Jerusalem: Số phận Palestine và Israel
(Đất Việt) - Tình trạng đối đầu A rập- Israel sẽ còn kéo dài rất lâu nữa...

Jerusalem: Số phận Palestine và Israel

(Đất Việt) - Tình trạng đối đầu A rập- Israel sẽ còn kéo dài rất lâu nữa...

Như đã biết, ngày 6/12/2017, Tổng thống Mỹ D. Trump tuyên bố công nhận Jerusalem là thủ đô chính thức của Israel. Các diễn biến sau đó tại khu vực này đã được đăng tải nhiều, xin không nhắc lại.

Để góp thêm một vài thông tin về những khía cạnh liên quan đến Jerusalem nói riêng và quan hệ A rập- Israel nói chung, xin giới thiệu bài viết của chuyên gia quân sự Nga quen thuộc – Aleksandr Khramchikhin, Phó giám đốc Viện phân tích chính trị và quân sự VHL KH Nga đăng trên tuần báo “Bình luận quân sự độc lập” ngày 1/12/2017 (tức trước thời điểm ra tuyên bố về Jerusalem của Tống thống Mỹ).

 Jerusalem: So phan Palestine va Israel

Người Israel áp giải tù binh A rập. Ảnh năm 1949

“Sau khi Đế chế Ottoman tan rã vào năm 1920, nước Anh được ủy quyền điều hành Palestine (khu vực lãnh thổ-ND),- nơi đang bùng nổ các cuộc xung đột ác liệt giữa người A rập và người Do Thái.

Cả người A rập lẫn người Israel có một điểm chung- đều căm ghét người Anh. Chính vì thế mà trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai người A rập đã công khai ủng hộ Hitler.

Còn người Do Thái, vì những lý do dễ hiểu, không thể làm điều tương tự, nhưng họ chờ đến khi Chiến tranh kết thúc, sau khi những binh sỹ gốc Do Thái phục vụ trong Quân đội Anh Quốc đã tích lũy được những kinh nghiệm chiến đấu cần thiết, sẽ ngay lập tức quay súng chống lại người Anh.

Đế quốc sụp đổ

Sau khi đánh bại Hitler, Đế quốc Anh bắt đầu bước vào giai đoạn suy tàn nhanh chóng (người Mỹ cũng đã rất "nhiệt tình" giúp đỡ tiến trình này). Và đến lúc đó người Anh bàn giao trách nhiệm quản lý vùng đất Palestine cho một Ủy ban đặc biệt của Liên Hợp Quốc (LHQ), Ủy ban này đưa ra đề xuất thành lập hai quốc gia (nhà nước) – Quốc gia A rập và Quốc gia Do Thái và trao quy chế quốc tế cho thành phố Jerusalem.

Đại hội đồng LHQ vào tháng 11/1947 đã ủng hộ phương án nói trên nhưng, như có thể dự đoán trước là nó không làm cả người Do Thái lẫn người A rập thỏa mãn và chấp nhận.

Cả hai bên đều nhanh chóng tự vũ trang vì hiểu rằng chiến tranh là không thể tránh khỏi.

Vào tháng 12/1947, Liên đoàn các quốc gia A rập gồm Ai cập, Syria, Jordan, Li Băng, Iraq, A rập- Xê-ut và Yemen ra quyết định- sử dụng mọi biện pháp có thể để không cho phép thành lập Nhà nước Do Thái.

Về phần mình, người Do Thái lại rất hài lòng với một quyết định như vậy:

Nhà lãnh đạo của họ là Ben-Gurion tuyên bố rằng việc việc người A rập không công nhận Quốc gia Do Thái “cho phép chúng ta (người DoThái) hành động và đạt được những kết quả mà chúng ta sẽ không bao giờ đạt được bằng những phương pháp khác. Đối với chúng ta, đã xuất hiện cơ hội lấy lại tất cả những gì mà chúng ta có thể lấy”.

Chiến tranh bắt đầu

Đúng vào dịp Năm mới, ngày 1/1/1948, các nhóm chiến binh Do Thái là “Haganah”, “Irgun” và “Stern” phát động cuộc chiến tranh khủng bố tại Jerusalem với mục tiêu đẩy người A rập ra khỏi thành phố.

Ads by Blueseed .

Nhóm quân A rập “Các chiến binh Thánh chiến” ngay lập tức đáp trả cũng bằng một cuộc chiến tranh khủng bố tương tự.

Ngoài ra, người A rập còn bắt đầu phong tỏa con đường từ Tel- Aviv đến Jerusalem được người Do Thái sử dụng để tiếp tế cho thành phố này. Người Do Thái buộc phải điều quân áp tải các chuyến hàng bằng các xe ô tô bọc thép tự chế lắp súng máy.

