Nỗi buồn thổ cẩm
(QT) - Không biết từ bao giờ, dệt thổ cẩm đã trở thành nghề truyền thống mang đậm nét văn hóa của đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô. Nhưng rồi vì nhiều lý do khác nhau, hiện tại nghề dệt thổ cẩm đang dần bị mai một, cho dù những người phụ nữ ở miền sơn cước vẫn còn nặng lòng... Bán chẳng ai mua Tôi đến bản Ka Lu (xã Đakrông, huyện Đakrông), dừng chân hỏi chị em phụ nữ nơi đây về nghề dệt thổ cẩm thì chỉ nhận được cái lắc đầu: “Nghề dệt thổ cẩm bây giờ có ai làm nữa đâu. Mà có làm thì sản phẩm bán chẳng ai mua nên chị em đành chuyển sang nghề khác để mưu sinh. Chứ bám nghề thì lấy gì mà sinh sống. Trong bản này, khung cửi hầu như đã bị lãng quên, bị xếp xó nơi góc nhà sàn”. Ghé thăm nhà chị Hồ Thị Lan (41 tuổi), Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ bản Ka Lu (một người rất tâm huyết với nghề dệt thổ cẩm), tôi được chị cho biết: “Trước đây, chị em phụ nữ trong bản Ka Lu được đi học 2 tháng về nghề dệt thổ cẩm do dự án của Ủy ban Y tế Hà Lan - Việt Nam phối hợp với huyện Đakrông tổ chức. Nhưng chị em cũng chỉ mới học để biết thôi chứ chưa làm thành thạo được”.
.JPG) |
Để làm ra một bộ trang phục trong lễ cưới truyền thống của đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô, anh Hồ Văn Hồi phải mất nhiều tháng trời mới hoàn thành |
Biết được nghề, chị em ngày đêm hăng say dệt thổ cẩm nhưng rồi sản xuất theo hình thức manh mún, thủ công lại không “rành nghề” nên sản phẩm làm ra chưa được khách hàng đánh giá cao. Mặt khác, sản phẩm được bày bán với giá thành cao gấp 2 - 3 lần sản phẩm dệt công nghiệp nên rất khó tiêu thụ. Theo chị em ở bản Ka Lu thì để dệt được tấm thổ cẩm vuông vức với chi tiết hoa văn đơn giản nhất cũng phải mất gần một tuần, còn với các sản phẩm có chi tiết hoa văn cầu kỳ thì phải mất khoảng 10 - 12 ngày. Thậm chí có một số chi tiết không thể làm được phải gửi đi nơi khác làm thay. “Sản phẩm của chị em chưa đạt độ tinh xảo nhưng lại có giá thành quá cao nên không thể cạnh tranh được với hàng dệt công nghiệp. Nói thật chứ sản phẩm tâm huyết làm ra mà bán không ai mua làm chị em nản chí lắm. Chẳng muốn làm nữa”, chị Hồ Thị Thông (33 tuổi) ở bản Ka Lu cho biết. Chị Hồ Thị Quế ngồi bên cạnh tiếp lời: “Để dệt được một chiếc váy, chị em chúng tôi đã bỏ ra từ 200- 250 nghìn đồng mua sợi tổng hợp, lại tốn thêm 10 ngày công ngồi ở nhà để dệt nên giá sản phẩm bán ra phải từ 400-500 nghìn đồng mới tạm gọi là có thu nhập. Thế nhưng, khách hàng luôn chê đắt vì với số tiền khoảng 300 nghìn đồng là họ có thể mua được một chiếc váy, áo đẹp hơn hàng chúng tôi làm. Chính vì thế, sản phẩm của chị em làm ra chỉ để trưng bày mà thôi”. Chị Hồ Thị Lan mang ra cho tôi xem chiếc áo mà chị phải mất thời gian 20 ngày mới hoàn thành và từng được treo bán với giá gần 1 triệu đồng. So với hàng dệt thì chiếc áo kém tinh xảo hơn, lại đắt gấp 3 lần nên chẳng ai mua vì thế chị đành giữ lại để mặc. Theo anh Hồ Văn Hồi, (43 tuổi) trú tại khóm 6 (thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa) là người từng dạy chị em ở bản Ka Lu dệt thổ cẩm thì để dệt một chiếc váy, áo (dệt thẳng không hoa văn cầu kỳ) cũng mất 4-5 ngày và chiếc khăn cũng mất 3-4 ngày nên phải bán ra khoảng từ 600- 700 nghìn đồng/chiếc. Mặc dù là thầy giáo dạy nghề dệt thổ cẩm, có tay nghề cao nhưng so với chi phí bỏ ra, anh cũng chẳng thu lãi được bao nhiêu.
