Một đời son sắt
(QT) - 14 tuổi, cô bé Trịnh Thị Thanh Mão đã bắt đầu hoạt động cách mạng, lập những chiến công khiến kẻ thù phải kinh hồn bạt vía, để rồi hiến trọn cuộc đời mình cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc với một tấm lòng thuỷ chung, son sắt. Giờ đây, ở vào tuổi 60, bà lặng lẽ sống một mình trong ngôi nhà nhỏ ở giữa quê hương Hà Xá (xã Triệu Ái, Triệu Phong, Quảng Trị), làm một nhân chứng sống để giáo dục truyền thống yêu nước, thương nòi cho thế hệ trẻ hôm nay. Nợ nước, thù nhà
 |
Sinh ra trong cảnh nước mất nhà tan, lớn lên trong không khí ngột ngạt của khói thuốc súng và sự kìm kẹp của kẻ thù, tâm hồn thơ ngây của cô bé Trịnh Thị Thanh Mão ngày ấy dẫu chưa hiểu hết thế nào là chiến tranh, là mất nước nhưng đã bắt đầu hằn lên những nếp nhăn của sự căm hờn. Rồi một ngày, cơ sở cách mạng của cha bà bị lộ. Ông bị bắt và đưa đi giam cầm tại nhà đày Lao Bảo mãi đến năm 1960 mới trả về địa phương. Roi vọt của kẻ thù ở chốn rừng thiêng nước độc không thể khuất phục và giết được ông nhưng đã khiến sức khoẻ của ông kiệt quệ và mất sau đó 4 năm. Mẹ bà khóc vật vã hàng tháng trời rồi nuốt nước mắt đứng dậy, tần tảo kiếm bữa rau, bữa cháo nuôi 4 anh em bà khôn lớn. Rồi một ngày, anh trai quyết định “nhảy núi lên xanh” theo cách mạng. Khi ấy, bà tròn 14 tuổi, đủ lớn để biết đau thương, biết căm thù và biết biến lòng căm thù ấy thành hành động. Bà xin gia nhập vào Đội thiếu niên an ninh mật của thị Quảng Hà (cũ). Với sự thông minh, nhanh nhẹn và gan dạ của mình, bà được giao giữ chức đội trưởng của Đội. Bắt đầu từ đó, những buổi chăn trâu cắt cỏ, những trò chơi tuổi thơ tưởng như vô hại của thiếu niên làng Hà Xá còn có thêm một nhiệm vụ mới, đó là tiếp tế, cung cấp tin tức cho cán bộ cách mạng đang hoạt động bí mật tại địa bàn. Mỗi lần đưa trâu lên núi, các đội viên Đội thiếu niên an ninh mật thường bí mật chuyển lương thực, thuốc men từ ấp chiến lược vào căn cứ cách mạng để tiếp tế cho cán bộ cách mạng. Ngoài ra, Đội còn bày các trò chơi ở gần nơi địch đóng quân hay nhà các tên ác ôn để dò xét cách thức bố phòng, lịch trình đi lại, vũ khí, quân số và vẽ lại sơ đồ để báo cho cơ sở của ta. Buổi tối thì tham gia đào hầm, cắm chông, kể cả gài mìn để đánh xe địch... Bà kể: “Hồi đó, xe của địch đi trên Quốc lộ 1 khi ngang địa phận xã Triệu Ái thường dừng lại để mua mấy thứ quà quê lặt vặt do người dân đem bán. Biết được điều đó, Đội thiếu niên an ninh mật đã chọn những đội viên ưu tú nhất tham gia vào đội quân bán hàng rong ấy, dĩ nhiên trong túi xách của chúng tôi ngoài mấy món quà quê còn có thêm một quả mìn hẹn giờ. Lợi dụng lúc những người bán hàng rong nhốn nháo đổ xô đến để bán hàng, chúng tôi bí mật cài mìn hẹn giờ vào xe và... chờ đợi một tiếng nổ sau đó khoảng 10, 15 phút”. Bằng cách này, chỉ trong một thời gian ngắn, Đội thiếu niên an ninh mật do bà phụ trách đã đánh cháy 3 xe ô tô chở vũ khí, quân trang của địch, thậm chí, nếu không có sự cố đột xuất thì chính tên quận trưởng Hương Trà cũng phải đền mạng khi xe ô tô của hắn bị các đội viên bí mật gài mìn hẹn giờ. Dĩ nhiên, nữ đội trưởng Trịnh Thị Thanh Mão không thể thiếu phần trong những chiến công oanh liệt ấy. Với sự thông minh và lòng gan dạ của mình, chỉ chưa đầy 4 năm