Được sự quan tâm của các cấp, các ngành, những năm gần đây hoạt động khuyến công ở huyện Đakrông có những chuyển biến tích cực, tạo động lực cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh trên địa bàn đầu tư ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ (KHCN) vào sản xuất. Qua đó, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho nhiều lao động, đẩy nhanh tiến độ giảm nghèo và thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.
![]() |
Nhờ nguồn vốn khuyến công hỗ trợ, chị Thủy đã ứng dụng thêm máy móc thiết bị vào sản xuất nước đá tinh khiết - Ảnh: K.S |
Để phát triển kinh tế gia đình, năm 2017 chị Nguyễn Thị Thủy ở Khóm 1, thị trấn Krông Klang đầu tư máy móc và thiết bị sản xuất nước đá cây tinh khiết. Nhận thấy trên địa bàn huyện chưa có cơ sở sản xuất đá viên phục vụ việc kinh doanh dịch vụ ăn uống mà chủ yếu nhập từ các cơ sở của những địa phương khác nên giá thành cao, không chủ động nguồn cung khi cần, vì thế chị Thủy muốn ứng dụng tiến bộ KHCN vào sản xuất đá viên. Năm 2020, chị Thủy xây dựng đề án “Đổi mới, ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất nước đá viên tinh khiết” và được huyện phê duyệt, hỗ trợ nguồn vốn khuyến công với số tiền 50 triệu đồng. Từ nguồn vốn này, chị quyết định bỏ thêm 250 triệu đồng để đầu tư mới hệ thống máy làm đá viên công suất 2 tấn. Sau khi đầu tư, cơ sở của chị có thể cung cấp sản phẩm mới với giá cạnh tranh có lợi cho người tiêu dùng so với các cơ sở khác, có kênh phân phối, tạo được uy tín và phục vụ nhu cầu của khách hàng tốt hơn. Với doanh thu đạt khoảng 360 triệu đồng/năm, sau khi trừ chi phí sản xuất, nhân công và khấu hao tài sản, lợi nhuận sau thuế đạt khoảng 30%, khả năng thu hồi vốn của cơ sở chỉ trong vòng khoảng 2 năm. Chị Thủy chia sẻ: “Nhờ nguồn vốn khuyến công huyện hỗ trợ, gia đình tôi có điều kiện đầu tư thêm trang thiết bị tiên tiến tạo sản phẩm mới mà trên địa bàn huyện chưa có cơ sở nào sản xuất. Bên cạnh đó, tạo việc làm và thu nhập làm ổn định cho 3 lao động với mức thu nhập khoảng 4 - 5 triệu đồng/người/tháng. Chúng tôi dự định sẽ đầu tư thêm máy lọc nước công suất lớn hơn để chủ động nguồn nước sạch sản xuất đá cây và đá viên tinh khiết”.
Để triển khai thực hiện các chính sách khuyến công của tỉnh, UBND huyện Đakrông đã tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện chương trình khuyến công trên địa bàn huyện giai đoạn 2016 - 2020. Theo đó, hằng năm, ban hành các kế hoạch công tác khuyến công; chỉ đạo xây dựng đề án khôi phục và phát triển các ngành nghề truyền thống; tổ chức bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp huyện, lựa chọn giới thiệu các sản phẩm đạt giải tham gia bình chọn cấp tỉnh. Ngoài ra, để nắm bắt nhu cầu hỗ trợ phát triển sản xuất đối với các tổ chức, cá nhân về nguồn vốn khuyến công cấp tỉnh cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh của các cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn, UBND huyện đã ban hành kế hoạch về việc điều tra, khảo sát tình hình; phối hợp với Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh khảo sát, lập đề án hỗ trợ khuyến công cấp tỉnh cho các tổ chức, cá nhân ứng dụng KHCN vào sản xuất trên địa bàn.
Nhờ triển khai hoạt động khuyến công cụ thể, phù hợp với nhu cầu, khả năng tiếp cận của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nên một số ngành nghề truyền thống ở huyện Đakrông đã được khôi phục và có xu hướng phát triển. Việc du nhập các ngành nghề khác trên địa bàn cũng được quan tâm thực hiện, một số cơ sở sản công nghiệp quan tâm hơn việc đầu tư ứng dụng KHCN góp phần đa dạng các ngành nghề, nâng cao chất lượng, tính cạnh tranh hàng hóa. Qua đó, nâng cao năng suất, doanh thu và lợi nhuận, năng lực cạnh tranh của các cơ sở sản xuất, góp phần tạo việc làm, thu nhập ổn định cho lao động và tăng thu ngân sách địa phương. Trong giai đoạn 2015 - 2020, huyện đã triển khai hỗ trợ xây dựng 13 đề án khuyến công ứng dụng KHCN vào sản xuất cho các tổ chức, cá nhân với tổng kinh phí gần 1,7 tỉ đồng, trong đó có 10 đề án cấp tỉnh, 3 đề án cấp huyện. Hỗ trợ tổ chức 1 lớp tập huấn kiến thức vệ sinh an toàn vệ sinh thực phẩm cho 28 hộ nấu rượu tại xã Ba Nang. Hỗ trợ duy trì và phát triển nghề dệt thổ cẩm ở xã A Bung. Ngoài ra, hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu, bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa, kiểu dáng công nghiệp đối với sản phẩm rượu men lá Ba Nang; dưa hấu Phú Thành của xã Mò Ó; lạc, đậu xanh Ba Lòng; hỗ trợ thị trường tiêu thụ và phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu; hỗ trợ các sản phẩm đặc trưng của địa phương tham gia các hội chợ trong tỉnh...
Giám đốc Trung tâm Phát triển cụm Công nghiệp và Khuyến công huyện Đakrông Lê Minh Giáp cho biết: “Sự quan tâm của tỉnh và địa phương trong việc hỗ trợ nguồn lực triển khai các đề án khuyến công cấp tỉnh, cấp huyện đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân ứng dụng tiến bộ KHCN vào sản xuất, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người dân. Thời gian tới, huyện tiếp tục hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và tiến bộ KHCN vào sản xuất; xây dựng nhãn hiệu, bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa, kiểu dáng công nghiệp; thị trường tiêu thụ và phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu gắn với phát triển cụm công nghiệp. Tập trung quản lý hiệu quả chương trình, đề án và nâng cao năng lực hoạt động khuyến công. Đổi mới công tác thông tin, tuyên truyền về hiệu quả mang lại từ nguồn vốn khuyến công”.
Kô Kăn Sương