Tận tâm với nghề
(QT) - Năm 1975, khi mới tròn 3 tuổi, chị Bùi Thị Vinh rời quê hương Hải Lăng theo gia đình lên lập nghiệp ở vùng kinh tế mới Thượng Đồng, xã Linh Hải (Gio Linh, Quảng Trị). 34 năm đã trôi qua, khi đã là mẹ của hai đứa con khỏe mạnh, chăm ngoan, chị mới có dịp ngồi ngẫm lại và thấy rằng, hình như số phận đã gắn chị với những cánh rừng cao su bạt ngàn như một duyên nợ. Bởi năm 1998, không ai nghĩ là cô thợ may Bùi Thị Vinh lại từ bỏ một công việc nhàn nhã và đang có thu nhập đều đặn để chuyển ...

Tận tâm với nghề

(QT) - Năm 1975, khi mới tròn 3 tuổi, chị Bùi Thị Vinh rời quê hương Hải Lăng theo gia đình lên lập nghiệp ở vùng kinh tế mới Thượng Đồng, xã Linh Hải (Gio Linh, Quảng Trị). 34 năm đã trôi qua, khi đã là mẹ của hai đứa con khỏe mạnh, chăm ngoan, chị mới có dịp ngồi ngẫm lại và thấy rằng, hình như số phận đã gắn chị với những cánh rừng cao su bạt ngàn như một duyên nợ. Bởi năm 1998, không ai nghĩ là cô thợ may Bùi Thị Vinh lại từ bỏ một công việc nhàn nhã và đang có thu nhập đều đặn để chuyển sang làm công nhân khai thác mủ của Nông trường cao su 74, Công ty Cao su Quảng Trị. Chị cho biết: Dù làm cô thợ may nhàn hạ hay nữ công nhân thức khuya dậy sớm với những vườn cao su, rồi đảm trách cương vị Chủ tịch Công đoàn bộ phận hay Trưởng Ban nữ công của Nông trường..., ở lĩnh vực nào chị cũng luôn tận tâm tận lực với công việc mình đang làm. Nếu nói là bí quyết thì bí quyết của chị chính là lòng yêu nghề. Chị kể, hồi đó, vốn khéo tay, lại yêu nghề thợ may nên quán của chị lúc nào cũng đông khách. Nhiều cô gái quanh vùng vì mến mộ bàn tay khéo léo của chị mà tìm đến xin học nghề. Quán đắt hàng, thu nhập khá, những tưởng chị sẽ gắn bó cuộc đời mình với nghề may, nếu như... quán may của chị không nằm gần những vườn cao su của Nông trường cao su 74. Những lúc rảnh rỗi, nhiều công nhân của nông trường thường tìm đến quán chị tán gẫu. Có người hỏi bâng quơ, sao Vinh không đi theo nghề của mẹ mà lại làm thợ may nhỉ? (Mẹ chị hồi đó cũng là công nhân của Nông trường cao su 74). Chị Vinh chỉ cười, cũng chẳng bận tâm nhiều đến điều đó. Nhưng rồi, ai ngờ, năm 1998, chị Vinh đột ngột bỏ nghề thợ may, xin vào làm công nhân khai thác mủ của Nông trường cao su 74 thay mẹ. Chị bảo, lúc đó đơn giản là muốn làm một cái gì đó mới mẻ hơn một chút, dù chưa chắc công việc mới sẽ khá hơn nghề thợ may bấy giờ. Với tâm nguyện dù làm công việc gì cũng phải tận tâm tận lực, chị Vinh đã không ngừng phấn đấu, học hỏi để hoàn thành xuất sắc những công việc được giao. Vườn cây do chị phụ trách luôn được chăm sóc tốt, cho sản lượng mủ đạt và vượt chỉ tiêu của Nông trường giao. Nhờ vậy chị có được một nguồn thu nhập tương đối khá giúp gia đình chị từng bước cải thiện đời sống, xây dựng nhà cửa kiên cố và mua sắm các tiện nghi sinh hoạt. Bên cạnh đó, những đồng nghiệp ở Nông trường cao su 74 còn biết đến chị Bùi Thị Vinh với cương vị là Trưởng ban nữ công của Nông trường luôn gương mẫu đi đầu trong mọi hoạt động. Từ phong trào thâm canh vườn cây, thể dục thể thao đến các hội thi do Công đoàn các cấp phát động hay các hội thi cạo mủ giỏi...., chị đều hăng hái tham gia và gặt hái được nhiều thành tích ấn tượng. Phong trào nữ công ở Nông trường được duy trì đều đặn và có chất lượng tốt. Hàng tháng, hàng quý đều có tổ chức họp để chị em cùng nhau trao đổi kinh nghiệm, giúp nhau tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong cuộc sống thường ngày cũng như trong hoạt động chuyên môn. Đặc biệt, từ năm 2004 đến nay, chị Bùi Thị Vinh đã được Tổng LĐLĐ Việt Nam, Công đoàn Cao su Việt Nam, Công đoàn Cao su Quảng Trị, Bộ NN & PTNT... tặng nhiều bằng khen, giấy khen vì những thành tích xuất sắc trong hoạt động chuyên môn và phong trào. Riêng hội thi cạo mủ giỏi lần nào chị tham gia cũng đều giành được giải. Đó chính là nguồn động viên, khích lệ lớn giúp chị Vinh không ngừng nỗ lực học tập, phấn đấu, rèn luyện tay nghề để từ đó nâng cao chất lượng công việc, nêu tấm gương sáng cho những công nhân khác. Chúng tôi cùng chị Vinh ra thăm vườn cao su rộng 2,36 ha do chị phụ trách. Buổi sáng, những dòng nhựa trắng tràn trề chảy dưới ánh nắng. Chị kể, trước đây vườn cây này do một người khác phụ trách. Do vườn cây xấu, người cạo tay nghề thấp nên sản lượng mủ không đạt chỉ tiêu. Thấy vậy, chị Vinh liền đứng ra xin nhận lại vườn cây này để chăm sóc và khai thác. Nhờ có tay nghề cao, lại biết cách chăm sóc cây nên từ đó đến nay, năm nào chị cũng hoàn thành chỉ tiêu về sản lượng mủ mà Nông trường giao. Với chị Bùi Thị Vinh, dù làm gì, ở cương vị nào thì lòng yêu nghề và tinh thần trách nhiệm luôn được chị đặt lên hàng đầu. THÚY AN