hoạt động, khi chưa tròn 18 tuổi, bà được vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng và làm Bí thư Chi bộ thôn Hà Xá. “Lúc đứng nghiêm mình dưới lá cờ của Đảng, tôi biết rằng, đền nợ nước, trả thù nhà không phải chỉ giết một vài tên giặc, đánh cháy vài chiếc xe mà phải sống, chiến đấu suốt đời, cho đến khi nào quê hương sạch bóng quân thù”, bà Mão tâm sự. Bắt kẻ thù phải tưởng niệm Bác Hồ Năm 1969, nhận được tin Bác mất trong khi sự nghiệp giải phóng dân tộc vẫn còn dang dở nên lòng dân rất hoang mang. Trước tình hình đó, Chi bộ thôn Hà Xá quyết định phải làm một việc gì đó để củng cố lòng tin trong nhân dân. Nhưng, làm việc gì thì phải cân nhắc kỹ lưỡng bởi thời điểm đó, địa bàn Hà Xá vẫn nằm trong sự kìm kẹp của địch, nếu không tính toán chu đáo thì kế hoạch không chỉ thất bại mà còn làm nhân dân hoang mang thêm. Suy tính mãi, cuối cùng Chi bộ quyết định sẽ lồng ghép tổ chức một buổi lễ truy điệu Bác nhân lễ cầu an của làng (đúng vào ngày rằm Trung thu) ngay trước mắt địch. Không có ảnh Bác, bà Mão nghĩ ra cách lấy tờ giấy bạc 2 đồng (có in hình của Bác) mà một anh bộ đội đã cho bà trước đó, khéo léo lồng vào khung ảnh có hình hoa sen đặt trên bàn thờ. Hôm lễ, địch sẽ đến dự rất đông nên để chúng không nghi ngờ nhưng vẫn đảm bảo sự trang nghiêm, mọi người thống nhất với nhau khi đến dự lễ, người già thì mặc quần trắng, áo đen; trẻ em thì quần xanh áo trắng; các đồng chí đảng viên thì cột một chiếc khăn mùi xoa trên cánh tay để để tang Bác.
 |
Bà Trịnh Thị Thanh Mão chụp ảnh lưu niệm với nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình và các đồng chí lãnh đạo tỉnh tại Nhà lưu niệm Tổng Bí thư Lê Duẩn (ảnh do nhân vật cung cấp) |
Buổi lễ diễn ra đúng như dự liệu của ta. Sau khi ông Trịnh Cách, Hội chủ của làng khấn lạy xong thì ông Hà Tồ, một quần chúng cốt cán (đặc biệt là có giọng nói rất to) bước ra tuyên bố lí do của buổi lễ. Mọi người đồng loạt đứng lên, chỉnh đốn trang phục. Bất ngờ, ông Hà Tồ tuyên bố: “Được tin Bác Hồ từ trần, nhân dân chúng ta vô cùng thương tiếc. Để tưởng nhớ công lao trời biển của Người, phút mặc niệm bắt đầu”. Quá bất ngờ nên kẻ địch không kịp phản ứng, đều đồng loạt cúi đầu mặc niệm. Một lúc sau, biết là bị mắc mưu nhưng đã lỡ cúi đầu rồi nên kẻ địch đành ngậm bồ hòn làm ngọt, lủi thủi ra về. Phấn khởi trước sự thành công ngoài mong đợi của lễ truy điệu, hôm ấy bà con ở lại thắp hương mãi đến trưa mới hả hê ra về... Một tuần sau, địch bắt đầu trả đũa. Những nhân vật nằm trong diện nghi vấn đều bị bắt bớ, tra tấn dã man, trong đó có bà Mão. Suốt một năm trời bị giam giữ và tra tấn dã man trong Ty Cảnh sát Quảng Trị và Khu lao xá Quảng Trị, bà Mão vẫn một mực không chịu hé răng lấy nửa câu. Cuối cùng kẻ địch đành phải trả bà về. Biết bà là một trong những nhân vật quan trọng trong lực lượng cách mạng ở địa phương (thời điểm đó, bà mới 19 tuổi, vừa là Bí thư chi bộ, Bí thư chi đoàn thôn Hà Xá, vừa là đội trưởng Đội thiếu niên an ninh mật của thị Quảng Hà), kẻ địch nham hiểm dùng chiêu lấy độc trị độc, bố trí bà làm Trung đội phó lực lượng nhân dân tự vệ để dễ bề theo dõi và làm lung lay tinh thần chiến đấu của nhân dân. Bà bí mật liên lạc với cấp trên xin rút ra ngoài chứ không thể ở lại làm tay sai cho giặc được. Cấp trên lập tức có ý kiến chỉ đạo: rút ra thì dễ nhưng đưa được người của ta vào hàng ngũ địch mới khó. Chúng muốn lấy độc trị độc thì ta tương kế tựu kế. Vậy là kể từ ngày đó, bà trở thành một chiến sĩ cách mạng hoạt động công khai trong lòng địch, lập được nhiều chiến công, góp phần quan trọng cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc. Ký ức về Tổng Bí thư Lê Duẩn