.JPG) |
Dù vẫn còn yêu nghề dệt thổ cẩm nhưng chị Hồ Thị Thông vẫn không bám trụ được |
Hiện tại, để dệt nên một tấm thổ cẩm, chị em phụ nữ đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô đều mua sợi tổng hợp bán sẵn chứ không trồng dâu, nuôi tằm hay sử dụng vỏ cây làm nguyên liệu như ngày xưa. Và rõ ràng trên một sản phẩm cùng chất liệu nhưng đẹp và có giá rẻ hơn bao giờ cũng được khách hàng lựa chọn. Chị Nguyễn Thị Thương, cán bộ làm việc tại Khu du lịch cộng đồng Ka Lu chia sẻ: “Du khách đến tham quan ở đây, họ không mấy mặn mà với sản phẩm thổ cẩm do người địa phương làm ra vì giá quá đắt. Họ hỏi nhiều về các sản phẩm như túi xách, túi đựng điện thoại, máy tính thì không có, bởi chị em không biết làm. Thỉnh thoảng, một số du khách nước ngoài cũng thích thú với các sản phẩm thổ cẩm trưng bày nhưng khi hỏi đến giá cả thì họ lắc đầu bỏ đi”. Nghề dần mai một Thổ cẩm của đồng bào Vân Kiều, Pa Kô ngày xưa được tạo ra từ quá trình lao động cần cù thông qua việc trồng bông, dệt vải, trồng dâu, nuôi tằm hay sử dụng nguyên liệu từ vỏ cây (thường gọi là vỏ cây Kờ đùn) để từ đó dệt nên các sản phẩm thổ cẩm đa dạng, phong phú về kiểu dáng và sắc màu. Anh Hồ Ê Nót (40 tuổi) ở bản Cu Pua (xã Đakrông) là người khá am hiểu về nghề dệt thổ cẩm kể rằng: “Ngày xưa, sản phẩm được làm thủ công nhưng rất bền và đẹp chứ không như dệt bằng sợi công nghiệp như bây giờ. Áo, váy bây giờ mang đi làm rẫy mà vướng vào cây gai, lau lách là rách ngay. Đã thế, các sản phẩm dệt công nghiệp từ các nước như Lào, Thái Lan tràn về với giá rẻ đã làm cho nghề dệt thổ cẩm thủ công bị hạn chế phát triển...”.
.JPG) |
Chị Hồ Thị Lan bên sản phẩm của mình |
Trước đây, để dệt một tấm thổ cẩm, đồng bào Vân Kiều, Pa Kô phải mất hơn nửa năm trồng bông, trồng dâu để chuẩn bị nguyên liệu, rồi sau đó phải qua nhiều công đoạn mới xe được sợi vải để dệt nên tấm thổ cẩm truyền thống. Hiện nay, đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô hầu như không trồng bông, trồng dâu, nuôi tằm để dệt vải nữa. Những tấm thổ cẩm bây giờ được dệt từ sợi tổng hợp nên không giữ được sự tinh tuý vốn có. Khi sản phẩm làm ra không có nét riêng biệt, lại kém hơn các sản phẩm cùng loại trên thị trường nên khó mà tiêu thụ được. Bên cạnh đó, công tác quản lý, bao tiêu sản phẩm chưa có, chưa tổ chức được thành nhóm sản xuất, mà tự dệt, tự tiêu thụ nên sản phẩm làm ra manh mún, chưa tạo được sự liên kết trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Sản phẩm bán không ai mua nên chị em phụ nữ Vân Kiều, Pa Kô ở bản Ka Lu dần dần từ bỏ nghề dệt thổ cẩm. Những chiếc khung dệt dự án ngày nào giờ đành xếp tạm vào một góc nhà sàn, có người còn mặn mà thì cất lên mái nhà cho đỡ mối mọt để về sau còn dùng. “Chị em chúng tôi theo nghề dệt trước hết là vì muốn giữ gìn lấy nghề truyền thống dân tộc mình, chứ bám theo nghề này để kiếm miếng cơm, manh áo thì không tồn tại được. Tính ra mỗi ngày ngồi dệt thổ cẩm may mắn lắm cũng kiếm được 5 - 10 nghìn đồng là cùng, thậm chí còn lỗ công lao động. Sản phẩm làm ra treo bán với giá 500-600 nghìn đồng thì chẳng ai mua nhưng bán với giá từ 300-350 nghìn đồng thì coi như làm không công. Để lo cho cuộc sống gia đình, cánh phụ nữ chúng tôi đành phải xếp khung cửi để lên rẫy mưu sinh và dần dần nghề mai một theo năm tháng”, chị Hồ Thị Thông cho biết. Thị trường tiêu thụ ngày một ít đi, nhu cầu thị hiếu thay đổi đã khiến thế hệ trẻ sau này ít dùng đến thổ cẩm. Phần lớn thanh niên đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô bây giờ ham thích các mốt thời trang trong nước cũng như có xuất xứ từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan... được quảng bá rầm rộ trên mạng internet, các phương tiện thông tin đại chúng. Và dĩ nhiên, họ bắt đầu ít ngó ngàng đến trang phục truyền thống mà các bậc cao niên trong làng đã dày công gìn giữ và lại càng không mặn mà việc giữ lấy nghề. Tôi gặng hỏi những thiếu nữ ở bản Ka Lu về nghề dệt thổ cẩm truyền thống thì họ đều e ngại trả lời và hầu như các em chỉ biết khâu vá, thêu thùa sơ lược mà thôi. “Mấy đứa trẻ chê nghề dệt ngồi một chỗ, không được đi lại nhiều, làm nhiều mà thu nhập thấp. Chính vì thế, thiếu nữ Vân Kiều, Pa Kô ngày càng xa rời nghề tổ tiên truyền lại. Sau này, thế hệ người già như chúng tôi qua đời thì còn ai giữ lấy nghề nữa?”, Pỉ Thiên ở bản Ka Lu buông tiếng thở dài. Chiều buông lên bản Ka Lu trong im vắng tiếng lách cách thoi đưa. Tôi ra về mà vẫn văng vẳng bên tai tiếng thở dài cùng câu nói của Pỉ Thiên rằng rồi đây “còn ai giữ lấy nghề nữa”. Tôi biết Pỉ Thiên cũng như nhiều chị em phụ nữ Vân Kiều, Pa Kô vẫn còn “nặng tình” với thổ cẩm lắm... Bài, ảnh: TRẦN NHƠN BỐN