30 năm ra đời của mạng lưới thông tin toàn cầu (world wide web): “Ý tưởng điên rồ” làm thay đổi cả nhân loại
QĐND - Ngày mai (12-3) sẽ đánh dấu 30 năm ra đời của mạng lưới thông tin toàn cầu (world wide web), gọi tắt là www. Từ ý tưởng ban đầu tưởng chừng điên rồ của một kỹ sư tin học trẻ, www đã mở đường cho một hiện tượng toàn cầu làm thay đổi cuộc sống nhân loại. Tuy nhiên, sự ra đời của www cũng gây ra nhiều mối đe dọa tiềm tàng.

30 năm ra đời của mạng lưới thông tin toàn cầu (world wide web): "Ý tưởng điên rồ" làm thay đổi cả nhân loại

QĐND - Ngày mai (12-3) sẽ đánh dấu 30 năm ra đời của mạng lưới thông tin toàn cầu (world wide web), gọi tắt là www. Từ ý tưởng ban đầu tưởng chừng điên rồ của một kỹ sư tin học trẻ, www đã mở đường cho một hiện tượng toàn cầu làm thay đổi cuộc sống nhân loại. Tuy nhiên, sự ra đời của www cũng gây ra nhiều mối đe dọa tiềm tàng.

Biến "ý tưởng điên rồ" thành hiện thực

Www là phát minh của kỹ sư người Anh Tim Berners-Lee trong thời gian ông làm việc tại phòng thí nghiệm của Tổ chức Nghiên cứu nguyên tử châu Âu (gọi tắt là CERN). Tim Berners-Lee đã phát minh ra www vào ngày 12-3-1989. Mới đây, trong một sự kiện do báo The Washington Post tổ chức, nhà khoa học Tim Berners-Lee cho biết: Ý tưởng đằng sau cái gọi là www được cho là điên rồ ở thời kỳ đó, song lại có ý nghĩa cao cả. Đó là cho phép mọi người trên toàn cầu hợp tác để giải quyết các vấn đề của thế giới. “Hãy tưởng tượng bạn có một vấn đề lớn như biến đổi khí hậu hoặc chữa ung thư, nhưng các mảnh ghép nằm trong bộ não của những người khác nhau… Do vậy, mục tiêu của world wide web là kết nối tất cả những người này”, nhà khoa học Tim Berners-Lee khẳng định.

Nhà khoa học Tim Berners-Lee, cha đẻ của www, tại CERN ngày 12-3-1989. Ảnh: AP

Theo tờ The Washington Post, www là một không gian thông tin toàn cầu mà mọi người có thể truy nhập qua các máy tính nối với internet. Www là một phần của internet, thường được gọi tắt là web vì nó là phần chủ yếu nhất của internet, tuy nhiên không phải là internet. Sau một vài năm ra đời, world wide web đã vượt xa đối tượng dự định đầu tiên của nó là các học giả và nhà khoa học. Ngày nay, web trở nên phổ biến vì nó cung cấp cho người dùng khả năng truy cập dễ dàng, từ đó người sử dụng có thể khai thác các thông tin trên internet dưới dạng văn bản, hình ảnh thậm chí cả âm thanh và video. Chính khả năng truy cập không giới hạn các tập tin trên mạng này đã làm thay đổi các hình thức kinh doanh truyền thống của nhiều lĩnh vực trong cuộc sống, cũng như mở ra không ít cơ hội cho những phát minh trong tương lai.

Tầm ngắm của tội phạm

Tuy nhiên, 3 thập kỷ sau khi phát minh ra www, nhà khoa học Tim Berners-Lee cảnh báo, phát minh của ông đang bị những kẻ lừa đảo tấn công, họ dùng mạng để thao túng thế giới. Theo tờ DW của Đức, kể từ khi www ra đời, trên thế giới đã xảy ra nhiều vụ tấn công mạng, trong đó phải kể đến vụ tấn công sử dụng phần mềm gián điệp tống tiền với tên gọi WannaCry. Vụ tin tặc này khiến khoảng 300.000 máy tính ở 150 quốc gia bị lây nhiễm vào tháng 5-2017, làm ảnh hưởng đến nhiều bệnh viện, có cả các bệnh viện thuộc Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS) của Vương quốc Anh, nhiều ngân hàng và các công ty thương mại...

Một bê bối khác là vụ tấn công mạng làm rò rỉ hàng nghìn email từ Ủy ban Dân chủ Quốc gia (DNC), cơ quan lãnh đạo của đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016. Bộ Tư pháp Mỹ sau đó buộc tội với 12 người Nga đã thực hiện cuộc tấn công này, đồng thời cáo buộc họ là đặc vụ của Cơ quan tình báo quân sự Liên bang Nga (GRU).

Tuy nhiên, phía Nga đã bác bỏ những cáo buộc trên từ phía Washington. Thậm chí, trong phiên họp Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) ngày 6-3 vừa qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin còn cho biết, Nga cũng là mục tiêu của bọn tội phạm mạng. Theo nhà lãnh đạo Nga, nếu trong giai đoạn 2014-2015, các vụ tấn công mạng vào khoảng hơn 1.500 lần, thì con số này đã tăng lên 12.000 lần trong năm 2016; 12.500 lần trong năm 2017 và 17.000 lần trong năm 2018. “Điều đáng nói, các cuộc tấn công mạng nhằm vào Nga được lên kế hoạch rất tốt, những chiến dịch quy mô lớn có khả năng gây tổn thất nặng nề đối với các lợi ích quốc gia của Nga. Do vậy, các cơ quan chức năng cần phải chuẩn bị sẵn sàng đối phó với tấn công mạng tăng mạnh trong thời gian tới”, Tổng thống Putin yêu cầu.

Về phần mình, Tim Berners-Lee thừa nhận, dù làm thay đổi cuộc sống của hàng tỷ người, song sự ra đời của www cũng tạo ra các mối đe dọa từ những trang mạng đen, tội phạm, tin giả và nạn trộm cắp dữ liệu cá nhân. Tim Berners-Lee cho biết, ông đang nỗ lực làm việc để sửa chữa thế giới trực tuyến mà ông đã giúp tạo ra. “Tôi vẫn không phải là một tỷ phú. Nhưng điều đó tốt, nếu không thì www sẽ không tồn tại”, ông Tim Berners-Lee chia sẻ trong buổi giao lưu tại trụ sở tòa soạn báo The Washington Post.

BÌNH NGUYÊN