Với những thành tích xuất sắc trong chiến đấu và công tác, nữ du kích Trịnh Thị Thanh Mão 2 lần được tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt xe cơ giới, 3 Huân chương Chiến công hạng Ba, danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn khu Trị Thiên năm 1971 - 1972, Huy chương Vì sự nghiệp văn hoá và gần đây nhất là Huân chương Độc lập hạng Ba do Chủ tịch nước trao tặng nhân dịp kỷ niệm 35 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất non sông. |
Sau ngày đất nước thống nhất, bà Mão chuyển về công tác tại Huyện đoàn Triệu Phong cho đến năm 1980 thì chuyển sang Phòng VHTT huyện, phụ trách công tác bảo quản và hướng dẫn viên tại Nhà lưu niệm Tổng Bí thư Lê Duẩn (xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong). Ròng rã suốt 20 năm trời, bà vẫn đều đặn mỗi ngày đạp xe cả chục cây số từ quê nhà Triệu Ái về Triệu Thành để giới thiệu cho du khách thập phương hiểu hơn về cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc, về quê hương Quảng Trị trung dũng, kiên cường và về Tổng Bí thư Lê Duẩn, người con trung hiếu của đất mẹ Quảng Trị. Bà kể, hồi đó, ngôi nhà cũ của gia đình bác Duẩn vẫn còn đơn sơ lắm, tường nhà được dựng lên bằng những tấm gỗ bìa do cụ thân sinh bác Duẩn tận dụng từ nghề thợ mộc của mình, có chỗ được trát bằng đất hay tranh tre nứa lá nên mùa mưa lũ thường bị nước cuốn trôi. Đặc biệt, sau trận lũ lịch sử năm 1983, ngôi nhà bị hư hỏng khá nặng. Lãnh đạo tỉnh, huyện nhiều lần xin ý kiến bác để sửa sang lại ngôi nhà cho đàng hoàng hơn, thậm chí đã có lần bà được giao nhiệm vụ ra tận Hà Nội gặp bác Duẩn để xin ý kiến bác về việc này. Nhưng lần nào bác Duẩn cũng chỉ bảo, dân mình còn nghèo lắm, nhà của bác như vậy là được rồi, sửa sang làm gì cho tốn kém. Để tiền ấy thêm vào mà xây trạm xá, trường học cho dân... Có lần bác Duẩn về thăm quê, làm 2 mâm cơm đạm bạc để mời mọi người. Khi bác cầm đũa lên thì phát hiện mâm bên cạnh nhà bếp quên chưa bỏ đũa, bác liền đứng đứng dậy đi xuống bếp lấy đũa cho mọi người. Các đồng chí đi trong đoàn thấy vậy liền đứng dậy định xuống lấy cho bác, bác ngăn lại, bảo các chú cứ ngồi ăn đi, để bác xuống lấy cũng được. Sau bữa ăn, bác xuống nhà bếp, thấy bà Mão chỉ mặc mỗi một chiếc áo trong khi trời đang trở rét, bác nghiêm mặt bảo: “Tôi phê bình đồng chí vì ăn mặc phong phanh quá. Đồng chí phải mặc thêm áo vào kẻo bị ho đấy”. Bà Mão trả lời: “Tôi cũng phê bình đồng chí Tổng Bí thư vì đồng chí cũng ăn mặc phong phanh quá. Đồng chí phải giữ gìn sức khoẻ cho mình để còn lo cho dân, cho nước nữa chứ”. Rồi cả hai bác cháu cùng cười. “Bác Duẩn là vậy, bao giờ cũng quan tâm, chăm lo miếng cơm manh áo cho mọi người trước rồi mới lo cho mình. Đó là một đức tính mà tôi luôn ghi nhớ, học tập và phấn đấu làm theo suốt cả cuộc đời”, bà Mão tâm sự. Bài, ảnh: NGUYỄN THẾ CHUNG