBCPN huyện Vĩnh Linh, qua 5 năm thực hiện Chiến lược quốc gia về BĐG, vai trò và vị thế của người phụ nữ Vĩnh Linh được nâng lên đáng kể, góp phần tích cực vào quá trình phát triển kinh tế- xã hội của địa phương. Tuy nhiên, hoạt động BĐG ở vùng nông thôn, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, thời gian tới, Ban VSTBCPN huyện sẽ tăng cường việc lồng ghép các nội dung BĐG vào chính sách, chương trình kế hoạch chiến lược phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Một trong những việc làm cụ thể đó là tại 11 bản nghèo thuộc xã miền núi Vĩnh Ô, Ban VSTBCPN huyện sẽ phối hợp với các phòng, ban, ngành của huyện và một số xã đồng bằng chia thành 11 nhóm để giúp đỡ 11 bản này xóa nghèo bền vững. Ngoài việc hướng dẫn người dân các bản kỹ năng phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, giúp phụ nữ vươn lên trong cuộc sống, các nhóm sẽ lồng ghép tuyên truyền hướng dẫn các kiến thức về Luật BĐG, Luật Hôn nhân gia đình, Luật Phòng chống bạo lực gia đình... nhằm nâng cao nhận thức của đồng bào về giới, xóa dần khoảng cách chênh lệnh kiến thức về giới giữa các vùng, miền trên địa bàn huyện. Với sự quan tâm của Huyện ủy, UBND huyện, sự chỉ đạo của Ban VSTBCPN tỉnh, Ban VSTBCPN huyện cùng sự vào cuộc của các tổ chức, đoàn thể và cộng đồng dân cư, đến nay công tác BĐG và VSTBCPN trên địa bàn huyện Vĩnh Linh đã có những chuyển biến tích cực và ngày càng phát triển tốt đẹp. MAI LÂM