Đến một thời điểm nhất định thì chiến thuật này tỏ ra rất có hiệu quả, tuy nhiên, vào ngày 24/3, “các chiến binh Thánh chiến” đã phá hủy một đoàn xe Israel khi nó đang tìm cách chọc thủng vòng vây đến tiếp viện cho Jerusalem.

Người DoThái phải tiến hành một chiến dịch quy mô lớn ở đoạn đường hẹp nhất (theo đúng nghĩa đen) trên tuyến qua đèo Bab El Oued để cho các xe của mình đi qua. Nhiệm vụ trên đã được hoàn thành trong 3 ngày, và đến ngày 6/3, đoàn xe vận tải tiếp theo đã đến được Jerusalem.

Để phát tuy chiến quả, người Do Thái triển khai chiến dịch càn quét các làng A rập ở khu vực quanh đèo và đuổi người A rập ra khỏi các làng đó. Ngày 9/4, làng Deir Yassin gần đèo đã bị triệt hạ hoàn toàn với 254 người bị giết.

Bốn ngày sau đó, các chiến binh A rập tại Jerusalem đã tấn công một đoàn xe y tế Israel gồm 10 xe ô tô, giết 75 người, chủ yếu là các nhân viên y tế Israel. Và như vậy, đến thời điểm đó, tuy chưa một quốc gia nào được thành lập trên vùng đất Palestine, nhưng các bên đã thực hiện nhiều hành động tội ác chống lại nhau và như thế đã loại trừ hoàn toàn bất cứ cơ hội hòa giải và thỏa hiệp nào.

Mặc dù còn gặp nhiều vấn đề với Jerusalem, người Do Thái đã kiểm soát được toàn bộ khu vực phía Bắc (khu vực Tel- Aviv + Haifa) và khu vực phía Nam (sa mạc Negev) trên lãnh thổ của một quốc gia dự kiến sẽ được thành lập.

Về phần mình, các nước thuộc Liên đoàn A rập trong một hội nghị tiếp theo đã quyết định tiến hành một chiến dịch tấn công chung của quân đội các nước gồm Iraq, Syria, Li Băng, Ai Cập, Jordan và các nhóm quân người Palestine với mục tiêu chiếm toàn bộ lãnh thổ Do Thái tại Palestine.

Bởi vì tất cả các nước nói trên đều có quân đội thường trực (chính quy) trang bị phương tiện kỹ thuật bọc thép, pháo binh và không quân trong khi lực lượng của người Do Thái chỉ gồm các nhóm chiến binh với các xe ô tô bọc thép tự chế, người A rập tin chắc rằng chỉ 2 tuần sau khi phát động chiến dịch, họ sẽ tổ chức tiến hành duyệt binh tại Tel-Aviv.

Các nước tham gia Liên quân cũng không thèm xem xét đến những kịch bản phát triển sự kiện khác có thể xảy ra.

Độc lập và chiến tranh mới

Ngày 14/5/1948, toàn bộ lực lượng Quân đội Anh rút khỏi Palestine, và vào đúng ngày đó, người Do Thái tuyên bố thành lập Nhà nước Israel.

Ngày hôm sau,15/5, Liên quân các nước A rập bắt đầu tấn công với để tiêu diệt Nhà nước Do Thái.

Cán cân quân số hai bên gần tương đương nhau: cả người A rập và người Do Thái đều đưa khoảng 20.000 tay súng vào tham chiến. Nhưng, như đã nói ở trên, ưu thế tuyệt đối về phương tiện kỹ thuật (vũ khí, khí tài) thuộc về phía Liên quân A rập.

Nhưng mặt khác, trình độ huấn luyện tác chiến của các quân đội A rập lại cực kỳ thấp (trường hợp ngoại lệ là lực lượng Lê dương A rập của Quân đội Jordan với hơn 7.000 tay súng), họ không hề lên kế hoạch chung tiến hành các chiến dịch (kế hoạch tác chiến) và kế hoạch đảm bảo hậu cần.

Còn về phía người Israel, họ có một ưu thế là các tuyến giao thông nội bộ cho phép cơ động lực lượng giữa các hướng chiến lược khác nhau.

Ở hướng Bắc, mặc dù có ưu thế đáng kể cả về quân số và phương tiện kỹ thuật, lực lượng quân đội Syria và Li Băng gần như không đạt được một thành tích đáng kể nào.

Ở khu vực trung tâm Israel , người Do Thái phải rất khó khăn mới chặn đứng được cuộc tấn công của Quân đội Iraq hướng về phía Địa Trung Hải để cắt đôi Israel.

