Năm 2022 có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng để thực hiện các mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021 - 2025. Đặc biệt nhờ bám sát chủ đề “Trách nhiệm, kỷ cương -Thích ứng an toàn-Thúc đẩy tăng trưởng” nên hoạt động sản xuất công nghiệp, kinh doanh thương mại trên địa bàn tỉnh có mức tăng trưởng cao.
Khu du lịch Cửa Việt - Ảnh: L.K
Ngành Công thương đã tích cực phối hợp các sở, ban, ngành của tỉnh bám sát, theo dõi chặt chẽ tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp và người lao động trên địa bàn tỉnh.
Một số nhà đầu tư lớn, dự án quan trọng đã xúc tiến nhanh tiến độ như Tập đoàn T&T và các nhà đầu tư Hàn Quốc triển khai thủ tục đầu tư nhà máy điện khí LNG Hải Lăng 1.500MW (hiện đã khởi công dự án Hợp phần kỹ thuật dự án Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng, giai đoạn 1), Khu công nghiệp ViSIP8, Khu công nghiệp Triệu Phú,...Ngành điện triển khai đầu tư Dự án Trạm biến áp 500kV tại Quảng Trị, Công ty Cổ phần bia quốc tế TTC đẩy nhanh tiến độ Dự án Nhà máy bia quốc tế TTC-Cam Lộ đi vào hoạt động trong năm 2022...
Vì vậy, tình hình sản xuất công nghiệp, kinh doanh thương mại tiếp tục đà tăng trưởng cao so với năm 2021 (chỉ số IIP tăng 18,68%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 15,74%). Chỉ số sản xuất công nghiệp, các sản phẩm công nghiệp chủ yếu và các chỉ tiêu của ngành tiếp tục mức tăng trưởng cao và vượt kế hoạch đề ra.
Chỉ số sản xuất công nghiệp ước tính tăng 18,68%. Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu tiếp tục ổn định và tăng trưởng như điện sản xuất tăng 100,49%, dăm gỗ tăng 39,09%, gỗ cưa, gỗ xẻ tăng 20,1%; quặng inmenit tăng 19,59%...
Các dự án đầu tư về lĩnh vực năng lượng, công nghiệp được triển khai đảm bảo yêu cầu. Các dự án năng lượng tái tạo thuộc nhóm 30 dự án trọng điểm đang được tích cực triển khai và đẩy nhanh tiến độ.
Siêu thị hàng hóa phong phú, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân -Ảnh: L.K
Trên lĩnh vực thương mại, kể từ quý II năm 2022, sau khi tình hình COVID-19 được kiểm soát các hoạt động thương mại, du lịch, dịch vụ diễn ra sôi động. Đặc biệt dịch vụ du lịch, lưu trú, ăn uống và vui chơi giải trí diễn ra nhộn nhịp bắt đầu từ đầu quý II năm 2022 đến nay.
Các doanh nghiệp, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng bán lẻ tổ chức các chương trình khuyến mãi hấp dẫn, giá cả hợp lý với nhiều loại mặt hàng giảm giá nhằm kích cầu tiêu dùng, góp phần đảm bảo tình hình thị trường hàng hóa trên địa bàn tỉnh lưu thông thông suốt, không có hiện tượng khan hàng, gây sốt giá.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính đạt 26.713,32 tỉ đồng, tăng 15,74% so với cùng kỳ năm trước. Hoạt động ngoại thương vẫn giữ được nhịp tăng trưởng so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất nhập khẩu qua địa bàn tỉnh trong 10 tháng năm 2022 ước đạt 665,255 triệu USD, giảm 27,3% so cùng kỳ năm trước, trong đó: kim ngạch xuất khẩu ước đạt 231,57 triệu USD, tăng 29,7%; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 433,685 triệu USD, giảm 41,8%.
Mặc dù các chỉ tiêu phát triển của ngành có mức tăng trưởng cao, tuy nhiên quy mô tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ vẫn chưa tương xứng với tổng mức kinh tế của tỉnh. Sản phẩm chế biến thô và gia công còn chiếm tỉ lệ lớn trong cơ cấu ngành công nghiệp và cơ cấu hàng hóa xuất khẩu.
Công tác hỗ trợ hợp tác liên doanh giữa các doanh nghiệp trong tỉnh và trong khu vực để hình thành trung tâm sản xuất, chuỗi cung ứng hàng hóa dịch vụ chưa được đồng bộ. Việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm địa phương còn gặp nhiều khó khăn...
Sản phẩm gỗ MDF -Ảnh: L.K
Vì vậy, để hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch năm 2023 và các chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra, ngành Công thương tập trung thực hiện các nhiệm vụ giải pháp về đẩy mạnh cơ cấu lại công nghiệp-thương mại nhanh và bền vững, tăng dần tỉ trọng công nghiệp-thương mại trong cơ cấu GRDP của tỉnh.
Đẩy mạnh phát triển công nghiệp trên cơ sở khai thác, phát huy các ngành có lợi thế. Nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh, tăng hàm lượng công nghệ cao để tham gia chuỗi giá trị toàn cầu ở một số sản phẩm, lĩnh vực chủ yếu. Thu hút các dự án đầu tư công nghiệp lớn, công nghệ tiên tiến để tạo động lực thúc đẩy ngành công nghiệp của tỉnh phát triển.
Triển khai xây dựng các dự án năng lượng tái tạo đã được quy hoạch. Đẩy mạnh thu hút đầu tư và triển khai thực hiện các dự án động lực tại Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị và các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Tiếp tục thu hút các dự án phù hợp, đúng quy hoạch vào Khu công nghiệp Quán Ngang; tiếp tục hỗ trợ nhà đầu tư để sớm triển khai dự án Khu công nghiệp Quảng Trị (ViSIP 8).
Tập trung thu hút đầu tư phát triển cơ sở sở hạ tầng thương mại dịch vụ, nhất là thu hút đầu tư, phát triển các siêu thị, trung tâm thương mại tại thành phố Đông Hà và một số đô thị đông dân cư để thúc đẩy hoạt động kinh doanh thương mại phát triển, gắn phát triển cơ sở hạ tầng với nâng cao chất lượng, hiệu quả của các loại hình dịch vụ; gắn phát triển thương mại dịch vụ với du lịch của địa phương, để thúc đẩy hoạt động du lịch phát triển.
Tiếp tục thu hút, xúc tiến đầu tư các trung tâm dịch vụ logistics, các kho vận chuyển trên Hành lang kinh tế Đông-Tây phục vụ lưu thông hàng hóa hai chiều giữa các nước ASEAN. Nhất là khi tuyến cao tốc Cam Lộ-Túy Loan hình thành tạo liên kết với tuyến Quốc lộ 9 nối cảng Cửa Việt và Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo thì việc hình thành trung tâm dịch vụ logistics là rất cần thiết.
Tích cực thúc đẩy hoạt động thương mại biên giới, khai thác hiệu quả Hiệp định Thương mại biên giới Việt Nam-Lào để thúc đẩy các loại hình dịch vụ phát triển. Triển khai các biện pháp thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu. Đẩy mạnh cải cách hành chính tạo môi trường thuận lợi để phát triển sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Lâm Khanh