Quyết tâm thực hiện có hiệu quả mô hình thí điểm hỗ trợ cam kết thoát nghèo bền vững
* Đồng chí TRẦN VĂN HÙNG, Phó Chủ tịch UBND huyện Đakrông (Quảng Trị) trả lời phỏng vấn -Thưa đồng chí! Được biết huyện Đakrông vừa xây dựng phương án “Thí điểm xây dựng mô hình hỗ trợ hộ cam kết thoát nghèo bền vững” (gọi tắt là Phương án 39) . Đề nghị đồng chí cho biết lý do xây dựng đề án?
 |
-Thực hiện Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP, ngày 27/12/2008 của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo trong cả nước, những năm qua, Huyện ủy, UBND huyện Đakrông đã tập trung chỉ đạo, huy động, lồng ghép nhiều nguồn vốn để đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng như giao thông, thủy lợi, nước sinh hoạt, trường học, trạm y tế. Đến nay, các xã đều đã có đường giao thông đến trung tâm, 83,2 % số hộ được sử dụng lưới điện quốc gia, 62,4% số hộ được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 41,18 % năm 2011 theo chuẩn mới. Trên địa bàn huyện xuất hiện nhiều mô hình làm ăn kinh tế khá, giỏi; mức thu nhập bình quân/ người/năm trên địa bàn tăng từ 3,67 triệu đồng cuối năm 2009 lên 4,79 triệu đồng vào cuối năm 2011… Tuy nhiên, việc sử dụng nguồn vốn hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo để phát triển sản xuất vẫn chưa mang lại hiệu quả theo yêu cầu đề ra; chưa xây dựng được phương án cụ thể hỗ trợ hộ nghèo thông qua xây dựng mô hình phát triển sản xuất tổng hợp để thoát nghèo nhanh và bền vững, mức hỗ trợ cho hộ nghèo còn thấp, dàn trải, thiếu đồng bộ. Những hạng mục hỗ trợ cho hộ nghèo chưa có tính quyết định để giúp họ thoát nghèo; việc huy động và lồng ghép các nguồn vốn đầu tư chưa được quan tâm đúng mức; không có sự cam kết của các hộ nghèo khi được hỗ trợ; sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị được giao quản lý thực hiện với các địa phương trong công tác quản lý chỉ đạo thiếu chặt chẽ, công tác giám sát chưa được quan tâm. Bên cạnh đó, sự nỗ lực quyết tâm thoát nghèo của hộ nghèo chưa được phát huy, còn trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước; một số hộ nghèo sau khi được hỗ trợ chưa thoát nghèo bền vững và có nguy cơ tái nghèo trở lại, một số hộ vẫn muốn nhận được sự hỗ trợ của nhà nước, không muốn thoát nghèo… Qua thực tiễn nhiều năm cho thấy, nếu cứ duy trì như cũ về phương pháp, nội dung hỗ trợ và cách quản lý thực hiện về hỗ trợ cho hộ nghèo thì khả năng thoát nghèo bền vững sẽ còn kém hiệu quả. Để tăng quyền tự chủ cho các địa phương trong quản lý nguồn vốn, triển khai, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát trong quá trình thực hiện, kể từ năm 2012, UBND huyện đã phân cấp toàn bộ các nguồn vốn về hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc các nguồn 134, 135, 30a, nông thôn mới cho các xã quản lý thực hiện. Đồng thời, UBND huyện chỉ đạo Phòng Nông nghiệp & PTNT chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng phương án “Thí điểm xây dựng mô hình hỗ trợ hộ cam kết thoát nghèo bền vững” ban hành kèm theo Quyết định số 461/QĐ-UBND, ngày 16/5/2012, của UBND huyện. - Đồng chí có thể nói rõ hơn về mục tiêu, phạm vi, đối tượng, thời gian và quy trình thực hiện phương án 39? -Mục tiêu chung của phương án là nhằm huy động, lồng nghép các nguồn lực, thí điểm xây dựng mô hình hỗ trợ hộ nghèo thoát nghèo bền vững để đánh giá, tổng kết nhân rộng mô hình, góp phần đẩy nhanh công cuộc xóa đói giảm nghèo nhanh và bền vững của huyện. Mục tiêu cụ thể là phấn đấu đến cuối năm 2015, 100% số hộ (30 hộ) được chọn thí điểm xây dựng mô hình, sau khi được nhận hỗ trợ từ phương án này là những hộ thoát nghèo bền vững. Phương án được triển khai thực hiện tại 3 xã điểm về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện, đó là Hướng Hiệp, Mò Ó, A Ngo. Đối tượng là hộ nghèo chưa nhận được các chính sách hỗ trợ từ Chương trình 30a, 134, ưu tiên hộ nghèo là hội viên của Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên để phối hợp và tập trung chỉ đạo. Các hộ được chọn phải có bản cam kết với UBND xã thoát nghèo bền vững vào cuối năm 2015, sau khi nhận được các chính sách, nội dung hỗ trợ từ phương án này. Phương án triển khai thực hiện từ năm 2012 đến 2015, trong đó thực hiện hỗ trợ trực tiếp cho các hộ nghèo năm 2012, 2013 và tiếp tục hướng dẫn, giám sát kỹ thuật, theo dõi đánh giá tổng kết mô hình đến năm 2015.