Nhưng nhìn chung, Bộ tư lệnh cả hai phía đều cho rằng kết cục cuộc chiến sẽ được quyết định trong trận đánh giành Jerusalem.

Tại khu vực này (Jerusalem), lực lượng nòng cốt của Liên quân A rập là Trung đoàn cơ giới số 4 của lực lượng Lê dương A rập.

Chỉ huy trung đoàn này đã hành động cực kỳ bài bản, từng bước một đánh bật người Do Thái ra khỏi các trận địa của họ. Đồng thời, quân A rập cũng chiếm được thành phố Latrun và như vậy đã lại phong tỏa được đèo Bab El Oued, còn một cánh quân Ai cập khác tấn công từ hướng Nam đã hội quân được với lực lượng quân Li Băng.

Những nỗ lực của các đơn vị Do Thái đẩy quân A rập ra khỏi thành phố Latrun đã kết thúc bằng một thảm họa- quân Do Thái mất tới 220 binh sỹ.

Ngày 28/5, người Do Thái ở phổ Cổ Jerusalem đã đầu hàng, Quân A rập mở đường cho tất cả các thường dân rời khỏi thành phố.

Tuy không thể chiếm được thành phố Latrun, nhưng người Do Thái đã lập được một kỳ tích trong lao động, - chỉ trong vòng 3 ngày họ đã làm xong một con đường xuyên núi vòng qua đèo Bab El Oued.

Nhờ vậy mà đến ngày 10/6, đã có một đoàn xe tiếp viện đầu tiên đến được một khu tại Jerusalem, nơi có quân Do Thái vẫn đang cố thủ.

Đồng thời, Israel đưa ra đề nghị ngừng bắn với sự trung gian của LHQ và các bên đã ký một thỏa thuận dừng các hoạt động chiến sự.

Thỏa thuận này bắt đầu có hiệu lực cũng đúng vào ngày 10/6 và kéo dài trong vòng một tháng. Có thể nói, chính thỏa thuận này đã cứu người Do Thái khỏi một thảm bại chắc chắn.

Trận chiến quyết định

Cả hai bên tham chiến đều hiểu quá rõ là thỏa thuận ngừng bắn sẽ không được gia hạn, chính vì thế mà ráo riết mua sắm thêm vũ khí. Nhưng người A rập đã không đạt được một tiến bộ nào,- những nhược điểm như đã nói ở trên như trong công tác lập kế hoạch tác chiến và đảm bảo hậu cần không hề được khắc phục.

Người Do Thái thành công hơn rất nhiều. Họ đã “kiếm được” mấy nghìn khẩu súng bộ binh, 30 xe tăng Mỹ tương đối hiện đại lúc bấy giờ là M4 “Sherman”, hơn 30 khẩu pháo.

Israel cũng nhận được các máy bay chiến đấu hiện đại – 3 chiếc “Pháo đài bay” B-17, một số chiếc máy bay tiêm kích "Spitfire " do Anh sản xuất, 5 chiếc máy bay Mỹ P-51 “Mustang” và quan trọng nhất, 20 chiếc “Messerschmitt” Bf 109 G.

Những máy bay này lúc đó đang được sản xuất tại Tiệp Khắc (Sec và Slovakia hiện nay-ND) với các thành viên Chính phủ lúc đó hầu hết là người Do Thái, và họ đã rất vui vẻ bán những máy bay này cho các đồng bào của mình.

Rất nhiều lính tình nguyện đến giúp Israel từ Mỹ, Châu Âu và Liên Xô,- điều quan trọng nhất là gần như toàn bộ những người này đều có kinh nghiệm chiến đấu qua các trận chiến đẫm máu trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai.

Cần nhấn mạnh một điều là khi đó Liên Xô đứng hẳn về phía Israel với hy vọng biến nước này thành một thành trì của mình ở Trung Cận Đông nên đã không hề gây khó khăn cho những người tình nguyện từ Liên Xô đến tham chiến tại Israel.

Ngày 29/6, Quân đội phòng vệ Israel chính thức được thành lập. Ngày 9/7, ngay sau khi thoả thuận ngừng bắn hết hiệu lực, người Do Thái tiến hành ngay các đợt tấn công, cải thiện đáng kể tình hình trên tất cả các hướng.

Họ đã làm giảm đáng kể sức ép của người A rập lên thành phố Jerusalem, mặc dù Quân Israel vẫn chưa chiếm được thành phố Latrun và thành Cổ.

Quân Lê dương A rập (của Jordan như đã nói ở trên) cũng chiến đấu kiên cường. Ở phía Nam, các đơn vị Quân đội phòng vệ Israel phong tỏa sa mạc Negev, chia cắt lực lượng Ai cập và lực lượng Jordan.

