Khởi sắc trên những cánh đồng 50 triệu/ha ở Gio Linh
(QT) - Huyện Gio Linh (Quảng Trị) đang đẩy mạnh triển khai mô hình cánh đồng 50 triệu đồng/ha/năm trên địa bàn các xã. Hiệu quả bước đầu cho thấy mô hình đã đem lại giá trị kinh tế, góp phần ổn định đời sống của bà con, tăng thu nhập và làm cho bộ mặt địa phương ngày càng đổi mới. Trên cơ sở mục tiêu phát triển kinh tế của huyện, Phòng nông nghiệp huyện Gio Linh đã tiến hành chỉ đạo các địa phương thực hiện các mô hình cánh đồng 50 triệu đồng/ha/năm với mong muốn đem lại cho bà con nông dân nguồn thu nhập cao từ sản xuất các loại cây giống, con giống mới phù hợp với điều kiện đất đai ở từng vùng. Qua một thời gian thực hiện, về cơ bản mô hình đã được triển khai nhân rộng trên địa bàn các xã. Đạt hiệu quả cao và có những bước đột phá là các xã Gio Phong, Gio Hòa, Gio Mỹ.
Ông Hoàng Đình Quốc, Trưởng Phòng nông nghiệp huyện Gio Linh nói: “Về phía huyện chỉ có thể hỗ trợ nâng cấp giống lúa và đẩy mạnh tập huấn kỹ thuật hướng dẫn bà con cách thức thực hiện mô hình, ngoài ra ít có sự hỗ trợ gì thêm. Mục tiêu của chúng tôi là vừa đẩy mạnh triển khai cánh đồng 50 triệu đồng/ha ở những địa phương còn nhiều khó khăn, đồng thời phải giữ vững kết quả ở những địa phương đã làm được”. |
Tại xã Gio Phong, cánh đồng 50 triệu đồng/ha/năm được tiến hành thí điểm từ năm 2004 với mô hình trồng cây mướp đắng kết hợp cây su le và mô hình trồng dưa hấu kết hợp sắn KM94 đã đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Cây mướp đắng và cây su le đã trở thành thế mạnh đem lại đời sống khá giả cho các hộ dân ở thôn Lan Đình. Lợi thế của việc xen canh gối vụ hai loại cây này đó là chúng có thể sống trên cùng một giàn, canh tác trên một diện tích đất. Theo kinh nghiệm của người dân, vào tháng 5 mướp đắng được trồng xuống, sau một thời gian chăm sóc, tháng tám bắt đầu thu hoạch quả. Tận dụng hệ thống giàn sẵn có, người nông dân tiếp tục trồng cây su le gối vụ thu đông, khi cây mướp đắng thu hoạch sắp xong thì cây su le được ươm giống và trồng vào giữa các hàng mướp đắng. Đến thời điểm cận và sau tết, cây su le được thu hoạch và bán với mức giá từ 3.000-5.000 đồng/kg, cho thu nhập từ 23 đến 25 triệu đồng/ha. Hiện ở thôn Lan Đình, diện tích trồng cây mướp đắng kết hợp su le đã đạt tiêu chí cánh đồng 50 triệu đồng/ha/năm và có diện tích là 30 ha. Thôn Lan Đình có 80 % hộ dân thực hiện mô hình trồng hai loại cây nói trên. Điển hình là anh Nguyễn Vũ trồng 3 sào mướp đắng kết hợp gối vụ với cây su le trên một giàn, mỗi năm anh thu hoạch được gần 20 triệu đồng từ hai loại cây này. Ở thôn Lễ Môn, cây dưa hấu trồng kết hợp với sắn KM94 trong rừng cao su chưa khép tán cũng đem lại hiệu quả kinh tế cao, thôn Lễ Môn đã phát triển được 20 ha dưa kết hợp với giống sắn KM94. Không chỉ ở Gio Phong, đối với xã Gio Mỹ việc thực hiện mô hình cá -lúa dọc hai bên bờ sông Cánh Hòm (các thôn An Mỹ, Cam Phổ, Phước Thị) hiệu quả đạt được cũng rất khả quan. Chỉ tính riêng Gio Mỹ, đến năm 2009 đã có 80 ha diện tích nuôi cá nước ngọt, trong đó có 30 ha mô hình kết hợp cá -lúa đem lại hiệu quả kinh tế cao. Để tìm hiểu rõ hơn về hiệu quả của mô hình này, chúng tôi tìm về thôn Phước Thị nằm trải dài bên con sông Cánh Hòm. Anh Nguyễn Thanh