 |
Mô hình hỗ trợ giống gà giúp phụ nữ làm chủ hộ thoát nghèo bền vững ở xã Mò Ó, huyện Đakrông -Ảnh: K.S |
Mỗi hộ nghèo tham gia mô hình ngoài việc tự đầu tư công lao động, vật tư kỹ thuật cần thiết, vay vốn ngân hàng…để phát triển sản xuất sẽ được hỗ trợ trực tiếp từ các chương trình, dự án và ngân sách nhà nước khoảng 30 triệu đồng bằng hiện vật (tùy theo quy mô diện tích trồng rừng, diện tích khai hoang, diện tích loại cây ngắn ngày cần chuyển đổi của các hộ cần hỗ trợ ). Cụ thể sẽ hỗ trợ 2 con bò cái vàng Việt Nam trong hai năm 2012, 2013, 1 triệu đồng làm chuồng trại, phân bón và cỏ VA06 để trồng 1-1,5 sào cỏ phục vụ chăn nuôi bò; giống cây lâm nghiệp, phân bón và một phần công phát thực bì, đào hố để trồng 1 đến 2 ha rừng thâm canh; giống, vật tư, phân bón cho một vụ đầu tiên để trồng các loại cây ngắn ngày như lúa nước, ngô, lạc, đậu các loại; khai hoang, phục hóa hoặc hỗ trợ chuyển nhượng đất sản xuất đối với hộ nghèo không có đất sản xuất theo Quyết định 1592/QĐ-TTg, ngày 12/10/2009, của Thủ tướng Chính phủ. Tùy theo quỹ đất của các địa phương, định mức hỗ trợ cho một hộ tối thiểu 0,25 ha đất ruộng lúa 1 vụ hoặc 0,15 ha đất ruộng lúa 2 vụ, 0,5 ha đất nương rẫy và tối đa 0,5 ha đất ruộng lúa 1 vụ hoặc 0,3 ha đất ruộng lúa 2 vụ, 2 ha đất nương rẫy; hỗ trợ giao đất cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; nếu có rừng tại địa phương, phù hợp theo quy định và có khả năng nhận khoán bảo vệ rừng sẽ được giao khoán bảo vệ rừng và hưởng lợi theo chính sách Nghị quyết 30a; vắc xin tiêm phòng dịch bệnh cho gia súc; tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật; được hướng dẫn và tạo điều kiện vay vốn lãi suất ưu đãi để phát triển sản xuất, chuyển đổi ngành nghề theo quy định hiện hành. Trước khi triển khai thực hiện phương án này, UBND xã và các hộ nghèo được chọn thí điểm xây dựng mô hình phải có bản cam kết thoát nghèo bền vững vào cuối năm 2015 sau khi tham gia hưởng lợi và thực hiện thí điểm phương án này; sử dụng có hiệu quả các nội dung được hỗ trợ, tuyệt đối không được bán, cầm cố, tặng, chuyển nhượng hoặc sử dụng sai mục đích, không để giống cây trồng vật nuôi bị mất, chết (trừ trường hợp bất khả kháng). Trong trường hợp vi phạm, tùy theo mức độ UBND xã có hình thức xử lý theo bản cam kết hộ gia đình đã ký và theo các quy định hiện hành; ngoài sự hỗ trợ của nhà nước phải tự đầu tư công lao động, phân bón hữu cơ, các loại vật tư, vật liệu khác (nếu có) theo yêu cầu định mức kỹ thuật; tự đầu tư thêm vốn hoặc vay ngân hàng (nếu hiện nay chưa vay và có đủ điều kiện để vay) và cùng với vốn nhà nước hỗ trợ theo phương án này để đầu tư mở rộng quy mô, hình thức sản xuất, phát triển kinh tế của hộ gia đình, như nuôi trồng thêm lợn, gà, cá và một số loại cây ngắn ngày khác; các sản phẩm làm ra từ mô hình sau khi bán, trích và tích lũy một phần kinh phí để đầu tư trở lại vào sản