Và đến thời điểm này thì chính người A rập là bên đề nghị ngừng bắn và một thỏa thuận ngừng bắn khác lại được ký vào ngày 17/7.

Vị quan chức LHQ làm trung gian trong các cuộc đàm phán là bá tước Thụy Điển Bernadot đề xuất phương án thỏa hiệp lãnh thổ, - theo đó thì người Do Thái sẽ chuyển giao sa mạc Negev cho người A rập- nhưng cũng chính vì phương án này mà ông đã phải trả giá đắt – các phần tử cực đoan Do Thái đã giết ông.

Cũng như lần trước, 3 tháng ngừng bắn đã được người Do Thái tận dụng triệt để để tái vũ trang và hoàn tất nhiệm vụ xây dựng Quân đội phòng vệ Israel- tập hợp các nhóm chiến binh rời rạc thành một đội quân chính quy.

Người A rập gần như không làm gì trong thời gian đó, không những thế, quốc vương Ai cập và quốc vương Jordan lại còn lên tiếng tranh luận công khai với nhau về việc nước nào có vai trò quan trọng hơn trong Liên minh chống Israel.

Các hoạt động tác chiến bùng phát trở lại vào ngày 15/10. Ở hướng Bắc, Quân đội Israel chỉ trong 2 tuần đã đánh bại hoàn toàn Quân đội Li Băng, tiến đến biên giới với nước này, còn Quân đội Syria thì bị đẩy lui đến tận chân Cao nguyên Goland.

Các trận đánh ở hướng Nam đã diễn ra cực kỳ ác liệt.

Một bộ phận trong lực lượng Quân đội Ai cập phải lui đến vùng đất bây giờ gọi là Dải Gaza, một số đơn vị khác bị bao vây chặt trong vào các “lò hơi”, tuy vậy, Quân Do Thái vẫn không thể đánh bại hoàn toàn các đơn vị này của Ai cập.

Xét tổng thể, các cố gắng của người Ai cập nhằm giải vây cho các đơn vị nói trên đều thất bại, và kết quả là- Quân đội Israel không chỉ chiếm được sa mạc Negev mà mà còn tiến vào Bán đảo Sinai – khu vực lãnh thổ Ai cập.

Đến thời điểm này, nước Anh ra tối hậu thư cho Israel và tuyên bố nếu Israel không rút quân khỏi Bán đảo Sinai, người Anh sẽ đến tham chiến cùng với Ai cập.

Cũng trong khoảng thời gian này lực lượng không quân non trẻ của Israel bắt đầu tham chiến và lập chiến công đầu – các máy bay tiêm kích Israel đã bắn hạ 6 máy bay tiêm kích của Không quân Anh. Vào đầu tháng 1/1949, chiến sự tại khu vực này chấm dứt.

Cuộc chiến tranh kết thúc ngày 10/3/1949, khi người Do Thái đã chiếm được Eilat, tức đánh thông đường ra Biển Đỏ. Sau đó, Israel lại ký thỏa thuận ngừng bắn với tất cả các nước A rập.

Theo thỏa thuận này, các đơn vị Ai cập bị bao vây trên sa mạc Negev được rút về nước cùng toàn bộ vũ khí và trang bị kỹ thuật.

Nhìn chung, người A rập đã thất bại nặng trong một cuộc chiến tranh do chính họ phát động, và nếu xét tương quan lực lượng thời gian đầu thì Liên quân A rập lẽ ra buộc phải thắng.

Một quốc gia Palestine A rập vẫn không được thành lập. Trên thực tế, lãnh thổ của nó bị các nước Israel, Ai cập và Jordan chia chác với nhau.

Đã có tới 800.000 người Palestine trở thành dân tỵ nạn- và những người này cho đến tận bây giờ vẫn bị các chính phủ A rập sử dụng phục vụ cho những mục đích ích kỷ của mình.

Nhưng mặt khác, Israel cũng không kiểm soát được toàn bộ Jerusalem – thành phố mà nước này coi là thủ đô của mình.

Trong cuộc chiến tranh này đã có gần 6.500 người Israel thiệt mạng, trong đó có hơn 4.000 quân nhân Quân đội phòng vệ Israel.

Các cuộc chiến tranh mới là không thể tránh khỏi.

Những cuộc đổ máu bắt đầu từ 70 năm trước cho đến bây giờ vẫn chưa kết thúc, và, nói một cách thực sự khách quan thì, không hề thấy có bất cứ một triển vọng kết thúc nào- thậm chí cả trong một tương lai rất xa.

Lê Hùng- Nguyễn Hoàng