Vinh là một trong những thanh niên ở làng Phước Thị có diện tích nuôi cá kết hợp trồng lúa rất hiệu quả. Những thửa ruộng của anh Vinh sau khi bén mạ được xả nước vào ruộng kết hợp thả các loại cá như rô phi, chép, mè... Nhờ sự hỗ trợ về kĩ thuật chăm sóc của trạm khuyến nông và sự cần cù chịu khó, mỗi năm 1 ha diện tích lúa kết hợp thả cá của anh Vinh thu về được 70 triệu đồng, chưa kể 1 ha lúa giống chất lượng cao sẽ được anh Vinh tiến hành kết hợp thả cá trong vụ mùa năm sau”. Ông Trần Đình Xão Phó chủ tịch UBND xã Gio Mỹ cho biết: “Để góp phần thực hiện tốt Nghị quyết của huyện về việc xây dựng cánh đồng 50 triệu đồng/ha, chúng tôi sẽ đẩy mạnh việc kết hợp mô hình cá -lúa trên cơ sở diện tích mặt nước có sẵn và triển khai loại giống lúa chất lương cao như PC6, HC95, T10… để thực hiện thắng lợi mục tiêu”. Gio Mỹ đang nỗ lực phấn đấu đến năm 2015 sẽ có 125 ha chuyên nuôi cá nước ngọt đem lại hiệu quả kinh tế trên cơ sở kết hợp với trồng các giống lúa chất lượng cao. Đối với xã Gio Hòa có đặc điểm của vùng đất đỏ bazan, trồng tre lấy măng đã trở thành thế mạnh kinh tế, giúp nông dân ổn định đời sống. Tại thôn Nhất Hòa, đã có đến 40 hộ gia đình trồng măng tre, mỗi hộ trồng từ 200 đến 250 gốc, đem lại hiệu quả kinh tế, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng cánh đồng 50 triệu đồng/ha/năm của huyện. Anh Ngô Văn Thành ở thôn Nhất Hòa trồng gần 300 gốc tre cho thu nhập mỗi năm hàng chục triệu đồng. Thế mạnh của cây tre lấy măng là giá thành cao và không phải bỏ ra nhiều vốn. Cho đến nay, cây tre lấy măng không những phát triển ở Gio Hòa mà còn được phát triển mạnh ở Linh Thượng. Dù bước đầu đạt được những kết quả khả quan như vậy nhưng quá trình thực hiện mở rộng mô hình cánh đồng 50 triệu/ha ra địa bàn toàn huyện Gio Linh vẫn còn gặp nhiều thách thức. Do đặc thù địa bàn của một số xã nằm trên vùng gò đồi, diện tích đất canh tác không tập trung nên việc thực hiện kết hợp trồng trọt chăn nuôi nhiều loại cây con trên một diện tích còn gặp khó khăn. Ở các xã Hải Thái, Linh Hải chủ yếu là phát triển mô hình kinh tế trang trại kết hợp trồng cây lâm nghiệp, khó có thể triển khai áp dụng các mô hình kinh tế khác. Bên cạnh đó, công tác hỗ trợ ngân sách, con giống và cơ sở vật chật kỹ thuật của các ngành liên quan cũng chưa thực sự đáp ứng đủ nhu cầu phát triển kinh tế của nông dân. Hiện tại, những kết quả đạt được chủ yếu là từ sự nỗ lực của người dân. Trăn trở về vấn đề này, ông Hoàng Đình Quốc, Trưởng Phòng nông nghiệp huyện Gio Linh nói: “Về phía huyện chỉ có thể hỗ trợ nâng cấp giống lúa và đẩy mạnh tập huấn kỹ thuật hướng dẫn bà con cách thức thực hiện mô hình, ngoài ra ít có sự hỗ trợ gì thêm. Mục tiêu của chúng tôi là vừa đẩy mạnh triển khai cánh đồng 50 triệu đồng/ha ở những địa phương còn nhiều khó khăn, đồng thời phải giữ vững kết quả ở những địa phương đã làm được”. Với những hiệu quả đạt được bước đầu, huyện Gio Linh có lợi thế để xây dựng rộng rãi mô hình kinh tế cánh đồng 50 triệu/ha/năm. Tuy nhiên để mô hình này thực sự tạo thành sức bật kinh tế ở các địa phương, ngành nông nghiệp huyện cần đẩy mạnh hơn nữa những biện pháp phù hợp để những cánh đồng 50 triệu/ha/năm ngày càng trở nên phổ biến trên từng vùng đất. Trần Văn Tú