xuất; không được bán gia súc sinh sản bố mẹ được nhận hỗ trợ cho đến hết năm 2015, sau năm 2015 nếu muốn bán phải có ý kiến của UBND xã. Tham gia đầy đủ các cuộc họp do các cơ quan liên quan, UBND xã, thôn.. tổ chức; tham gia xây dựng thành lập tổ nhóm sản xuất và thực hiện các quy chế hoạt động của tổ, nhóm sau khi đã được thông qua và UBND xã phê duyệt; tuân thủ sự chỉ đạo hướng dẫn của cán bộ được phân công theo dõi về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh, phòng chống rét, làm chuồng trại, trồng cỏ, dự trữ thức ăn....; sinh đẻ có kế hoạch và cam kết thực hiện các chính sách, chủ trương của Đảng và Nhà nước có liên quan. Việc hỗ trợ cho hộ cam kết thoát nghèo đều phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định, hướng dẫn của Chính phủ, Bộ ngành Trung ương và của UBND tỉnh như: không được trùng các nguồn vốn (134, 135, 30a) cho cùng một đối tượng; định mức hỗ trợ cho một hộ; cơ cấu, chủng loại giống cây trồng, vật nuôi, vật tư…Tuy nhiên, để nâng mức hỗ trợ cho hộ nghèo có điều kiện thoát nghèo bền vững thì cần huy động lồng ghép các nguồn vốn. Ngoài nguồn vốn 135 hoặc 30a thì phải sử dụng kinh phí sự nghiệp kinh tế hàng năm, vốn 134, dự án bảo vệ và phát triển rừng. Tổng nguồn vốn để thực hiện phương án trong 3 năm là 1,101 tỷ đồng, trong đó riêng năm 2012 là 528 triệu đồng. - Để triển khai thực hiện có hiệu quả phương án này, huyện đã có những giải pháp cụ thể gì, thưa đồng chí? -Những giải pháp mà huyện tập trung thực hiện trong thời gian tới là thực hiện việc lồng ghép các nguồn vốn: Vốn sự nghiệp 30a, vốn sự nghiệp kinh tế, chương trình 134, 135, các nguồn vốn về trồng rừng, vốn tự có, vốn vay của hộ gia đình và các nguồn vốn hợp pháp khác. Tổ chức tuyên truyền, vận động và triển khai thực hiện hỗ trợ đất sản xuất cho các hộ tham gia mô hình không có hoặc thiếu đất sản xuất theo nội dung Quyết định 1592/QĐ-TTg, ngày 12/10/2009, của Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn thực hiện việc chuyển nhượng và nhận chuyển nhượng đất ruộng nước hoặc đất trồng các loại cây ngắn ngày từ các hộ dân trong thôn, xã theo quy định. Huy động nguồn nhân lực từ tổ chức chính trị xã hội ở địa phương và bố trí cán bộ trực tiếp giúp đỡ, hướng dẫn các hộ tham gia mô hình trong công tác vay và sử dụng vốn có hiệu quả, hoặc một số công việc trong áp dụng kỹ thuật, có tính chất về thời vụ, cần nhiều lao động trong cùng một lúc. Để thực hiện thành công phương án này, chắc chắn sẽ còn gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng với sự quyết tâm cao, UBND huyện Đakrông tin tưởng rằng, Phương án 39 sẽ đạt được kết quả cao, tạo sức lan tỏa để các xã, thị trấn trên địa bàn huyện tự xây dựng phương án của địa phương mình để triển khai thực hiện; góp phần thực hiện thành công sự nghiệp xóa đói giảm nghèo nhanh và bền vững của địa phương. -Xin cảm ơn đồng chí! KÔ KĂN SƯƠNG (Thực hiện)